fbpx

Bài học từ vị CEO ở tuổi 20 và gọi vốn thành công 77 triệu đô sau 10 năm

Suhail Doshi là nhà sáng lập và cựu giám đốc điều hành (CEO) của Mixpanel – một công ty phân tích dữ liệu đã huy động được 77 triệu USD trong 10 năm. Anh chia sẻ trở thành CEO ở tuổi 20 quả là không dễ dàng nhưng anh đã học được những bài học đắt giá trong quá trình điều hành công ty.

Dưới đây là những chia sẻ của Suhail Doshi về những gì anh đã học được với tư cách là một CEO.

Suhail Doshi
Suhail Doshi

Năm 20 tuổi, tôi trở thành CEO. Tôi bỏ ngang đại học, còn trước đó thì thực tập tại một công ty khác. Tôi không thể tưởng tượng nổi hành trình ngày nào chỉ bắt đầu từ công việc viết code cả ngày, nay đã trở thành công ty có quy mô lên đến 300 người.

Tôi thật may mắn – nhiều khi trải qua những thất bại cay cú, nhưng tôi nhận được rất nhiều trợ giúp.

Và đây là những bài học tôi góp nhặt được dọc hành trình:

1. San sẻ nhiệm vụ và trao quyền

Từ bỏ quyền kiểm soát rất khó. Lúc đầu, tôi cảm thấy thứ gì cũng quan trọng. Nhưng bạn không thể giỏi tất cả mọi thứ. Theo thời gian, tôi học được tầm quan trọng của dứt khoát từ bỏ việc gồng gánh công việc một cách có ý thức. Nếu thiếu đi bài học này, bạn sẽ không giúp công ty tăng trưởng và công ty sẽ phải chịu tổn thất.

Bản thân tôi nhận ra mình cần có một chuyên gia huấn luyện cho CEO (CEO coach) và làm bản đánh giá bản thân toàn diện vài năm một lần.

Đó là điều làm thay đổi cuộc sống của tôi – tôi hiểu rằng mình không thể tự cân chỉnh mọi thứ về bản thân được. Khi cố gắng cột chùm nhiều thứ muốn cải thiện cùng một lúc, tôi bị “ngợp”. Thay vào đó, hãy tập trung vào hai đến ba việc mỗi năm.

Hầu hết các CEO mới sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn, cùng hợp tác nhiều hơn với nhóm công sự để đưa công ty phát triển. Hãy nói với các thành viên trong công ty rằng bạn đang làm việc vì mục tiêu này, từ đó sẽ giúp xây dựng lòng tin ở họ vững vàng hơn.

Rồi có ngày, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dường như mình bị cuốn vào các cuộc họp và không hoàn thành công việc nào cho tử tế. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng công việc hiện giờ của bạn là giúp đỡ người khác qua các cuộc họp.

Đừng kháng cự – hãy mở lòng.

Đây là lúc thiết kế các cuộc họp trở nên vui vẻ và hiệu quả.

Dựa theo thần chú: “Bạn đang xây dựng một đội nhóm có thể hoàn thành sứ mệnh mà không cần sự có mặt của bạn.” Thế thì, trao quyền cho những người khác trong nhóm sẽ giúp bạn bớt căng thẳng về lâu dài. Nếu nhỡ quên, hãy tự hỏi tại sao lúc đầu bạn bắt đầu điều này. Có thực sự là vì tiền, quyền lực hay bản ngã (ego)?

 Hai đồng sáng lập Mixpanel Suhail Doshi (trái) và Tim Trefren.
Hai đồng sáng lập Mixpanel Suhail Doshi (trái) và Tim Trefren.

2. Dành 90% thời gian để lắng nghe

Đừng lãng tránh chạm trán với các quyết định khó khăn cũng như quan trọng – nhắm thẳng vào nó mà đương đầu. Lãng tránh vấn đề lõi dẫn đến oán giận, cuối cùng các mối quan hệ trở nên tồi tệ và làm ảnh hưởng đến công ty – tạo ra sự bất ổn. Cần lưu ý, khi gặp tình huống chạm trán, hãy “tấn công” vào vấn đề – chứ không phải con người.

Sẽ tới lúc bạn cư xử như “vua” với những thành viên trong công ty. Đôi khi bạn có thể sẽ không công bằng, hoặc nói lời hơi “phũ”. Hậu quả có thể khiến những người chịu trận thậm chí không mến nổi bạn trong một thời gian dài. Câu nói “Tôi xin lỗi, tôi đã sai” là một trong những câu đắt nhất mà bạn có thể áp dụng với ai đó. Nhưng hãy nhớ rằng, câu chữ không phải lúc nào cũng xử lý được vấn đề.

Công việc của bạn sẽ gồm 90% nghe và 10% nói. Tôi còn dở ở điểm hay cắt ngang lời người khác và phải nỗ lực gấp đôi để khắc phục điều này. Sau chín năm rưỡi làm CEO, giải pháp tốt nhất mà tôi tìm thấy là ghi chép mọi thứ trong một cuộc họp. Nó khiến tôi tập trung vào những gì người khác nói, và cho thấy tôi đang lắng nghe.

3. Kiểm soát tâm trạng qua các phiên họp

Hãy kiểm soát tâm trạng của bạn qua các phiên họp. Đôi khi bạn sẽ trải qua cuộc họp nặng nề, nhưng hãy cố nhớ rằng những người cùng họp với bạn ở cuộc họp tiếp theo không hề chứng kiến bối cảnh trước đó nên họ có thể hứng khởi hoặc căng thẳng khi gặp bạn.

Trực giác của bạn về khách hàng và thị trường sẽ kém đi khi công ty ngày càng phát triển và bạn có thể trở nên xa cách hơn với người tiêu dùng. Vì vậy, hãy tiếp tục trao quyền cho cấp dưới của bạn để họ đưa ra quyết định nhưng kèm với trách nhiệm. Và trao đổi cùng họ để bồi đắp kiến thức.

Khám phá sự thật (truth) trở nên khó khăn hơn khi công ty bạn tăng trưởng. Nó cũng trở thành điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi định hướng (guide) cho công ty. Vì vậy, hãy để công việc thu thập sự thật và dùng nó trong việc đưa ra quyết định, trở thành một phần trong văn hóa doanh nghiệp. Tôi đã làm điều này bằng cách liên tục hỏi mọi người sự thật thực tế (actual facts) là gì.

4. Tìm cho mình một mentor, một nhà trị liệu và mạng lưới bạn bè là CEO hoặc nhà sáng lập để sẵn sàng đương đầu với thách thức

Quyền lực = trách nhiệm. Là một CEO, bạn có thể đơn độc – bạn không thể tỏ ra dễ bị tổn thương và chân thật (vulnerable and authentic) như bình thường. Để vượt qua điều này, hãy tìm những nhà sáng lập khác có thể chân thành với bạn. Ăn tối và chia sẻ vấn đề cởi mở với họ. Tôi đã nhận được những cái ôm trong thời gian khó khăn, và nó tạo nên sự khác biệt.

Bạn cũng nên tìm một người mentor (cố vấn). Chọn người mà bạn muốn gây ấn tượng; một người có thể nâng bạn lên khi ngã, và kéo bạn lại khi quá tự cao. Lý tưởng nhất là người này trải qua vị trí CEO hay nhà sáng lập rồi, như vậy họ mới có thể đồng cảm được. Nhưng nhớ cho: mentor là người đưa ra định hướng, chứ không phải là bảo gì làm nấy.

Tất cả chúng ta đều là con người và mang trong mình sự bất an nhất định, vì vậy hãy cân nhắc tìm một nhà trị liệu tâm lý để giúp bạn giải tỏa những vấn đề tâm lý cá nhân. Nếu bạn có định kiến với trị liệu, tôi cũng đã từng, nhưng tôi đã sai, tôi ước mình có thể hiểu được vấn đề này sớm hơn.

Cuối cùng, hãy tiếp tục làm việc chăm chỉ để cải thiện mọi thứ. Bạn không thể sửa chửa những sai lầm trong quá khứ nhưng bạn có thể làm tốt hơn trong tương lai. Đừng từ bỏ: Khi bạn đưa ra những quyết định khó khăn, bạn sẽ biết được đâu là giá trị và nguyên tắc bạn thực sự muốn khẳng định.

Chỉ riêng điều này cũng đủ làm cho cuộc hành trình của bạn trở nên giá trị.

Nguồn: businessinsider

Happy.Live dịch

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh

Bộ sách Thay thói quen - Đổi vận mệnh
                   ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề