fbpx

8 bí mật tạo nên sự giàu có của Benjamin Franklin

Bằng những hành động khôn ngoan, Franklin đã tạo ra tương lai cho chính mình, từ một người chỉ được đi học vài năm trở thành một tác giả sách, nhà khoa học và nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới.

Từ một cậu bé 17 tuổi bỏ nhà ra đi, Benjamin Franklin đã trở thành một thợ in, nhà báo, tác giả, nhà sáng chế, nhà ngoại giao và chính trị gia hàng đầu. Thành công của ông một phần đến từ đức tính cần kiệm. Cuộc đời ông dạy chúng ta nhiều bài học về quản lý cá nhân mà cho đến nay vẫn còn giá trị:

1. Hiểu giá trị thực tế của mọi thứ

Khi còn nhỏ, Benjamin Franklin đã học bài học đầu tiên và quan trọng nhất về tài chính cá nhân. Lúc 7 tuổi, Franklin trông thấy một đứa trẻ khác đang chơi thổi còi và bị âm thanh của chiếc còi thu hút. Franklin đã quyết định đưa hết số tiền mình có cho cậu bé kia để đổi lấy chiếc còi. Franklin vui sướng khi có món đồ chơi mới và cậu thổi còi khắp nhà. Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi anh chị của ông phát hiện ra và nói cho Franklin biết rằng mình đã chi gấp 4 lần giá trị thực tế của chiếc còi. Franklin nhớ lại: “Nỗi buồn khi bị khiển trách còn lớn hơn niềm vui mà chiếc còi mang lại”.

Nhưng Franklin đã học được một bài học vô giá từ sai lầm tuổi thơ của mình. Những lúc cực kỳ muốn mua một thứ không cần thiết nào đó, ta lại tự nói với bản thân “Đừng trả giá quá cao cho chiếc còi” và ta tiết kiệm được tiền.

Khi ta lớn lên, ta có thể thấy rất nhiều người đã trả giá quá đắt cho những chiếc còi của họ. Một kẻ nịnh bợ đầy tham vọng hy sinh thời gian để dự những bữa tiệc chiêu đãi, hy sinh sự nghỉ ngơi, tự do, đạo đức và cả bạn bè mình để đạt được mục đích. Đó cũng có thể là một người khao khát được nổi tiếng, liên tục tham gia vào những sự kiện chính trị huyên náo, bỏ mặc đời sống cá nhân để rồi hủy hoại nó bởi chính sự thờ ơ của anh ta.

Rồi đó là một kẻ bủn xỉn từ bỏ mọi tiện nghi sống, niềm vui, sự tôn trọng của những người xung quanh và cả niềm vui của tình bạn chỉ vì mục đích tích lũy tài sản. Đó cũng có thể là một người thích chăm chút vẻ bề ngoài, thích quần áo đẹp, nhà cao cửa rộng, nội thất hào nhoáng để rồi phải gánh lấy những món nợ và chấm dứt sự nghiệp trong tù.

Lúc đó, ta thốt lên: “Anh ta đã trả một cái giá vô cùng đắt cho chiếc còi của mình”. Phần lớn bất hạnh của loài người bắt nguồn từ những tính toán sai lầm của họ về giá trị thực của sự vật, từ việc họ đã trả giá quá cao cho những chiếc còi của mình.

2. Tính tự lập

Ban đầu, cha của Franklin mong ông vào nhà thờ, nhưng sau đó lại quyết định rằng Franklin sẽ tiếp bước mình và trở thành thợ làm nến. Nhưng Franklin không thích nghề này. Vì lo sợ ông sẽ bỏ nhà đi biển, cha của Franklin đã dẫn ông đi quan sát những người thợ khác làm việc với hi vọng rằng Franklin sẽ hứng thú với một nghề nào đó. Mặc dù Franklin không trở thành một người thợ nề hay thợ mộc, trải nghiệm này đã giúp ông nhận thức được tinh thần tự lực cánh sinh.

Thiên hướng tự lực cánh sinh của Franklin khiến ông học cách tự nấu ăn và quan trọng nhất là tính tự lập đã giúp thúc đẩy sự nghiệp in ấn của ông. Vào lúc bấy giờ, ở Mỹ vẫn chưa có xưởng làm ra mẫu in chữ, vốn là thứ rất cần thiết trong in ấn. Thay vì mua sắm thiết bị từ Anh và chờ nhận hàng, Franklin đã chủ động làm ra khuôn đúc mẫu chữ đầu tiên tại Mỹ. Ông cũng tự làm bản khắc gỗ, mực in, các họa tiết bằng đồng những thứ khác.

Franklin tin rằng học cách tự lập không chỉ giúp ta tiết kiệm tiền bạc, mà còn mang lại niềm vui lớn hơn nữa:

Con người không có được nhiều hạnh phúc từ sự giàu có bằng niềm vui nhỏ hàng ngày. Vì vậy, nếu bạn dạy cho một chàng trai nghèo cách tự cạo râu và để dao cạo ngăn nắp, bạn sẽ giúp anh ta cảm thấy hạnh phúc hơn so với việc trao cho anh ta một nghìn đồng. Anh ta sẽ sớm tiêu hết món tiền đó và chỉ còn lại sự hối tiếc khi đã phung phí tiền bạc một cách ngu ngốc. Ngược lại, anh ta có thể thoát khỏi phiền toái khi phải chờ đợi người thợ cắt tóc, chịu đựng những ngón tay dơ bẩn, hơi thở hôi hám và những chiếc dao cạo cùn. Hàng ngày, anh ta có thể tự cạo và tận hưởng niềm vui với chiếc dao cạo tốt.

3. Đầu tư cho bản thân

“Từ khi còn nhỏ, ta đã đam mê đọc sách và dùng tất cả số tiền mình có để mua sách. Thư viện này giúp ta mở mang trí tuệ bù đắp lại phần giáo dục mà cha ta từng muốn ta nhận được. Đọc sách là cách thức tiêu khiển duy nhất mà ta cho phép mình thực hiện. Ta không phí thời gian la cà quán rượu, chơi bời hoặc tham gia bất kỳ hình thức giải trí nào. Ta vẫn cần mẫn làm việc không ngừng nghỉ bởi vì đó là điều cần thiết.”

Nếu bạn muốn có nhiều thời gian và tiền bạc hơn thì bạn cần phải đầu tư tiền bạc cùng thời gian vào bản thân. Thay vì phung phí thời gian và tiền bạc vào những cuộc vui chóng vánh, hãy đầu tư vào những việc giúp bạn cải thiện sức khỏe, các mối quan hệ, tri thức và sự nghiệp, rồi bạn sẽ gặt hái những lợi ích to lớn trong tương lai.

Franklin đã đầu tư vào bản thân bằng cách trở thành một “mọt sách”. Ông dùng tất cả tiền bạc và thời gian rảnh rỗi vào việc việc tích lũy tri thức. Bằng cách chi tiêu khôn ngoan này, Franklin đã tạo ra tương lai cho chính mình, từ một người chỉ được đi học vài năm trở thành một tác giả sách, nhà khoa học và nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới.

4. Kết bạn với những người có chung tầm nhìn, mục tiêu

8 bí mật tạo nên sự giàu có của Benjamin Franklin

Khi Franklin bắt đầu làm trong ngành in và sống ở London, ông giao du với một người bạn tên là James Ralph. Trong khi Franklin chăm chỉ làm việc tại xưởng in, thì Ralph đến London không có một xu dính túi, thất bại khi nộp đơn xin việc làm. Hắn mượn tiền của Franklin để sống qua những ngày thất nghiệp.

Tình bạn rốt cuộc đã nhạt dần, Ralph cũng chưa từng trả lại Franklin khoản tiền 27 bảng Anh mà hắn nợ (Franklin hồi tưởng lại rằng “Đó là một khoản lớn mà tôi trích từ đồng lương ít ỏi của mình để cho anh ta mượn”).

Sau trải nghiệm này, Franklin trở nên thận trọng hơn trong việc chọn người để giao thiệp. Sau này, ông chỉ tìm kiếm những người có cùng giá trị cao với mình và tạo thành những nhóm phát triển bản thân. Ở nhóm này, ông và những người bạn có thể thách thức ý tưởng của nhau, giúp nhau nâng cao tư duy và bồi dưỡng tâm hồn.

5. Đừng đánh đổi tính chính trực vì tiền bạc

Mặc dù Benjamin Franklin có tham vọng vươn lên nhưng ông không sẵn sàng đánh đổi sự chính trực của mình để thực hiện mục tiêu đó. Đối với Franklin, không được phụ thuộc vào lối sống xa hoa đến mức sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để duy trì lối sống đó.

Tư tưởng này được thể hiện rõ trong lời hồi đáp của Franklin đến một người muốn trả tiền để đăng bài của mình trên tờ báo The Pennsylvania Gazette mà Franklin làm chủ biên:

“Tôi đã đọc rất kỹ bài của ông và tôi cảm thấy rằng nó rất thô tục và mang tính phỉ báng. Để quyết định có đăng bài này không, buổi tối tôi về nhà, mua một ổ bánh mì giá 2 penny tại tiệm bánh và uống nước máy để kết thúc bữa tối. Sau đó tôi quấn mình trong một chiếc áo khoác to rồi nằm trên sàn nhà ngủ đến sáng. Khi ngủ dậy, tôi lại ăn sáng bằng một ổ bánh mì khác và một cốc nước. Với chế độ ăn uống này, tôi không cảm thấy bất tiện chút nào cả. Nhận ra mình vẫn có thể sống với điều kiện như vậy, tôi quyết định là sẽ không bán rẻ tờ báo của mình cho những mục đích xấu xa và lạm dụng bài đăng kiểu này để sống thoải mái hơn.”

6. Cần mẫn và nhẫn nại là cách để làm giàu

Hãy chăm chỉ trong bất cứ việc gì mình làm và không xao lãng bởi bất cứ dự án làm giàu nhanh chóng điên rồ nào; tính cần cù và nhẫn nại chính là những cách làm giàu chắc chắn nhất.

Thành công của Franklin không đến sau một đêm. Ông đã phải mất một thập kỷ để trở thành nhân viên tập sự trong xưởng in rồi tự mở xưởng của riêng mình để kiếm lời. Trong suốt những năm tháng đó, ông đã sống khắc khổ và làm việc cần mẫn hơn rất nhiều so với bất cứ đối thủ nào.

Do đó, ông khuyến khích những người khác thực hiện hoài bão của họ bằng nỗ lực và nhẫn nại. Ông không xem trọng những chiêu trò làm giàu nhanh chóng vốn phát triển vào thời đó.

Franklin đã từng viết về những người đào kho báo hải tặc được cho là bị chôn dọc theo con sông:

“Con người, trừ người có lí trí, đều bị cuốn vào cuộc đào kho báu bởi lòng tham không đáy và sự nhẹ dạ cả tin về kho báu không có thật. Trong khi đó, phương pháp đúng đắn và sáng suốt để trở nên giàu có là sự cần mẫn và tiết kiệm lại bị phớt lờ hay quên lãng”.

7. Thời gian là tiền bạc

“Cuốn sách này giá bao nhiêu?” Một người đàn ông cất tiếng hỏi sau một hồi do dự trước cửa tiệm trong tòa báo của Benjamin Franklin.

“1 USD”, người thu ngân đáp.

“1 USD”, vị khách lặp lại lời, “tôi có thể trả ít hơn giá đó hay không?”

“Giá sách là 1 USD”, nhân viên thu ngân đáp.

Vị khách đó lại nhìn lướt qua quyển sách được giảm giá một hồi lâu rồi lại cất tiếng hỏi: “Ông Franklin có ở đây không?”

“Có ạ, ông ấy đang rất bận rộn công xưởng in”, người thu ngân trả lời

“Vậy à, tôi muốn gặp ông ấy”, vị khách cương quyết yêu cầu.

Khi Franklin được gọi ra, vì khách nọ hỏi rằng: “Ông bán cuốn sách này với giá thấp nhất là bao nhiêu ông Franklin?”

“1 USD và 25 xu,” Franklin đáp.

“1 USD và 25 xu ư, sao lại vậy? Lúc nãy người thu ngân chỉ nói với tôi 1 USD thôi mà.”

“Đúng thế, và tôi sẵn sàng không nhận 1 USD đó thay vì bị gián đoạn việc mình đang làm”, Franklin đáp.

Vị khách có vẻ bất ngờ nhưng để đạt mục đích của mình, ông ta yêu cầu, “Nào, hãy cho tôi biết giá thấp nhất của cuốn sách này.”

“1 USD và 50 xu,” Franklin trả lời.

“1 USD và 50 xu ư! Chính ông vừa ra giá 1 USD và 25 xu cơ mà.”.

Franklin điềm tĩnh trả lời: “Đúng, lẽ ra ông nên chấp nhận mức giá đó thay vì 1 USD và 50 xu như bây giờ.”

Vị khách lặng lẽ đặt tiền lên quầy, lấy quyển sách rồi rời khỏi tiệm. Ông ta đã học được một bài học hữu ích từ một bậc thầy về nghệ thuật chuyển đổi thời gian thành của cải.

Thời gian là tiền bạc. Franklin là người đầu tiên truyền bá câu nói nổi tiếng này. Ông hiểu rằng sử dụng thời gian thông minh là điều cần thiết để làm giàu. Khi càng giàu thì bạn càng có nhiều đam mê được tự do theo đuổi. Bởi làm việc cực siêng năng, Franklin đã có thể nghỉ hưu ở tuổi 42, dành nửa quãng đời còn lại để làm bất cứ điều gì mà ông mong muốn.

8. Tích góp tiền bạc là phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng

Với nhiều người không hiểu nhiều về tiểu sử của Franklin có thể cho rằng Franklin chỉ là một người kiểu cách, một nhà tư bản hám lợi ki bo chỉ biết suy nghĩ đến tiền bạc. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Đối với Franklin, mưu cầu vật chất chỉ là một phương tiện để thực hiện mục đích lớn nhất của cuộc đời. Mục đích đó chính là được “thoải mái đọc sách, học hỏi, thử nghiệm và trò chuyện với những người đáng kính”. Việc Franklin nghỉ hưu sớm đã thực sự đem đến rất nhiều lợi ích cho loài người, bao gồm sự ra đời của nhiều phát minh mới giúp cải thiện cuộc sống của nhiều và công lao trong việc hình thành một quốc gia mới.

Nguồn: Mai Lâm

Có thể bạn quan tâm:

BỘ SÁCH THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, TỐT HƠN 1% MỖI NGÀY

BỘ SÁCH THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề