fbpx

Nhà đầu tư vĩ đại William O’Neil: Phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật?

Phương pháp phân tích tiềm năng đầu tư cổ phiếu thường được phân chia thành hai loại: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Các nhà đầu tư vẫn luôn tranh cãi phương pháp nào tốt hơn. Trong bài này, William O’Neil thảo luận tại sao cả 2 phương pháp đều cần thiết để đầu tư thành công.

Ông chọn phương pháp cơ bản hay phương pháp kỹ thuật?

Tôi cho rằng, đó không hoàn toàn là câu hỏi “hoặc phương pháp này hoặc phương pháp kia”. Không nên chọn sử dụng “một trong hai”. Bạn nên xem xét cả phân tích cơ bản với những chỉ số về sức mạnh, chất lượng, sản phẩm của công ty, và phân tích kỹ thuật để biết cổ phiếu của công ty hoạt động như thế nào trên thị trường.

Phân tích cơ bản là nền tảng kiến thức bạn phải có khi mua bất cứ loại cổ phiếu nào. Phương pháp này sẽ xác định chất lượng và tính ưu việt của một công ty so với các công ty khác. Đó là cách bạn phân biệt được công ty nào mạnh và công ty nào yếu.

Điều quan trọng nhất trong phân tích cơ bản là gì?

Khả năng sinh lợi của công ty. Đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là chỉ nên mua cổ phiếu của những công ty có tăng trưởng lợi nhuận ổn định, doanh thu tăng, lợi nhuận biên và lợi nhuận trên vốn cổ phần cao.

Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (được tính bằng cách chia tổng số lợi nhuận sau thuế cho số cổ phiếu thường đang lưu hành) có thể được sử dụng như một công cụ biểu thị mức độ tăng trưởng và khả năng sinh lời của công ty.

Từ nghiên cứu về những cổ phiếu thành công lớn trên thị trường chứng khoán, kết hợp với kinh nghiệm trong nhiều năm, chúng tôi nhận thấy rằng 3 trong số 4 cổ phiếu đó là của những công ty đang phát triển, những công ty có lợi nhuận trên mỗi cổ phần tăng trung bình 30% trong 3 năm liền. Do đó, hãy tập trung vào những loại cổ phiếu có chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phần tăng 30% hoặc hơn trong 3 năm liên tục.

Đây là một trong những quy tắc quan trọng nhất của tôi khi lựa chọn cổ phiếu.

Nếu công ty không có số liệu của 3 năm lợi nhuận, nhà đầu tư phải làm gì?

Đối với những công ty mới cổ phần hoá, hay đã cổ phần hoá được 8 hay 10 năm, mọi người thường nghĩ chúng không có số liệu của 3 năm lợi nhuận. Nhưng thực ra phần lớn những công ty này đều có số liệu đó từ khi còn là các công ty tư nhân. Nhà đầu tư có thể tìm thấy trong bản cáo bạch của công ty. Trong những trường hợp đặc biệt, tôi muốn thấy mức tăng trưởng lợi nhuận mỗi quý trong 6 quý gần nhất đạt từ 50% trở lên so với quý cùng kỳ năm trước.

Tôi không quan tâm đến những lời hứa của ban quản trị công ty, đại khái như tình hình thua lỗ sẽ nhanh chóng được cải thiện trong tương lai. Những cổ phiếu thành công lớn của chúng tôi đều có lợi nhuận tăng nhanh và mạnh trước khi tăng giá đột biến.

Những yếu tố quan trọng khác trong phân tích cơ bản là gì?

Nhà đầu tư nên lựa chọn những công ty có doanh thu tăng nhanh trong vài quý qua, hoặc tăng 25% trở lên so với quý cùng kỳ năm trước. Họ cũng nên chọn các công ty đứng đầu trong lĩnh vực của họ về doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận, có lợi nhuận biên và lợi nhuận trên vốn cổ phần cao.

“Lợi nhuận trên vốn cổ phần” là gì?

Lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) là dấu hiệu cho biết hoạt động tài chính của công ty. Nó đo lường hiệu quả sử dụng vốn, cho cổ đông biết tiền vốn đó được sử dụng hiệu quả như thế nào.

Những công ty bạn cần tìm là những công ty có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần trên 20%.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải lưu ý gì nữa?

Bạn nên chọn công ty có một sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo, riêng biệt, hay cao cấp. Bạn cũng cần phải hiểu rõ lĩnh vực hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của công ty mà bạn đang đầu tư.

Cổ phiếu bạn mua cũng nên là cổ phiếu được những tổ chức đầu tư lớn sở hữu. Nên tìm hiểu có bao nhiêu quỹ đầu tư, ngân hàng và các tổ chức khác đã mua cổ phiếu này. Đây là một sự kiểm tra gián tiếp bởi các tổ chức tài chính hàng đầu thường tiến hành phân tích cơ bản rất kỹ trước khi mua một cổ phiếu nào đó.

Sự khác nhau giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản là gì?

Phân tích kỹ thuật nghiên cứu những biến động của thị trường chủ yếu dựa vào các biểu đồ. Phân tích kỹ thuật sử dụng sự thay đổi của giá và khối lượng như một công cụ chính, cho phép bạn kiểm tra, theo dõi, đánh giá mức cung, cầu của cổ phiếu.

Bạn nên sử dụng các biểu đồ biểu diễn giá chứng khoán trong ngày hoặc trong tuần và khối lượng giao dịch của nó. Bằng cách sử dụng biểu đồ, bạn có thể xem xét liệu chứng khoán đang hoạt động bình thường hay bất thường; nó có đang được các tổ chức tài chính giao dịch không, và đâu là thời điểm để mua hay bán chứng khoán.

Tại sao ông cho rằng phải sử dụng cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật?

Vì thông qua những thay đổi trong biểu đồ giá và khối lượng giao dịch, tôi sẽ sớm biết được cơ hội cũng như khó khăn trong đầu tư.

Khối lượng giao dịch của cổ phiếu mỗi ngày hay mỗi tuần là một trong những công cụ quan trọng để hiểu cung và cầu một cách chính xác. Biết được giá cổ phiếu của bạn đang tăng hoặc giảm trong điều kiện khối lượng giao dịch lớn hơn hay nhỏ hơn mức thông thường rất quan trọng.

Ngoài ra, khối lượng giao dịch còn là một dấu hiệu cho thấy các tổ chức lớn đang mua hay bán cổ phiếu đó. Điều này có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới giá cổ phiếu. Một ngày nào đó trong tương lai, dữ liệu phân tích này sẽ giúp bạn trở thành nhà đầu tư thành công.

Các nhà đầu tư tổ chức thành công đều sử dụng cả 2 phương pháp phân tích cho các quyết định mua bán của mình.

Kết luận

1. Kết hợp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật rất cần thiết để lựa chọn các cổ phiếu thành công.

2. Phân tích cơ bản xem xét lợi nhuận, tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu, lợi nhuận biên, và lợi nhuận trên vốn cổ phần. Phương pháp này giúp bạn giới hạn những lựa chọn để chỉ giao dịch trên những cổ phiếu có chất lượng.

3. Phân tích kỹ thuật liên quan đến việc học cách đọc biểu đồ giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu, và xác định chính xác thời điểm cho các quyết định của bạn.

Nguồn: 24 bài học sống còn để đầu tư trên thị trường chứng khoán

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM

(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)

ĐẶT SÁCH

 

 

 

Các viết cùng chủ đề