fbpx

Charlie Munger – cậu bé to mồm tinh quái nhất phố và sự tự học để trở thành bộ óc vĩ đại của loài người

Charlie nhận ra rằng công ty luật không thể giúp ông giàu có được. Ông bắt đầu triển khai một số nghề phụ để tìm kiếm lợi nhuận. “Charlie, ở vị trí là một luật sư trẻ, chỉ có thể kiếm 20 đô la một giờ. Ông nghĩ: “Khách hàng đáng giá nhất của mình là ai?” Và ông nhận ra rằng đó là chính ông. Vì thế ông quyết định dành cho mình một giờ mỗi ngày. Ông làm việc đó vào sáng sớm: chăm chú nghiên cứu các dự án xây dựng và các vụ mua bán bất động sản. Tất cả mọi người nên làm việc này, phải trở thành khách hàng của chính mình trước rồi sau đó mới phục vụ người khác, và dành ra cho mình một giờ mỗi ngày.”

Charlie Munger
Charlie Munger

Nhà Munger đi lên từ nghèo khó, nhưng vào nửa cuối thế kỷ XIX, T.C. Munger, ông nội của Charlie, một thẩm phán liên bang, đã đưa gia đình lên hàng danh giá và được chào đón nồng hậu trong bất cứ tiền sảnh nào tại Omaha – chứ không phải qua cửa sau hay tiệm rau quả như gia đình Buffett. Ông Toody Munger có ba con: Charles, Carol và Mary. Tấm ảnh của Charlie hồi còn nằm nôi cho thấy gương mặt cậu đã có nét hay hờn dỗi rất tiêu biểu sau này trong cuộc đời cậu. Tại trường tiểu học Dundee, những nét nổi bật nhất của cậu là đôi tai to trông rất ngỗ nghịch và cái cười rộng miệng. Cậu được mọi người thừa nhận là thông minh, “hoạt bát” nhưng “quá độc lập trong suy nghĩ để có thể hạ mình đáp ứng các kỳ vọng của thầy giáo”, theo nhận xét của Carol Estabrook “Lanh lợi và là một đứa láu cá” là điều mà Dorothy Davis, hàng xóm của Munger nói về Charlie khi cậu còn bé. Bà Davis cố gắng hạn chế sự ảnh hưởng của Charlie lên cậu con trai Neal của mình, nhưng không gì có thể chế ngự cái mồm to rộng của Charlie, ngay cả cái nhìn nghiêm nghị với chiếc roi trên tay bà cũng không.

Charlie Munger thời nhỏ là một cậu bé láu cá
Charlie Munger thời nhỏ là một cậu bé láu cá

Warren từng chịu đựng những sự sỉ nhục thời thơ ấu với duy nhất một lần nổi loạn khi tìm cách che giấu sự nghèo khó của mình và âm thầm nuôi dưỡng những kế hoạch làm giàu tinh vi. Quá đỗi kiêu hãnh để phục tùng, Charlie phải chịu đựng để vượt qua những nỗi phiền muộn của tuổi trẻ bằng cách dùng tài năng của mình để chế nhạo gây tổn thương người khác. Cặp đôi với Mary McArthur, cô gái duy nhất trong thành phố thấp hơn cậu, để khiêu vũ vào mỗi tối thứ Sáu tại phòng tập của Eddie Fogg, Charlie không cố giấu sự khó chịu của mình khi người ta nói rằng cậu là người “lùn” thứ hai trong lớp khiêu vũ. Tại trường trung học Central, cậu nhận biệt danh “Brains” và nổi tiếng vì sự hiếu động thái quá – và vì sự biệt lập của cậu.

Xuất thân từ một gia đình coi trọng việc học, Charlie lớn lên với hoài bão học hành thật giỏi và cậu đã vào chuyên ngành Toán Đại học Michigan ở tuổi 17. Cậu đăng ký vào quân đội một năm sau trận Trân Châu Cảng khi đang học giữa năm thứ hai. Trong quân đội, cậu học hàm thụ Đại học New Mexico và Học viện Công nghệ California để lấy các tín chỉ ngành khí tượng học, dù cậu không bao giờ tốt nghiệp. Sau nhiều khóa học, cậu trở thành nhân viên khí tượng quân đội và làm việc tại Nome, Alaska. Sau đó, Munger nói rằng ông chưa bao giờ thấy mình có ích cho quân đội và nhấn mạnh rằng mình may mắn được đóng quân xa vùng nguy hiểm. Rủi ro chính mà ông phải nhận lấy là tài chính: ông dùng tiền lương quân đội của mình để tăng thêm thu nhập qua những ván bài poker, và nhận thấy mình chơi bài rất tốt. Hóa ra đó lại là một phiên bản cho sự nghiệp tài chính của ông sau này. Ông bảo ông học cách thua nhanh khi gặp nước xấu và đánh mạnh khi nắm những quân bài tốt, là những bài học mà ông sẽ ứng dụng thường xuyên về sau.

Charlie Munger thời trẻ
Charlie Munger thời trẻ

Nhờ các mối quan hệ danh giá của gia đình, ông nghiễm nhiên bước vào Trường luật Harvard sau chiến tranh mà không cần có bằng tốt nghiệp trung học. Ngay sau đó ông cưới Nacy Huggins, một người vô cùng xứng hợp với ông. Năm đó ông 21 và Nancy 19. Rồi ông trở thành một quý ông trẻ tuổi người tầm thước ăn mặc lịch lãm với mái tóc đen cắt sát và đôi mắt lanh lợi. Tất cả tạo cho ông một vẻ bề ngoài thanh lịch. Nhưng nét nổi bật nhất của ông lúc này là vẻ nghi ngờ toát lên từ con người ông, cả bên ngoài lẫn bên trong. Ông luôn mang vẻ nghi ngờ này theo mình trong suốt thời gian chạy đua qua đoạn đường Harvard mà không học hành gì cả, theo như lời ông nói. Ông nói với những người bạn của mình rằng ông thường nhìn bản đồ và tự hỏi: “Thành phố nào đang phát triển mạnh và đầy rẫy cơ hội để tôi có thể kiếm thật nhiều tiền, nhưng không quá lớn hay quá giàu có đến mức tôi không thể chen chân tìm kiếm một vị trí cao ở đó.” Và ông chọn Los Angeles. Pasadena – khu ngoại ô mang nét văn hóa Tây Ban Nha cổ kính nơi ông từng trú ngụ hồi học Caltech – gây ấn tượng mạnh với ông. Chính nơi đó ông gặp cô gái sau này ông cưới làm vợ, con gái của một gia đình danh tiếng tại địa phương. Nancy là người “ngang bướng và thích được nuông chiều,” Molly, con gái bà, nói. Không hẳn những đức tính lý tưởng ấy phù hợp với tính khí của người chồng mới. Sau vài năm, cuộc hôn nhân của họ gặp rắc rối. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Harvard, họ nhanh chóng rút lui về thành phố quê nhà của bà cùng cậu con trai Teddy và sống tại Pasadena, nơi Charlie trở thành một luật sư thành đạt. 

Vào năm 1953, sau khi có ba đứa con và tám năm chung sống trong xung khắc, bất hòa và khốn khổ, Charlie Munger quyết định ly hôn vào thời mà điều đó được xem là đáng hổ thẹn. Mặc dù bất hòa, nhưng Charlie và Nancy vẫn thu xếp ổn thỏa chuyện chu cấp bảo trợ cho cậu con trai và hai cô con gái của họ. Munger dọn vào một căn phòng của câu lạc bộ trường đại học, mua một chiếc Pontiac móp méo được sơn nguyệch ngoạch màu vàng xấu xí để “làm nản lòng những cô nàng đào mỏ”, và chính thức ly hôn vào ngày thứ Bảy dành cho Cha. Trong vòng một năm sau khi sống riêng, Teddy, giờ đã tám tuổi, bị phát hiện mắc bệnh ung thư bạch cầu. Munger và người vợ đã ly hôn ra sức tìm kiếm sự trợ giúp từ giới y học nhưng nhanh chóng nhận ra rằng căn bệnh thuộc loại vô phương cứu chữa. Họ ngồi trong khu dành riêng cho bệnh nhân ung thư máu giữa các bậc cha mẹ và ông bà khác của những bệnh nhân ở các giai đoạn ung thư khác nhau nhìn bọn trẻ đang dần dần rời xa họ.

Teddy thường xuyên vào, ra bệnh viện. Charlie đến thăm và luôn ôm con vào lòng. Ông đi khắp các con phố của Pasadena khóc cho con trai mình những ngày đó. Cuộc hôn nhân thất bại và căn bệnh nan y của con trai cùng lúc đổ xuống ông khiến ông không thể chịu đựng nổi. Cuộc sống cô độc của một người cha đơn thân vào những năm 1950 cũng làm ông khốn đốn. Ông cảm thấy thất bại thảm hại nếu không có một gia đình toàn vẹn và muốn được sống giữa bầy trẻ.

Khi mọi việc trở nên tồi tệ, Munger bắt đầu đặt ra các mục tiêu mới hơn là đắm mình trong những ý nghĩ tiêu cực. Điều đó có vẻ quá thực dụng và nhẫn tâm nhưng ông xem đó là một cách để giữ vững tầm nhìn. “Khi đối mặt với một thảm họa không thể tin nổi, bạn đừng bao giờ để một thảm họa biến thành hai hoặc ba thảm họa khác và đừng để thất bại hạ gục ý chí của mình.” Sau này ông nói.

Vì thế, dù hết lòng quan tâm chăm sóc đứa con đang chết dần, ông quyết định đi bước nữa. Tuy nhiên, lối phân tích những cú đánh hỏng của một trận bóng thành công làm ông trở nên bi quan. “Charlie mất hết hy vọng tìm ra được một người phụ nữ khác. “Làm sao tôi có thể gặp một người nào đó? Trong 20 triệu người sống tại California này, một nửa là phụ nữ. Trong số 10 triệu người đó, chỉ có 2 triệu người là ở độ tuổi phù hợp nhưng có đến 1,5 triệu đã kết hôn, vậy chỉ còn lại 500 ngàn người thôi. Mà trong nhóm này có 300 ngàn người quá ngớ ngẩn, 50 ngàn quá thông minh cho nên tôi chỉ có thể lựa chọn trong số 150 ngàn người còn lại. Tuy nhiên, số người có thể hợp với tôi có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và tôi phải tìm cho ra người thích hợp nhất trong số họ.”

Thói quen xác lập kỳ vọng thấp của Munger đã trở thành cố tật. Ông lập phương trình cho lộ trình đi tìm hạnh phúc của mình vì ông thấy rằng các kỳ vọng cao chỉ dẫn tới những khám phá ra sự giả tạo mà thôi. Kỳ vọng thấp thì khó bị thất vọng hơn. Tuy nhiên, nghịch lý là chúng có thể làm tiêu tan cả các cơ hội thành công.

Thoát ra khỏi sự tuyệt vọng, Munger bắt đầu đọc báo xem các thông báo ly hôn và cáo phó để tìm kiếm một người đàn bà vừa trở thành đơn thân. Hành động đó gây sự chú ý nơi bạn bè ông và họ bắt đầu can thiệp. Một trong những cộng sự trong công ty luật của ông giới thiệu một Nancy mới, một phụ nữ vừa ly dị có hai con trai tên là Nancy Barry Borthwick. Đó là một người phụ nữ da ngăm nhỏ bé biết chơi tennis, trượt tuyết và golf. Bà từng tốt nghiệp Phi Beta Kappa ngành kinh tế học của Đại học Stanford.

Trong cuộc hẹn đầu tiên, ông đã cảnh báo bà: “Tôi là người gia trưởng đấy.” Ý nghĩ về một người đàn ông lúc nào cũng muốn giáo huấn người khác không những thất bại trong việc làm nhụt chí Nancy mà còn là điềm tốt cho mối quan hệ của họ. Họ bắt đầu nói về bọn trẻ mỗi khi đi chơi bên ngoài với nhau. Ban đầu, Teddy đi cùng họ, nhưng cậu nhanh chóng yếu đi. Cuối cùng, Charlie, ông bố ba mươi mốt tuổi dành tất cả thời gian của mình túc trực bên giường Teddy trong những tuần còn lại của cuộc đời cậu. Vào lúc Teddy qua đời năm 1955, cậu mới chín tuổi, Charlie sụt mất 5 – 6 cân. “Tôi không thể tưởng tượng ra một kinh nghiệm nào có thể tồi tệ hơn khi từng phút từng giây tôi xa dần con mình.” Ông tâm sự.

Charlie cưới Nancy Borthwick vào tháng Giêng năm 1956. Bà nhanh chóng trở thành người bổ khuyết cho ông. Ông rất cần một người có thể thu xếp cho cuộc sống của mình. Nancy rất can đảm và không ngần ngại châm chích cho xì hơi cái bong bóng Charlie mỗi khi nó chất chứa quá nhiều khí nóng bên trong. Bà là một nhà quản lý xuất sắc, tinh tế, bình tĩnh, có tình có lý và thực tế. Nancy kiềm chế Charlie mỗi khi tính bốc đồng của ông nổi lên. Họ sinh thêm ba cô con gái và một cậu con trai bên cạnh hai con gái của ông và hai con trai của bà. Bà đảm nhận trách nhiệm nuôi dạy tám đứa con cùng lúc chăm sóc nhà cửa và cả Charlie. Ông trở nên nổi tiếng với bọn trẻ với biệt hiệu “Cuốn sách biết đi” khi thường xuyên nghiên cứu khoa học và những thành tựu của những con người vĩ đại. Đồng thời, ông tiếp tục tìm cách làm giàu qua công ty luật Musick, Peeler & Garrett, nhưng rồi nhận ra rằng công ty luật không thể giúp ông giàu có được. Ông bắt đầu triển khai một số nghề phụ để tìm kiếm lợi nhuận. “Charlie, ở vị trí là một luật sư trẻ, chỉ có thể kiếm 20 đô la một giờ. Ông nghĩ: “Khách hàng đáng giá nhất của mình là ai?” Và ông nhận ra rằng đó là chính ông. Vì thế ông quyết định dành cho mình một giờ mỗi ngày. Ông làm việc đó vào sáng sớm: chăm chú nghiên cứu các dự án xây dựng và các vụ mua bán bất động sản. Tất cả mọi người nên làm việc này, phải trở thành khách hàng của chính mình trước rồi sau đó mới phục vụ người khác, và dành ra cho mình một giờ mỗi ngày.”

Charlie Munger và vợ Nancy
Charlie Munger và vợ Nancy

“Tôi có niềm đam mê làm giàu khá lớn,” Munger nói. “không phải vì tôi muốn có xe hơi Ferrari – mà tôi muốn có sự độc lập về mặt tài chính. Tôi ước mong điều này đến cháy lòng. Tôi nghĩ mình thật chẳng ra gì khi phải nhờ ai đó thanh toán các hóa đơn cho mình. Tôi không biết mình thừa hưởng quan niệm đó từ ai nhưng rõ ràng là tôi có tính đó.” Ông tự xem mình là một vị quan tòa anh minh. Tiền bạc không phải là trận đấu mà ông phải tham gia một mất một còn. Ông muốn gia nhập đúng câu lạc bộ ông thích và không màng đến việc có bao nhiêu thành viên khác giàu có hơn ông. Bên dưới lòng kiêu hãnh của ông, sự kính trọng của ông trước những thành tựu đích thực của con người cho ông sự khiêm tốn chân thành, một yếu tố rất quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ với bất kỳ người nào mà ông gặp gỡ.

Người đàn ông ngồi đối diện với ông trong phòng riêng tại câu lạc bộ Omaha và đang nói chuyện ăn mặc như một người bán hàng trẻ tuổi đang chào bán bảo hiểm cho vị quan tòa anh minh. Munger từng trải giờ đây đang náu mình giữa giới kinh doanh Los Angeles và nhìn ngắm phần còn lại. Ngay khi nhà Davis và nhà Seeman giới thiệu xong, cả hai liền lao vào một cuộc nói chuyện tay đôi với nhau. Charlie thừa nhận rằng thực tình ông đã “làm quần quật như nô lệ” trong một thời gian ngắn tại cửa hàng rau quả của gia đình Buffett, nơi “anh chỉ có thể tối mắt tối mũi từ sáng sớm cho đến chiều tối.”Ernest từng dành cho con trai của các khách hàng quen thuộc như Toody Munger một số công việc, tuy nhiên, ít ra cũng còn hơn công việc của các thư ký lúc nào cũng bị người khác vây xung quanh. Sau những lời pha trò, cuộc đàm thoại bắt đầu tăng tốc và những người khác im lặng lắng nghe và mê mẩn khi Warren nói về việc đầu tư chứng khoán và Ben Graham. Charlie nắm bắt vấn đề ngay lập tức. “Ông ấy đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về chuyện đầu tư và kinh doanh kể từ đó.” Buffett nói.

Charlie Munger và Warren Buffett thời trẻ
Charlie Munger và Warren Buffett thời trẻ

Ông kể cho Charlie câu chuyện về hãng bảo hiểm National American. Munger từng đến Central High với Howard và Hayden Ahmanson. Ông sửng sốt khi biết rằng một người như Buffett, không phải dân California mà lại biết rõ về nhà Ahmanson và các khoản tiết kiệm và cho vay của họ đến thế. Chẳng bao lâu, hai người đàn ông đã nói chuyện với nhau một cách tâm đầu ý hợp như thể họ hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc của nhau. Thỉnh thoảng, Charlie hỏi: “Warren này, chính xác là anh đang làm gì thế?” À vâng, tôi thành lập các công ty cổ phần này, Buffett giải thích, và làm điều này điều nọ. Năm 1957, các công ty này kiếm được mức lời hơn 10% trong khi thị trường nói chung giảm hơn 8%. Năm sau đó, hoạt động đầu tư của các công ty của ông tăng giá trị hơn 40%. Riêng quản lý phí của Buffett được tái đầu tư vào các công ty và đã lên đến 83.085 đô la, chiếm 9,5% số vốn của từng công ty trong số bảy công ty mà ông điều hành. Con số này là kết quả từ phần góp vốn ban đầu 700 đô la vào bảy công ty mà ông thành lập, mỗi công ty 100 đô la. Hơn thế nữa, thành tích đầu tư của ông tốt đến mức lợi nhuận của ông vượt hẳn chỉ số Dow Jones năm 1959 và ông có điều kiện tăng thêm giá trị phần vốn góp của mình. Đồng thời, các nhà đầu tư của ông hết sức hài lòng; nhiều nhà đầu tư mới liên tục xin được tham gia các công ty của ông. Charlie lắng nghe và cuối cùng hỏi: “Anh nghĩ tôi có thể làm điều tương tự ở California không?” Warren dừng lại một giây và nhìn Charlie. Đây là một câu hỏi không theo thông lệ từ một luật sư thành công của Los Angeles. “Vâng, chắc chắn anh có thể làm điều đó!” Khi buổi ăn trưa sắp sửa kết thúc, nhà Seeman và nhà Davis quyết định rằng đã đến lúc ra về. Họ đi về phía thang máy và trong tầm mắt cuối cùng của họ nhìn về phía bàn ăn, Buffett và Munger vẫn còn ngồi đó mải mê bàn luận.

Vài đêm sau, hai người đàn ông mang theo hai người vợ của mình bước vào quán Johny’s Café, nơi Munger say sưa kể một trong những câu chuyện vui của mình và đắc ý đến nỗi cười như muốn vỡ cả bụng. Khi gia đình Munger quay về Los Angeles, họ tiếp tục cuộc nói chuyện còn dang dở qua điện thoại, đôi khi kéo dài đến một, hai giờ đồng hồ, và thường xuyên như thế. Buffett, người từng ám ảnh với môn bóng bàn, giờ phát hiện ra rằng trên đời còn có một thứ còn hấp dẫn hơn.

“Tại sao anh quan tâm đến anh ta nhiều thế?” Nancy hỏi chồng.
“Em không hiểu được đâu, đó chẳng phải là một con người bình thường!” Charlie đáp.

Warren Buffett và Charlie Munger
Warren Buffett và Charlie Munger

Nguồn: sách Hòn tuyết lăn/ Tổng hợp và biên tập: Happy Live

Có thể bạn quan tâm

Damn Right! – Tác giả Janet Lowe

(Vén màn bí ẩn về tỷ phú Charlie Munger – Cánh tay phải của Warren Buffett)

 

ĐỌC THỬ

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề