fbpx

Công ty quản lý quỹ và mục đích tồn tại

Trong gần 50 công ty quản lý quỹ trong nước hiện nay, số lượng công ty hoạt động hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. (Số liệu năm 2013)


Thực ra đây cũng là điều dễ hiểu, bởi ngay cả các công ty quản lý quỹ nước ngoài, tên tuổi là vậy, chuyên nghiệp là vậy, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo đề cương quy trình “Thanh tra, kiểm tra công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán”. Mục đích của việc xây dựng quy trình này là nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán nhằm kịp thời ngăn chặn xử lý các vi phạm trong nghiệp vụ, cũng như công bố thông tin…

Đây tiếp tục là một động thái tích cực từ cơ quan quản lý trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán.

Công ty làm gì để sống?

Có một thực tế là nếu công ty quản lý quỹ không gọi được vốn để thành lập quỹ thì công ty làm gì để sống cũng rất khó để biết. Hiện nay, trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đăng tải báo cáo tài chính của các công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư cũng có thể cập nhật được phần nào hoạt động. Nhưng đây lại là báo cáo năm, các công ty quản lý quỹ cũng không phải là công ty đại chúng, nên cũng rất khó để soi một cách chi tiết.

Có thể kể ra một số nghiệp vụ hay được các công ty quản lý quỹ thực hiện để tồn tại trong trường hợp không gọi được quỹ đứng ra làm môi giới để kết nối cho một số giao dịch trên thị trường OTC và trên sàn, nhận tiền ủy thác đầu tư, đầu tư trong quy mô nhỏ bằng vốn của mình. Nhưng nhìn chung, trong các hoạt động trên đây, các công ty quản lý quỹ cũng chẳng giỏi giang với nghiệp vụ nào cộng với thông tin hạn chế, nên khiến cho tất cả phải tù mù. Mà như vậy, sẽ rất dễ dẫn đến những hoạt động kiểu như công ty quản lý quỹ có thể cho mượn cổ phiếu để bán khống, hoặc mang tiếng đầu tư mua bán, nhưng lại giao dịch theo kiểu đánh lên đánh xuống…

Như vậy, với việc các cơ quan quản lý tăng cường thanh kiểm tra các công ty quản lý quỹ, kỳ vọng những kịch bản nêu trên cũng giảm thiểu. Ở đây, ngoài việc thanh tra nghiệp vụ, tài chính và công tác công bố thông tin, thiết nghĩ các cơ quan cũng cần phải hướng đến việc xem xét cả mục tiêu hoạt động của công ty quản lý quỹ.

Chẳng hạn, một số công ty quản lý quỹ, khi công bố nghiệp vụ kinh doanh của mình đều là “quản lý quỹ đầu tư chứng khoán” hay “quản lý quỹ đầu tư”. Nhưng trong thực tế có như vậy hay không? Không phải công ty quản lý quỹ nào hiện nay cũng huy động được vốn để thành lập quỹ.
Không có quỹ thì quản lý cái gì? Nếu có những hoạt động khác, thì cũng khác với mục tiêu ban đầu được thành lập là để quản lý quỹ. Mà nếu như vậy, công ty quản lý quỹ giống với công ty đầu tư, hay công ty chứng khoán hơn, vì vậy mang danh quản lý quỹ để mà làm gì?

Tránh tình trạng “dở ông, dở thằng”

Quỹ đầu tư là thành phần quan trọng trên thị trường chứng khoán. Tại những thị trường phát triển, khi nhà đầu tư cá nhân không thể “đơn thương độc mã” thắng được thị trường, thì sẽ phải gửi gắm các công ty quản lý quỹ, nhờ vậy hoạt động của các công ty quản lý quỹ sẽ phát triển.

Nhưng nhìn vào các công ty quản lý quỹ hiện nay, có lẽ số lượng công ty đủ để tạo niềm tin cho nhà đầu tư chọn mặt gửi vàng e rằng không nhiều nếu không muốn nói là quá ít. Mà như vậy, nếu cứ duy trì trạng thái hoạt động “dở ông, dở thằng” như vậy, thì chừng nào công ty quản lý quỹ mới có thể tập trung vào chuyên môn, phát triển để có thể hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

Bối cảnh thị trường tính đến thời điểm này đang ngày càng nhiều thách thức, ngay cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng gặp không ít thua lỗ, và đây có thể là cơ hội của các nhà quản lý quỹ có trình độ. Nhà đầu tư không gặp được công ty quản lý quỹ hoặc không tin tưởng, lại tự mình đầu tư, lại thua lỗ, ngành quản lý quỹ cũng không thể phát triển. Cần tránh cái vòng luẩn quẩn này.

Nên chăng, các cơ quan quản lý ngoài việc yêu cầu công ty quản lý quỹ giải trình hoạt động cụ thể của mình, để phòng ngừa rủi ro, cũng phải xem xét tính nhất quán trong hoạt động, tôn chỉ hoạt động so với mục tiêu ban đầu. Trong trường hợp công ty quản lý quỹ nào không thể thực thi, cần tính đến những biện pháp chấn chỉnh, hoặc những giải pháp mạnh tay hơn nữa?

Nguồn: Thời báo kinh doanh

Có thể bạn quan tâm: Điều Quan Trọng Nhất – Howard Marks

Sự khôn ngoan khác biệt dành cho những nhà đầu tư thông minh

(Cuốn sách huyền thoại Warren Buffett khuyên mọi NĐT nên đọc)

Điều quan trọng nhất

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề