fbpx

Cuộc cách mạng một-cộng-rơm – Bốn nguyên tắc của nông nghiệp tự nhiên

Hãy cẩn thận khi đi qua những cánh đồng này. Chuồn chuồn, bướm ngài bay nhộn nhịp. Ong mật vù vù bay từ hoa này sang hoa khác. Vạch lá cây ra bạn sẽ thấy bọn côn trùng, nhện, ếch, thằn lằn và nhiều con vật nhỏ khác đang hối hả ngược xuôi trong bóng mát. Chuột chũi và giun đất thì đào hang dưới mặt đất.

Đó là đồng lúa cân bằng sinh thái. Ở đây, các cộng đồng côn trùng và thực vật duy trì một mối quan hệ ổn định. Bệnh trên cây cối quét qua vùng này không phải là chuyện lạ, nhưng mùa màng trên những cánh đồng của tôi không bị ảnh hưởng.

Giờ hãy nhìn sang cánh đồng của hàng xóm một chút. Cỏ được dọn sạch bằng thuốc diệt cỏ và bằng cách cày xới. Những động vật sống dưới đất và côn trùng bị tiêu diệt bằng thuốc độc. Đất mất sạch chất hữu cơ và các vi sinh vật do sử dụng phân bón hoá học. Vào mùa hè ta sẽ thấy nông dân làm lụng trên đồng, mặt thì đeo mặt nạ còn tay thì mang găng cao su dài. Những cánh đồng lúa này, được trồng cấy đã hơn 1.500 năm qua, nay bị tàn phá bởi các cách thức làm nông tận thu của chỉ một thế hệ.

Bốn Nguyên Tắc

Thứ nhất là KHÔNG CÀY XỚI ĐẤT, nghĩa là, không cày hoặc lật ngược đất lên. Hàng thế kỷ qua, người nông dân đã cho rằng cày ruộng là việc làm thiết yếu cho việc trồng cây lương thực. Tuy nhiên, không cày xới lại là điều căn bản trong việc làm nông tự nhiên. Đất tự xới trộn khi rễ cây xuyên qua, cùng với hoạt động của các vi sinh vật, động vật nhỏ và giun đất.

Thứ hai là KHÔNG DÙNG PHÂN HOÁ HỌC HOẶC PHÂN Ủ. Con người can thiệp vào thiên nhiên, và dù cố đến mấy họ cũng không thể chữa lành những vết thương do sự can thiệp đó gây ra. Các biện pháp làm nông bất cẩn của họ bòn rút hết các dưỡng chất thiết yếu của đất, và hậu quả là mỗi năm đất lại thêm cằn cỗi. Nếu cứ để tự nó, đất sẽ duy trì được sự màu mỡ một cách tự nhiên, tuân theo chu kỳ có trật tự của đời sống động thực vật.

Thứ ba là KHÔNG LÀM CỎ BẰNG VIỆC CÀY XỚI HAY DÙNG THUỐC DIỆT CỎ. Cỏ có vai trò của nó trong việc tạo ra sự màu mỡ cho đất và trong sự cân bằng của quần thể sinh vật. Nguyên tắc căn bản là, cỏ cần được kiểm soát chứ không phải là loại bỏ. Trên các cánh đồng nhà tôi, dùng lớp phủ bằng rơm, lớp cỏ ba lá hoa trắng mọc xen với cây lương thực và xả nước tạm thời vào đồng là đủ hiệu quả trong việc kiểm soát cỏ.

Thứ tư là KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO HOÁ CHẤT. Kể từ khi các biện pháp làm nông trái tự nhiên như cày bừa và bón phân làm cho cây trồng trở nên yếu đuối, thì bệnh tật và sự mất cân bằng trong cơ cấu côn trùng trở thành vần đề lớn trong nông nghiệp. Thiên nhiên, để mặc nó, tự cân bằng một cách hoàn hảo. Côn trùng gây hại và các loại bệnh trên cây luôn hiện hữu, nhưng trong tự nhiên chúng không diễn ra đến mức phải dùng tới các hoá chất độc hại. Cách tiếp cận hợp lý với vấn đề kiểm soát bệnh tật và côn trùng là trồng các loại cây lương thực cứng cáp trong một môi trường lành mạnh.

cach-mang-mot-cong-rom

Không Cày Xới Đất

Khi đất bị cày xới, môi trường tự nhiên bị biến đổi không còn nhận ra được nữa. Tác động trở lại của những hành động như thế này đã gây ra những cơn ác mộng cho vô số thế hệ nông dân. Lấy ví dụ, khi một khu vực đất tự nhiên bị đặt dưới lưỡi cày, những giống cỏ rất khỏe như cỏ mần trầu và chút chít đôi khi lấn át cả rau màu. Khi những loại cỏ này chiếm chỗ rồi thì năm nào người nông dân cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ làm cỏ gần như là bất khả thi. Thường xuyên như vậy, đất đai sẽ bị bỏ hoang.

Đối phó với những vấn đề như vậy, cách giải quyết hợp lý duy nhất là không tiếp tục tiến hành các biện pháp trái tự nhiên nữa, là nguyên nhân từ đầu đã gây ra tình trạng này. Người nông dân cũng có trách nhiệm khắc phục các hậu quả mà họ đã gây ra. Việc cày xới đất phải được dừng lại. Nếu thực hiện các phương pháp nhẹ nhàng như trải rơm, trồng cỏ ba lá thay cho việc sử dụng các hoá chất nhân tạo và máy móc để tiến hành cuộc chiến hủy diệt, môi trường sẽ quay trở lại sự cân bằng tự nhiên của nó và ngay cả những loài cỏ dại phiền toái cũng sẽ kiểm soát được.

Không Phân Bón

Người ta biết đến tôi nhờ câu hỏi “Nếu cứ để mặc đồng ruộng tự phát triển thì độ màu mỡ của đất sẽ tăng hay là sẽ suy kiệt?” khi nói chuyện với chuyên gia về độ màu mỡ của đất. Thường thì họ ngừng lại một lúc rồi nói gì đó kiểu như, “À, để xem nào… Nó sẽ trở nên suy kiệt. À không, sẽ không như thế khi ta nhớ một điều rằng khi trồng lúa trong một thời gian dài trên cùng cánh đồng mà không bón phân, thu hoạch ổn định ở mức 9 giạ (hơn 2 tạ) cho một nghìn mét vuông. Đất sẽ không màu mỡ lên cũng không suy kiệt đi.”

Các chuyên gia này đang nói về đồng lúa nước được cày xới. Nếu để mặc cho tự nhiên làm phận sự của nó, độ màu mỡ sẽ tăng. Chất hữu cơ còn lại của thực vật và động vật được tích tụ và được phân hủy trên bề mặt đất bởi vi khuẩn và nấm. Với sự chuyển động của nước mưa, các chất dinh dưỡng được đưa sâu xuống đất trở thành thức ăn cho vi sinh vật, giun đất, và các động vật nhỏ khác. Rễ cây vươn tới lớp đất sâu hơn và hút các dưỡng chất này lên lại bề mặt đất.

Nếu bạn muốn có một ý niệm về sự mầu mỡ tự nhiên của đất, thi thoảng hãy đến các vùng núi hoang dã và chiêm ngưỡng những cái cây khổng lồ lớn lên mà không cần tới phân bón và cày xới đất. Sự màu mỡ của tự nhiên, như tự bản thân nó, là ngoài sức tưởng tượng.

Đốn đi các cây rừng tự nhiên rồi trồng thông đỏ Nhật Bản hoặc tuyết tùng trong vài thế hệ thôi, đất sẽ cằn cỗi và dễ dàng bị xói mòn. Trái lại, hãy lấy một vùng núi cằn cỗi với lớp đất sét đỏ nghèo nàn rồi trồng thông hoặc tuyết tùng với mặt đất được bao phủ bởi cỏ ba lá và cỏ linh lăng. Khi phân xanh (gồm các loại cây phủ đất chẳng hạn như cỏ ba lá, đậu tằm và cỏ linh lăng, chúng thiết lập điều kiện và nuôi dưỡng đất) làm cho đất màu mỡ và tơi mềm, các loài cỏ dại và các cây bụi sẽ mọc lên bên dưới những cây lớn, và một chu kỳ tái tạo độ màu mỡ cho đất bắt đầu. Có những trường hợp, chưa tới mười năm, tầng đất dày cỡ một tấc phía trên cùng đã trở nên màu mỡ.

Đối với việc trồng các cây lương thực trong nông nghiệp cũng vậy, việc sử dụng phân ủ cũng có thể dừng lại. Hầu hết thì, một lớp phủ cố định làm phân xanh cùng với việc trả lại rơm và trấu cho đất là đủ. Phân chuồng, giúp cho việc phân hủy rơm, thường được tôi lấy từ vịt thả rông trên đồng. Nếu bắt đầu thả vịt con từ khi mạ non thì chúng sẽ lớn lên cùng với lúa. Mười con vịt sẽ cung cấp tất cả lượng phân chuồng cần thiết cho một nghìn mét vuông ruộng và giúp kiểm soát cỏ dại nữa.

Tôi thực hiện việc này trong nhiều năm, cho đến khi người ta làm đường cao tốc chạy ngang qua khiến cho lũ vịt không thể băng qua lộ và quay trở về chuồng. Hiện giờ, tôi dùng một chút phân gà để giúp phân hủy rơm. Ở những nơi khác, việc thả vịt hoặc các động vật chăn thả loại nhỏ khác là khả thi.

Bỏ quá nhiều phân có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Một năm nọ, ngay sau thời điểm người ta cấy lúa, tôi ký hợp đồng thuê 5 mảnh một nghìn mét vuông ruộng lúa mới cấy xong. Tôi xả hết nước ra khỏi đồng và cứ thế mà không sử dụng phân bón hoá học, chỉ dùng một lượng nhỏ phân gà. Bốn thửa phát triển bình thường. Tuy nhiên, ở thửa thứ năm, dù tôi có làm gì đi nữa, các cây lúa vẫn mọc lên quá dày và bị bệnh đạo ôn tấn công. Khi tôi hỏi chủ đất về việc này, ông ta nói đã dùng thửa ruộng này làm bãi chứa phân gà suốt cả mùa đông.

Dùng rơm, phân xanh, và một ít phân gia cầm, người ta có thể thu được năng suất cao mà hoàn toàn không cần phải bón phân ủ hay phân bón thương mại. Tính đến giờ đã vài chục năm rồi, tôi lùi lại và quan sát cách mà tự nhiên làm cho đất tơi xốp và màu mỡ. Thêm vào đó, trong lúc ngắm nghía, tôi lại được bội thu các loại rau, cam quýt, lúa gạo và ngũ cốc mùa đông như thể một món quà từ sự màu mỡ tự nhiên của đất vậy.

– Masanobu Fukuoka –

-> Chờ đón Kỳ tiếp theo “Đối phó với cỏ dài”

Các viết cùng chủ đề