fbpx

Dạy trẻ tiêu tiền lì xì đúng cách

Cha mẹ lấy toàn bộ hoặc tiêu hộ tiền lì xì có thể không phải là cách hay. Thay vào đó, bạn có thể hướng dẫn con biết cách dùng tiền như một khoản tiết kiệm, đầu tư.

Theo phong tục, mỗi dịp năm mới, trẻ em nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành. 

Ở Việt Nam, chưa có khảo sát nào về số lượng tiền mừng tuổi của trẻ nhưng nhìn chung, số tiền trẻ nhận ở các thành phố lớn có thể lên đến tiền triệu. 

Với khoản tiền khá lớn của con, mỗi bố mẹ có cách hành xử khác nhau. Với những bé còn nhỏ, bố mẹ thường “cầm hộ”. Khi lớn hơn, phụ huynh có thể tiếp tục lựa chọn cách này hoặc cho trẻ tiêu tùy ý.

Nếu ở đủ tuổi đủ lớn để biết tiêu tiền nhưng không được hướng dẫn, trẻ có thể nhanh chóng tiêu vào những việc vô bổ như đi chơi game cùng bạn bè hoặc mua sắm những thứ mà trước đây bố mẹ chưa cho phép mua. Giới chuyên gia khuyên rằng tịch thu tiền của trẻ hoặc lấy bớt đi không phải là cách hay vì sẽ chỉ càng khiến trẻ giấu bớt đi hoặc kích thích trẻ nói dối về số tiền nhận được. Trong suy nghĩ của trẻ, tiền mừng tuổi thuộc về chúng. 

Thay vào đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng dịp trẻ nhận tiền lì xì là cơ hội để bố mẹ dạy con chi tiêu đúng cách, thậm chí có thể hướng dẫn trẻ giữ tiền như một khoản đầu tư.

1. Mở tài khoản tiết kiệm 

Cách đơn giản nhất là mở một tài khoản tiết kiệm với chương trình tiết kiệm dành cho trẻ em. Phần lớn ngân hàng dành nhiều ưu đãi cho chương trình này như lãi suất ưu đãi nhất so với các hình thức tiết kiệm khác, gửi tiền linh hoạt hơn, khuyến mãi gói bảo hiểm cho trẻ…

Hình thức tiết kiệm này hấp dẫn trẻ vì trẻ được đứng tên sổ tiết kiệm của riêng mình và có thể sử dụng sổ thông qua người giám hộ. Bố mẹ có thể thuyết phục trẻ trích một phần hoặc toàn bộ tiền mừng tuổi để lập sổ tiết kiệm. Số tiền này sẽ được dùng cho nhiều mục đích do trẻ lựa chọn với sự hướng dẫn của bố mẹ. Ví dụ trẻ đồng ý dùng tiền tiết kiệm để chi trả tiền học phí hàng năm hoặc thậm chí dành cho các mục tiêu dài hạn như đi học đại học, mua một ngôi nhà trong tương lai. Hoặc tiền tiết kiệm có thể được dành để mua những thứ có giá trị khá lớn mà trẻ mong ước như xe đạp điện, một chuyến du lịch đi Singapore.

2. Đầu tư

Với những trẻ lớn hơn và đã một thời gian dài được bố mẹ cho tiếp cận dần với kiến thức tài chính cũng như cách tiền được sinh ra, bố mẹ có thể cho trẻ dành một phần tiền mừng tuổi để đầu tư vào các kênh ví dụ như chứng khoán. Nếu trẻ chưa đủ tuổi để đứng tên tài khoản, bố mẹ có thể đứng tên hộ.

Jason Moser, nhà phân tích từ một công ty đầu tư tại Mỹ nói trên Wall Street Journal rằng nhiều bố mẹ bắt đầu cho con đầu tư từ khi con học cấp một. Ban đầu, đó dường như là một trò chơi, trẻ tùy ý chọn một mã nào đó và sau mỗi quý hoặc nửa năm bố mẹ thông báo về kết quả sinh lời. Với trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể để trẻ chọn mua những công ty mà trẻ đã biết tên tuổi. Đó là cách mà các chuyên gia thế giới khuyên cha mẹ nên làm nếu muốn con am hiểu về thị trường tài chính, cách đầu tư thông thái trong tương lai.

3. Sẻ chia

Ngoài ra, bố mẹ cũng đừng quên dặn trẻ dành một phần để làm từ thiện. Đây là lúc phù hợp nhất để dạy về tình thương người và sự hào phóng vì trẻ đang có sẵn khá nhiều tiền vừa được người khác cho. Để thuyết phục trẻ, bố mẹ có thể viện dẫn những tấm gương như các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates đã cam kết hiến gần như toàn bộ tài sản để giúp đỡ người khác.

 

Nguồn: VNExpress, Boomerang VN