fbpx

Global Witness và nước mắt của môi trường

“Con người phải hiểu rằng chúng ta không thể sống nếu không có mẹ trái đất, nhưng hành tinh này vẫn có thể sống mà không cần chúng ta”. (Evo Morales)

Kinh tế phá rừng

Dù đau xót khi chứng kiến sự tàn phá vô cảm của con người với rừng (lá phổi của trái đất), tôi vẫn chưa nghĩ ra sự thiệt hại về kinh tế cho đến khi đọc bài blog của BS Hồ Hải về giá trị của lâm sản. Theo BS Hải, mỗi m3 của gỗ trắc tốt Việt Nam có giá khoảng 36.000 USD trong khi loại gỗ rẻ nhất cũng thu về hơn 15.000 USD mỗi m3. Một vòng qua Google về giá cả của các cây rừng nguyên sinh xác nhận khung giá này.

Theo số liệu từ luận án “Hiện trang suy giảm tài nguyên rừng Việt Nam” tại trang luanvan.co, năm 1993, tổng số gỗ trong các khu rừng Việt là 1.025 triệu m3 (khoảng 76m3/mẫu – hecta trên 14 triệu mẫu diện tích). Vài nghiên cứu khác chỉ ghi nhận đến 728 triệu m3. Giai đoạn 1993 – 2009, cả nước mất khoảng 7.650 mẫu mỗi năm hay 122.400 mẫu trong 16 năm tương đương với 9,3 triệu m3 gỗ. Nếu tính giá bèo là 15.000 USD mỗi m3 gỗ bán ra, các lâm tặc và đồng loã đã bỏ túi 139 tỉ USD. Đây là một mất mát lớn gấp 30 lần Vinashin, bằng 115% GDP của Việt Nam trong 2012 và gấp ba lần số nợ xấu của các ngân hàng theo báo cáo hiện nay. Số tiền này có thể xây 7 triệu nhà xã hội (20.000 USD mỗi căn) để tặng không cho các hộ nghèo; hay trả tiền ăn học cho 25 triệu trẻ em miền sâu miền xa trong 12 năm học (trung bình 500 USD/năm/em).

Vì lòng tham con người là vô hạn nên chúng ta cần những công cụ như GW, dựa trên những lý tưởng đáng ca ngợi của tuổi trẻ còn biết cảm xúc với những nỗi đau của con người và thiên nhiên. Đó mới thực sự là cốt lõi của văn hóa và văn minh nhân loại.
Dĩ nhiên, tôi và đến 99% dân số không có thẩm quyền gì về pháp luật nên những phân tích… chỉ là những phân tích. Tuy nhiên, sự im lặng tuyệt đối của xã hội với một vấn nạn kinh tế tầm cỡ này là một điều khó nuốt cho mỗi bữa ăn.

Global Witness

Nhìn lại hoạt động của Global Witness (GW) trong 20 năm vừa qua, chúng ta nhận thấy là GW đã đi đúng với tôn chỉ và mục tiêu của tổ chức. Một là giúp cho những hộ nghèo ở vùng có tài nguyên không bị các thế lực tư bản hay quan chức “móc túi” cho nghèo thêm; hai là bảo vệ môi trường “sống” cho toàn cư dân của trái đất. Họ đã thành công ngăn chận “kỹ nghệ kim cương máu” ở Phi châu cũng như những tàn phá rừng và khai thác gỗ ở Campuchia thời Khmer đỏ, ở Indonesia, ở Liberia, ở Myanmar…

Phương thức hoạt động của họ không nhắm vào quan chức hay công ty địa phương, mà vào các nhà tư bản Tây phương đang đổ tiền tài trợ cho các dự án này. Trong phi vụ “kim cương máu”, mục tiêu chính là tập đoàn kim cương lớn nhất thế giới, DeBeers. Khi bị áp lực của dư luận người tiêu dùng không muốn vấy bẩn vào “kim cương máu”, DeBeers ngưng thu mua và thị trường teo tóp ngay qua đêm. Mục tiêu khi tấn công vào việc phá rừng khai thác lâm sản của các quốc gia đã nêu tên, là vào các nhà tài trợ dự án và các công ty mua bán gỗ.
GW làm việc hoàn toàn dựa trên nguyên lý tư bản, “Khi dòng tiền ngưng chảy vào một lĩnh vực kinh doanh, các dự án sẽ tự huỷ diệt theo thời gian”.

Vì được tài trợ một phần bởi các chính phủ Anh, Mỹ, Âu… GW không bao giờ đụng trực tiếp đến các tầng lớp chính phủ hay quan chức, vì đây là phạm trù của bộ Ngoại giao của các chính phủ tài trợ cho họ. GW biết nên không bao giờ lấn sân qua các hoạt động chính trị hay đánh đấm với các công ty địa phương.

Cho nên khá khôi hài khi các công ty Việt Nam có tên trong bản cáo buộc của GW lên tiếng phản bác, phủ nhận hay mời GW đến tham quan cơ sở. Các mạng truyền thông thế giới không chút quan tâm đến các phản bác của các ngài và chỉ đợi phản ứng chính thức từ các nhà tư bản tài trợ như Deutsch Bank, IFC, Temasak Holdings hay quỹ Jacar…

Công cụ chống lại sự quá đà của quyền lực

GW là một công cụ của thế giới tư bản để chống lại những lạm dụng quá đà của quyền lực. Những nhà tư bản thường cho là mình “bất bại” và trong mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cho công ty, các nhà quản lý đôi khi vượt qua ranh giới của lương tâm để đạt “chiến thắng”. Những hoạt động vô vụ lợi của GW là tiếng còi báo động sớm cho các công ty đa quốc, các ngân hàng, quỹ đầu tư thế giới cũng như các mạng truyền thông chính thống khác.

GW (và các nhóm vô vụ lợi khác của toàn cầu) cộng với dư luận là những rào cản hữu hiệu để nền kinh tế tư bản có được một chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm với xã hội chung quanh. Vì lòng tham con người là vô hạn nên chúng ta cần những công cụ như GW, dựa trên những lý tưởng đáng ca ngợi của tuổi trẻ còn biết cảm xúc với những nỗi đau của con người và thiên nhiên. Đó mới thực sự là cốt lõi của văn hoá và văn minh nhân loại.

Lại chuyện mất hay được?

Một câu hỏi khác của một nhà báo cũng làm tôi phải suy nghĩ. Là người Việt, ông phải ủng hộ doanh nhân Việt chống lại bọn “ngoại xâm”. Ông nghĩ thế nào về hậu quả kinh tế cho ngành cao su Việt Nam khi đối diện với cáo buộc của GW?

Thú thật, tôi yêu quê hương nhưng không có một lòng ái quốc cuồng tín. Tôi tự hào với thành quả tốt đẹp mà các sinh viên, các khoa học gia, các doanh nhân Việt đã gặt hái trên khắp thế giới. Nhưng tôi cũng xấu hổ khi đọc về những tội phạm ma tuý, xã hội đen Việt… trên các mạng truyền thông toàn cầu…

Về hệ quả kinh tế, chúng ta sẽ thâu nhặt những gì chúng ta đã gây trồng. Nếu các nhóm môi trường và các định chế truyền thông khác tham gia để tăng cường độ của lời cáo buộc, tôi nghĩ là nhiều cổ đông hay quỹ đầu tư sẽ rút ra khỏi các dự án cao su ở Đông Dương để tránh tai tiếng. Ngoài sự thiếu hụt cho dòng tiền luân chuyển, các công ty có thể còn bị sức ép về giá cả nếu các nhà tiêu dùng lớn tìm nguồn cung cấp khác ngoài Đông Dương. Đây là rủi ro lớn nhất về lâu dài.

TS Alan Phan

Các viết cùng chủ đề