fbpx

[Cấu trúc tổ chức] Gweilo – Những “con chó tây theo đuôi ông chủ” trong tổ chức của các bố già

Trong khi các “nô lệ trưởng” thường là người châu Á, có cùng chủng tộc với đại gia, có thể nói cùng thứ tiếng và tương tác hoàn toàn đầy đủ với gia đình đại gia. Thì trong đội ngũ quản lý của một đại gia thời hiện đại, có một nhân vật tương phản hoàn toàn. Đây là người thuộc chủng tộc nước ngoài, thường là người châu Âu hoặc Mỹ.

>> Xem thêm Cấu trúc trong bộ máy làm việc của những bố già

Phần 1: Một ngày làm việc của một “bố già châu Á” bận rộn đến mức nào?

Phần 2: Nhiệm vụ của một “nô lệ trưởng” 

Thời kì sau độc lập, nhu cầu của các bố già ngày càng trở nên phức tạp. Bỗng nhiên, họ là những người liên minh với giới làm chính trị, giữ giấy phép độc quyền và ở một vị trí có thể mua hết hoặc chiếm hết những lợi ích thương mại của các nhà thực dân cũ. Khi quyền lực của họ đã tăng lên, họ cần biết về thị trường toàn cầu và nguồn vốn đầu tư toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, một sân khấu đã được dựng nên cho sự trỗi dậy của cái gọi là gweilo running dog (gweilo là “người ma” trong tiếng Quảng Đông, uyển ngữ thông dụng chỉ một người nước ngoài). Một số “chú chó” của các bố già chẳng mang lại điều gì hơn là khả năng quản lý chuyên môn; những “chú chó” khác, thường là những nhân vật chẳng hay ho gì đã và đang sẵn sàng tham gia vào tất cả các loại hoạt động theo cách thức không chính đáng.

Giới hạn duy nhất với cái lợi có thể thu được từ việc thuê những tài năng đa sắc tộc là khả năng các đại gia đặt sự tin tưởng vào người nước ngoài đó như thế nào. Một bố già nhận ra rằng một gweilo trả lương hậu hĩnh cũng có thể đáng tin cậy như một người châu Á. Đó là đại gia Lý Gia Thành, chủ nhân tối cao của các gweilo. Theo Simon Murray, người đã điều hành công ty Hutchison cho Lý trong một thập kỷ: “Ông Lý là người hoàn toàn không phân biệt chủng tộc. Ông nhìn vào con người và thấy được giá trị”.

Nhận xét của Simon Murray, người điều hành công ty Hutchison cho Lý trong một thập kỷ

Hoàn toàn là một cái cũi

Lý bắt đầu tạo dựng liên minh quan trọng với người Anh trong thập niên 1970. Năm 1979, sau khi nắm quyền kiểm soát công ty Hutchison, ông đã tuyển dụng các cán bộ quản lý cấp cao người châu Âu và Bắc Mỹ cho bộ máy của mình.

Nếu như, Lý tự điều hành doanh nghiệp bất động sản ban đầu của mình là Cheung Kong, thì Hutchison là một đất nước của các gweilo. Các gweilo là sự kết hợp của tâng bốc, tham lam và chuyên nghiệp – nhưng tất cả bọn họ đều hữu ích.

Một trong những mối quan hệ sớm nhất và lâu dài nhất của Lý là với Philip Tose, một người đàn ông có cái tên đồng nghĩa với sự sụp đổ của tập đoàn Peregrine (cho đến năm 1998 vẫn là ngân hàng đầu tư và môi giới lớn nhất châu Á nằm ngoài Nhật Bản).

Ông ta đến Hồng Kông năm 1972 để địa phương hóa đội ngũ nhân viên của Vickers da Costa, khi đó là một trong những công ty môi giới lớn nhất thuộc sở hữu của Anh. Vào thời điểm ngành công nghiệp môi giới địa phương đang ở giai đoạn trứng nước, ông đã viết báo cáo đầu tiên về một công ty Trung Quốc ở Hồng Kông với cái nhìn của một chuyên gia môi giới quốc tế.

Doanh nghiệp được xem xét là Cheung Kong của Lý Gia Thành. Trước khi công bố, ông đã gửi một bản sao báo cáo đến Cheung Kong. Khi một người bợ đỡ Lý gọi điện thoại để chỉ ra một lỗi nhỏ, Tose đã in lại toàn bộ bản báo cáo. Đó là sự khởi đầu của mối quan hệ làm việc ba thập kỷ với Lý, người mà Tose đã công khai gọi là “người bạn rất thân thiết”. Khi Tose thành lập Peregrine năm 1988, Lý là một trong những nhà đầu tư của ông ta.

Đầu năm 1996, thị trường chứng khoán Hồng Kông đầy rẫy những tin đồn về có sự điều khiển thị trường khi Peregrine đưa ra một cuộc gọi bán Hutchison. Giá cổ phiếu giảm xuống khoảng 13% và Lý Gia Thành bước vào để thêm nhiều cổ phần cho chính mình. Liệu Peregrine đã giúp Lý có được cổ phần với giá rẻ chăng?

Kết cục của Peregrine cũng giống như kết cục của bất kỳ nhà điều khiển thị trường giá lên trắng trợn nào. Công ty này không thể sống sót qua một thời kỳ suy thoái kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào cuối năm 1997, Peregrine bị “lây nhiễm” bởi ba phần tư vấn của nó chỉ được hai công ty bệnh hoạn ở Indonesia vay – một công ty taxi ở Jakarta là Steady Safe đã liên kết với gia đình Suharto, và công ty Bột giấy & Giấy châu Á, một doanh nghiệp của bố già Eka Tjipta Widjaya, và là con nợ quá hạn lớn nhất Đông Nam Á. Số tiền một đi không trở lại, Peregrine không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, và gục ngã trong tháng 1 năm 1998.

Lý Gia Thành không hề mở hầu bao để cứu Peregrine, nhưng ông đã tỏ lòng trung thành với thương hiệu thủ lĩnh đáng tin cậy của mình. Lý vẫn đưa Tose vào biên chế của mình với tư cách là cố vấn cho Hutchison. Christopher Wood, chiến lược gia về chứng khoán nổi tiếng châu Á, người bắt đầu sự nghiệp là một nhà phân tích tại Peregrine, đã nhận xét về cuộc đời của Tose rằng: “Ông ta không biết đi đường nào khi đến những lối rẽ”

George Magnus cũng là một nhà quản lý người Anh của Tập đoàn Haw Par được Lý thuê để làm việc. Người ta chú ý đến sự kiện Haw Par tuyên bố mua 20% cổ phần tại Cheung Kong của Lý Gia Thành. Nhưng đáng nói là một vài tuần sau đó, Magnus từ chức giám đốc điều hành tại Haw Par và chẳng bao lâu sau, năm 1978 Cheung Kong được công bố là bán cho Lý. Sau đó, Magnus trở lại làm giám đốc điều hành của Cheung Kong, tiếp đến là chức Phó chủ tịch và những vị trí giám đốc nhiều công ty khác của đại gia Lý.

Năm 1984, Lý thuê Simon Murray, một cựu quản lý của Jardine, Matheson làm Giám đốc điều hành Hutchison. Murray, cũng được ưa thích và tôn trọng trong giới kinh doanh Hồng Kông. Lý Gia Thành lúc này buộc ban quản trị Hutchison chi trả một khoản cổ tức đặc biệt trị giá 256 đô-la, một công việc khó khăn nhất đối với Cheung Kong của Lý, đang cực kỳ túng quẫn vì vụ đổ vỡ bất động sản hồi đầu thập niên 1980. Việc thanh toán vẫn xảy ra mặc cho từ chối công khai từ Giám đốc điều hành cũ của Lý tại Hutchison, rằng công ty không phải là một nhà phân phối tiền mặt. Đó cũng là thời gian Lý đang bị nghi ngờ về giao dịch có nội gián với International City Holdings.

Simon Murray

Trong bối cảnh này, Murray đã mang lại sự tín nhiệm rất cần thiết khi tuyên bố rằng lãi suất của các cổ đông thiểu số tại Hutchison sẽ được bảo vệ. Ông ta tiếp tục điều hành công ty cho đến năm 1993, khi một số quan điểm khác biệt – về tất cả mọi thứ, từ chiến lược đến quan điểm chính trị về tương lai của Hồng Kông – làm cho ông phải ra đi.

Lý, thật đúng nguyên mẫu, cẩn thận đảm bảo sự chia tay với Murray là một sự xuống dốc nhẹ nhàng. Ông ta giữ Murray lại ban quản trị của Hutchison và Cheung Kong, và hậu thuẫn cho Murray thành lập công ty chứng khoán riêng.

Khi công việc kinh doanh của Lý mở rộng, có nhiều người nước ngoài được ông ta đưa vào làm việc trong các lĩnh vực chuyên môn hẹp. Hiện nay, hai người Anh đang điều hành hải cảng và các doanh nghiệp bán lẻ cho ông ta. Một người Canada giữ vai trò chủ chốt – Giám đốc tài chính tại Hutchison. Dù các gweilo làm gì, Lý sử dụng họ không giống như những đại gia khác. Ông là hiện thân cao nhất của một bố già luôn vận động và ủng hộ chủ nghĩa quốc tế. Tiếng Anh tự học của ông không phải hoàn toàn lưu loát, nhưng nó đủ để giao tiếp với những gweilo của ông.

Nhưng tại sao phải hiện đại hóa?

Kỹ năng điều khiển con người của Lý đã giúp ông, theo đa số ước tính, trở thành bố già giàu nhất châu Á. Trong khi một số doanh nhân chẳng có gì hơn là một gweilo chỉ mang tính biểu trưng, gần như là lời nhắc nhở về chủng tộc của ông chủ, Lý đã tô điểm đế chế của mình bằng việc có một giám đốc điều hành thuê từ các doanh nghiệp quốc tế.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên vai trò của sự độc quyền và cartel trong việc tạo ra tất cả sự giàu có của bố già.

Ở Hồng Kông, một số ngân hàng đầu tư suy đoán rằng hai người hưởng lợi hàng đầu khác của chính sách đất đai của địa phương và cartel bất động sản – Lý Triệu Cơ của công ty Henderson và gia đình Quách của công ty Tân Hồng Cơ – cũng giàu có chẳng kém gì Lý nếu tính đến tất cả tài sản của họ. Lý Triệu Cơ và Quách đã chẳng làm được gì nhiều với hầu hết các khoản thu nhập của họ hơn là “tái chế” chúng thành các khoản đầu tư thụ động, thường là ở nước ngoài. So với tất cả mồ hôi nước mắt của Lý Gia Thành khi cố gắng xây dựng một tập đoàn toàn cầu với một lực lượng lao động toàn cầu, thì số người vẫn tập trung vào việc “vắt sữa” một thị trường không có tự do thương mại còn rất nhiều.

Nhìn chung, các bố già ít đóng góp cho khoa học về quản lý nguồn lực con người. Ho trả lương hậu hĩnh cho những “nô lệ trưởng” và những “chú chó Tây theo đuôi ông chủ” của mình, bởi vì những người như thế thường có gốc gác là những nhà quản lý kinh doanh toàn cầu. Nhưng phần lớn nhân sự trong các tổ chức ngổn ngang của họ có chút gì đó như là những tấm bia đỡ đạn, với mức lương hạn chế bởi sức ép lâu dài của hoạt động nghiệp đoàn ở Đông Nam Á và nhập khẩu lao động nước ngoài rẻ hơn khi các doanh nghiệp lớn có nhu cầu (từ Indonesia đến Singapore, Trung Quốc đại lục tới Hồng Kông). Doanh nghiệp của các bố già thường trước hết có được một phần độc quyền và sau đó cắt giảm chi phí, chứ không phải là thuê những người giỏi nhất để tạo ra những thách thức trong một thị trường tự do. So với các công ty đa quốc gia, các hệ thống quản lý của họ là tương đối ít và tương đối khó hiểu. Vấn đề dễ hiểu là ý chí của một Ông Chủ Lớn.

Trái tim của mỗi doanh nghiệp của đại gia là một ban thư ký, một “nô lệ trưởng” và một đội hình các giám đốc điều hành luôn luôn căng thẳng chờ đợi những chỉ thị tiếp theo của một cá nhân, không bao giờ có thể dự đoán trước được.

Nguồn: Sách Những bố già châu Á

>> Xem thêm Chân dung bố già thời hậu chiến: 

Phần 1: Chân dung những bố già châu Á thời hậu chiến

Phần 2: Xuất thân bần hàn của các bố già Châu Á liệu có đáng tin?

Phần 3: Tính căn cơ có chọn lọc chảy trong máu các bố già

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư tài chính happy.live

ĐỌC THỬ

 

Các viết cùng chủ đề