fbpx

Làm thế nào để chiến tới cùng các mục tiêu đề ra trong năm 2023?

Đầu năm, bạn lập ra danh sách những thứ cần làm, bạn cũng đã cố gắng và nỗ lực, nhưng không đủ sức mạnh để kiên trì thực hiện như cam kết ban đầu. Bạn có bao thắc mắc? Như Albert Einstein từng nói: “Đừng mong chờ kết quả mới nếu lặp đi lặp lại cách thức cũ.” Liệu năm tới đây, bạn có thể trông chờ sức mạnh ý chí sẽ mạnh mẽ hơn năm cũ không?

Happy Live xin được gửi bạn bài viết từ Taylor Pearson, tác giả quyển sách The End of Jobs, bài viết sẽ gỡ rối lý do ẩn nấu sâu bên trong khiến bạn không thể tập trung hoàn thành danh sách mong ước của mình, và cách thức để giữ vững tập trung, hành động quyết liệt.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHIẾN TỚI CÙNG CÁC MỤC TIÊU ĐỀ RA TRONG NĂM TIẾP THEO?

Đầu năm, phần lớn mọi người hình dung về một năm của mình sẽ bắt đầu rất có định hướng và cụ thể:
 
– Bạn sẽ đọc sách.
– Bạn sẽ thăng chức.
– Bạn sẽ triển khai dự án.
– Bạn sẽ phát triển một thương vụ…
À há. Nhiều thay đổi lớn sắp sửa xảy ra đây!
 
Cuối năm, hầu hết những người này cùng nhìn lại và năm đó cứ “kì kì”, mọi việc có vẻ chưa hoàn tất.
 
– Bạn bắt đầu cuốn sách nhưng đang đọc dở thì phải xoay sang phác thảo trước khi dự án công việc xuất hiện.
– Bạn đang nỗ lực làm việc để được thăng tiến nhưng trộm nghĩ có thể bạn muốn chuyển phòng ban, vậy sao phải phiền?
– Bạn đang triển khai dự án, bạn đã xây dựng xong trang web, nhưng bạn quyết định nó không hay như một ý tưởng chớp nhóa trong đầu bạn lúc đầu, vì vậy bạn để nó ngồi lì trong máy chủ.
– Bạn bắt đầu phát triển hoạt động kinh doanh và có một kế hoạch ổn thỏa nhưng một vài cơ hội chợt xuất hiện, có vẻ như chúng thậm chí còn ngon ăn hơn, do đó, kế hoạch cũ bị gạch bỏ.
 
 
Tại sao điều này xảy ra? Có một vài lý do, một số là lý do tốt:
 
Những lý do tốt khiến mọi người thay đổi trọng tâm:
 
– Bạn không-thực-sự-muốn những điều bạn nghĩ là bạn muốn.Bạn nghĩ mình muốn phát triển hoạt động kinh doanh hiện tại nhưng bạn nhận ra rằng bạn đã ngán hung rồi.
 
– Một cơ hội tốt hơn xuất hiện. Bạn nỗ lực làm việc hướng tới vị trí cao hơn và headhunter “chìa tay” và đề bạc bạn lên một vị trí hấp dẫn hơn.
 
– Bạn tính sai nước. Bạn nghĩ viết cuốn sách chỉ mất sáu tháng nhưng bạn nhận ra hai tháng trôi qua mà cứ ngỡ là hai năm và bạn cần sắp xếp lại một số thứ khác trong cuộc sống trước khi có thể hiến dâng hết thời gian đó.
 
Những lý do xấu (và đáng sợ) khiến mọi người thay đổi trọng tâm:
 
– Sắp xếp thứ tự ưu tiên kém, thiếu tập trung và rõ ràng – Bạn không biết mình cần phải làm gì.
 
– Đặt mục tiêu hoặc cột mốc xa vời – Điều bạn nghĩ cần phải làm không thực tế.
 
– Trì hoãn – Bạn biết điều cần làm nhưng không chịu làm.
 
– Hội chứng đối tượng chói sáng (Shiny object syndrome-SOS) – Bạn biết điều cần phải làm, nhưng bị thu hút bởi nhiều thứ khác.
 
– Sợ hãi và thiếu tự tin – Bạn biết điều cần làm nhưng công việc đầy thử thách và bạn gắn cảm xúc tiêu cực lên nó, nên muốn lãng tránh.
 
Nếu bạn thấy những lý do phần thứ hai (lý do xấu) như đang đi guốc trong bụng bạn thì kế hoạch tác chiến của tác giả Taylor Pearson dưới đây có thể thay đổi diện mạo 2021 của bạn.
 
Trong nhiều năm, tôi nghiên cứu và thử nhiều giải pháp khác nhau với bản thân và các khách hàng của mình.
 
Bây giờ, tôi muốn bắt đầu bằng sức mạnh trong thay đổi thời gian biểu mà bạn lên kế hoạch. Tiếp theo, tôi cũng sẽ xem xét ba sai lầm phổ biến nhất tôi thấy ở mọi người, làm “bung bét” hướng tập trung của họ và giải thích cách thức tránh va vấp. Cuối cùng, tôi sẽ hướng dẫn bạn một bài tập giúp tăng động lực, cải thiện khả năng định vị cơ hội cũng như khích lệ bạn mạnh dạn, đặt ra các mục tiêu lớn, tham vọng hơn và tràn đầy lòng tin có thể đạt được chúng.
 
Tôi thực sự tin rằng hệ thống này công hiệu. Nó hiệu quả với tôi trước tiên. Nó giúp tôi phát hành một cuốn sách bán chạy nhất, The End of Jobs, và xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử tăng trưởng 500% trong 18 tháng.
 
Tôi bắt đầu dạy nó cho người khác vào cuối năm 2015 và trong vòng vài tháng, họ cũng đón nhận kết quả tốt.
 
Nếu bạn từng cảm thấy các hệ thống lập kế hoạch mà bạn được dạy suốt nhiều năm không đầy đủ, không phù hợp với bạn hoặc quá đơn giản, tôi nghĩ bạn sẽ thấy cách tiếp cận này tươi mới.
 
Trước tiên, chúng ta cần xem xét ba lý do cơ bản mà hầu hết các hệ thống của mọi người gặp thất bại, để chúng ta hiểu mà tránh.

Tại sao hầu hết các hệ thống lập kế hoạch của mọi người thất bại:

1. Nó không dạy bạn cách chọn ra điều cần tập trung, mà dạy bạn làm sao để tập trung vào điều “người ta nói” (NÊN tập trung)

 Câu hỏi đầu tiên của tôi khi có người hỏi tôi những câu như “liệu điều tôi làm cho doanh nghiệp của mình có đúng đắn không?” hoặc “cách tốt nhất để sắp xếp thứ tự các mục tiêu là gì?” là: Bạn định nghĩa “tốt nhất?” hay cái “đúng đắn thế nào?”
 
Phần khó nhất trong việc tập trung là quyết định tập trung vào cái gì.
 
“Thực phẩm nào lành mạnh nhất trong thực đơn?” phụ thuộc vào định nghĩa của bạn về sức khỏe.
 
Nếu bạn quyết định lành mạnh đơn giản có nghĩa “giàu đạm nhất” thì đó là một câu hỏi dễ trả lời. Chỉ cần hỏi người phục vụ món nào giàu đạm nhất và bạn hoàn thành.
 
Hầu hết chúng ta lớn lên và sống trong các tổ chức (dẫn lệnh) từ trên xuống, nơi người trên cơ bạn bảo bạn phải làm gì và cái “tốt nhất” hay “đúng đắn” nghĩa là sao. Những tổ chức này có thể là trường học và cái tốt nhất là đạt điểm cao trong các địa hạt mà bạn được nhét vô đầu là quan trọng.
 
Hoặc, chúng có thể là những công ty nơi mà “đúng” có nghĩa là bất cứ điều gì sếp muốn.
 
Tuy nhiên, khi bạn níu phần trách nhiệm và kiểm soát sự nghiệp về phía mình gần hơn, nhiệm vụ xác định ưu tiên nặng nhẹ sẽ cậy vào vai bạn.
 
Nếu bạn đang cố đem khách hàng về công ty, bạn nên viết báo cáo nghiên cứu chuyên sâu (White Papers)? Gọi điện thoại cho khách hàng tiềm năng (cold calls)? Cố “thu phục” khách hàng ở các hội nghị hội thảo? Chỉ dồn lực vào khách hàng hiện tại của mình và sau đó mở lời nhờ giới thiệu mối mới khi bạn nhiệt tâm hơn? Hay bạn nên làm cả ba? Theo thứ tự nào? Lượng thời gian phân bổ cho mỗi hoạt động? Làm thế nào bạn biết cái nào không hiệu quả và khi nào cần chuyển đổi?

2. Nó không cho phép bạn phân biệt giữa “đối tượng chói sáng” và những cơ hội tốt hơn hợp lý

Có một hiện tượng gọi là hội chứng đối tượng chói sáng. Một bạn đọc, Syed, chưa bao giờ nghe thấy thuật ngữ này cả, nhưng hiểu rõ triệu chứng một cách hoàn hảo:
 
 
Xin chào,
Tôi giỏi lên những kế hoạch sâu và rộng. Và trong vài ngày/tuần đầu, tôi thực sự bắt tay vào mọi thứ và có tiến triển. Sau đó, tôi thấy chán/mất động lực/tìm đến thứ nào đấy sáng lạn hơn.
Thật tình mà nói tôi có hàng tá dự án dang dở.
Tôi không biết tên gọi của hiện tượng này là gì, và giải pháp khả thi cho nó ra làm sao, nhưng tôi sẽ trả phí để có được giải pháp cho vấn đề này.
Trân trọng,
Syed
 
Có lẽ bạn thấy quen quen? Phản ứng (giải pháp) thường là siêu tập trung vào một ưu tiên và chặn tất cả các lựa chọn khác.
 
Mặc dù có vẻ như nó hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng cũng có nghĩa bỏ qua cơ hội tốt hơn và hợp lý.
 
Trong một nghiên cứu về những người bán hàng kiếm được hơn 250.000 đô la một năm từ doanh số của mình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người bán hàng thành công nhất có một điểm chung:
 
Tốc độ thực hiện: Thời gian họ bắt đầu suy nghĩ một ý tưởng cho tới khi đưa nó vào thực tiễn.
 
Đó là, họ đuổi theo các đối tượng chói sáng. Tôi thấy điều này đúng với bản thân mình và khách hàng mà tôi cùng làm việc: những người định vị được những cơ hội tốt hơn và hành động nhanh nhất thường chiến thắng.
 
Tuy nhiên, những người theo đuổi bất chấp mọi đối tượng chói sáng và không bao giờ tập trung vào một thứ thì không bao giờ được tiến bộ toàn vẹn.
 
Đôi khi bạn cần sẵn sàng xông pha khi cơ hội xuất hiện. Hoặc rẽ hướng  nhanh chóng nếu một chiến thuật ngừng hiệu quả, hoặc một chiến thuật khác tỏ ra hiệu quả hơn. Nhưng làm thế nào biết được khi nào xoay (pivot) và khi nào (tiếp tục) cày?

3. Bạn biết những gì bạn cần làm, nhưng cứ tìm cách thoái thác nó

Bạn đã bao giờ đăng kí tập gym và không hiện thân sau tháng đầu tiên? Có bao giờ từ bỏ ăn kiêng, tập yoga, hay ngồi thiền? Bạn có từng hình dung về người mà bạn muốn trở thành, công việc bạn muốn làm? Có phải bạn là một doanh nhân mà không khai triển hành động? Một người theo nghiệp viết mà không cầm bút/đánh máy?
 
Thì bạn sẽ biết Kháng cự là gì (Resistance). Kháng cự là một khái niệm từ cuốn sách The War of Art của Steve Pressfield.
 
Trích từ tác phẩm của Pressfield:
 
“Hầu hết chúng ta có hai cuộc sống. Cuộc sống chúng ta đang sống và cuộc sống ẩn mình (unlived) bên trong chúng ta. Nằm giữa hai cuộc sống là Kháng cự.”
 
Bạn có thể gọi Kháng cự là “công việc cảm xúc”. Không phải do kỹ thuật diễn thuyết trước một căn phòng chật kín người khó khăn, bạn chỉ cần đọc kịch bản. Mà chính là nỗi sợ.
 
Một người bạn phục vụ trong quân đội tại các khu vực đang gây chiến kể với tôi rằng khi đăng bài viết đầu tiên trên blog của mình, anh ấy còn tê hơn khi đang tuần tra vùng đất bị chiếm đóng của địch tại Irac.
 
Cảm giác đó không phải là một nỗi sợ hợp lý, đó là Kháng cự.
 
Hầu hết các hệ thống lên kế hoạch không giúp ta bao bọc nỗi sợ hãi về cảm xúc này.
 
Những người thành công nhất mà tôi từng thấy không phải là những người làm việc chăm chỉ nhất hay thậm chí thông minh nhất, họ là những người làm việc can đảm nhất, mặc cho Kháng cự.

Phải làm gì đây?

Trong số này có điều nào nghe thân quen không? Bạn có cảm thấy sự Kháng cự không? Đuổi theo đối tượng chói sáng hoặc định nghĩa về thành công của người khác?
 
Chính việc sáng tỏ những điều này mới quan trọng, đúng không nào? Bạn có thể nghĩ rằng “tuyệt vời ông mặt trời – thế bây giờ tôi phải làm gì với nó đây?”
 
Những vấn đề đặt ra với các hệ thống hiện có, trong vài ngày tới tôi sẽ đăng một loạt các bài viết để tìm câu trả lời cho câu hỏi rối rắm “tôi phải làm gì với nó”.
 
Hôm nay tôi sẽ bắt đầu với một nền tảng mới: sự khác nhau giữa những mục tiêu (goals) và tầm nhìn (vison) và tại sao 25 ​​năm và 90 ngày là thời gian thiết yếu để lên kế hoạch.
 
 

Tại sao lại là một tầm nhìn 25 năm?

1. Động cơ: Kết nối các hoạt động hằng ngày của bạn với một tương lai lớn

Một du khách đang đi qua một thị trấn kiểu trung cổ và nhìn thấy ba ông thợ xây đang lao động trên một bức tường đá. Anh ta hỏi người đầu tiên đang làm gì. Người thợ đầu tiên quay làu bàu quay lại, “cắt đá.” Vẫn còn tò mò về những thứ họ đang xây cất, anh ta hỏi người thợ bên cạnh, người ấy đáp “xây một bức tường”  trước khi trở lại làm việc. Người du khách tiếp tục và hỏi ông thợ cuối cùng chính xác là họ đang xây cái gì. Ông trả lời, “một tượng đài.” Người thợ xây tiếp tục nói về ý nghĩa lịch sử của tượng đài, giải thích rằng nó tưởng nhớ một vị anh hùng đã cứu sống dân trong vùng. Ông say sưa kể về mọi người chung quanh đã vượt qua nhiều dặm đến thăm tượng đài, họ sẽ mang lại sự thịnh vượng cho dân làng.
 
Cả ba câu hỏi đều đúng về mặt kỹ thuật. Sự khác biệt duy nhất là khung thời gian (time frame). Người thợ xây đầu tiên là “cắt đá” (ngắn hạn); người thứ hai là “xây dựng bức tường” (trung hạn); và người cuối cùng là “xây dựng một tượng đài” (dài hạn).
 
Một nghiên cứu bởi Vallacher và Wegner (1987) đã tìm ra mức độ ý nghĩa và động lực cao hơn luôn gắn trên khung thời gian dài hơn.
Bằng việc bắt đầu với một khung thời gian dài hơn, bạn có thể kết nối công việc bạn đang làm hôm nay với một cái gì đó giàu ý nghĩa và cảm hứng hơn.
 
Bạn cần một thứ để tăng động lực và giữ cho bạn tập trung khi sự đời trở nên khó khăn. Nó phải mang tính lớn lao và dài hạn hoặc nó sẽ không đủ lực để thúc đẩy bạn và bạn sẽ bỏ cuộc hoặc cảm thấy chán nản.

2. Priming (mồi): Nhận diện những cơ hội mới, tốt hơn

Bạn đã bao giờ để ý nếu bạn đang cân nhắc mua một chiếc xe, bạn chợt bắt đầu nhìn thấy bóng dáng và mẫu xe ấy khắp mọi nơi? Đây là một hiệu ứng gọi là priming (mồi), được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu Daniel Kahneman và Amos Tversky. Không phải chiếc xe thực sự phổ biến hơn, mà đó là do bạn đột nhiên bắt đầu để ý nó vì bạn đang nạp vào đầu hình ảnh đó.
 
Bằng tầm nhìn dài hạn thông suốt, bạn có thể ngắm nhìn (bằng suy nghĩ) mỗi sáng, bạn sẽ tự mồi/kích thích chính mình một cách hiệu quả để định vị những cơ hội, từ đó có thể hướng sự tập trung đi theo. Không cần phải thay đổi môi trường của bạn làm gì, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy cơ hội mà bạn có thể đã bỏ lỡ ngay bây giờ.

3. Đặt mục tiêu tham vọng hơn

Vẻ đẹp khác của 25 năm là nó như một lịch trình hết sức dài hơi. Khi bạn đặt mục tiêu 1 năm hoặc thậm chí 5 năm, có cảm giác như thời gian đang héo mòn. 25 năm thì không. Bạn có thể xây dựng và bán lại một doanh nghiệp, viết một cuốn sách bán chạy nhất, luyện lên đai đen Nhu thuật Brazil, vun đắp một tổ ấm và vẫn còn thời gian trống cho bản thân.
 
Một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi thấy ở sinh viên khi bày biện các mục tiêu để tập trung là họ bắt đầu suy nghĩ về làm thế nào để hoàn thành các mục tiêu trước khi chỉ ra đều họ (thực sự) muốn.
 
Kết quả là họ vô thức nghĩ rằng “Ồ, tôi chả bao giờ có thể làm điều đó” và thậm chí còn không viết nó xuống. Nếu họ viết nó xuống, có lẽ họ đã thấy “dễ thở” hơn họ tưởng.
 
Bằng cách tạo cho mình một khung thời gian dài hơn, nhiều khả năng bạn sẽ “bén rễ” với những điều bạn thực sự muốn làm, kéo chúng ra khỏi đầu bạn.
 
Một khi bạn đã có tầm nhìn 25 năm làm động lực thúc đẩy bạn tìm kiếm những cơ hội to lớn hơn, bạn sẽ đặt được mục tiêu trước mắt mà bạn có thể bắt đầu hướng tới.
 
Tính ra, 90 ngày là 1% của 25 năm.
 
Nếu bạn có thể hoàn thành 1% chặn đường của mình trong mỗi mục tiêu 90 ngày, bạn sẽ thấy rõ tầm nhìn 25 năm. Cảm thấy khá sáng sủa đúng không nào?
 
Khu vực mà một mục tiêu 25 năm xuất hiện khó có thể hành động ngày hôm nay. Nếu bạn muốn viết một cuốn sách, bắt đầu một phi vụ kinh doanh, vun đắp một gia đình và luyện lên đai đen, bạn bắt đầu từ đâu? Bạn có bắt đầu tất cả cùng một lúc không? Một lần cho mãi mãi? Có trình tự nào thích hợp không?
 
Nhập cuộc: The 90 Day North Star (90 ngày sao Bắc Đẩu)
 
 

Tại sao lại là 90 ngày sao Bắc Đẩu?

1. 90 ngày nằm ngay giao điểm đánh giá quá cao và đánh giá quá thấp (overestimating and underestimating)

Bạn có bao giờ nhìn lại sự việc trong một ngày của mình và ngẫm, “Tôi có hoàn thành được việc gì ngày hôm nay không?”
 
Bạn có để ý thấy khi nhìn lại những năm vừa trôi qua của mình, bạn thường nghĩ  “Wow, mình đã “vất vả” (hoặc vật vả) trong những năm qua”.
 
Hầu hết mọi người cảm thấy họ chẳng làm được mống gì tính trên đơn vị ngày, nhưng cảm thấy đạt được rất nhiều khi tính trên năm.
 
Chúng ta đánh giá quá cao mức độ chúng ta có thể thực hiện trong một ngày, nhưng đánh giá thấp những gì mình có thể làm được trong một năm. 
Bằng cách đặt mục tiêu 90 ngày, bạn nằm ngay giao điểm của cả hai. Bạn có thể dự đoán chính xác hơn về những gì bạn có thể đạt được và sau đó bắt tay hoàn thành nó.
 

2. 90 ngày là khoảng thời gian đủ để đánh giá tiến bộ nhưng vẫn cho phép bạn điều chỉnh

Marc Andreessen đã đưa ra lời khuyên về sự nghiệp này: “Thế giới là một nơi cực kì phức tạp và mọi thứ luôn trong trạng thái thay đổi. Cố gắng lên kế hoạch cho sự nghiệp của bạn là một hành động vô ích mà sẽ chỉ làm bạn vỡ mộng, và che mắt bạn trước những cơ hội thực sự quan trọng mà cuộc sống sẽ rải rắc trên lối của bạn.”
 
Nếu bạn nhìn vào mọi người (có thể là chính bạn) đã lên kế hoạch cho sự nghiệp của họ năm năm trước, thế giới ngày nay khác xa so với trước đó. Không chỉ lên kế hoạch sự nghiệp che mắt bạn trước cơ hội mới, bởi vì chúng không hề tồn tại trong kế hoạch của bạn, hành động đó cũng có thể khóa bạn vào một con tàu đắm.
 
Tuy nhiên, không hề lên kế hoạch có nguy hiểm riêng của nó: hội chứng đối tượng chói sáng. Bạn có bao giờ nhảy từ dự án đến dự án khác và nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác mỗi ngày, mà chẳng bao giờ đạt tiến bộ một cách ý nghĩa dù trầy trật ra sao? Chúng ta đều biết có ai đó như vậy.
 
Bằng cách thiết lập mục tiêu 90 ngày, bạn cho mình đủ thời gian để đạt được tiến bộ có ý nghĩa. Bạn có thể triển khai một sản phẩm, viết một cuốn sách hoặc đạt 5 khách hàng mới trong 90 ngày. Đấy hẳn là vài tháng tốt đẹp làm sao.
 
Bạn cũng có thể cho mình khoảng không để thích ứng. Nếu bạn lưỡng lự khi cam kết với một điều gì đó trong quá khứ vì sợ rằng đó là lựa chọn sai lầm, hay vì bạn có quá nhiều sở thích khác nhau, những đường đua 90 ngày nước rút (dốc toàn bộ sức lực) là một cách để quản lý thói lưỡng lự ở bạn trong khi vẫn dõi theo tiến độ. Nếu bạn có 25 năm cuộc sống làm việc phía trước nữa, 90 ngày chỉ là 1% trong số đó, vì vậy nếu bạn vơ nhầm một sự lựa chọn bất hảo, thì có sao đâu chứ.

3. 90 ngày cho bạn cảm giác cấp bách

Trong một nghiên cứu về các công ty thưởng hằng quý so với thưởng cuối năm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những nhân viên bán hàng được khen thưởng hàng năm đạt hơn 50% doanh số của mình trong quý tư. Tại sao vậy?
 
Đến tháng 10, tất cả mới hớ ra là họ chỉ kiếm được một nửa doanh số cần đạt để được tiền thưởng hàng năm.
 
Nhân viên bán hàng được khen thưởng hàng quý có doanh số tương đối “cân đối” trong suốt cả năm và đạt doanh số bán hàng nhiều hơn tính trên tổng thể. Bởi vì họ luôn cảm thấy “thần chết” (deadline) sắp tới, họ liên tục tạo doanh số bán hàng.
 
Sử dụng các khung thời gian ngắn hơn tạo ra cảm giác cấp bách để hoàn thành mọi thứ ngay hôm nay chứ không phải ngày mai.
 
Định kiến cùng một thời gian ảnh hưởng đến khả năng ước tính chính xác cũng như ảnh hưởng đến chúng ta khi thiết lập mục tiêu. Khi chúng ta đặt ra các mục tiêu hàng năm, chúng có cảm giác xa xăm, “không phải lo lắng, mình còn cả thảy thời gian.”

Kết quả

Bằng cách kết hợp tầm nhìn 25 năm và 90 ngày sao bắc đẩu, bạn sống trọn vẹn trong cả hai thế giới. Một tương lai lớn, đầy động lực VÀ một mục tiêu rõ ràng, khả thi để tập trung vào hành động.
 
Bạn sẽ tránh khỏi khổ đau của có một mục tiêu nhưng không đủ lớn để thúc đẩy bạn, hay quá lớn để có thể hành động ngay.
 
Lợi ích của việc có một mục tiêu 90 ngày rõ ràng là mức độ thông suốt và sự tự tin dâng cao. Nếu bạn chưa bao giờ thiết lập mục tiêu 90 ngày trước đây, bạn sẽ cảm thấy chắc chắn hơn và tự tin hơn rất nhiều. Mỗi lần bạn đặt mục tiêu 90 ngày mới, giống như sương mù tan dần và con đường đột nhiên trở nên thoáng đãng hơn. Sao Bắc Đẩu trở thành một tiêu điểm.
 
Nguồn: Medium/Taylor Pearson, Happy Live dịch
 

Các viết cùng chủ đề