fbpx

Lạm phát cái mác thành đạt

“Thành công là đạt được gì mình mong muốn. Hạnh phúc là muốn những gì mình đạt được” Success is getting what you want. Happiness is wanting what you get (Dale Carnegie).

Gần đây, tôi hay “bị” gán cho cai mác là doanh nhân “thành đạt”. Một cô phóng viên còn gọi tôi là “tỷ phú” dù tôi đã yêu cầu là xin nói rõ chỉ là tỷ phú tiền đồng. Khi một từ ngữ nào bị lạm dụng, tôi thường phát triển một dị ứng lạ thường. Thành đạt, đỉnh cao, đại gia…một ngày rồi phá sản, tội phạm, siêu lừa…một ngày khác. Biển dâu của ngôn ngữ còn sống động hơn những biến động thay đổi trong thực tại.

Hình ảnh của thành đạt

Vài bạn trẻ gởi thư mong tôi chỉ cho bí quyết để trở thành một doanh nhân thành đạt; càng nhiều đường tắt càng tốt. Khi hỏi lại là họ nghĩ một doanh nhân thành đạt thì phải ra sao? Tất cả đều cho rằng phải có tiền thật nhiều để tiêu xài thỏa thích, phải được xã hội trọng vọng kính nể, phải có quyền lực qua quan hệ, phải có cả núi “đồ chơi” (chân dài, siêu xe, tiệc tùng, hàng hiệu…), phải được đi du lịch khắp thế giới, phải chơi trội hơn các đại gia nổi danh bây giờ…

Tôi thường trả lời là các bạn có một góc nhìn, dù rất phổ thông ở xứ này, nhưng rất sai lạc khi đối diện với thực tế. Cái giá phải trả cho những “ước muốn” ở trên có lẽ các bạn sẽ không bao giờ muốn trả (trừ khi bạn có lá số tử vi tốt, sinh ra làm hoàng tử công chúa cho các siêu quan). Ngoài ra, tôi nghe nói ngay cả việc xin làm con nuôi cho Angelina và Brad cũng không dễ gì.

Thêm vào đó, mác đại gia càng lớn thì càng nhiều ganh tị thù địch. Chỉ đọc và nghe những tin đồn hay vu khống về mình cũng mất hết ngày giờ. Sau 15 năm quản lý một công ty công cộng ở Mỹ, tôi nghĩ là mình đã quá quen với những thị phi, bịa đặt của các diễn đàn trên Net; nhưng những tấn công cá nhân gần đây khi tôi được các mạng truyền thông “bơm” lên làm mình phải tính đến chuyện tịnh khẩu để có chữ bình an.

Gốc rễ của Thành và Đạt

Theo tôi hiểu, chữ “thành đạt” gộp lại 2 phần chính: thành công trong công việc và đạt đến mục tiêu của cá nhân trong sự nghiệp. Nó xác định đỉnh cao của con người; nếu mục tiêu của một doanh nhân là tiền thì anh chị ta đang nằm trên núi của, nếu là một tu sĩ thì tâm linh ngài đã giác ngộ về cốt lõi của đạo; nếu là một trí giả thì ông bà này đang nắm túi khôn và kiến thức của nhân loại v.v… Tuy nhiên, mỗi cá nhân đều có những đẳng cấp khác nhau, nên mục tiêu để “đạt đến” cũng rất khác biệt. Do đó, cái “đạt” của người này có thể là cái “thua” của người khác.

Còn phần ‘thành” thì càng bấp bênh hơn vì những thành công lâu dài và bền vững rất hiếm khi xẩy ra trong thương trường hay đời sống. Ngay cả những vận động viên tài giỏi siêu đẳng như Roger Federer hay Tiger Wood cũng vấp ngã nhiều lần và sẽ lặn mất, các đội bóng lừng danh như Manchester United hay Lakers cũng thua đậm ở nhiều trận đấu và các siêu sao trong làng văn nghệ như J.K. Rowling hay Clint Eastwood cũng dính líu đến nhiều “bom thối” (flops). 10 công ty hàng đầu của Mỹ vào thập niên 50’s giờ chỉ còn GM và Ford là trụ lại nhờ sự hổ trợ của chánh phủ. Tiền bạc, quyền lực, danh vọng, ngay cả tình yêu…đến rồi đi, có rồi không. Với thời gian, mọi thành công đều là tạm bợ.

Vậy có một doanh nhân nào ở Việt Nam hay trên thế giới xứng đang với danh hiệu “doanh nhân thành đạt” hay “con người thành đạt”?

Một người thành đạt

Tôi luôn nghĩ là một con người khi vượt khỏi những nhu cầu hối thúc về cơm áo và có chút tự do, giá trị đẳng cấp của họ phải được định lượng trên 6 khía cạnh để được tạm gọi là thành đạt. Sức khỏe, tinh thần, trí tuệ, xã hội, tiền bạc và tâm linh. Theo 6 tiêu chuẩn này thì chắc chắn cá nhân tôi không phải là con người thành đạt, ngay cả trong vài chục năm tới khi tôi gần xuống lỗ. Thực vậy, thành đạt sao được khi định giá con người mình qua 6 tiêu chí trên, tôi phải tự nhận là mình còn nhiều thiếu kém.

Beautiful pink spa flowers with spa hot stones on water wet background. side composition. copy space. spa concept. dark background.

Với các bạn, tôi nghĩ mọi người phải làm một chuẩn lượng riêng cho mình. Sức khỏe của bạn có kham nổi một chương trình làm việc liên tục 16 giờ mỗi ngày; và những chuyến bay liên lục địa năm bẩy lần mỗi tháng? Tinh thần của bạn có mất đi cái bén nhậy của phán đoán khi bị vây bủa bởi áp lực, và ý chí có còn sắt đá, nhiệt huyết có còn tràn đầy khi sự nghiệp đứng bên lề vực thẳm? Sự hèn nhát và an thân không bao giờ là một lựa chọn cho người thành đạt.

Về trí tuệ, bạn có cập nhật kiến thức, tìm tòi nghiên cứu mỗi ngày? Bạn có thường xuyên đặt câu hỏi cho mọi biện luận và sẵn sàng quên đi tự ái sĩ diện thành kiến nếu mình sai? Còn những liên hệ với gia đình xã hội, bạn có lo lắng và “cho đi” đầy đủ cho mọi người thân hay sơ, với một tình thương không điều kiện? Kính nể và tôn trọng những người kém may mắn, chân thành và trân trọng những người đang cộng tác?

Về tiền bạc, yếu tố chính mà mọi người dùng để tôn vinh các đại gia, thì bạn có nhiều như một đại gia với tuyên bố là “tiền của tôi ăn đến 3 hay 6 đời cũng không hết”? Có lẽ không nhiều như vậy, nhưng phải đủ để một cơn bão tài chánh lớn hay một quyết định sai lầm của một nhân viên, hay một thay đổi xã hội không thể làm tài sản tạo dựng bao năm qua biến mất. Tôi thường nói đùa khi thiên hạ hỏi tôi giàu như thế nào, ”tôi chỉ cần sống với một siêu mẫu quốc tế trong 2 năm là phải quay về Mỹ xin lãnh trợ cấp “an sinh xã hội” của chánh phủ suốt cuộc đời còn lại.”

Nhưng nếu bạn chưa hội đủ 5 yếu tố trên về “thành đạt”, thì vẫn còn chút hy vọng về yếu tố sau cùng: cái con người bên trong. Trong con người “không thành đạt” của tôi, một điều luôn làm tôi hạnh phúc: cái tâm linh bình an và giác ngộ. Tôi học cách tha thứ cho mình, cho người; tôi không ghen tị giận hờn với ai hay với hoàn cảnh nào; tôi biết ơn và biết yêu thương trân trọng từng niềm vui nho nhỏ đến với đời sống mỗi ngày.

Hạnh phúc của người không thành đạt

Relax asian mother reading a book on sofa and father with daughter painting art in living room

Tôi luôn luôn hưng phấn mỗi khi đi ngủ nếu ngày hôm nay tôi vượt qua các thành tựu của ngày hôm qua. Nó xác định là tôi đang tiến bộ trên chuyến đi phiêu lưu của đời sống và đây là động lực thúc đẩy tôi mạnh bước. Cái đích thành đạt có lẽ không bao giờ đến, nhưng có phải các triết gia đã khuyên ta mục tiêu “không phải là điểm đến mà là cuộc lữ hành” (the voyage, not the destination)?

Dĩ nhiên đó là cá nhân tôi. Còn những doanh nhân thành đạt khác thì sao? Tôi nghĩ chỉ có ông ta và cô nhân tình mà ông hay tâm sự cùng nhau là biết rõ. Cái mác thành đạt không phải mất tiền để mua, và người sử dụng cũng không phải đóng thuế, nên sự lạm phát danh từ này cũng là một điều dễ hiểu. Tôi chỉ nghĩ các bạn trẻ đang muốn làm người thành đạt nên quên đi danh từ và nhớ đến cái thực chất.

George Burns đã chia sẻ,” Tôi thục sự nghĩ rằng thất bại khi làm điều mình yêu thích tốt hơn là thành công với điều mình khinh ghét” (I honestly think it is better to be a failure at something you love than to be a success at something you hate).

T/S Alan Phan – Trích từ sách Góc nhìn Alan về xã hội (Thuộc Bộ sách Di sản Alan Phan) 

 

Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH DI SẢN ALAN PHAN

Bộ Di sản Alan Phan

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề