fbpx

“Lò luyện chuyên gia” Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (Phần 3)

Lớp đào tạo chuyên viên giao dịch của Salomon Brothers được Michael Lewis – cựu thực tập sinh tại đây, viết lại dưới tên một  quyển sách “Trò bịp phố Wall”, với giọng văn châm biếm, hài hước, bức tranh về công ty giao dịch chứng khoán từng nhấn chìm tài chính phố Wall và gần như hủy hoại danh dự của “nhà hiền triết Omaha” (Warren Buffett) hiện lên hết sức chân thực,  rõ ràng.

Xem lại kỳ 1 >>tại dây

Xem lại kỳ 2 >>tại đây

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 3)
Michael Lewis

Lựa chọn thực tập sinh như… buôn nô lệ

Trong vòng mấy tuần lễ sau khi chúng tôi đến, giám đốc mỗi phòng ban bắt đầu tranh cãi về những phẩm chất và triển vọng của chúng tôi. Nhưng từ tận đáy lòng, mấy vị sếp đó vẫn là những tay giao dịch. Họ không thể nào thảo luận về một con người, một nơi hay một vật gì đó mà không giao dịch về nó. Do đó, họ bắt đầu giao dịch về đám thực tập sinh như thể là buôn nô lệ vậy. Một ngày, bạn có thể thấy ba người bọn họ chúi mũi vào cuốn sổ màu xanh trong đó có ảnh và hồ sơ lý lịch chúng tôi. Ngày hôm sau, bạn nhận được tin bạn đã bị trao đổi để lấy một người ngồi ở dãy đầu cộng với một suất lựa chọn trước tiên cho một thực tập sinh ở khóa đào tạo kế tiếp.

Áp lực tăng dần. Ai là người nghe được chuyện của kẻ khác? Ở đâu có công việc còn lại? Như bất kỳ quá trình tuyển chọn nào, bao giờ cũng có kẻ thắng người thua. Nhưng quá trình tuyển chọn này thì cực kỳ mang tính chủ quan. Vì không có một tiêu chí năng lực nào nên việc được bố trí một công việc tốt có thể nói một phần là do may mắn, một phần là nhờ “phong cách nổi bật” và một phần là biết cách “bợ đỡ” vài nhân vật quan trọng. Bạn chẳng thể làm được gì nhiều với hai yếu tố đầu tiên, do vậy bạn phải xoay xở để tập trung vào yếu tố thứ ba. Chỉ làm quen với 112 vị giám đốc điều hành thôi thì không đủ, bạn phải kết thân với một vị trong số họ. Có một vấn đề nho nhỏ ở đây. Các vị giám đốc không phải lúc nào nhiệt tình đánh bạn với lũ thực tập sinh. Rút cục họ được lợi lộc gì trong chuyện này?

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 3)
Chỉ làm quen với 112 vị giám đốc điều hành thôi thì không đủ, bạn phải kết thân với một vị trong số họ.

Một giám đốc điều hành chỉ quan tâm khi bạn là người được mọi người yêu thích. Lúc đó bạn mới có nhiều ích lợi cho ông ta. Vị này sẽ thắng điểm khi cuỗm được một thực tập sinh được nhiều người yêu thích từ các tay giám đốc điều hành khác. Do vậy, phương pháp của nhiều thực tập sinh là phải tạo ra ảo tưởng rằng mình được người khác thèm muốn. Rồi các ông chủ sẽ muốn thực tập sinh đó không vì một lý do xác đáng nào ngoài lý do đơn giản là các ông chủ khác cũng muốn anh ta. Kết quả cuối cùng là một loại kế hoạch Ponzi mang tính đại chúng như thường thấy trên thị trường. Để xây dựng được nó đòi hỏi rất nhiều sự tự tin và niềm tin vào tính cả tin của những người khác. Đây là giải pháp mà tôi đã chọn cho vấn đề việc làm.

Một vài tuần trước khi bắt đầu chương trình đào tạo, tôi làm quen với một người bạn trên sàn giao dịch, mặc dù người này không làm trong phòng mà tôi muốn. Anh ta cứ ép tôi vào làm phòng của mình, tôi đã cho mấy thực tập sinh khác biết rằng tôi đang bị theo đuổi. Họ đã kể với bạn bè của họ trên sàn giao dịch, và những người này lại trở nên tò mò. Cuối cùng, chính vị giám đốc mà tôi muốn làm việc cho ông ta lại nghe lỏm được câu chuyện mà mọi người bàn tán về tôi và đã mời tôi đi ăn sáng.

Nếu thấy như vậy có vẻ tính toán và thủ đoạn, hãy xem xét vài sự lựa chọn khác. Hoặc tôi phó mặc số phận của mình trong tay ban quản trị – theo tôi nghĩ cách này không đủ chắc ăn nên không ai dám tin là làm được, hoặc trực tiếp đề nghị lên giám đốc điều hành về mong muốn của mình. Tôi có những người bạn đã thử chiến thuật này. Họ đã quỳ xuống dưới chân ông chủ của họ để cầu cạnh, như thể một tên nô tỳ trước một vị lãnh chúa, với giọng ngọt xớt: “Tôi là kẻ hầu tận tâm và hèn mọn của ngài đây! Hãy thuê tôi, ôi Đại nhân, tôi sẽ làm bất cứ thứ gì mà ngài sai bảo!” Rồi họ hy vọng rằng vị giám đốc điều hành sẽ có phản ứng thân thiện.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 3)
“Tôi là kẻ hầu tận tâm và hèn mọn của ngài đây! Hãy thuê tôi, ôi Đại nhân, tôi sẽ làm bất cứ thứ gì mà ngài sai bảo!”

Có lẽ nói câu gì đó, chẳng hạn: “Hãy đứng dậy đi, chàng trai, cậu không việc gì phải sợ sệt. Nếu cậu thực lòng với tôi, tôi sẽ bảo vệ cậu khỏi sức mạnh của ác quỷ và mối lo sợ thất nghiệp.” Đôi khi điều này xảy ra. Nhưng nếu nó không xảy ra thì có nghĩa bạn đã tự bắn vào chân mình. Trong khóa đào tạo đã xảy ra một cuộc tranh cãi liệu việc quỵ lụy có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh này không. Dường như toàn bộ quan điểm của hệ thống Salomon Brothers chỉ đơn giản là để đánh giá xem ai là người thoái chí trước áp lực và ai là kẻ đứng vững.

Mỗi thực tập sinh phải tự quyết định cho mình. Vì vậy đã sinh ra cuộc “Đại phân chia”. Những kẻ chọn phương pháp quỵ lụy thì ngồi hàng ghế phía trước của lớp học, đôi môi mím chặt suốt cả chương trình học kéo dài năm tháng. Những người quý trọng niềm tự hào của mình – hoặc có lẽ họ cho rằng tốt nhất nên tránh xa – giả đò không có sự khác nhau lắm bằng cách ngồi ở hàng ghế sau và vẫy vẫy những tờ giấy trắng với mấy vị giám đốc điều hành.

Đủ khôn ngoan để trở thành “người vô hình” ở Salomon Brothers

Mỗi ngày sau giờ học, vào khoảng 3 giờ, 4 giờ hoặc 5 giờ gì đấy, chúng tôi bị buộc phải đi từ lớp đào tạo ở tầng 23 lên sàn giao dịch ở tầng 41. Bạn có thể “cúp cua” một vài ngày, nhưng nếu nhiều lần không thấy có mặt trên sàn, đơn giản bạn sẽ bị bỏ quên. Bị bỏ quên ở Salomon Brothers có nghĩa là bị thất nghiệp. Cố gắng để được thuê là một hành động tích cực. Người quản lý yêu cầu bạn về đơn vị của anh ta, khi đó bạn mới được nhận. Đến cuối chương trình đào tạo, ba người đã bị sa thải.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 3)
Mỗi ngày sau giờ học, vào khoảng 3 giờ, 4 giờ hoặc 5 giờ gì đấy, chúng tôi bị buộc phải đi từ lớp đào tạo ở tầng 23 lên sàn giao dịch ở tầng 41

Vào những hôm can đảm hơn, bạn dạo quanh sàn giao dịch để tìm một người quản lý có thể bảo trợ bạn, một cố vấn dày dạn kinh nghiệm mà chúng tôi gọi là vị giáo sỹ Do Thái. Bạn đến sàn giao dịch là để học hỏi. Hành động đầu tiên là nhảy vào bãi chiến trường, chọn lấy một ông thầy phù hợp và xin được giao phó công việc. Thực không may điều đó chẳng dễ dàng gì. Thứ nhất, theo định nghĩa, một thực tập sinh không xứng đáng để được phép mở miệng. Và thứ hai, tầng giao dịch là một bãi mìn của những người sẵn sàng cho nổ nếu bạn lọt vào đúng phạm vi của họ. Bạn không thể cứ đi lại và chào hỏi. Thực ra, nói vậy thì không công bằng. Bởi vì cũng có rất nhiều tay giao dịch lịch sự theo bản năng và nếu bạn chào thì họ cũng chỉ sẽ phớt lờ bạn mà thôi.

Tôi phải luôn đi đứng cẩn thận. Có một triệu quy tắc nhỏ nhặt phải tuân theo mà tôi thì chẳng biết lấy một cái. Mấy tay giao dịch, kinh doanh và quản lý đi lại thành từng nhóm khắp sàn, lúc đầu tôi không thể phân biệt được nhóm nào lại nhóm nào. Ừ thì tôi biết sự khác biệt căn bản. Hầu hết ai cũng đều cầm hai điện thoại trên tay cùng một lúc và ai cũng liếc nhìn màn hình nhỏ màu xanh chi chít con số. Họ hét vào điện thoại này rồi hét vào điện thoại kia, tiếp tục quát ai đó tận phía bên kia dãy bàn và quay lại với hai chiếc điện thoại, rồi chỉ vào màn hình và hét: “Mẹ kiếp!” 30 giây được xem là một khoảng thời gian tập trung dài. Là thực tập sinh, giống như cậu học viên năm nhất trường lục quân, một thanh niên đang bị đè dưới đống phân cá voi, tôi đã làm theo cách mà mọi thực tập sinh đều làm. Tôi rón rén mò tới bên một nhân vật đang bận rộn nào đó, không nói một lời và biến thành một Người vô hình.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 3)
Trở thành người vô hình, rón rén đứng cạnh một tay “giao dịch khét tiếng” mới là kẻ khôn ngoan

Tất nhiên, đó là bởi vì tôi sợ bị làm nhục như ví dụ ở trên. Đôi khi tôi phải đợi một tiếng đồng hồ, trước khi sự có mặt của tôi được biết đến; nhiều lúc chỉ cần một vài phút thôi. Thậm chí như vậy cũng đã là vô tận lắm rồi. Tôi tự hỏi có ai phát hiện ra tôi không? Chừng nào thì tôi sẽ thoát khỏi tình trạng hoàn toàn bị lãng quên như thế này? Ai đó hãy làm ơn nhận ra rằng cái thằng Người vô hình đã đến. Mối tương phản giữa sự bất động của tôi và sự chuyển động cuồng loạn của các tay giao dịch càng làm cho cảnh tượng này trở nên không thể chịu được. Nó đã nhấn mạnh vào tính vô dụng của tôi. Và khi đã rón rén như thế này rồi thì thực khó bỏ đi khi chưa được người ta chính thức nhận ra sự hiện diện của mình. Bỏ đi là chấp nhận thất bại.

Dù sao thì cũng chẳng còn chỗ nào khác để đi. Ban giao dịch dài khoảng 1/3 chiều dài một sân bóng đá, từng dãy bàn được đặt song song với nhau. Các tay giao dịch ngồi sát sườn nhau thành một chuỗi người. Giữa các dãy bàn không có đủ chỗ trống để hai người bước qua nhau mà không phải xoay ngang. Một khi thực tập sinh nào rảo quanh thì đấy cũng là lúc anh ta liều mạng quấy nhiễu các đấng thần linh đang vui đùa. Tất cả các vị cao cấp, từ chủ tịch Gutfreund trở xuống, đều lang thang ở đây.

Nó không phải là một công ty bình thường mà ở đó các thực tập sinh được mấy vị ủy viên quản trị trung niên mỉm cười nhân từ bởi vì họ đại diện cho tương lai của công ty. Thực tập sinh ở Salomon Brothers là những lao công, bị kết tội cho đến khi chứng minh được là vô tội. Với tội trạng đè lên đầu, bạn càng đặc biệt không nên gặp mấy vị cao cấp đó. Nhưng thực đáng buồn là bạn không có chọn lựa nào khác. Ông chủ ở khắp mọi nơi. Ông ta nhận thấy bạn đeo dây đai quần màu đỏ có đính đồng đô-la màu vàng và biết ngay bạn là ai. Một trung tâm giá cả.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 3)
Gutfreund

Cho dù bạn có tháo dây đeo quần màu đỏ và nhuộm màu khác, bạn vẫn dễ dàng bị nhận ra là một thực tập sinh. Các thực tập sinh lạc nhịp một cách không thể cứu vãn trước giai điệu vốn có của sàn giao dịch. Những chuyển động của khu giao dịch hòa nhập với những biến động của các thị trường cứ như thể chúng bị trói chặt với nhau. Chẳng hạn, thị trường trái phiếu Hoa Kỳ dao động bất cứ khi nào Bộ Thương Mại Hoa Kỳ phát ra dữ liệu kinh tế quan trọng, và khi đó sàn giao dịch trái phiếu cũng dao động theo.

Các thị trường quyết định dữ liệu nào quan trọng và dữ liệu nào không. Tháng này là thâm hụt cán cân thương mại Hoa Kỳ, tháng khác lại là chỉ số giá tiêu dùng. Vấn đề là ở chỗ những tay giao dịch biết con số kinh tế nào quan trọng trong tháng đó, còn những thực tập sinh thì không. Toàn bộ sàn giao dịch Salomon Brothers dường như muốn nổ tung bởi một con số sắp được phát ra lúc 8 giờ 30 sáng, tâm trạng hồi hộp chờ đợi xâm chiếm toàn khu vực, người ta hy vọng, sẵn sàng nhảy lên, hô to, mua hay bán các trái phiếu trị giá tới hàng tỷ đô-la, kiếm được hoặc gây tổn thất cho công ty hàng triệu đô-la. Một thực tập sinh đến bên họ, hoàn toàn chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra xung quanh, nói: “Xin lỗi, tôi định ra quán ăn tự phục vụ đây, có ai muốn mua gì không?” Thực tập sinh, nói ngắn gọn, là những kẻ đần độn.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 3)

Để tránh bị vặn vẹo mỗi lần lên sàn, tôi cố giữ yên lặng, né vào một góc. Loại trừ Gutfreund là nhân vật mà tôi biết qua mấy bức ảnh trên tạp chí và nghĩ rằng đó là một người danh tiếng nhiều hơn là một thương nhân, còn những khuôn mặt khác thực lạ với tôi. Điều này khiến cho người ta thật khó mà biết được nên tránh ai. Rất nhiều người trong bọn họ giống nhau như đúc, hầu hết là da trắng, nam giới và tất cả đều mặc áo sơ mi chất cotton (một trong số những người Nhật của chúng tôi đã bảo với tôi rằng cho đến hết đời, anh ta cũng không thể nào phân biệt được họ). Tầng 41 của Salomon Brothers ở New York là trung tâm quyền lực. Ở đây không chỉ có những nhà điều hành cao cấp hiện tại mà còn cả trong tương lai. Bạn hãy nhìn vào dáng khệnh khạng của họ để phân biệt người nào nên lại gần và người nào nên tránh. 

Một thực tập sinh không phải ở đáy sau hơn đôi ba tháng. Tuổi nghề của những tay giao dịch và kinh doanh cũng giống như tuổi chó. Một năm trên sàn giao dịch bằng bảy năm ở công ty khác. Sau năm đầu tiên, tay giao dịch hay kinh doanh đều sẽ lột xác. Có ai quan tâm đến thâm niên chứ? Cái hay của sàn giao dịch là việc hoàn toàn không để ý đến thâm niên. 

Vậy theo thời gian, tôi có quen dần với sàn giao dịch hay không? Cũng phải quen thôi! Nhưng ngay cả khi tôi đã ổn định vị trí của mình trong công ty, tôi vẫn còn cảm thấy sởn gai ốc mỗi lần đi lên tầng 41, tuy nhiên tôi có thể thấy rõ những tiến bộ của bản thân.

Nguồn: sách Trò bịp phố Wall

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề