fbpx

Mẫu số chung của bố mẹ những đứa trẻ thành công nhất thế giới

“Giáo dục nuôi dưỡng sự tự tin. Sự tự tin sẽ nuôi dưỡng hi vọng”

– Khổng Tử –

Cha mẹ nào cũng muốn con của mình sống ngoài vòng rắc rối, học chăm chỉ ở trường, và tiếp tục gặt hái những điều tuyệt vời khi trưởng thành.

Tuy chưa có công thức nuôi dạy trẻ thành công nào, nhưng những nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra một số yếu tố tiên đoán được thành công.

1. Để con làm việc nhà

“Nếu những đứa trẻ không rửa bát có nghĩa là sẽ có ai đó làm hộ chúng. Khi đó, trẻ không chỉ miễn trách khỏi công việc mà chúng cũng không học được cách hoàn thành công việc và hiểu được mỗi người phải đóng góp một phần công sức vào tổng thể”, Julie Lythcott-Haims – nguyên chủ nhiệm khoa sinh viên năm nhất đại học Stanford đồng thời là tác giả cuốn sách “Cách nuôi dạy những đứa trẻ trưởng thành” chia sẻ trực tiếp tại TED Talks.

Lythcott-Haims tin rằng những đứa trẻ làm công việc nhà từ nhỏ, tương lai sẽ phối hợp ăn ý với đồng nghiệp, chúng đồng cảm hơn, vì họ biết tận mắt những khó khăn như thế nào và có thể đảm nhận công việc một cách độc lập.

Lập luận này dựa trên nghiên cứu chiều dọc* lớn nhất Harvard Grant.

“Bằng cách để trẻ làm việc nhà – đi đổ rác, tự giặt giũ – chúng sẽ nhận ra rằng phải làm công việc nhà như một phần của cuộc sống,” cô cũng chia sẻ qua Tech Insider.

* Một nghiên cứu theo chiều dọc là một nghiên cứu quan sát xảy ra trong một khoảng thời gian kéo dài để nghiên cứu các xu hướng khác nhau.

2. Dạy con kỹ năng xã hội

Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Pennsylvania và trường Đại học Duke theo dõi hơn 700 đứa trẻ trên khắp nước Mỹ trong độ tuổi mầm non cho đến 25 và đi đến kết luận có một sự liên kết bất ngờ. Những đứa trẻ được trang bị kỹ năng xã hội từ khi còn học mẫu giáo qua 2 thập kỷ tiếp đó sẽ trở thành những người thành đạt hơn.

Nghiên cứu kéo dài 20 năm chỉ ra rằng trẻ em biết hợp tác với bạn bè mà không cần ai nhắc nhở, biết giúp đỡ mọi người, hiểu được cảm xúc của mình và có thể tự giải quyết các vấn đề, thì khả năng tốt nghiệp đại học và kiếm được việc làm ổn định trước 25 tuổi cao hơn so với những đứa trẻ bị hạn chế kỹ năng xã hội.

Trong khi đó những đứa trẻ bị hạn chế kỹ năng xã hội khi lớn lên thường có nguy cơ bị giam giữ, nghiện ngập và nương nhờ vào trợ cấp xã hội.

Trong một thông cáo báo chí, Kristin Schubert, giám đốc chương trình tài trợ cuộc nghiên cứu Robert Wood Johnson Foundation cho biết,

“nghiên cứu này cho thấy việc giúp đỡ trẻ em phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để trang bị cho một tương lai tốt đẹp.”

Từ khi còn nhỏ, những kỹ năng này có thể xác định liệu một đứa trẻ sẽ vào đại học hay nhà tù, và cho đến việc làm hay nghiện ngập.

3. Kỳ vọng cao vào con cái

Sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu toàn quốc của 6600 trẻ sinh năm 2001 của nhóm giáo sư Neal Halfon trường đại học California cho thấy kỳ vọng của cha mẹ tác động cực kì lớn vào thành đạt của con cái.

“Cha mẹ định hướng con mình vào đại học sẽ quản lý trẻ sát với mục tiêu đó mà không phụ thuộc vào thu nhập và tài sản khác,” giáo sư Neal Halfon cho biết.

Từ bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa cho thấy: 57% trẻ em làm bài tệ nhất có cha mẹ định hướng vào đại học, trong khi 96% trẻ làm bài tốt nhất được định hướng.

Điều này liên đới với một nghiên cứu tâm lý khác là hiệu ứng Pygmalion rằng

Những kỳ vọng của một người vào người khác có thể thành lời tiên đoán tự trở thành hiện thực.

Đối với trẻ em, chúng sống theo nguyện vọng của cha mẹ.

4. Bố mẹ có mối quan hệ tốt đẹp

Nghiên cứu từ Đại học Illinois, trẻ em trong gia đình hay xung đột, dù đã ly hôn hay chưa, có chiều hướng rơi vào tình trạng tệ hơn so với trẻ em có bố mẹ bên cạnh.

Robert Hughes Jr., giáo sư và trưởng phòng nhân sự và phát triển cộng đồng tại trường ACES thuộc Đại học Illinois cũng lưu ý một số nghiên cứu cho thấy trẻ em sống với bố mẹ đơn thân không xung đột tốt hơn so với trẻ em ở gia đình đầy đủ bố mẹ mà lại xung đột.

Mâu thuẫn giữa cha mẹ trước khi ly hôn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, trong khi xung đột sau khi ly hôn có ảnh hưởng rất lớn đến thay đổi của trẻ, Hughes nói.

Sau khi ly hôn, người cha không giám hộ liên lạc thường xuyên với con và tồn tại ít mâu thuẫn, tình trạng của trẻ tốt hơn. Nhưng khi có xung đột, chuyến thăm thường xuyên từ cha gây ảnh hưởng xấu đến thay đổi của trẻ.

5. Bố mẹ đạt trình độ giáo dục cao

Nghiên cứu năm 2014 của Đại học Michigan cho thấy các bà mẹ từng tốt nghiệp trung học hoặc đại học có xu hướng nuôi dạy con cũng có thành tích học tập giống mình.

Nghiên cứu trên hơn 14.000 trẻ em bước vào mẫu giáo vào năm 1998 đến năm 2007, cho thấy rằng trẻ em sinh ra từ các bà mẹ tuổi teen (18 tuổi hoặc trẻ hơn) có ít khả năng hoàn thành trung học hoặc đi học đại học so với các bạn cùng trang lứa.

6. Dạy con học toán sớm có thể tối ưu hóa kỹ năng đọc hiểu

Nghiên cứu số liệu trên 35.000 trẻ em chưa đến tuổi đi học năm 2007 trên toàn nước Mỹ, Canada và Anh đã cho thấy việc phát triển kỹ năng tính toán có thể mang lại lợi thế to lớn.

Nhà nghiên cứu Greg Duncan từ trường Đại học Northwestern chỉ ra rằng “kỹ năng tính toán bao gồm sự hiểu biết về con số, số thứ tự, và các khái niệm toán học sơ đẳng khác. Làm chủ sớm các kỹ năng toán học không chỉ giúp trẻ đạt được những kết quả về toán học trong tương lai mà còn hỗ trợ các thành tích về đọc hiểu.”

7. Quan tâm tới con

Nghiên cứu năm 2014 trên 243 trẻ sinh ra trong nghèo khó đã cho thấy những trẻ nhận được “sự chăm sóc tận tình” trong 3 năm đầu đời không chỉ làm các bài thi học thuật tốt hơn, mà các mối quan hệ cũng lành mạnh hơn và đạt tri thức tốt hơn trong độ tuổi 30.

Bố mẹ chăm sóc tận tình là người “hồi đáp dấu hiệu từ trẻ nhanh chóng và thích hợp” đồng thời “cung cấp nền tảng vững chắc” cho trẻ khám phá thế giới.

Đầu tư trong mối quan hệ với con cái từ sớm có thể mang lại kết quả tích lũy lâu dài trong suốt đời sống cá nhân.

8. Bố mẹ ít căng thẳng

Theo một nghiên cứu gần đây dẫn từ Washington Post, số giờ các bà mẹ dành cho con độ tuổi 3-11 ít có ảnh hưởng đến hành vi hay sự thành đạt của trẻ. Ngoài ra, kiểu làm cha mẹ áp đặt hay “kiểu bố mẹ trực thăng” còn gây hại hơn nữa.

“Người mẹ bị trầm cảm, đặc biệt là đối phó với công việc để cố gắng tìm thời gian cho bé, có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến trẻ.”

Ảnh hưởng cảm xúc giúp giải thích điều này – hay hiện tượng tâm lý mà con người “bắt sóng” cảm xúc người khác như chuyện lây cảm cúm.

Nghiên cứu cho thấy rằng nếu người bạn của bạn hạnh phúc, nó sẽ dẫn truyền sang bạn; nếu cô ấy buồn, thì cái ảm đạm đó cũng sẽ ảnh hưởng đến bạn. Vì vậy, nếu bố mẹ kiệt sức hoặc căng thẳng thì trạng thái cảm xúc có thể chuyển sang trẻ.

9. Luôn đánh giá cao những nỗ lực của con

Trong nhiều thập kỷ qua, nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc Đại học Stanford đã phát hiện ra rằng cách phân biệt thành công của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của con cái trong tương lai.

Nếu con được khen rằng con làm tốt việc nhờ trí thông minh “trời phú” của mình, thì từ đó sẽ hình thành lối “tư duy cố định” trong đầu con. Nếu cha mẹ dạy con rằng con thành công nhờ nỗ lực thì đó mới là cách giúp con chăm chỉ và phấn đấu hơn trong mọi việc.

10. Người mẹ đi làm

Theo nghiên cứu từ Harvard Business School, có những lợi ích đáng kể đối với trẻ em lớn lên cùng người mẹ làm việc bên ngoài.

Nghiên cứu cho thấy con gái của người mẹ đi làm đi học lâu hơn, nhiều khả năng có một công việc trong vai trò giám sát, và kiếm được nhiều tiền hơn – hơn 23% so với đồng nghiệp của họ, những người được nuôi nấng từ người mẹ nội trợ.

Con trai của người mẹ đi làm cũng có xu hướng làm công việc nhà và chăm sóc trẻ nhiều hơn, nghiên cứu cho thấy – họ dành 7,5 giờ/tuần một tuần để chăm sóc trẻ và 25 phút vào công việc nhà.

“Cách bạn cư xử, những gì bạn làm, những hoạt động bạn tham gia vào, và những gì bạn tin tưởng chịu ảnh hưởng từ người mẹ đi làm”,  tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Trường Harvard Business School , Kathleen L. McGinn cho biết.

“Có rất ít thứ chúng ta biết mà có hiệu quả rõ ràng đối với vấn đề bất bình đẳng giới như được nuôi dưỡng bởi một người mẹ làm việc bên ngoài,” cô chia sẽ.

11. Bố mẹ có vị thế kinh tế xã hội cao

Bi kịch thay, một phần năm trẻ em Mỹ lớn lên trong nghèo khó, một tình huống giới hạn khả năng của chúng.

Theo nhà nghiên cứu Sean Reardon tại Đại học Stanford, khoảng cách thành tích giữa các gia đình có thu nhập thấp và  cao gần như lớn hơn khoảng 30% đến 40% khi so sánh số trẻ em sinh ra trong năm 2001 so với 25 năm trước đó.”

Giống như nhận định của Dan Pink, tác giả cuốn sách bán chạy “Drive and A Whole New Mind”, từng cho rằng các bậc cha mẹ càng có thu nhập cao thì điểm SAT của con họ cũng càng cao.

12. Bố mẹ có “uy quyền” chứ không “độc đoán” hay “nuông chiều”

Công bố lần đầu vào những năm 1960, một nghiên cứu của Đại học California tại Berkeley nhà tâm lý học phát triển Diana Baumride nhận thấy về cơ bản có ba loại phong cách làm cha mẹ:

Nuông chiều: Bố mẹ không trách phạt và chấp thuận hành vi của trẻ.

Độc đoán: Bố mẹ đặt khuôn phép và kiểm soát các con dựa trên một tiêu chuẩn đạo đức.

Có uy quyền: Bố mẹ định hướng các con một cách hợp lý.

Lý tưởng là có uy quyền. Trẻ lớn lên với sự tôn trọng, nhưng không cảm thấy gò bó.

13. Dạy con “grit” – tìm mục tiêu dài hạn

Năm 2013, nhà tâm lý học Đại học Pennsylvania Angela Duckworth đã được trao giải “thiên tài” MacArthur về việc phát hiện ra đặc điểm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành công gọi là “grit”.

Từ “Grit” có thể hiểu là “xu hướng duy trì sự hứng thú và nỗ lực hướng tới một mục tiêu dài hạn”. Hay nói cách khác đây là việc dạy cho con trẻ cách tưởng tượng và cam kết về tương lai mà chúng muốn tạo ra.

Nguồn: Business Insider

Các viết cùng chủ đề