fbpx

30 năm nữa, con người chỉ phải làm việc 4 giờ/ngày?

“Trước đây, ông tôi phải làm ruộng tới 16 tiếng mỗi ngày và nghĩ rằng ông ấy rất bận rộn. Ngày nay chúng ta làm việc 8 giờ mỗi ngày, 5 ngày một tuần và nghĩ rằng chúng ta cũng rất bận rộn”, nhà sáng lập của Alibaba chia sẻ.
Vậy nếu như con người có thể làm việc ít hơn thì sao? Jack Ma cho rằng trong 30 năm tới, mọi người chỉ làm việc 4 giờ mỗi ngày và có thể là 4 ngày mỗi tuần.
Nhà sáng lập kiêm CEO của Alibaba là Jack Ma đã dành 800 giờ đi khắp thế giới trong năm 2016, và lên kế hoạch tăng con số này lên đến 1.000 giờ vào năm 2017, với mục tiêu tuyên truyền thật nhiều về Alibaba, toàn cầu hóa và trí tuệ nhân tạo.

Tỷ phú người Trung Quốc này vừa có cuộc trao đổi với CNBC nhân hội nghị Gateway17 tại Detroit (Mỹ). Dưới đây là những điểm nổi bật của cuộc phỏng vấn này:

Thời tàn của những gã khổng lồ

Các công ty đại chúng lớn nhất thế giới – như Apple, Alphabet và Amazon – đã trở nên mạnh đến mức một số nhà phê bình cho rằng họ sắp trở thành các tập đoàn độc quyền.

Nhưng Jack Ma cho rằng sức mạnh của các công ty khổng lồ đang trên đà suy giảm, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ được tiếp xúc với internet.

Ma nói: “Quy mô lớn đã từng là hình mẫu để theo đuổi. Tuy nhiên, khả năng cá nhân hoá và tùy chỉnh mới là tương lai”.

Trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2017, Ma nói Alibaba có kế hoạch tạo ra 1 triệu việc làm cho nước Mỹ trong 5 năm tới, chủ yếu bằng cách thúc đẩy doanh số bán hàng từ các doanh nghiệp nhỏ.

“Một trong những cách tốt nhất để tạo ra công việc là giúp các doanh nghiệp nhỏ bán những sản phẩm địa phương của họ ra toàn thế giới”, Ma nói. “Và chúng ta phải chuẩn bị ngay bây giờ, bởi vì trong 30 năm tới thị trường sẽ là rất khốc liệt.”

Thương mại và toàn cầu hóa

Gần đây, nhiều mâu thuẫn chính trị và kinh tế đã gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trump đăng một dòng tweet trước cuộc họp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 vừa qua: “Chúng ta không thể cứ chịu thâm hụt thương mại khổng lồ và mất đi việc làm nữa. Các công ty Mỹ phải chuẩn bị để xem xét các lựa chọn thay thế khác”.

Nhưng Jack Ma nói với CNBC rằng ông tin rằng nhiều hàng hoá “sản xuất tại Mỹ” – vốn là một ưu tiên của Trump – có thể là lựa chọn hoàn hảo cho tầng lớp trung lưu đang tăng lên của Trung Quốc. Ông đã lấy ví dụ về thời điểm cuối tuần trước, khi Alibaba bán được 2 triệu thỏi son môi sản xuất tại Mỹ chỉ trong vòng 15 phút.

Trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ làm thay đổi thế giới

Ông Ma cho biết những cơ hội và rủi ro từ AI và toàn cầu hóa là những chủ đề thôi thúc ông không ngừng đi vòng quanh thế giới:

“Đó là lý do tại sao tôi không ngừng đi lại, nói chuyện với tất cả các nguyên thủ quốc gia rằng họ nên hành động nhanh chóng. Nếu họ không hành động nhanh, họ sẽ gặp rắc rối. Khi chúng ta thấy có điều gì đó sắp đến, chúng ta phải chuẩn bị ngay bây giờ. Quan điểm của tôi là bạn phải sửa mái nhà trong khi nó vẫn chưa sụp”.

Theo Ma, AI có thể đem lại lợi ích là giải phóng thời gian của con người, để họ có thể làm việc ít hơn và đi du lịch nhiều hơn. Ông cho rằng: “Tôi nghĩ trong 30 năm tới, mọi người chỉ làm việc 4 giờ mỗi ngày và có thể là 4 ngày mỗi tuần. Trước đây, ông tôi phải làm ruộng tới 16 tiếng mỗi ngày và nghĩ rằng ông ấy rất bận rộn. Ngày nay chúng ta làm việc 8 giờ mỗi ngày, 5 ngày một tuần và nghĩ rằng chúng ta cũng rất bận rộn”.

Ma nói thêm rằng nếu mọi người ngày nay có thể đến thăm 30 nơi khác nhau trong cuộc đời, trong 3 thập kỷ tới con số này sẽ là 300 địa điểm.

Tuy nhiên, Jack Ma cũng nói rằng sự phân chia giàu nghèo – giữa những người làm công và các ông chủ – sẽ ngày càng được phân định rõ rệt hơn thông qua việc ứng dụng dữ liệu và tự động hóa, trừ khi các chính phủ tỏ ra sẵn sàng chấp nhận “những lựa chọn khó khăn”.

Ma nói: “Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đã gây ra Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai gây ra Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đây là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba. ”

Ông Ma, vốn tốt nghiệp đại học với tấm bằng sư phạm, cũng cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới nên chú ý đến hệ thống giáo dục để tránh những thiệt hại có thể đi kèm với tự động hóa.

“Tôi không nghĩ chúng ta nên biến máy móc trở thành giống như con người,” ông Ma nói. “Chúng ta nên chắc chắn rằng máy móc có thể làm những điều mà con người không thể làm được”.

Ông cũng nói rằng máy móc sẽ không bao giờ có được sự khôn ngoan và kinh nghiệm đi kèm với con người: “Con người sẽ giành chiến thắng”.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Các viết cùng chủ đề