fbpx

Phong trào chiếm phố Wall – lỗi hệ thống của Chủ nghĩa tư bản

Điểm chung nhất từ những gì đang diễn ra ở Mỹ và phong trào mùa xuân A-rập đang diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi là sự bất mãn của người dân lao động.

Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” kéo dài suốt 3 tuần, từ 17 tháng 9 năm 2011 ở New York, không chỉ lan nhanh ra khắp nước Mỹ mà còn châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia khác tại châu Âu.

Hiện tượng phản kháng xã hội đang diễn ra tại các nước giàu cho thấy những bế tắc trong cơ chế vận hành của chủ nghĩa tư bản, vốn đã và đang tạo ra sự tăng trưởng liên tục của nhiều nền kinh tế, nhưng vẫn chưa khắc phục được lỗ hổng là khủng hoảng theo chu kỳ.

Sẽ là khập khiễng nếu đem so sánh Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đang diễn ra ở Mỹ với những cuộc xung đột chính trị – xã hội làm sụp đổ nhiều chính quyền, mà người ta gọi là “mùa xuân A-rập” tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Tuy nhiên, có một điểm chung không thể phủ nhận là sự thất vọng của dân thường đã “tới ngưỡng” và họ không thể kiên nhẫn thêm. Lâu lắm rồi, người dân Mỹ mới xuống đường biểu tình rầm rộ như vậy thay vì tỏ thái độ về cách điều hành của chính phủ thông qua các lá phiếu ở các kỳ bầu cử.

Nhân dân Mỹ, đặc biệt là tầng lớp lao động đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Họ cho rằng những khó khăn trong mưu sinh hiện nay có nguồn gốc từ năng lực điều hành kinh tế kém cỏi và không công bằng của nhà cầm quyền.

Chỉ cần nhìn vào những tấm biểu ngữ trên đường phố như: “Ngân hàng được cứu trợ. Chúng tôi bị móc túi hay “99% dân nghèo chống lại 1% người giàu có”… là đã phần nào hiểu được căn nguyên của vấn đề.

Phố Wall được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng và tiềm lực tài chính hùng hậu của giới tư bản Mỹ, đó là lý do mà người biểu tình chọn nơi đây để biểu thị thái độ phản kháng của mình. Từ đây, phong trào đấu tranh đang lan ra khắp nước Mỹ, thậm chí vươn sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Nói cách khác, những cuộc biểu tình mà chúng ta đang thấy phản ánh sự bất bình đẳng xã hội và sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc trong lòng nước Mỹ.

Nhiều thập kỷ nay, Mỹ chưa khi nào lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn nghiêm trọng như lúc này. Hệ thống tài chính rối loạn mặc dù đã được Chính phủ ra tay cứu trợ nhưng đến nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dân đến khủng hoảng.

Người dân Mỹ có lý do để tức giận khi mỗi ngày, hàng triệu người phải đối mặt với tình cảnh khốn khó, mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sút, thậm chí rơi vào nghèo đói. Suốt từ đầu năm 2009 tới nay, tình trạng thất nghiệp tại Mỹ lại duy trì ở mức cao hơn 9%.

Trong khi đó, những ông chủ ngân hàng, các nhà tài phiệt Phố Wall – những người bị dân Mỹ coi là “thủ phạm” gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008 thì dường như ngày càng nhận được nhiều “ưu ái” hơn từ Chính phủ Mỹ, thông qua các gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ USD.

Giới tư bản được hậu thuẫn bởi các chính trị gia đã khiến ngân sách thì “chảy vào túi” họ. Trong khi đó, các kế hoạch kích thích kinh tế không phát huy tác dụng và nền kinh tế lớn nhất thế giới này càng lún sâu vào nợ nần.

Hiện tại, chỉ 1% người giàu tại Mỹ nhưng đã chiếm tới 21% thu nhập và 35% tài sản của nước này. Đó là kết quả của một sự phát triển bất công.

Ngọn lửa phản kháng bùng phát từ Phố Wall đang được tiếp sức khi ngày càng có nhiều tầng lớp tham gia, từ công nhân, lái xe, tới giáo viên, bác sĩ… đến các công đoàn, nghiệp đoàn cũng hưởng ứng. Càng ngày, cuộc đấu tranh này càng được tổ chức tốt hơn và có dấu hiệu sẽ kéo dài.

Tất nhiên, đòi hỏi của những người biểu tình về công bằng xã hội cũng như sự hồi phục kinh tế là không dễ được thực hiện ngay, bởi không phải mọi thứ đều nằm trong tay chính quyền Obama.

Những gì đang xảy ra là lỗi hệ thống của chủ nghĩa tư bản mà chưa có biện pháp nào có thể khắc phục triệt để được. Vì thế, đây cũng không phải vấn đề của riêng nước Mỹ. Các quốc gia phát triển khác ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp… cũng đang đối mặt với làn sóng biểu tình hưởng ứng Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”.

Nếu những lỗ hổng của kinh tế tư bản chủ nghĩa không được vá kịp thời, nếu các nước này không sớm tìm ra con đường phát triển công bằng, bền vững hơn, thì bộ máy đàn áp của họ sẽ chẳng biết làm gì khác hơn là bắt giữ người biểu tình như sự kiện diễn ra trên cầu Bruc-klin cuối tuần qua.

Nguồn: VOV

Các viết cùng chủ đề