fbpx

[PHÙ THỦY CHỨNG KHOÁN] Tại sao các phù thủy tài chính muốn “Sai nhiều để kiếm được nhiều tiền”?

Trong giao dịch, đúng hay sai không quan trọng, cái chính là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai”- Nhà đầu cơ huyền thoại George Soros.

(*) Trích từ sách “Cách tư duy và giao dịch của nhà vô địch đầu tư chứng khoán” (Đặt sách tại đây)

“Khi thực hiện một giao dịch, tôi chẳng biết nó sẽ lời hay lỗ”

Đây là câu nói của phù thủy chứng khoán Mark Minervini. Ông thừa nhận rằng, tôi không thể kiểm soát được một giao dịch sẽ trở thành lãi hay lỗ sau khi đặt cược. Điều này vì thị trường là người kiểm soát giá chứ không phải bạn. Trader cần phải đi theo thị trường chứ không phải chạy theo quan điểm cá nhân. Thị trường hay giá chính là người lãnh đạo của bạn và bạn phải chạy theo nó.

Mark Minervini nói: “Những người hâm mộ bóng chày đều biết, không ai có thể đánh trúng 100%; thậm chí 50% cũng là không khả thi. Ted Williams, được xem là tay đánh bóng chày vĩ đại nhất lịch sử, cũng chỉ có tỷ lệ đánh trúng là 40% trong mùa giải thành công nhất; tỷ lệ này trong toàn bộ sự nghiệp của anh ta chỉ là 34.4%. Tất nhiên, bóng chày không phải là giao dịch tài chính, nhưng nó mang lại cho chúng ta một số góc nhìn về thực tế rằng, thậm chí người giỏi nhất trong lĩnh vực bóng chày không không có một thành tích hoàn hảo. Giao dịch tài chính cũng tuân theo thực tế này.” Mark Minervini tin rằng, về dài hạn, tỷ lệ các giao dịch chiến thắng của các nhà giao dịch giỏi cũng nằm trong tầm 50%, nghĩa là gần với xác suất của việc tung đồng xu.

Bài toán mọi trader cần phải biết tới

Bài toán đơn giản như sau: Bạn chơi trò chơi tung đồng xu. Xác suất có được mặt sấp hoặc ngửa là 50/50 về dài hạn. Nếu như bạn nhận được 1 đôla cho mỗi lần tung được mặt sấp và trả 1 đôla cho mỗi lần tung được mặt ngửa. Về dài hạn bạn huề vốn. Trong trường hợp này, bạn kỳ vọng toán học của bạn bằng 0, tức bạn chẳng hề có lợi thế nào. Do đó, bạn thấy chẳng có lý do gì để phải tham gia vào trò chơi này. Trong cuộc sống và kinh doanh, các trường hợp có kỳ vọng toán học bằng 0 thì càng chơi càng tốn phí giao dịch mà thôi.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận được 2đôla cho mỗi lần tung được mặt sấp và vẫn phải trả 1 đôla cho mỗi lần tung được mặt ngửa, câu chuyện sẽ trở nên khác hẳn. Tỷ số lợi nhuận/rủi ro (hay phần thưởng/thua lỗ) của bạn lúc này là 2:1. Với xác suất dài hạn tung được mặt sấp/mặt ngửa là 50/50, bạn sẽ rất muốn tung càng nhiều càng tốt vì trò chơi lúc này sẽ mang tới cho bạn lợi nhuận.

Đây chính là bài toán mà các tay cờ bạc và phù thủy hiểu rất rõ. Họ hiểu rằng, sau khi mua vào cổ phiếu, cổ phiếu tăng hay giảm là câu chuyện của thị trường. Họ chẳng hề biết được giao dịch này sẽ lãi hay lỗ. Mark Minervini tin rằng, về dài hạn, tỷ lệ chiến thắng của bạn khi làm tốt cũng rơi vào 50/50 như tung đồng xu. Do đó, tập trung vào khả năng cải thiện “kỹ năng dự báo” về dài hạn là câu chuyện vô nghĩa.

Mấu chốt kiếm tiền của trader là tập trung kiểm soát tỷ lệ lãi/lỗ. Giống như trò chơi trên, khi tỷ lệ lãi/lỗ chuyển từ 1:1 sang 2:1, trader sẽ kiếm được tiền. Mark Minervini gọi đây là bí mật chén thánh của các phù thủy.

Công thức chén thánh và tại sao các phù thủy thường thích “sai nhiều hơn đúng”

Không hề có sự chắc chắn khi đầu cơ trên thị trường chứng khoán- đó là lý do tại sao nó được gọi là đầu cơ. Đầu cơ là dựa trên những giả định nhất định. Khi bạn mua cổ phiếu, bạn hy vọng những người khác cũng nhận thấy giá trị của cổ phiếu này và mua nó, từ đó tạo ra lực cầu đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn.

Quản trị tỷ số lợi nhuận/rủi ro yêu cầu dựa trên các giả định: Mức lợi nhuận bạn kỳ vọng so với mức rủi ro chấp nhận? Giả định bạn là nhà giao dịch có tỷ lệ chiến thắng 50/50, nếu bạn cắt lỗ ở mức 10%, bạn cần thường xuyên có những khoản lãi 20%. Nhưng nếu bạn thường chốt lãi ở mức 8%, không phải 20%, bạn sẽ mất tiền theo thời gian mà thôi vì bạn đang có kỳ vọng toán học âm.

Kỳ vọng toán học là tỷ lệ phần trăm các giao dịch chiến thắng nhân với mức lãi trung bình, chia cho tích giữa tỷ lệ phần trăm các giao dịch thua lỗ nhân với mức lỗ trung bình. Giữ được kỳ vọng toán học dương, bạn sẽ là người chiến thắng. Thành tích giao dịch của tôi thăng tiến từ mức bình thường lên hàng ngôi sao khi tôi quyết định lựa chọn những giao dịch có rủi ro/lợi nhuận phù hợp. Công thức sau là chén thánh mà tôi biết:

PWT (tỷ lệ phần trăm các giao dịch chiến thắng) x AG (mức lãi trung bình)/ PLT (tỷ lệ phần trăm các giao dịch thua lỗ) x AL (mức lỗ trung bình)= Kỳ vọng toán học (gọi tắt là kỳ vọng).

Trong công thức trên, khi tỷ lệ chiến thắng và tỷ lệ thua lỗ về dài hạn tiến về 50:50, kỳ vọng dương chỉ được tạo ra khi mức lãi trung bình phải lớn hơn nhiều so với mức lỗ trung bình. Hay nói cách khác, tỷ lệ lãi trung bình/lỗ trung bình càng cao, hệ thống có kỳ vọng toán học càng lớn. Đây chính là bí mật kinh doanh được các phù thủy tiết lộ.

Phù Thủy Chứng Khoán Mark Minervini nói: “Hầu hết mọi người đều bất ngờ khi nghe tôi nói rằng, tôi muốn duy trì tỷ lệ chiến thắng 25% hơn là 75%. Tại sao thế? Vì điều này cho phép tôi sai nhiều lần hơn nhưng vẫn kiếm được tiền; hãy cho phép hệ thống giao dịch của bạn được “thất bại” nhiều hơn. Tôi cố gắng xây dựng hệ thống giao dịch thất bại nhiều nhất có thể vì đây không phải là yếu tố tôi kiểm soát trực tiếp. Bạn không thể kiểm soát tỷ lệ chiến thắng vì bạn không thể kiểm soát giá cổ phiếu sẽ diễn ra thế nào sau khi mua vào. Tôi không quản trị yếu tố tôi không thể kiểm soát trực tiếp và cũng không dựa vào chúng quá nhiều. Lợi thế của tôi là duy trì mức thua lỗ theo tỷ lệ phần trăm so với mức lãi. Tôi cố gắng giữ mức lỗ so với mức lãi càng thấp càng tốt để có thể chấp nhận tỷ lệ sai nhiều hơn, điều này đồng nghĩa tôi có thể sai nhiều lần mà vẫn kiếm được tiền.”

Phù thủy tài chính Paul Tudor Jones cũng có câu nói tương tự: “[I’m looking for] 5:1 (rreward/risk). Five to one means I’m risking one dollar to make five. What five to one does is allow you to have a hit ratio of 20%. I can actually be a complete imbecile. I can be wrong 80% of the time, and I’m still not going to lose.” (Tôi tìm kiếm các giao dịch có tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro là 5:1. Nghĩa là tôi chấp nhận đặt cược rủi ro 1 đôla để có thể thu về lợi nhuận 5 đôla. Với tỷ lệ lãi/lỗ này, tôi chỉ cần có tỷ lệ chiến thắng 20% là đủ. Tôi có thể có xác suất sai lầm lên đến 80% nhưng vẫn kiếm được tiền“.

Bài toán về mối quan hệ giữa tỷ lệ lãi/lỗ và tỷ lệ thành công

Trong quản trị tiền, có công thức xác định mối quan hệ giữa tỷ lệ lãi/lỗ tối thiểu (hay còn gọi là RRR (Reward/Risk)) tương ứng với tỷ lệ chiến thắng (win ratio). Công thức như sau:

RRR tối thiểu= (1/tỷ lệ chiến thắng)-1

Ví dụ, với tỷ lệ chiến thắng 30%, thì RRR tối thiểu phải là: (1/0.3)-1=2.33 hay 2.33:1.

Với tỷ lệ chiến thắng bằng 20% như phù thủy Mark Minervini và Paul Tudor Jones mong muốn, RRR tối thiểu = (1/0.2)-1=4. Nghĩa là giao dịch phải lãi gấp 4 lần giao dịch lỗ.

Vì các phù thủy nhận ra rằng, họ không kiểm soát được thị trường (thị trường mới là người kiểm soát họ) nên không thể nào kiểm soát tỷ lệ chiến thắng. Nếu may mắn và làm tốt, về dài hạn, tỷ lệ chiến thắng có thể trở về 50%, tức tương đương với tung đồng xu. Trong nhiều lĩnh vực khác, tỷ lệ chiến thắng có thể giảm về dưới 50% (như đánh bóng chày). Do đó, họ phải tập trung kiểm soát tỷ lệ lãi/lỗ. Để làm được điều này, họ phải kiểm soát thua lỗ và cắt lỗ thật nhanh [Phù thủy Ed Seykota nói: “Những yếu tố của giao dịch thành công là (1) cắt lỗ, (2) cắt lỗ và (3) cắt lỗ. Nếu bạn tuân thủ cả ba quy tắc trên, bạn sẽ có một cơ hội.”]. Trong khi đó, họ phải kiếm được nhiều tiền khi đúng. Các phù thủy phải xây dựng kỹ thuật đi tiền và cách chốt lãi nhằm thực hiện được mục tiêu này.

Nguồn: chiemtinhtaichinh

Xem thêm các cách thức cải thiện tỷ suất suất sinh lợi nhanh chóng và giữa rủi ro ở mức thấp trong sách CÁCH TƯ DUY VÀ GIAO DỊCH CỦA NHÀ VÔ ĐỊCH ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề