fbpx

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Tôi đã nhúng chàm ở phố Wall – Guy Spier (Phần 1)

Đã bao giờ bạn từng cảm thấy thế này chưa? Căm ghét đến tột cùng. Ít nhất tôi không có ý định tự sát như nhân vật Hamlet. Nhưng tôi cảm thấy dằn vặt khó chịu như chính Hamlet vậy. Tôi đã ghê tởm toàn bộ những người làm việc trong các ngân hàng đầu tư (investment banks), và đặc biệt là những đồng nghiệp cũ của tôi. Tôi cũng có cùng một cảm xúc tiêu cực ấy với ngân hàng đầu tư của tôi. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất chính là tôi ghê tởm chính bản thân mình.

Guy Spier là một nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi danh, một môn đệ hăng hái của Warren Buffett. Hiện ông đang điều hành quỹ Aquamarine Fund với kỷ lục về lợi nhuận đánh bại thị trường không thể nào ấn tượng hơn 463% từ khi thành lập vào năm 1997. Guy xuất thân từ đại học Oxford, và là bạn học với nguyên Thủ tướng Anh David Cameron. Ông tiếp tục theo học MBA tại trường Harvard, sau đó bắt đầu làm việc với tư cách nhân viên ngân hàng đầu tư tại phố Wall. Từ một tay mafia cò mồ phố Wall cao ngạo, lươn lẹo, ích kỷ ông đã có quá trình lột xác để biến đổi thành một NĐT giá trị chân chính, thành công và hạnh phúc. Ông chia sẻ lại câu chuyện về hành trình đầu tư của mình trong cuốn sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị.

Chỉ chưa đầy hai năm trước, tôi tưởng như mình đã sẵn sàng bước ra chinh phục thế giới. Khi ấy, tôi còn là một sinh viên của trường kinh doanh Harvard. Xin được phép nói thêm, tôi cũng có bằng tốt nghiệp trường đại học Oxford, nơi tôi đứng đầu trong lớp kinh tế. Mọi thứ như đều trong tầm với của tôi – cho đến khi tôi vứt bỏ tất cả với một sự lựa chọn nghề nghiệp quá liều lĩnh.

Guy Spier
NĐT Guy Spier

Năm 1993, chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp Harvard, tôi vô tình đọc được một thông báo ứng tuyển cho vị trí trợ lý chủ tịch tại Công ty Ngân hàng Đầu tư D. H. Blair. Tôi có đọc sơ qua về ngân hàng đầu tư này và tự vỗ ngực cho mình là một trong những Chúa tể vũ trụ đang đứng trước vận hội của mình.

Tràn đầy tự tin của tuổi trẻ, tôi đến New York gặp chủ tịch của ngân hàng đầu tư D. H. Blair, J. Morton Davis. Morty thuở mới lập nghiệp là một cậu trai Do Thái nghèo khổ đến từ Brooklyn. Ông đã tốt nghiệp Harvard Business School-HBS vào năm 1959 và trở thành tân chủ tịch của D. H. Blair, vốn được thành lập từ năm 1904. Người ta kháo nhau rằng ông đã tự tay kiếm được hàng trăm triệu đô la.

Morty là một tay bán hàng lão luyện, ông ta đã dụ dỗ tôi một cách vô cùng thông minh. Ông kể tôi nghe về những thương vụ khủng mà ông đã thành công trong những lĩnh vực rất nóng bỏng như biotech (công nghệ sinh học), ngoài ra ông còn thêm vào một câu “Cậu sẽ kiếm được mối ngon ngay tức khắc, hãy làm việc trực tiếp với chính tôi”. Ông cam đoan với tôi rằng chẳng hề có một giới hạn nào về thu nhập cũng như những thành tựu tôi có thể đạt được khi làm việc cùng ông và rồi ông tặng tôi một quyển sách của Frank Bettger với nhan đề How I Raised Myself from Failure to Success in Selling (Tạm dịch: Tôi đã kéo mình lên từ thất bại để thành công trong bán hàng như thế nào). Tôi rất thích một điều về Morty, ông ta là một kẻ ngoại đạo – độc đáo, không theo các lề thói, tự tay làm nên cả một gia tài, và cực kỳ thành đạt.

Không lâu sau đó, tôi đọc một bài báo trên tờ New York Times có viện dẫn công ty D. H. Blair như một công ty môi giới đầy tai tiếng, nơi mà “các tay môi giới nổi tiếng thường từ chối không để khách hàng được phép bán ra khi họ yêu cầu bán một cổ phiếu nào đó”. Bài báo cũng nhắc đến việc các nhà quản lý chứng khoán ở Delaware đã “cố rút giấy phép của Blair” và các nhà quản lý ở Hawaii nói rằng “Blair sử dụng các thủ đoạn bán hàng lừa bịp và sai sự thật”. Khi tôi quay trở lại hỏi ông về những bài báo này, Morty bảo tôi rằng khi bạn thành công, mọi người sẽ ganh tị và cố kéo bạn xuống. Tôi đã quá nhẹ dạ đến mức tin hoàn toàn lời ông ta nói.

Vài người bạn của tôi ở Harvard đã tròn xoe mắt ngạc nhiên khi nghe tin tôi sẽ làm cho D. H. Blair, nhưng tôi bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của họ. Tôi ngạo mạn và có phần bốc đồng, và tôi kiên quyết không theo lối mòn với những ý tưởng đầu quân vào những công ty đầy tiếng tăm như Goldman Sachs hay J. P. Morgan. Tôi muốn mở lối đi riêng và tận hưởng thú vui lập nghiệp. Cứ như thể Morty đã đưa ra “một lời đề nghị mà tôi không thể chối từ”, mặc dù lẽ ra tôi nên từ chối nó. Thế là tôi ký vào đơn xin việc, cứ như tôi đã vớ được con gà đẻ trứng vàng, mong đợi rằng Wall Street sắp mở túi tôi ra và đổ tiền ào ào vào đó.

J. Morton Davis
Chủ tịch ngân hàng đầu tư D. H. Blair – J. Morton Davis là một tay bán hàng lão luyện

Ngập tràn hy vọng, tôi gia nhập D. H. Blair vào tháng Chín năm 1993 với chức danh trợ lý chủ tịch. Tôi dùng chung một căn phòng ốp gỗ tối tăm trên tầng hai với một nhân viên ngân hàng lớn tuổi, tử tế. Nhiều năm qua ông ta chưa kiếm được mối làm ăn nào, nhưng ông là một phần của cảnh quan nơi đây, làm ngân hàng đầu tư này thêm phần khả kính.
Chỉ sáu tháng đầu nhận việc, tôi đã rơi vào cảnh khốn cùng. Tôi đã nếm nhiều và vẫn tiếp tục nếm thêm những trái đắng. Mới đầu, tôi tưởng mình là trợ lý duy nhất cho chủ tịch và tôi sẽ có cơ hội quan sát và học việc từ “sư phụ” bằng cách giúp ông phân tích hàng tá những cơ hội đến với ông. Thực tế, ông ta còn có hai trợ lý khác.

Cả ba người chúng tôi đều có bằng cấp MBA sáng láng: Len đã học ở HBS; Drew thì đến từ Wharton. Đó là một môi trường chó-ăn-chó (dog-eat-dog nghĩa là môi trường nơi mọi người tranh giành cấu xé lẫn nhau vì lợi ích – Chú thích của người dịch), và cả ba người chúng tôi không phải là một đội. Tôi nhanh chóng nhận ra hoàn toàn không có nhu cầu nào dành cho tôi ở khâu phân tích các thương vụ. Tôi cay đắng học được thế nào là bình thường ở Wall Street. Nhân lực luôn có sẵn, họ có thừa khả năng làm được những việc cần phải làm. Môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Và có hàng tá người xếp hàng ngay sau lưng bạn, chờ đợi nhảy vào vị trí bạn đang ngồi.

Cách duy nhất tôi có thể tăng giá trị cho môi trường này cũng là điều mà công ty thực sự cần tôi làm, là tìm kiếm khách hàng. Tôi nghĩ mình thừa sức làm chuyện đó, vì dù sao công việc này cũng có một lợi điểm là bán hàng. Nhưng, như đã nói, cạnh tranh rất khốc liệt, cả từ bên ngoài và lẫn bên trong công ty. Tôi là lính mới toe. Mới với D. H. Blair, mới với ngành ngân hàng đầu tư và tài chính, và mới với cả New York.

Tuy vậy, tôi quyết không bỏ cuộc. Bỏ cuộc là thừa nhận bản thân đã bại trận. Bỏ cuộc là chịu xấu hổ khi các bạn cùng học biết rằng tôi đã phạm sai lầm. Và tệ hơn nữa, làm vậy tôi sẽ bị mang danh là kẻ bỏ cuộc, và cái danh xấu này sẽ theo tôi mãi. Lúc đó, điều thúc đẩy tôi nhiều nhất chính là cách người khác nhìn tôi, hơn là cách tôi tự nhìn nhận mình. Nếu điều này được đảo ngược lại, tôi tin rằng tôi đã không ở lại nơi ấy thêm bất kỳ một phút nào nữa; tôi có thể chấp nhận rằng đơn giản là mình đã bị đuổi. Nhưng khát khao thành công đã làm tôi mờ mắt.

Mục tiêu duy nhất của tôi là làm được một thương vụ. Làm được như thế, tôi có thể ghi nhận thắng lợi và rồi đường hoàng nghỉ việc. Nên tôi đã mỉm cười, gọi điện, và đi đến mòn giày trong nhiều tháng ròng, lần theo mọi cơ hội mà tôi có thể tìm được. Nhưng rốt cuộc tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Mặc cho ý chí kiên định được nung nấu bằng testosterone mong mỏi thành công trong công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp MBA của tôi, tôi vẫn thua kém thảm hại.

Vấn đề của tôi không phải là những thương vụ “thơm” bị các tên tuổi lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanley phỗng tay trên, mặc dù điều này có phần là đúng. Bởi vì vẫn còn đó nhiều cơ hội khác. Nhưng để thành công trong việc đem những mối đó đến với D. H. Blair đòi hỏi tôi phải làm những việc với số liệu mà tôi chưa bao giờ từng làm.

Chuyên môn của D. H. Blair tập trung vào lĩnh vực quỹ và ngân hàng đầu tư mạo hiểm. Đó là một trong những điều cuốn hút tôi đến với công ty: cơ hội đứng ở tiền tuyến, bỏ vốn vào các công ty khởi nghiệp với những công nghệ mới có thể thay đổi thế giới. À, và tôi đã từng đề cập chưa nhỉ, về việc tôi sẽ trở nên giàu có khủng khiếp trong quá trình đó? Ngoài sự ngạo mạn và xấc xược, lòng tham của tôi cũng có thể sánh kịp với số đông ở Wall Street. 

Sự thực cay đắng là những công ty nắm trong tay công nghệ hay phát kiến thực sự có hiệu quả và chắc chắn thành công luôn cực kỳ, cực kỳ hiếm có – ngay cả trong số rất nhiều những công ty được hậu thuẫn bởi những ngân hàng đầu tư xuất sắc như Goldman Sachs hay Morgan Stanley. 

Thay vì thế, phần đa các công ty này nằm trong hạng mục “có thể thành công”. Có rất nhiều ban điều hành công ty tuyệt vọng theo đuổi ước mơ và họ sẵn sàng làm bất cứ gì hay nói bất cứ điều gì miễn sao huy động được vốn. Trước khi kịp nhận ra, tôi đã chìm nghỉm trong một biển những thương vụ tào lao, bị công kích bởi các chủ doanh nghiệp hy vọng rằng tôi sẽ gật đầu với họ.

Tôi còn nhớ rõ một lần nọ, tôi được gọi vào phòng họp với bên ngân hàng và một tổ chức muốn cân nhắc kêu gọi đầu tư cho một kế hoạch kinh doanh phản ứng tổng hợp hạt nhân lạnh (cold fusion). Vốn đã đọc các tài liệu và một ít thông tin nền tảng, tôi buột miệng “Nhưng cái gọi là khoa học trong vụ này rõ là vớ vẩn!”

Tôi ngấm ngầm ám chỉ rằng, “Các ông thực sự mong rằng tôi giữ một gương mặt thản nhiên và nói với nhân viên bán hàng bên tôi là cái đống rác này có cơ hội phát triển ư?”

Một ví dụ khác, công ty chúng tôi hỗ trợ đưa một công ty niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán, công ty này muốn xây một trạm không gian mới – cùng với Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan – dựa trên các hợp đồng với các công ty và các thể chế được thành lập bởi các cựu viên chức của Cộng Hòa Xô Viết năm xưa. Tài sản duy nhất của công ty dường như là các hợp đồng sơ sài soạn bằng tiếng nước ngoài mà ngay cả tòa án Kazakh còn không chấp nhận, nói gì đến tòa New York hay London. Cũng như vụ tổng hợp hạt nhân lạnh, xác suất thành công của vụ này khá thấp.

Nhưng đây chính là cách làm ăn của D. H. Blair: kiếm thứ gì đó nổi trội trong số những cơ hội bị người khác chối bỏ, rồi rao bán cho những nhà đầu tư nhẹ dạ, thừa hy vọng và thiếu kiến thức. Nói đi cũng phải nói lại, mặc dù nhiều trong số các “cơ hội” trở thành đồ bỏ đi và thất bại, công ty thỉnh thoảng cũng làm được vài vụ lớn. Ví dụ, công ty đã bảo lãnh phát hành ra công chúng (IPO) một trong những công ty biotech đầu tiên, Enzo Biochem, vào thời điểm mà không ai dám nghĩ đến việc IPO một công ty không hề có doanh thu. Trong một vài thương vụ khác, D. H. Blair cũng đã IPO thành công các công ty kiếm được lợi nhuận và phát triển thực sự. Nhưng giữa những thương vụ thành công ấy, công ty cũng cần có các hoạt động khác nhằm có thêm cơm gạo để nuôi bộ máy kiếm tiền.

Về phía công ty khách hàng, ngoài phí nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, D. H. Blair còn lấy một phần rất to chứng quyền (warrant) của công ty được rót tiền. Và về phía các nhà đầu tư, D. H. Blair thường là nhà tạo lập thị trường (market maker) duy nhất cho các cổ phiếu do công ty phát hành. Với chênh lệch giá mua/giá bán (bid/ask spreads) ở mức cao 20%, chỉ mua bán cổ phiếu các công ty do họ phát hành cũng đủ kiếm lời to. Cũng như các tổ chức khác ở Wall Street, D. H. Blair chiếm thế thượng phong trong quan hệ với khách hàng.

Nhưng để làm tăng khối lượng mua bán và làm nhiều người quan tâm đến cổ phiếu do họ phát hành đòi hỏi những chiêu dàn dựng sân khấu công phu. Dặm phấn thoa son để một công ty có tỉ lệ thành công đáng ngờ và biến nó thành một công ty được nhiều người thèm khát sở hữu là một phần vai trò của các nhà phân tích và nhân viên ngân hàng đầu tư của D. H. Blair. Để một trong số các thương vụ được thành công và nhằm bôi trơn bánh xe tài chính, nhiều người phải sắm cho mình một vai diễn.

Thương vụ tổng hợp hạt nhân lạnh và Cosmodrome trước mắt sẽ không có “miếng” nào. Nhưng “tiếng” thì có. Những công ty này trình bày các ý tưởng có thể thu hút trí tưởng tượng của công chúng. Nếu cộng đồng đầu tư có hứng thú và rồi trở nên cuồng si với tổng hợp hạt nhân lạnh và trạm không gian, họ có thể đẩy các cổ phiếu mới IPO này bay vút lên trời cao, tăng hơn gấp mấy lần mức giá chào bán ban đầu. Từ quan điểm của ngân hàng đầu tư, động thái đẩy giá này biến thương vụ thành một thành công chớp nhoáng – ngay cả khi công ty đó sau này sẽ thất bại. Khi giá cổ phiếu tăng, ngân hàng sẽ thu tiền vào nhờ chứng quyền và nhờ mua bán cổ phiếu. Nếu công ty phá sản, khi ấy cổ phiếu của nó đã được phân tán đều trong cộng đồng đầu tư, và người mất tiền lúc này không phải D. H. Blair hay các khách hàng của hãng.

Để làm cho các tình huống này tiến hành suôn sẻ cần trình độ bán hàng đại tài, nên D. H. Blair có một bộ phận môi giới bán lẻ đầy những môi giới cứng cựa, những người gọi điện cho khách hàng từ một căn phòng ở tầng 14 lúc nào cũng sục sôi máu lửa. Về cả mặt vật lý và pháp lý, họ hoàn toàn tách biệt với người làm nghiệp vụ ngân hàng đầu tư như tôi, danh chính ngôn thuận họ làm việc cho một công ty khác. Giống như công ty nơi tôi làm việc tên D. H. Blair Banking Corp, là một phần của D. H. Blair & Co.,

Nhóm nhân viên ngân hàng nhỏ bé của chúng tôi cấu thành nên bộ mặt được chấp nhận và được tôn trọng của công ty, trong khi những anh chàng môi giới kia mới là những cậu trai nơi mật thất, tô vẽ cho đẹp mắt các thương vụ đáng ngờ hòng qua mặt những nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kiến thức. Họ khiến tôi rùng mình nhớ lại các tay môi giới trong bộ phim Sói già phố Wall của Martin Scorsese, bộ phim chỉ cường điệu, chứ không phản ánh sai sự thực. Tầng 14 của D. H. Blair có thể ví như một bể chứa testosterone; có người bảo tôi rằng các cô gái bán hoa đôi khi sẽ lên tầng 14 để làm phần thưởng cho nhân viên bán hàng thành công nhất trong ngày.

Sói già phố Wall
Có người bảo tôi rằng các cô gái bán hoa đôi khi sẽ lên tầng 14 để làm phần thưởng cho nhân viên bán hàng thành công nhất trong ngày.

Tôi không làm việc trực tiếp với các anh chàng này, nhưng họ phụ thuộc vào nhóm ngân hàng đầu tư chúng tôi để kéo thương vụ về cho họ tút tát. Các nhân viên ngân hàng có thể sống mà không hổ thẹn với chính mình do được náu thân nơi kén tằm lát gỗ xinh đẹp ở tầng hai, trong khi những hoạt động thật sự khiến mọi người tròn xoe mắt lại diễn ra ở trên đó mười hai tầng. Nhưng, những tay môi giới vẫn cần những nhân viên ngân hàng chúng tôi làm tạo tiền đề.

Mất hơn một năm làm việc tại D. H. Blair, tôi mới thật sự nhận ra đây mới là vai trò được mong đợi lớn nhất của tôi. Tôi được kỳ vọng tô vẽ cho phần ít sơ sài nhất của các thương vụ này sao cho điểm yếu được xem nhẹ hay bỏ qua trong khi những phần hào nhoáng, lọt tai được nhấn mạnh.

Vai trò của tôi không phải là một nhà phân tích cẩn trọng, được đào tạo bài bản. Chẳng có chỗ cho một nhà phân tích cần mẫn nghiên cứu một một ý tưởng, kiểm tra một cơ hội, tuyên bố càng chính xác và trung thực càng tốt, một vật là vàng hay là đồng, hệt như vai trò của một bác sĩ pháp y đi tìm sự thật. Khi nhìn lại, dẫu muộn màng, tôi có thể thấy rõ giá trị thực sự của tấm bằng Oxford và MBA Harvard của tôi là tấm biển danh giá sáng choang điểm tô cho các thương vụ và các tài liệu của công ty. Tôi đã trao cho họ ngọn cờ Ivy League.

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Thời khắc biết đến đầu tư giá trị – Guy Spier (Phần 2)

Từ giữa bầy lang sói đến Warren Buffett: Tìm kiếm các NĐT giá trị lỗi lạc quanh tôi – Guy Spier (Phần 3)

Nguồn: Sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị

Có thể bạn quan tâm:

Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị – Guy Spier

Hành trình lột xác từ tay “mafia” cò mồi phố Wall

trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính

Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề