fbpx

3 kịch bản điều hành giá cuối năm, CPI cao nhất 4,5%

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72 – 4,5%.

3-kich-ban-dieu-hanh-gia-cuoi-nam-cpi-cao-nhat-45-happy-live-2

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024 diễn ra ngày 12/6.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm ở mức 4 – 4,5%, đồng thời tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72-4,5%, cụ thể: Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,72% so với năm 2023; Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân tăng khoảng 4,03% so với 2023; Kịch bản 3, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 7 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,39 – 0,6% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% – 4,5% theo mục tiêu đề ra.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong nửa đầu năm, công tác điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đối với giá xăng dầu, về cơ bản không có nhiều biến động. Trong 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước cơ bản có xu hướng tăng, song từ cuối tháng 4 cho đến nay liên tục giảm về mức giá gần tương đương so với đầu năm. Giá vé máy bay cũng đã giảm so với giai đoạn cao điểm trước. Trong tháng 5, trên các đường bay nội địa hạng phổ thông dao động khoảng 30 – 70% mức tối đa theo quy định.

3-kich-ban-dieu-hanh-gia-cuoi-nam-cpi-cao-nhat-45-happy-live-1

Tuy vậy, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng tăng nhanh trở lại từ đầu tháng 5 do bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột vũ trang tại Biển Đỏ và sự tắc nghẽn cục bộ tại cảng Singapore dẫn đến tàu thuyền phải chờ đợi, làm tăng chi phí. Cùng với đó, giá một số mặt hàng như giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước, giá lợn hơi tăng từ 3 – 10%.

Bộ Tài chính ước tính lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72 – 4,5%.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Cận, trong 6 tháng tới, những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá vẫn là giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện do tới kỳ điều chỉnh theo lộ trình và giá vé máy bay trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh chung của giá vé máy bay thế giới.

Đồng thời, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như giá xăng dầu do những biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì ở mức giá cao, giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp…

Thứ trưởng Lê Tấn Cận cũng cho rằng, cũng còn nhiều yếu tố góp phần giảm áp lực lạm phát, trong đó tình trạng lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2024 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp trong nước được kỳ vọng tiếp tục diễn biến thuận lợi sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là nhân tố quan trọng giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng… cũng góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.

Tiến Phát (thitruongtaichinhtiente)

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề