Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố: Gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9
“Nhiều” quan chức muốn hạ lãi suất từ tháng 7
Theo biên bản mới được công bố vào ngày 21/8, tại cuộc họp chính sách tháng 7, các quan chức Fed đã tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất mà thị trường tài chính mong chờ từ lâu.
Tuy nhiên, họ đã không hành động ngay tại cuộc họp đó mà phát tín hiệu nhiều khả năng ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9.
“Phần lớn” những người tham gia cuộc họp “nhận thấy nếu dữ liệu tiếp tục diễn biến như dự kiến, khả năng nới lỏng chính sách tại cuộc họp tiếp theo là phù hợp”, biên bản cho hay.
Các nhà đầu tư đang tin chắc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Đây sẽ là lần đầu tiên Fed giảm lãi suất kể từ khi nới lỏng chính sách khẩn cấp vào thời điểm đầu đại dịch COVID-19.
Trong khi tất cả thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất chuẩn, thì có một số lượng không xác định các quan chức có xu hướng muốn nới lỏng chính sách tại cuộc họp tháng 7 thay vì chờ tới tháng 9.
Biên bản nêu rõ rằng “nhiều thành viên nhận thấy tiến triển gần đây về lạm phát và đà tăng của tỷ lệ thất nghiệp là các lý do hợp lý để hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp này…”
Theo cách diễn đạt mà Fed sử dụng trong biên bản – vốn không đề cập đến tên hoặc nêu rõ có bao nhiêu nhà hoạch định chính sách cảm thấy vậy – thì “nhiều” là một con số tương đối nhỏ.
Song, biên bản nêu rõ rằng các quan chức tự tin về hướng đi của lạm phát và sẵn sàng nới lỏng chính sách nếu dữ liệu tiếp tục hợp tác.
Nhìn chung, một mặt các quan chức nhìn thấy áp lực lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể. Mặt khác, một số người lo ngại về thị trường lao động cũng như những khó khăn mà các hộ gia đình, đặc biệt là những người thu nhập thấp, đang gặp phải.
“Về triển vọng lạm phát, các thành viên FOMC đánh giá loạt dữ liệu gần đây đã giúp họ thêm tự tin rằng lạm phát đang giảm bền vững về mức mục tiêu 2%”, biên bản có đoạn.
“Hầu hết những người tham gia cuộc họp đều nhận thấy các yếu tố góp phần vào xu hướng thiểu phát gần đây có khả năng sẽ tiếp tục giúp lạm phát đi xuống trong những tháng tới”.
Về thị trường lao động, “nhiều” quan chức lưu ý “tăng trưởng việc làm có thể đã bị phóng đại”.
Hôm 21/8, Bộ Lao động Mỹ cũng tiết lộ những điều chỉnh sơ bộ về tăng trưởng việc làm trong giai đoạn tháng 4/2023 – 3/2024. Theo đó, số liệu việc làm đã giảm hơn 800.000.
“Phần lớn các quan chức nhận xét rủi ro đối với mục tiêu việc làm đã tăng lên và rủi ro đối với mục tiêu lạm phát đã giảm xuống”, biên bản viết. “Một số người lo ngại có khả năng sự nới lỏng trên thị trường lao động có thể chuyển biến xấu”.
Trong tuyên bố chính sách sau cuộc họp tháng 7, FOMC lưu ý rằng mức tăng việc làm đã chững lại và lạm phát cũng “giảm bớt”. Tuy nhiên, ủy ban đã chọn giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi 5,25 – 5,5%, mức cao nhất trong gần 23 năm.
Thị trường chứng khoán tăng điểm vào ngày Fed tổ chức họp (30 – 31/7) nhưng lại giảm mạnh trong các phiên sau đó do lo ngại rằng ngân hàng trung ương Mỹ đang hành động quá chậm.
Một ngày sau cuộc họp chính sách tháng 7, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng vọt, trong khi một thước đo khác cho thấy lĩnh vực sản xuất đã thu hẹp nhiều hơn dự kiến.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi báo cáo việc làm tháng 7 tiết lộ nền kinh tế Mỹ chỉ có thêm 114.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức 4,3%.
Thị trường kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất nhanh chóng, thậm chí một số người còn cho rằng các quan chức nên hạ lãi suất khẩn cấp để xua tan lo ngại rằng nền kinh tế đang suy yếu.
Tuy nhiên, tâm lý hoảng loạn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Các dữ liệu sau đó cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã quay trở lại mức bình thường, trong các thước đo lạm phát chỉ ra áp lực giá tiếp tục giảm bớt. Dữ liệu bán lẻ cũng tốt hơn mong đợi, xoa dịu nỗi lo về áp lực lên người tiêu dùng.
Dù vậy, các dữ liệu gần đây hơn đã chỉ ra những căng thẳng trên thị trường lao động và các nhà đầu tư phần lớn kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9.
Happy Live team sưu tầm/vietnambiz