Cập nhật KQKD quý II/2024: Ngày 29/7 có hơn 640 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính
Trong số các doanh nghiệp đã công bố KQKD quý II/2024 trên sàn thì có khoảng 95 đơn vị báo lãi tăng trên 100% trong quý II.
Theo thống kê từ Wichart, tính tới 8h sáng ngày 29/7 có hơn 640 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Chiếm 42% số đó (hơn 260 đơn vị) ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng so với cùng kỳ.
Một số đơn vị lớn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý II như: Tập đoàn Masan (Mã: MSN), Sabeco (Mã: SAB), CTCP Vincom Retail (Mã: VRE), CTCP Vinhomes (Mã: VHM), Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC), Tập đoàn FPT (Mã: FPT), Chứng khoán MB (Mã: MBS), Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS),…
Riêng FPT, tập đoàn này tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận trong quý II với 1.874 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhựa Tiền Phong cũng báo lãi kỷ lục trong quý II.
Tập đoàn Masan ghi nhận lãi ròng 503 tỷ đồng quý II, gấp gần 4,8 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ giảm chi phí lãi vay, tăng mạnh nguồn thu từ các công ty liên kết, trong khi chi phí bán hàng và quản lý gia tăng không quá lớn.
Vincom Retail tiếp tục duy trì khoản lãi ròng nghìn tỷ quý thứ 6 liên tiếp và ghi nhận tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện một ông lớn trong lĩnh vực bất động sản là Vinhomes lãi ròng 10.784 tỷ đồng trong quý II, tăng 11% so với cùng kỳ với đóng góp chính từ việc ghi nhận giao dịch bán lô lớn tại dự án Vinhomes Royal Island và tiếp tục bàn giao tại các dự án hiện hữu. Song 6 tháng lợi nhuận ròng của ông lớn bất động sản này lại giảm 46% còn 11.669 tỷ do doanh thu giảm 41% so với cùng kỳ.
Còn công ty mẹ của Vinhomes là Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) báo lãi sau thuế 684 tỷ đồng quý II, gấp 1,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm, tập đoàn này lãi sau thuế 2.019 tỷ, gấp đôi nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận ròng 6 tháng tăng 57% lên 4.531 tỷ đồng.
Hoá chất Đức Giang đã chấm dứt chuỗi suy giảm lợi nhuận và ghi nhận lãi ròng tăng nhẹ 0,2% trong quý II, đạt 842 tỷ đồng. Song 6 tháng lợi nhuận vẫn giảm 7% so với nửa đầu năm ngoái.
Các doanh nghiệp tăng trưởng đột biến lợi nhuận
Trong số hơn 640 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên sàn thì có khoảng 95 doanh nghiệp báo lãi tăng trên 100% trong quý II.
Nhiều doanh nghiệp lớn có lợi nhuận tăng trên 100% so với cùng kỳ như: Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (Mã: LPB), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC), CTCP Đầu tư Cầu đường CII (Mã: LGC), Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã: SHS), Chứng khoán TP HCM (Mã: HSC), Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI), CTCP Vận tải biển Việt Nam (Mã: VOS), CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS), Cao su Sao Vàng (Mã: SRC), CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (Mã: BTH),…
Tập đoàn Hoa Sen lãi ròng 273 tỷ quý II, gấp 19,5 lần cùng kỳ năm ngoái do doanh thu tăng 25% cộng với biên lãi gộp tăng mạnh so với cùng kỳ.
BTH là một doanh nghiệp ít tên tuổi trên UPCoM song lại bất ngờ ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong quý II dù các quý trước lợi nhuận chỉ loanh quanh vài trăm triệu hoặc thua lỗ. Quý này, BTH lãi ròng 399 nhờhoàn thành việc thi công khối cao tầng, thấp tầng và hạ tầng cảnh quan dự án khu hỗn hợp dịch vụ nhà ở, nhà trẻ và cây xanh tại địa chỉ trụ sở công ty số 55 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội và đã bàn giao 261 căn hộ của dự án.
Trong đó Xây dựng Hoà Bình lãi ròng kỷ lục 682 tỷ quý II trong khi cùng kỳ lỗ 268 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh nghiệp phát sinh khoản thu nhập khác 527 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ gần 7 tỷ đồng nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Còn VOS lãi ròng 284 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 1 tỷ đồng nhờ khoản doanh thu đột biến 400 tỷ từ bán tàu Đại Minh.
Với LGC, đơn vị này lãi ròng kỷ lục 240 tỷ trong quý II, gấp 4,2 lần quý II/2023 nhờ tăng doanh thu thu phí từ dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Đồng thời, khoản doanh thu hoạt động tài chính của LGC cũng tăng đột biến do ghi nhận bổ sung phần lợi ích tài chính lũy kế đến thời điểm báo cáo cho dự án Trạm thu phí Cà Ná – Km 1584 +100, Quốc lộ 1-Ninh Thuận.
Trái lại, nhiều doanh nghiệp lớn báo lãi suy giảm quý II như: Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Imexpharm (Mã: IMP), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII), Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Chứng khoán VIX (Mã: VIX), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Mã: CTS), Chứng khoán BSC (Mã: BSI),…
Lộ diện nhiều doanh nghiệp thua lỗ quý II
Tính tới 8h sáng ngày 29/7 có hơn 100 doanh nghiệp báo lỗ ròng quý II. Một số doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn trong quý II như: CTCP Đầu tư tài sản Koji (Mã: KPF), Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (Mã: TIN), CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Mã: NOS), Đạm Hà Bắc (Mã: DHB), Sợi Thế Kỷ (Mã: STK), Thủy điện Sông Ba Hạ (Mã: SBH), CTCP VKC Holdings (Mã: VKC), Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (Mã: HKB),…
Happy Live team sưu tầm/vietnambiz