“Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán năm mới?
Sau năm 2023 nhiều biến động, giới đầu tư đang hướng tới một năm mới với tâm thế lạc quan.
Đầu năm 2024, anh Nguyễn Đình – một nhà đầu tư trẻ – quyết định mở tài khoản chứng khoán và bỏ vào đó một số vốn nhỏ. Có nguồn thu nhập ổn định từ việc tự kinh doanh, nhưng gần đây anh nhìn thấy triển vọng cửa hàng khó tăng trưởng khi khách hàng dần thắt chặt chi tiêu; anh nghĩ mình cần đa dạng hóa các kênh đầu tư.
Suy nghĩ đầu tư chứng khoán của anh nảy sinh khi nhớ đến người bạn làm ngân hàng đã tham gia thị trường từ giai đoạn 2020 – 2022 với số vốn hàng tỷ đồng.
Năm 2024, những áp lực căng thẳng đã qua đi, song, con đường phục hồi kinh tế còn nhiều gập ghềnh. Trái với năm 2023, khởi đầu với nhiều nút thắt của thị trường tài chính trong nước và những cơn gió ngược từ bức tranh vĩ mô thế giới, năm 2024 được xem là “dễ thở hơn” ở hầu hết các vấn đề của năm cũ.
Bước sang năm mới, thị trường đang trông chờ vào từ khóa quan trọng là Fed cắt giảm lãi suất. Bối cảnh vĩ mô thế giới, cụ thể là Mỹ, đang thuận lợi cho thị trường chứng khoán, khi các tín hiệu về việc Fed và ngân hàng trung ương nhiều nước có vẻ đã hoàn thành quá trình tăng lãi suất trở nên ngày càng rõ ràng. Các nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất kể từ giữa năm 2024.
Trong nước, chính sách điều hành của Việt Nam sẽ tiếp tục theo hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế vĩ mô sẽ phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ vào sự cộng hưởng tích cực của chính sách tài khóa và tiền tệ, sẽ bắt đầu mang lại hiệu ứng lan tỏa tốt sang các thành phần kinh tế khác trong năm 2024. Nhu cầu đơn hàng của thế giới phục hồi sau năm 2023 giảm hàng tồn kho và niềm tin tiêu dùng cải thiện thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán lẻ hàng hóa.
Đối với thị trường chứng khoán, giới phân tích cho rằng, 2024 là năm sẵn sàng tăng tốc. Hiện PE dự phòng của thị trường Việt Nam vào khoảng 11x. Đây là mức định giá khá hấp dẫn nếu dựa trên triển vọng dài hạn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang ở gần vùng đáy 1 năm. Vì thế, đây có thể được xem là thời điểm tích lũy cổ phiếu lý tưởng.
Việc thị trường có bước vào 1 con sóng dài hay không tùy thuộc vào sức khỏe thực sự của nền kinh tế.
Hơn nữa, chứng khoán Việt Nam cũng đang đứng trước thời cơ thay đổi về chất khi triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi đang rất gần.
Nếu giải quyết được vấn đề về ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và được FTSE thêm vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi vào kỳ đánh giá tháng 9/2024, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam sẽ được bổ sung vào trong chỉ số của FTSE (ví dụ FTSE EM Index và FTSE Global Index).
Tác động trực tiếp nhất là các quỹ ETF đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt Nam.
Về dài hạn và quan trọng hơn, khi được nâng hạng thì độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai, minh bạch của Việt Nam đã lên một tầm cao mới, sẽ thu hút được thêm dòng tiền từ nhiều quỹ và nhà đầu tư khác đến thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư cá nhân cũng đang kỳ vọng những điều tích cực trong năm mới.
Sau nhiều năm đồng hành cùng thị trường, anh T.K (TP.HCM) kỳ vọng năm 2024 sẽ không nhiều biến động căng thẳng như năm trước. Nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp có môi trường kinh doanh dễ thở hơn để hoạt động và tăng trưởng lợi nhuận. Từ đó, VN-Index tăng lên 1,300 trước khi kết thúc năm.
Cá nhân anh đang chờ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu phục hồi và hoạt động tiêu dùng phục hồi để thúc đẩy cổ phiếu bán lẻ.
Anh N.X.N – một nhà đầu tư kỳ cựu khác – mong chờ vào nhiều diễn biến tích cực của chứng khoán năm 2024: Lãi suất duy trì thấp, thanh khoản tăng với nhiều phiên tỷ USD, thị trường nâng hạng về cuối năm, KRX đi vào hoạt động. Anh kỳ vọng VN-Index sẽ đạt mức 1,400 điểm.
Dù nhiều triển vọng, kịch bản xấu vẫn được đưa ra để giới đầu tư có cái nhìn thận trọng.
Trong kịch bản kém lạc quan, kinh tế Mỹ, châu Âu rơi vào suy thoái với tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng. Fed sẽ cắt giảm mạnh tay hơn, gây tác động tiêu cực về tâm lý đầu tư trên thị trường thế giới do lo ngại khủng hoảng. Trong giai đoạn tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có mức độ tương quan cao.
Ngoài ra, các rủi ro địa chính trị ảnh hưởng chi phí logistics sẽ gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
Những khó khăn bao gồm: vốn tín dụng khó đẩy ra thị trường do lo ngại nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản, áp lực trả nợ trái phiếu quá hạn không được giải quyết, áp lực đáo hạn trái phiếu của các tập đoàn tư nhân lớn, xuất – nhập khẩu tiếp tục trì trệ do niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ và EU thấp.
Dòng tiền nhàn rỗi có thể lựa chọn kênh đầu tư khác như vàng (triển vọng tăng giá trong bối cảnh địa chính trị rủi ro và sự suy yếu của USD khi Fed bắt đầu giảm lãi suất) hoặc tài sản là bất động sản dân cư phục vụ nhu cầu ở thực.
Vẫn còn nhiều khó khăn phải cân nhắc, nhưng các thành viên tham gia thị trường chứng khoán vẫn đang kỳ vọng về một năm tích cực.
Nhìn xa, thị trường chứng khoán đang hướng tới những mục tiêu cao hơn. Theo kế hoạch phát triển thị trường, đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) và đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP).
Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% – 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, theo chỉ tiêu, đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Những năm gần đây, mức độ quan tâm và độ phủ sóng của thị trường đã rộng rãi hơn trước. Từ định kiến lừa đảo, dễ mất tiền, chứng khoán đang dần trở thành một phần quen thuộc của xã hội. Nhà đầu tư cũng dần có những kỳ vọng hợp lý hơn với thị trường, không phải cứ mua chứng khoán là ăn bằng lần nữa.
Trong ngắn hạn, thị trường đang xập xình khó đoán, nhưng về dài hạn, chứng khoán vẫn đang rất rộng cửa với những triển vọng nâng tầm và chất. Quan trọng là nhà đầu tư có thể kiên nhẫn đầu tư bài bản để tận dụng dư địa tăng trưởng của những năm sắp tới.
Happy Live team sưu tầm/vietstock