ECB hạ lãi suất lần đầu tiên sau 5 năm nhưng không muốn giảm dồn dập
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 6/6 có động thái cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong khoảng 5 năm trở lại đây…
Tuy nhiên, quyết định này chưa chắc đã mở ra một chiến dịch nới lỏng mạnh mẽ chính sách tiền tệ, bởi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của khu vực eurozone cảnh báo rằng những đợt giảm trong tương lai sẽ tuỳ thuộc vào việc áp lực giá cả có tiếp tục dịu đi hay không.
Hội đồng Thống đốc ECB do Chủ tịch Christine Lagarde chủ trì đã hạ lãi suất cơ bản đồng euro 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất giảm từ mức kỷ lục 4% về 3,75%. Động thái không nằm ngoài dự báo này được đánh giá là một cột mốc trong cuộc chiến chống lạm phát, sau khi các ngân hàng trung ương lớn của thế giới triển khai một chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt từ năm 2022 để chống lại sự leo thang giá cả mạnh nhất trong vòng khoảng 4 thập kỷ.
Tại họp báo sau cuộc họp của ECB, bà Lagarde nói “có khả năng cao” quyết định lãi suất này của ECB sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho “sự rút lui của lãi suất” tại eurozone từ mức đỉnh mọi thời đại. Nhưng bà cũng nói thêm rằng các động thái tiếp theo của ECB sẽ “tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế mà chúng tôi có được”.
Trao đổi với tờ báo Financial Times sau cuộc họp, một số thành viên Hội đồng Thống đốc ECB nói rằng khả năng cơ quan này tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7 là thấp, vì lạm phát ở eurozone gần đây đã tăng trở lại và tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng cao hơn. Trên thị trường hoán đổi (swap) lãi suất, các nhà giao dịch cũng giảm khả năng ECB hạ lãi suất vào tháng 9 xuống còn 60% từ 70% trước đó.
Tuyên bố sau cuộc họp của ECB cảnh báo rằng cơ quan này “không cam kết trước về bất kỳ một đường đi chính sách cố định nào”, đồng thời dự báo lạm phát sẽ duy trì trên ngưỡng mục tiêu 2% cho tới quý 4/2025.
“Có vẻ như ECB đã tự tạo cho họ một dư địa để linh hoạt, phòng trường hợp các dữ liệu kinh tế không tiếp tục suy yếu như kỳ vọng”, nhà kinh tế Katherine Neiss của công ty PGIM Fixed Income nhận định.
Cơ sở mà ECB đưa ra cho đợt giảm lãi suất này là lạm phát ở eurozone đã giảm 2,5 điểm phần trăm kể lần tăng lãi suất cuối cùng vào tháng 9/2023. Đây là lần đầu tiên ECB hạ lãi suất kể từ nă 2019.
“Đã có một sự nhất trí cao rằng chúng tôi đang trên đà đưa lạm phát về mục tiêu. Các dự báo của chúng tôi cũng trở nên tự tin hơn rằng sự giảm lạm phát sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục hạ lãi suất”, một thành viên Hội đồng Thống đốc ECB nói với Financial Times.
Bà Lagarde nói ECB quyết định hạ lãi suất “vì niềm tin chung của chúng tôi về con đường phía trước đã tăng lên trong những tháng gần đây’, và nói thêm “sự chuẩn xác trong các dự báo của chúng tôi” đã tăng đáng kể trong những quý gần đây.
Trong dự báo lạm phát cập nhật, ECB cho rằng lạm phát ở eurozone sẽ bình quân 2,5% trong năm 2024; 2,2% trong năm 2025; và 1,9% trong năm 2026. Theo bà Lagarde, tăng trưởng tiền lương trong khu vực sẽ chậm lại và năng suất của người lao động sẽ cải thiện trong vòng 1 năm tới, giúp giải toả sức ép về chi phí nhân công đối với doanh nghiệp.
Về tăng trưởng kinh tế eurozone, ECB nâng mức triển vọng của năm nay lên 0,9% từ mức 0,6% đưa ra trong lần dự báo trước. ECB cũng dự báo mức tăng trưởng 1,4% cho năm 2025 và 1,6% cho năm 2026.
Nhà kinh tế Dirk Schumacher làm việc tại ngân hàng Pháp Natixis nhận định: “Tôi cho rằng kịch bản chính của ECB vẫn là tiếp tục giảm lãi suất. Nhưng để họ làm được việc đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương cần phải giảm”.
Số liệu công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát ở eurozone bất ngờ tăng tốc trở lại sau khi liên tục giảm từ đầu năm, lên mức 2,6% trong tháng 5, từ mức 2,4% trong tháng 4. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng là chi phí nhân công tăng ở lĩnh vực dịch vụ vốn có hàm lượng nhân công lớn. Quý 1 năm nay, tiền lương thông qua đàm phán ở eurozone tăng gần mức kỷ lục 4,7%.
Dù vậy, lạm phát ở eurozone đã giảm nhiều kể từ mức đỉnh trên 10% vào năm 2022.
Trước ECB, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã hạ lãi suất vào hôm 5/6, trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm là 5,25-5,5% trong cuộc họp vào tuần tới, vì áp lực lạm phát ở Mỹ có vẻ dai dẳng hơn so với dự báo.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng được nhận định là sẽ không hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm là 5,25% khi tiến hành cuộc họp chính sách định kỳ vào ngày 20/6.