Bear market hay “thị trường gấu” là thuật ngữ để mô tả trạng thái thị trường đang suy giảm. Trong thị trường gấu cổ phiếu liên tục rớt giá. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư rằng thị trường tiếp tục đi xuống, theo đó kéo dài vòng xoáy đi xuống.
Phương pháp quản trị rủi ro trong thị trường Gấu
Tâm lý nhà đầu tư
Tình trạng của thị trường chứng khoán và tâm lý của nhà đầu tư luôn phụ thuộc và ảnh hưởng qua lại. Khi thị trường tăng điểm, do tâm lý lạc quan nhà đầu tư hiện tại và các nhà đầu tư mới luôn sẵn sàng tham gia vào thị trường với kỳ vọng thu được lợi nhuận.
Ngược lại, trong trạng thái “thị trường gấu”, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán làm lung lay tâm lý của nhà đầu tư, hầu hết sẽ có tâm lý muốn rút tiền khỏi thị trường để đầu tư sang các lĩnh vực khác.
Vậy cần quản trị rủi ro như thế nào?
Khi thị trường tăng điểm, hầu hết mọi nhà đầu tư đều có lãi. Tuy nhiên khi thị trường giảm điểm, đa số đều thua lỗ, thậm chí cháy tài khoản.
Một vài cách quản trị rủi ro khi đầu tư
1. Đa dạng hoá danh mục: Đa dạng hóa danh mục giúp hạn chế tác động của một cổ phiếu lên toàn bộ danh mục. Nếu một cổ phiếu chiếm 80% danh mục và cổ phiếu đó giảm 30% thì tổng tài sản của nhà đầu tư sẽ mất đi gần một phần tư và nhà đầu tư đó sẽ cần phải lãi 33% để gỡ lại khoản lỗ 25% trước kia.
Tuy nhiên, nếu cổ phiếu đó chỉ chiếm 15% danh mục, khoản thua lỗ sẽ chỉ xấp xỉ 5% và đồng thời các cổ phiếu khác có thể sinh lời làm giảm tác động thực tế của cổ phiếu này lên danh mục đầu tư. Đa dạng hóa danh mục không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn rủi ro, thay vào đó, đa dạng hóa giúp giảm thiểu một phần rủi ro cá biệt của từng cổ phiếu và đưa danh mục về mức rủi ro tương đương với rủi ro hệ thống.
2. Theo sát danh mục đầu tư: Mặc dù đa dạng hóa danh mục là điều cần thiết, tuy nhiên danh mục nên tập trung vào các cổ phiếu bản thân mình biết rõ – hiểu, có thể theo sát doanh nghiệp được. Việc theo dõi các tin tức giúp nhà đầu tư đưa ra những điều chỉnh về danh mục đầu tư một cách kịp thời, tránh thua lỗ hay hưởng lợi từ các thông tin trên.
3. Đầu tư có kỷ luật: Tuân thủ nguyên tắc cutloss, khi lựa chọn mua cổ phiếu dựa trên các tiêu chí kỹ thuật, nhà đầu tư cũng nên bán đi các cổ phiếu hoặc hạ tỷ trọng khi các tiêu chí đó bị vi phạm thay vì việc chần chừ hành động và ngồi đợi các cổ phiếu đó quay trở lại mức giá vốn, bởi trên thực tế nhiều cổ phiếu không thể quay trở về mức giá ban đầu hoặc cũng mất nhiều năm để trở về. Việc bán ra khi các khoản thua lỗ còn nhỏ giúp bảo toàn vốn để tìm kiếm các cơ hội khác.
4. Xác định khẩu vị rủi ro: Nhà đầu tư cần xác định được mức độ chịu rủi ro, trường phái đầu tư của mình để đưa ra các quyết định đầu tư. Rủi ro sẽ đi kèm với lợi nhuận, việc xác định khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư sẽ tác động tới quá trình lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.
Trên đây là một vài nguyên tắc để quản trị rủi ro cho nhà đầu tư, chúc bạn có quyết định sáng suốt trong đầu tư của mình.
Happy Live team tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z
ĐẶT SÁCH