Tiền gửi của người dân chảy vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
Mặc dù lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp kỷ lục trong khoảng 3 tháng đầu năm 2024, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng liên tục và lập kỷ lục mới.
Theo dữ liệu vừa cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng là hơn 13,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 143.000 tỷ so với tháng 2, tuy nhiên vẫn thấp hơn cuối năm 2023 khoảng 71.000 tỷ đồng.
Cả tiền gửi cá nhân và tiền gửi của tổ chức kinh tế đều tăng trưởng dương trong tháng 3 vừa qua. Trong đó, tiền gửi của người dân lập kỷ lục mới tại hệ thống ngân hàng khi đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng, tăng lên gần 39.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2. Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, tiền gửi của dân cư tăng hơn 143.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của doanh nghiệp cũng tăng gần 104.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2 và đạt hơn 6,62 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên do 2 tháng trước đó, tiền gửi của doanh nghiệp giảm khá mạnh (hơn 318.000 tỷ đồng), nên tính chung 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận, tiền gửi doanh nghiệp tăng trưởng âm 214.000 tỷ đồng, giảm 3,14%.
Việc tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm mạnh hơn so với mức tăng trưởng của tiền gửi dân cư đã khiến tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng giảm hơn 71.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.
Trong khi đó, tiền gửi của cư dân có chiều hướng tăng cao kỷ lục, cùng với đó là mức tăng dần của lãi suất huy động kể từ tháng 4 và bắt đầu lan rộng hơn từ tháng 6.
Tính riêng tháng 6/2024, đã có hơn 25 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng tăng liên tục 2 – 3 lần, với mức tăng khá mạnh. Ngay trong sáng 21/6, tiếp tục có thêm 2 ngân hàng tư nhân lớn điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là ACB và LPBank.
Theo báo cáo phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), trong quý đầu năm nay, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên, bước sang quý 2, xu hướng này đã đảo chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Biên độ tăng lớn nhất thuộc về các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước tăng tập trung ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn.
“Việc một số ngân hàng tăng lãi suất gần đây có thể đến từ một vài lý do. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này”, báo cáo của ABS nhận định.
Ngoài ra, khi hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
Chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Tăng trưởng tín dụng gần đây khởi sắc trở lại, các ngân hàng cho vay nhiều hơn nên cần nguồn tiền. Thêm vào đó, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất thấp nên các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đã hút một lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường. Do đó, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm.
Một lý do khác là nền kinh tế hiện khởi sắc nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vừa qua tăng phản ánh thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống, sau khi NHNN chủ động rút bớt cung tiền nhằm hạn chế biến động trên thị trường ngoại tệ. Trong khi đó, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn liên ngân hàng đảm bảo thanh khoản. Để giảm bớt rủi ro, một vài ngân hàng gần như đồng loạt tăng lãi suất gửi tiết kiệm nhằm huy động nguồn tiền dự phòng cho hiện tại và tương lai.
Tiến Phát (kinhtechungkhoan)