Tín dụng quý 2 sẽ khởi sắc
Nhiều dấu hiệu cho thấy tín dụng quý 2/2024 chắc chắn sẽ cải thiện sau quý đầu năm tăng trưởng ì ạch.
Tín dụng bắt đầu cải thiện từ tháng 3
Trong 3 tháng đầu năm, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục triển khai và đẩy mạnh các chính sách nhằm đẩy vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Sau 2 tháng đầu tăng trưởng âm, tín dụng tháng 3 hồi phục, kéo tín dụng đến cuối quý 1 tăng 0.26% so với đầu năm.
NHNN đánh giá có khó khăn trong việc cấp tín dụng trong những tháng đầu năm, một phần do yếu tố thời vụ – nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán, dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.
Ngoài ra, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp cũng tác động đến việc tăng trưởng tín dụng. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.
Dữ liệu từ VietstockFinance cũng cho thấy, tính đến 31/03/2024, tổng cho vay khách hàng tại 28 ngân hàng đã công bố BCTC là gần 10.3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 2% so với đầu năm.
Có 8 ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm, trong khi tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng còn lại cũng chỉ ở mức bình quân 4% so với đầu năm.
LPB là ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhất (+12%) khi cho vay khách hàng đạt 307,687 tỷ đồng. Kế đến là TCB tăng 8% khoản mục cho vay khách hàng, lên 559,277 tỷ đồng và HDB tăng 6%, lên 363,449 tỷ đồng.
Xét về giá trị tuyệt đối, với lợi thế về quy mô, các ngân hàng quốc doanh vẫn dẫn đầu trong hệ thống. BIDV (BID) cho vay khách hàng cao nhất hệ thống với gần 1.8 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Kế đến là VietinBank (CTG) cho vay hơn 1.5 triệu tỷ đồng, tăng 3% và Vietcombank (VCB) xếp thứ ba với gần 1.3 triệu tỷ đồng dù tăng trưởng tín dụng âm.
Dù lãi suất huy động gần như ở đáy, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng trưởng khi các kênh đầu tư khác vẫn chưa hồi phục. Tổng lượng tiền gửi khách hàng ghi nhận tại 28 ngân hàng đến cuối tháng 3/2024 là hơn 9.9 triệu tỷ đồng, tăng gần 0.7% so với đầu năm.
Có 10/28 ngân hàng tăng trưởng huy động âm, các ngân hàng còn lại tăng trưởng dương với tốc độ bình quân 3%.
LPB dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng khi huy động được 261,994 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Kế đến là SSB tăng 7% (154,372 tỷ đồng) và Sacombank (STB) tăng 4% (533,358 tỷ đồng).
Tín dụng quý 2 chắc chắn khởi sắc
Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay không chênh lệch nhiều, dẫn đến tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cũng không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, do tín dụng tăng cao hơn huy động, dẫn đến xu hướng chung có 19/28 ngân hàng có tỷ lệ LDR tại thời điểm cuối quý 1 tăng so với đầu năm. Tính đến 31/03/2024, có 8/28 ngân hàng có tỷ lệ LDR dưới 85%, cho thấy các ngân hàng này đang cho vay ra thấp, chất lượng tín dụng kém so với vốn huy động được.
Đáng chú ý, có ngân hàng đưa tỷ lệ này vượt mức 100%, gồm: VPB (116.04%), MSB (107.83%), SSB (107.46%), VIB (104%), TCB (101.35%) và LPB (101.05%). LDR cao chứng tỏ ngân hàng đang cho vay cao hơn cả mức huy động vốn, dẫn đến rủi ro về thanh khoản.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM dự báo tín dụng trong quý 2 chắc chắn sẽ tốt hơn quý 1 và đà hồi phục sẽ kéo dài đến quý cuối năm, dựa trên điều kiện kinh tế thế giới không có yếu tố tiêu cực nào xảy ra bất ngờ. Cơ bản là tín dụng sẽ hồi phục theo tuyến tính và từ từ.
Có nhiều cơ sở để cho rằng tín dụng trong quý 2 sẽ cải thiện. Nhìn vào chỉ số công nghiệp PMI trong tháng 4 đã lên trên 50, cho thấy sự hồi phục của khu vực sản xuất công nghiệp. Thêm vào đó, xuất khẩu cũng có dấu hiệu hồi phục, dù chỉ với mức rất nhẹ.
Du lịch cũng phục hồi tốt, đặc biệt là qua những đợt lễ vừa qua, sẽ tác động ít nhiều lên tăng trưởng kinh tế.
Những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, hy vọng quý 2 sẽ khởi sắc hơn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, tín dụng trong quý 2 sẽ khởi sắc hơn quý 1, vì ngay trong báo cáo tháng 4 từ NHNN, tín dụng tháng 4 tăng trưởng tốt hơn tháng 3.
Tăng trưởng tín dụng đang quay trở lại khi sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt hơn, doanh nghiệp sẽ cần vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, chỉ đạo của NHNN là các ngân hàng thương mại ngoài cho vay bằng tài sản đảm bảo, còn phải cố gắng để cho vay tín chấp bằng hình thức cho vay dự án, cho vay dòng tiền. Vì vậy, với các doanh nghiệp đã có đơn hàng, có hoạt động sản xuất kinh doanh, thì chuyện đi vay theo dự án, dòng tiền hoàn toàn có thể được các ngân hàng xem xét. Từ đó, cũng sẽ tăng lên mức độ cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế.