Trại hè ở Mỹ dạy trẻ em cách trở thành triệu phú
Tại căn phòng thuê trong một nhà thờ ở khu ngoại ô cao cấp của Toronto, Hasina Lookman đang lướt qua nhiều chỉ số chứng khoán một cách nhanh chóng. Họ đã biến căn phòng thuê thành một trại hè để dạy trẻ em thành triệu phú.
Học về cổ phiếu
“Hãy cho cô biết khối lượng (giao dịch),” cô hỏi, sau đó giải thích về vốn hóa thị trường. Khán giả của cô, rõ ràng nhập tâm, có vẻ háo hức để cân nhắc xem điều gì có thể khiến giá trị của một cổ phiếu dao động.
Nhưng đây không phải là trường học ban đêm, cũng không phải lớp đại học ở địa phương.
Lookman là người quản lý dự án, người sáng lập và giảng dạy tại Trại Triệu phú, và cỡ một chục học trò của cô đều là trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14.
Khi cô làm ra bản tóm tắt tài chính cho công ty Disney, theo đó cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị cổ phiếu trong thời gian gần đây, một trong những đứa trẻ thì thầm: “Tớ cá đó là khi Aladdin xuất hiện.”
Mặc dù đến từ các thành phần sắc tộc đa dạng, Lookman nói rằng hầu hết các em ở đây đều thuộc các gia đình trung lưu và trên trung lưu.
Lớp học kéo dài một tuần có mức phí 275 đô la Canada, nhưng Lookman nói cô cấp học bổng cho các em từ những gia đình thu nhập thấp. Và việc các em tham gia trại hè hầu như không phải nhằm mục tiêu trở nên giàu có, cô nói thêm.
“Nhiều em có cả bố và mẹ đều đi làm, cho nên các em hiểu rằng cần phải làm việc chăm chỉ để có một cuộc sống tốt,” cô nói. “Những gì các em học ở đây là: ‘Làm sao có thể đảm bảo rằng mình có đủ tiền để học đại học và làm thế nào biết chắc rằng cuộc sống mình là ổn?”
James Begin, người thắng trong thử thách kinh doanh trong thị trường chứng khoán, đã thua lỗ nhiều tiền trước khi có lãi
Một thế hệ doanh nhân mới?
Khi nhiều người chúng ta nhớ lại kỳ nghỉ hè trong thời thơ ấu, chúng ta có thể nghĩ đến thời gian ở ngoài trời hoặc ở các trại hè đá bóng, bơi lội hoặc đóng kịch.
Nhưng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều trại hè, sách và tạp chí, dạy trẻ em cách kiếm tiền và tiết kiệm tiền – và làm thế nào để làm giàu.
Các trại hè tài chính giống như Trại Triệu phú đang xuất hiện trên khắp Bắc Mỹ.
Ở Denver, có trại Junior Money Matters vốn dạy lý thuyết thương mại quốc tế cho trẻ chưa đến tuổi thiếu niên.
Ở Austin, Moolah U tổ chức trại cho các em mở doanh nghiệp, bao gồm làm một sản phẩm và bán nó thu về tiền thật.
Học viện Kids Biz ở Hong Kong mở trại hè để trẻ em trong độ tuổi 8-14 học những kiến thức cơ bản về điều hành doanh nghiệp, từ thiết kế sản phẩm cho đến đầu tư mạo hiểm.
Và Youngpreneurs, có trụ sở tại Kolkata, Ấn Độ, ghép cặp các học viên thiếu niên với các doanh nhân trong đời thực để được dìu dắt.
Trở lại Canada, Trại Triệu phú dạy cách lập ngân sách, tiết kiệm và ra quyết định đầu tư, cũng như các khái niệm tài chính phức tạp hơn như cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư Canada như thế nào.
Theo Lookman, đó là những đứa trẻ nhỏ nhất “thật sự tham gia vào ‘cuộc chơi’ thị trường chứng khoán”.
Các trại hè như thế này đặt ra tất cả các câu hỏi thú vị, bao gồm: giáo dục tài chính phù hợp với lứa tuổi là thế nào đối với một đứa trẻ bảy hoặc 13 tuổi? Kiếm tiền rơi vào đâu trên thang bậc giá trị mà các bậc phụ huynh hy vọng sẽ gieo vào người con em mình? Các trại hè như thế này chỉ đơn giản là khẳng định hiện trạng như lớp học hay nó có thể giúp những em có hoàn cảnh thiệt thòi có lợi thế? Và vào lúc mà nhiều bậc cha mẹ đang than thở là khó như thế nào để kiểm soát thông tin con cái họ tiếp cận được thì liệu quản lý tiền và hệ thống tài chính toàn cầu có rơi vào dạng nhồi nhét quá nhiều, quá sớm hay không?
Evangelia Prokou tham dự các bài thực hành ‘làm giàu’ với các bạn nhỏ tham gia trại hè khác
‘Làm việc chăm chỉ để có cuộc sống tốt’
Chương trình học của Trại Triệu phú thúc đẩy kiến thức hiểu biết tài chính có pha trộn một chút, những thứ mà nhiều người trưởng thành không có, đồng thời cũng đề cập đến cả hoạt động từ thiện lẫn những cách thức tiêu tiền có trách nhiệm về mặt xã hội.
Các buổi học chủ yếu tập trung vào việc tự làm giàu hơn là phân phối lại của cải, nhưng Lookman thật sự khuyến khích trẻ liên hệ những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác, như biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến đầu tư của các em như thế nào.
“Chúng tôi nói về đợt nóng ở Paris và điều đó có nghĩa gì đối với các cổ phiếu mà các em đang nắm giữ,” Lookman nói.
Để thử thách trên thị trường chứng khoán, Lookman cấp cho mỗi học viên 10.000 đô la ảo để đầu tư.
Vào ngày đầu tiên, khi các em học những điều cơ bản của thị trường chứng khoán – cách thức vận hành, trao đổi tiền tệ, thời gian mở cửa, đóng cửa – cô cho biết các em có xu hướng chọn cổ phiếu của những công ty rất quen thuộc, như Apple và Disney, mà không suy nghĩ nhiều.
Nhưng một vài ngày sau, một khi các em đã quen thuộc với lợi tức và các thông tin liên quan khác, các em bắt đầu suy xét các công ty dựa trên phạm vi rộng hơn các biến số. “Bạn thấy đó, các em đã tiến bộ rất nhiều trong năm ngày,” Lookman nói.
Những đứa trẻ khác đã khởi đầu sớm từ trước. Alexandra Reeves, 10 tuổi, cho biết em thường nghe các đoạn phát trên mạng về kinh tế và rằng em đã sục sạo thông tin trong cuốn Barron’s (một ấn bản tài chính của Mỹ) để tìm kiếm một cổ phiếu công nghệ giá vừa phải, trước khi trại hè bắt đầu. Cô bé quan tâm đến việc làm sao mà tham gia Trại triệu phú có thể giúp em tiết kiệm đủ tiền học đại học.
James Begin, 13 tuổi, đã mất tiền trong thử thách thị trường chứng khoán vào ngày đầu tiên khi đầu tư vào Blockchain, nhưng sau đó kiếm được 1.000 đô la ảo chỉ sau một đêm bằng cách đầu tư vào Golden Star Resources, công ty Canada có mỏ ở Ghana.
Begin nói rằng cậu đã học được cách các ngân hàng làm ra tiền, nhưng vẫn cảm thấy khó hiểu tại sao những dòng tweet của Tổng thống Donald Trump có thể làm biến động thị trường chứng khoán. “Thật điên rồ khi một người có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn tỷ đô la,” em nói.
Sau một buổi sáng thảo luận về cuộc thương chiến Mỹ-Trung, các bạn nhỏ tham gia trại hè dành thời gian chơi ngoài trời
Quản lý tiền bạc là rất nhiều vấn đề
Thật dễ dàng khi diễn giải xu hướng này là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu về tương lai tài chính của họ.
“Nợ thẻ tín dụng và khoản vay học đại học đều là những khoản rất lớn, và đa số những người trưởng thành không có đủ tiền tiết kiệm để về hưu,” Liz Frazier, nhà lập kế hoạch tài chính và tác giả cuốn ‘Beyond Piggy Banks và Lemonade
Stands: How to Teach Young Kids About Finance’, nói.
“Phần nhiều những vấn đề này xuất phát từ thiếu giáo dục tài chính. Tôi nghĩ mọi người ngày càng thấy rõ ràng hơn là đó là một kỹ năng sống mà bạn cần biết.”
Một số người cổ súy đang thúc đẩy các trường học đưa kiến thức tài chính thành một phần cốt lõi của chương trình học, một số trường đưa nó vào tiết học toán, nhưng mới chỉ đạt được những thành công tương đối hạn chế.
Khoảng cách kỹ năng do kết quả của việc này có thể có hậu quả nghiêm trọng.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Illinois đã phát hiện ra rằng gần một phần ba trong số hơn 3.000 thanh niên được khảo sát là những người ‘bấp bênh về tài chính’ một phần vì kỹ năng quản lý tiền bạc yếu kém.
Benjamin Hui, người quản lý sản phẩm phần mềm làm việc cho IBM có cô con gái 14 tuổi Kiera đang hỗ trợ với tư cách cố vấn sau khi tham dự trại hè hồi năm ngoái, nói rằng ông xem trại này là cơ hội tuyệt vời để thu hẹp khoảng cách giáo dục.
“Họ không thực sự dạy kiến thức tài chính và tích lũy tài sản,” ông nói. “Trẻ em cần có khả năng lựa chọn và hiểu cả về rủi ro và lợi nhuận.”
Đặc biệt, ông thích ý tưởng về thách thức của thị trường chứng khoán mà khiến các em thường mất khoản tiền lớn – không phải là điều quen thuộc với nhiều đứa trẻ 10-14 tuổi. “Nó giúp tụi nhỏ đối mặt với mặt trái của rủi ro.”
Phải xoay sở với các khoản vay nợ để đi học đại học, nợ tín dụng tăng cao và tiết kiệm tiền cho tuổi nghỉ hưu là những điều được nhiều bậc phụ huynh chú trọng
‘Học bây giờ, với đảm bảo an sinh’
Đó không chỉ là trại hè; tư vấn tiền bạc cho trẻ nhỏ và thiếu niên đang ngày càng trở thành một ngành nghề tại gia.
Các nhà đầu cơ trẻ vừa chớm nở có thể thử heo đất tiền ảo của công ty khởi nghiệp Pigzbe.
Tạp chí ‘Teen Boss’ chạy những dòng tít như ‘Làm sao xây dựng thương hiệu bằng cách là chính mình?’
Frazier chỉ ra rằng những đứa trẻ đang học về tiền bạc dù chúng có biết hay không. “Cha mẹ cần làm cho việc này trở thành có chủ ý bằng cách chú ý đến những cuộc trò chuyện giữa họ với con cái,” cô nói.
Trại tài chính là một cách để làm cho những cuộc trò chuyện đó có chủ ý và để tránh cho những lời khuyên hoặc giáo dục bị nhuốm màu cá nhân.
“Bạn chỉ muốn các em hiểu về tiền như là một công cụ,” Frazier nói. “Nó không tốt cũng không xấu, nó trung tính. Các em cần biết được là ham muốn đến sau nhu cầu, tại sao tiền lại quan trọng và làm sao để kiếm tiền. Từ đó phát triển lên.”
Tuy các em ở Trại Triệu phú rõ ràng là nắm vững ý nghĩa của việc lãi mẹ đẻ lãi con, nhưng chúng vẫn là những đứa trẻ.
Vào giờ giải lao, không lâu sau buổi nói chuyện về tái đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vài em tìm cách ném vào nhau túi bụi một quả bóng cao su lớn. Sau đó vào buổi chiều, các em tề tựu trong sân để nhuộm áo.
Chủ yếu suy nghĩ của các em về tiền bạc là tương đối ngắn hạn.
Nhiều em thích thú ý tưởng chơi cổ phiếu, thích việc có thể giúp trả học phí đại học hoặc có thể mua xe vào một ngày nào đó, nhưng các em dường như không có khát vọng quyền lực lớn hoặc lòng tham tích lũy của cải.
“Ai cũng cần tiền để có được bất cứ thứ gì trong cuộc sống, cho dù họ tay trắng hay nằm trong số 1% những người giàu có nhất, và sẽ có ý nghĩa hơn để học hỏi bây giờ trong khi vẫn còn bố mẹ làm lưới bảo trợ lúc gặp khó khăn khó khăn,” Abtin Abbaspour, ‘chuyên gia tư vấn’ 16 tuổi của Trại Triệu phú, nói.
Nguồn: bbc.com
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live