fbpx

Thương hiệu khách sạn Four Seasons chinh phục cả thế giới

Isadore Sharp không chỉ tạo ra bước đột phá trong sự nghiệp của cá nhân, mà ông còn tạo ra những thay đổi tích cực cho ngành công nghiệp khách sạn của Canada và thế giới.

Thập niên 1980 – Bành trướng ra toàn thế giới

Thập niên 1980, hãng mở ra hàng loạt khách sạn tại nhiều thành phố của Mỹ: Philadelphia, Boston, Dallas, Los Angeles và Chicago bằng chính thương hiệu Four Seasons. Công ty chuyển từ công ty sở hữu khách sạn sang công ty quản lý. Việc này giúp công ty mở rộng tầm ảnh hưởng của hoạt động quản lý mang tính đặc thù lên nhiều môi trường dân cư chất lượng cao.

Quyết định thứ 3 trong nhóm quyết định chiến lược để mang lại thành công trong kinh doanh chính là văn hóa.

Four Seasons luôn duy trì triết lý hoạt động riêng. Khi công ty ngày một lớn mạnh, Issy Sharp quyết định công bố rõ ràng hơn. Ông biết giá trị chia sẽ thực sự cần thiết đối với văn hóa dịch vụ mà ông muốn tạo ra. Vì thế ông và nhóm làm việc của ông đưa ra nguyên tắc vàng: Chúng tôi đối xử với mọi người bao gồm khách hàng, nhân viên, đối tác, nhà cung cấp theo cái cách mà họ mong ước.

Quy tắc đặt nền móng cho văn hóa kinh doanh của Four Seasons. Hiện nay, với việc mọi nhân viên của Four Seasons đều tuân theo quy tắc trên; mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của công ty đóng vai trò hiện thân cho cái thế giới nghĩ đến như dịch vụ của Four Seasons.

Isadore-Sharp

Issy Sharp là một trong những chủ doanh nghiệp đầu tiên tài trợ cho Terry Fox khi anh này bắt đầu cuộc chạy maratong Hy Vọng vào năm 1980. Mới 18 tuổi, anh được chẩn đoán bị bệnh ung thư xương. Chân phải của anh bị cắt trên đầu gối khoảng 15 cm. Trong thời gian nằm bệnh viện, Terry rất xúc động trước những gì các bệnh nhân ung thư phải chịu đựng nên anh đã quyết định chạy xuyên đất nước Canada nhằm gây quỹ cho việc nghiên cứu về bệnh ung thư.

Từ rất lâu trước khi Terry bắt đầu hành trình của mình, Sharp đã cam kết dành 10 nghìn USD cho mục tiêu của Terry và viết thư cho 999 tập đoàn khác tại Canada để hối thúc họ quyên tiền giúp Terry.

Ngày 01/09/1980, Terry buộc phải ngừng chạy khi anh vừa đến ngoại vi Thunder Bay (Vịnh Sấm), Ontario. Căn bệnh ung thư đã quay trở lại. Anh đã chạy được chặng đường dài 5,373 km qua 6 tỉnh và đã chạy được 2/3 quãng đường trở về nhà.

Nhưng mục tiêu quyên mỗi người Canada một đôla của anh đã đạt được vào ngày 28/06/1981 khi tổng số tiền quyên được lên đến $24 triệu. Tháng 6/1981 Terry mất chỉ một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 23.

Sharp lập tức gửi điện tín đến gia đình Fox để hứa rằng sẽ tổ chức giải chạy này hàng năm với tên Terry. Điện tín này sau đó đã được đọc trên kênh truyền hình chính thức của Canada.

Four Seasons sau đó làm việc với Hội bệnh nhân ung thư Canada và nhiều nhà tài trợ khác để tổ chức cuộc chạy này vào năm 1981. Giải chạy thu hút 300 nghìn người Canada tham gia và quyên được 3,2 triệu USD.

Four Seasons còn táo bạo hơn khi đưa cuộc chạy đến mọi thành phố mà Four Seasons có khách sạn hoạt động. Chính nhân viên của Four Seasons đã quyên góp hàng triệu USD cho việc nghiên cứu ung thư.

Cuộc chạy được tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại hơn 50 nước. Cuộc chạy hiện là hoạt động gây quỹ lớn nhất cho nghiên cứu ung thư. Đến năm 2008, cuộc chạy mang tên Terry đã huy động được 450 triệu USD trên toàn thế giới.

1986

Năm 1986, Four Seasons khai trương dịch vụ mới mà khu vực Bắc Mỹ chưa từng biết đến trước đó: mở một khách sạn với dịch vụ spa chăm sóc toàn diện. Việc giới thiệu khách hàng với dịch vụ của Four Seasons trong không gian hoàn toàn thư giãn, khu nghỉ của Four Seasons và câu lạc bộ Club Dallas là nơi đầu tiên của Four Seasons cũng như ngành khách sạn mang đến dịch vụ trên cho khách hàng.

Cũng tại Dallas, Four Seasons cũng lần đầu tiên mang đến cho khách hàng dịch vụ đánh golf. Từ đó đến nay, nhiều vận động viên golf nổi tiếng như Bob Hope và cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford đều đã đến đây thi đấu trong giải Byron Nelson Classic được tổ chức tại khu nghỉ của Four Seasons và Club Dallas và giúp huy động được hàng triệu USD cho giải từ thiện PGA Tour. Four Seasons sau đó đã góp phần tạo ra một số spa cũng như sân golf hàng đầu thế giới.

Việc tạo dựng thương hiệu làm nên chiến lược cuối cùng tạo nên thành công trong kinh doanh của công ty.

Năm 1986, một thập ký sau khi giành được hợp đồng quản lý khách sạn đầu tiên, Four Seasons đưa ra quyết định chiến lược thứ tư: phát triển trong vai trò công ty quản lý và xây dựng thương hiệu đồng nghĩa với chất lượng.

Four Seasons chuyển từ công ty chuyển sở hữu khách sạn sang công ty chuyên quản lý khách sạn. Việc chuyển hướng giúp Four Seasons tập trung vào thế mạnh tốt nhất: phục vụ cho nhóm khách hàng xa xỉ. Đến thời điểm này, Four Seasons đã trở thành công ty có khả năng thiết kế, vận hành và tiếp thị nhóm khách sạn xa xỉ giỏi nhất thế giới. Four Seasons đã tạo ra thương hiệu giá trị cao hơn cả bất động sản.

Năm 1986, Four Seasons niêm yết cố phiếu trên sàn chứng khoán Toronto – Canada

Đến năm 1989, số lượng nhân viên của Four Seasons đạt ngưỡng quan trọng: 10 nghìn người.

Năm 1992, Four Seasons mở khách sạn đầu tiên tại châu Á, khách sạn Chinzan-so Gardens ở Tokyo vào năm 1992. Cũng trong năm đó, Four Seasons thâm nhập vào nhiều địa điểm khác ở châu Á thông qua thâu tóm chuỗi khách sạn của Regent International Hotels.

Và với vụ thâu tóm thành công này, Four Seasons tiếp tục mở rộng quy mô tại nhiều nơi, từ Hồng Kông cho đến Beverly Hills.

Đến cuối năm 1992, tổng số nhân viên của Four Seasons lên tới 20 nghìn.

Năm 1996, hoạt động tiếp thị tên tuổi trên mạng Internet được củng cố với việc công bố website hỗ trợ quan trọng cho việc đặt phòng liên lục địa.

Năm 1997, cổ phiếu Four Seasons niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE.

Năm 1998, Four Seasons được đưa vào danh sách 100 công ty tốt nhất thế giới để làm việc. Sự hài lòng của khách hàng đến từ sự hài lòng của nhân viên và cách đối xử của ông chủ. Với những tiêu chí trên, Four Seasons đều ở vị trí cao nhất.

Năm 2000, Four Seasons khai trương khách sạn đầu tiên tại khu vực Trung Đông. Vài sau đó, Four Seasons cũng đẩy mạnh khai trương nhiều khách sạn khác tại khu vực này.

Năm 2002, khách sạn Four Seasons Hotel Shanghai ở Thượng Hải đánh dấu sự thâm nhập của Four Seasons vào đất nước đông dân nhất thế giới.

Năm 2004, chưa đầy 1 thập kỷ sau khi được đưa vào hoạt động, số lượt đặt phòng trực tuyến trên website www.fourseasons.com đạt 100 triệu.

Khách sạn của Four Seasons , dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, luôn có mức giá rất cao, thường khoảng hơn 20% so với giá của khách sạn đắt nhất trong vùng.

Mức giá không chỉ cho thấy sự tự tin của ông chủ chuỗi khách sạn mà còn cho thấy chất lượng, tên tuổi của Four Seasons đã uy tín đến mức nào.

Giá cho thuê phòng ở khách sạn đầu tiên của Sharp chỉ có 9 USD một đêm, nhưng đến năm 2000, khách sạn này đã thu 750 USD/đêm cho một phòng thường và 5.200 USD/đêm khi lưu trú ở phòng “Tổng thống”, 11.000 USD/đêm nếu ở phòng “Hoàng đế”.

Năm 2006, Bill Gates, nhà sáng lập của Microsoft và Hoàng tử Saudi Arabia là Al-Waleed bin Talal đã mua lại Four Seasons với giá 3,4 tỷ USD nhưng vẫn để cho Sharp giữ chức Chủ tịch và Tổng Giám đốc công ty.

5 bí quyết thành công của ông chủ chuỗi khách sạn Four Seasons 

– Quản lý đóng vai trò then chốt: Nhà quản lý giỏi không nên đòi hỏi nhân viên mà hãy noi gương và thuyết phục họ hướng đến mục tiêu chung của doanh nghiệp bằng chính khả năng của họ.

– Mục tiêu nhỏ mang lại thành công lớn: Ngay từ khi khởi nghiệp lúc mới 29 tuổi, ông đã nghĩ về Four Seasons trong tương lai và giấc mơ lớn nhất của cuộc đời. Tuy nhiên ông cũng đủ hiểu mục tiêu lớn phải bắt đầu từ việc thành công với mục tiêu nhỏ.

– Sự phục vụ hết lòng với khách hàng sẽ phát huy hiệu quả: Sang trọng là đặc tính phổ biến của chuỗi khách sạn Four Seasons. Tuy nhiên sự sang trọng ở đây không chỉ định nghĩa bằng hình thức, sự tinh tế và thanh lịch trong kiểu dáng thiết kế nội và ngoại thất mà chính ở dịch vụ.

– Ứng xử với khách hàng theo cách mà bạn muốn người đó đối xử với mình – nguyên tắc vàng trong kinh doanh.

– Biết và tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh: Tập đoàn Four Seasons không sở hữu quá nhiều khách sạn mà chú trọng vào thế mạnh quản lý để tận dụng năng lực tốt nhất của nhân sự ở từng bộ phận, từ người rửa bát, đầu bếp hay chuyên gia. Phát huy tốt nhất sức mạnh tổng thể của nhân lực trong doanh nghiệp.

Ngọc Diệp