101 lời khuyên tài chính: Đối với bạn, TỰ DO TÀI CHÍNH là gì?
Hiểu hết 101 lời khuyên về tài chính, với những kiến thức cơ bản và dễ hiểu sẽ đồng hành cùng bạn ở những bước đầu tiên trên hành trình xây dựng đời sống tài chính cá nhân thịnh vượng.
Nội dung bài viết này được trích từ cuốn sách 101 Lời Khuyên Tài Chính từ Thái Phạm, cuốn sách được viết bởi nhà đầu tư, chuyên gia tài chính có hơn 17 năm kinh nghiệm trên TTCK, cuốn sách cung cấp 101 bài học vỡ lòng và thông thái giúp bạn từng bước xây dựng cho tương lai tài chính thịnh vượng của chính bạn.
Tự do tài chính là ước mơ của mỗi chúng ta, tuy nhiên đó không phải những giấc mơ đổi đời sau một đêm mà cần phải lên một kế hoạch khả thi, phù hợp.
Đối với anh Thái Phạm: “Tự do tài chính không đồng nghĩa với giàu có. Bao nhiêu là “đủ” tùy vào mỗi cá nhân. Một người có hàng tỷ đồng mỗi năm vẫn có thể bị tù túng trong chính “cái hộp” biệt thự của họ, trong khi người khác đạt được tự do chỉ với 50 triệu đồng mỗi năm.”
Nói như vậy không đồng nghĩa là bạn có thể buông bỏ trách nhiệm với đồng tiền của mình. Trái lại, kiểm soát tốt tài chính là thành quả của sự chăm chỉ, nghiên cứu, học hỏi liên tục và thời gian. Và để đạt được tự do tài chính có ba nền tảng chính:
• Ngưỡng chi phí cuộc sống thấp: Tối ưu hóa chi phí và sống đơn giản.
• Thu nhập cao hơn chi tiêu: Kiếm nhiều tiền nhất có thể.
• Tự động hóa tài chính: Thu nhập tự động và chi tiêu tự động.
Dưới đây là phân tích sâu hơn về ba nền tảng chính này. Cụ thể:
1. Ngưỡng chi phí cuộc sống thấp
Có ngưỡng chi phí cuộc sống thấp nghĩa là bạn sẵn sàng hy sinh nhiều hơn để tạo ra những thay đổi lớn. Có hai yếu tố để giúp bạn có ngưỡng chi phí cuộc sống thấp.
Yếu tố thứ nhất là khả năng giảm thiểu ham muốn của bạn. Khi bạn thoải mái và hài lòng với những gì bạn có thì bạn đã có tất cả. Warren Buffett từng nói: “Đừng nhầm lẫn chi phí cuộc sống với chất lượng cuộc sống”. Đa số chúng ta đều bị tẩy não để ham muốn nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, điện thoại hi-tech, xe hơi sang trọng với niềm tin rằng, sở hữu chúng sẽ giúp bạn hạnh phúc, thành đạt hơn. Nhưng bạn cần tỉnh táo phân loại ưu tiên.
Yếu tố thứ hai là tối ưu hóa chi tiêu. Ông bà ta có câu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm”. May mắn thay, có rất nhiều cách cho một người tiêu dùng khôn ngoan tiết kiệm, nấu ăn ở nhà thay vì ăn tiệm là một ví dụ điển hình, không chỉ tốt cho hầu bao của bạn mà còn tốt cho sức khỏe.
2. Thu nhập cao hơn chi tiêu
Lợi nhuận là thu nhập trừ đi chi phí. Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu mà quan trọng bạn giữ lại được bao nhiêu. Lúc này sự khác biệt giữa giàu có và tự do tài chính rất rõ ràng. Nếu bạn tiêu dùng gần hết số tiền kiếm được mỗi tháng, bạn có thể có một lối sống thoải mái, nhưng bạn chưa đạt được tự do. Để đạt tự do tài chính, bạn phải kiếm nhiều tiền nhất có thể trong khả năng của bạn và chủ động tiết kiệm.
Việc kiếm tiền phụ thuộc vào năng lực tạo ra giá trị và khả năng vận chuyển giá trị của bạn. Bạn càng tập trung phát triển những kỹ năng tạo ra giá trị chừng nào, số tiền bạn kiếm được càng nhiều chừng đó.
Ngụ ngôn La Fontaine về Con Ve và Cái Kiến đã dạy một bài học rất hay về việc chủ động tiết kiệm. Trong khi ve mải rong chơi thì cái kiến chăm chỉ làm việc để bỏ vào quỹ tiết kiệm. Sau cùng, kiến có thể thảnh thơi nghỉ ngơi trong khi con ve lạnh cóng dưới cái rét mùa đông. Thay vì bận tâm xem mình có đủ thức ăn không, cái kiến luôn có dư phần trong tủ để thoải mái trùm chăn chơi games vào những ngày đông.
3. Tự động hóa tài chính
Một mô hình tự do tài chính hoàn chỉnh có nghĩa thu nhập của bạn là tự động: Qua lãi suất (ngân hàng, bất động sản), bán bản quyền (sách, âm nhạc), hay sự nghiệp kinh doanh, đầu tư chứng khoán. Nhiều năm qua, việc thuê ngoài và tự động hóa đã giúp tôi đạt được một khoản thu nhập thụ động khá thoải mái. Điều đó giúp bạn có thể ngừng làm việc trong một khoảng thời gian dài cũng không khiến đời bạn rẽ ngoặt sang con đường của “cái bang”.
Một cách khác là tạo tài khoản tiết kiệm trị giá một năm thu nhập của bạn. Khoản thu nhập thụ động hoặc tài khoản tiết kiệm này sẽ làm phanh hãm, giữa bạn và “những công việc thu nhập cao nhưng bạn không đam mê”.
Cuối cùng, tự động hóa chi tiêu sẽ khép lại trọn vẹn mô hình tự do tài chính của bạn. Nguồn thu nhập tự động thôi không đủ, nếu bạn vẫn phải bận tâm cân đối bảng chi tiêu và trả hóa đơn hằng tháng thì bạn vẫn còn nỗi lo tài chính.
Được tự do tài chính, không bị ràng buộc bởi tiền và có thể làm những điều mình muốn” là điều mà bất cứ ai cũng mong đạt được. Nhưng để có được tự do tài chính thực sự là cả một quá trình gồm nhiều yếu tố. Hãy bắt đầu hành trình học tập, tích lũy và xây dựng tài chính thật vững chắc bạn nhé.
Nguồn: Trích sách 101 Lời Khuyên Tài Chính từ Thái Phạm / Happy Live Team tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia định thịnh vượng, bền vững