101 lời khuyên tài chính: Làm thế nào để đạt được sự tự do về mặt tài chính?
Giàu có về tài chính và tự do tài chính là hai điều hoàn toàn khác nhau. Khi bạn tách biệt được hai khái niệm này, vô vàn lựa chọn hấp dẫn sẽ mở ra để bạn có một cuộc sống tài chính thoải mái.
Tự do tài chính là có “đủ” tiền để đưa ra những quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi tiền bạc, hay nói cách khác là chính bạn không bị trở thành nô lệ của đồng tiền. Tôi sẽ chia sẻ với bạn những dấu hiệu chứng tỏ bạn là nô lệ của tiền bạc:
• Bạn băn khoăn chọn người yêu dựa trên vật chất hào nhoáng thay vì những rung động của con tim.
• Bạn đắn đo chọn công việc dựa trên mức lương thưởng thay vì niềm đam mê với ngành nghề.
• Bạn để sự tham lam hay những thói xấu ảnh hưởng cách đối nhân xử thế.
• Bạn hy sinh sự chính trực để đạt được mục đích tài chính.
• Bạn làm việc vất vả để duy trì lối sống của mình.
“Ở đời chỉ cần có tiền là xong tất!”, không thể tổng kết toàn bộ cuộc sống chỉ bằng một câu giản đơn như thế. Cuộc sống không chỉ là bảng cân đối lời-lỗ, mọi quyết định đưa ra không chỉ nên dựa trên lợi nhuận. Tiền bạc không nên là sức mạnh thống trị cuộc đời con người. Nghèo vẫn sạch được, đói vẫn thơm được, không nhất thiết phải phú quý mới sinh lễ nghĩa. “Biết đủ là đủ” là một cách sống văn minh và nhân văn.
TỰ DO TÀI CHÍNH QUAN TRỌNG HƠN GIÀU CÓ
Tự do tài chính không đồng nghĩa với giàu có. Bao nhiêu là “đủ” tùy vào mỗi cá nhân. Một người có hàng tỷ đồng mỗi năm vẫn có thể bị tù túng trong chính “cái hộp” biệt thự của họ, trong khi người khác đạt được tự do chỉ với 50 triệu đồng mỗi năm. Để dễ hiểu hơn, hãy nhìn tự do tài chính dưới góc nhìn của một người cổ đại. Với anh chàng ăn lông ở lỗ này, thức ăn chính là nguồn tài nguyên thống trị nhiều quyết định của anh. Nếu lương thực khan hiếm, tìm kiếm thức ăn sẽ chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí anh ta. Khi lương thực dư dả, anh ta mới thảnh thơi tận hưởng những thú vui tinh thần khác. Nói cổ đại là vậy, nhưng tình cảnh đối phải đối mặt thường trực với sự thiếu thốn nhu cầu vật chất cơ bản như thế không hiếm ngày nay, trên thế giới vẫn có hàng chục triệu người đang phải đối mặt với đói nghèo.
Với thức ăn, có giới hạn trần cho số lượng bạn có thể tiêu thụ. Nhưng không hề có giới hạn trần cho việc tiêu xài tiền bạc.
Giàu có chỉ là một góc của bức tranh tổng thể. Nếu tổng chi vượt quá tổng thu, thì không quan trọng bạn giàu hay nghèo: Bạn không tự do gì hơn những người chỉ hưởng lương tối thiểu. Theo đuổi sự giàu có là một mục tiêu đáng trân trọng (miễn là bạn thực hiện bằng cách đóng góp giá trị), nhưng giàu có không đảm bảo cho sự bình an tâm hồn và sự thỏa mãn, vốn thường được đính kèm làm “quà khuyến mãi” khi bạn đạt tự do tài chính.
Một người thường đặt mục tiêu tài chính bằng cách định lượng số tiền kiếm được hoặc số tiền tiết kiệm được. Có được ___ vào ngày ___. Vậy chưa đủ. Suy nghĩ giản đơn này sẽ không giúp bạn đạt được tự do tài chính một cách dễ dàng trừ phi bạn nỗ lực ở tất cả khía cạnh.
Để đạt được tự do tài chính có ba nền tảng chính:
• Ngưỡng chi phí cuộc sống thấp: Tối ưu hóa chi phí và sống đơn giản.
• Thu nhập cao hơn chi tiêu: Kiếm nhiều tiền nhất có thể.
• Tự động hóa tài chính: Thu nhập tự động và chi tiêu tự động.
* Chi tiết Nội dung phân tích sâu hơn về ba nền tảng chính này, bạn có thể tham khảo tại link.
Đây là một mục tiêu cực kỳ khó thực hiện. Tuy nhiên bạn không cần đạt 100% tự do tài chính để tận hưởng hương vị ngọt ngào mà nó mang lại. Nuôi dưỡng bất kỳ khía cạnh nào nêu trên cũng sẽ cải thiện cuộc sống của bạn theo chiều hướng tích cực.
Nội dung bài viết này được trích từ cuốn sách 101 Lời Khuyên Tài Chính từ Thái Phạm, cuốn sách được viết bởi nhà đầu tư, chuyên gia tài chính có hơn 17 năm kinh nghiệm trên TTCK, cuốn sách cung cấp 101 bài học vỡ lòng và thông thái giúp bạn từng bước xây dựng cho tương lai tài chính thịnh vượng của chính bạn.
Nguồn: Trích sách 101 Lời Khuyên Tài Chính từ Thái Phạm / Happy Live Team tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia định thịnh vượng, bền vững