20 cách giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả (phần 1)
Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày như nhau, nhưng giá trị thời gian của mỗi người là khác nhau. Có người trong một giờ có thể ký kết được bản hợp đồng hàng triệu đô la, có người làm công ăn lương mỗi giờ chỉ kiếm được 10 nghìn đồng mà thôi… Còn bạn? Mỗi giờ của bạn trị giá bao nhiêu? Và có cách nào khiến thời gian của bạn trở nên đáng giá?
Bạn có biết, mỗi ngày bạn có 84.600 giây trong tài khoản ngân hàng thời gian? Mỗi đêm, bạn đánh mất những thời gian mà bạn không sử dụng. Bạn không thể mua thêm thời gian và bạn không thể để dành thời gian. Bạn chỉ có thể sử dụng thời gian và nếu bạn thất bại trong việc này, bạn đã lãng phí nó.
Để tối ưu khoảng thời gian còn lại, Happy Live sẽ giới thiệu đến bạn 20 nguyên tắc giúp quản lý thời gian và đạt hiệu quả cao trong công việc.
Nguyên tắc số 1: Xác định mục tiêu
Bạn cần phải xác định những mục tiêu quan trọng cần đạt được trong ngày. Khi đã xác định được điều mình muốn và biết được phương pháp để đạt mục tiêu (tôi đang chia sẻ với bạn đây, hãy tin vào điều đó), bạn sẽ thắng được tâm lý ngần ngại và trì hoãn những công việc cần làm bởi vì bạn không còn “sợ việc” nữa.
Ngay từ bây giờ bạn hãy viết ra giấy những mục tiêu cần đạt được trong ngày hôm nay bằng bảy bước đơn giản sau:
1. Xác định rõ những mục tiêu.
2. Xây dựng thói quen viết ra giấy mục tiêu và kế hoạch.
3. Tự ấn định thời hạn hoàn thành các mục tiêu.
4. Liệt kê tất cả những việc cần làm, các phương án để đạt được những mục tiêu đề ra.
5. Biến những việc cần làm thành các kế hoạch hành động cụ thể.
6. Hành động quyết liệt, thực hiện những việc trong kế hoạch hành động.
7. Tự cam kết hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.
Nguyên tắc số 2: Lập kế hoạch làm việc
Hành động luôn tốt hơn ngồi không chờ mọi việc hoàn thành theo ý mình (và điều đó không xảy ra đâu, hãy thôi mơ mộng đi, bắt tay vào hành động nào!). Có một điều quan trọng là hành động không có kế hoạch sẽ dẫn đến thất bại.
(*) Bài viết được trích từ sách Làm chủ tuổi 20 – Kim chỉ nam thành công tuổi trẻ, xem thêm thông tin sách tại đây:
Vì vậy, bạn phải lập kế hoạch làm việc: tổng quát, hàng tháng, hàng tuần và hàng ngày. Để tôi đố bạn một câu đố vui nhé! Làm như thế nào để ăn hết một con voi? Cách đơn giản nhất là ăn từng miếng một. Cũng giống như việc bạn phải giải quyết một công việc, đơn giản nhất là chia nó ra thành nhiều phần nhỏ và ăn từ từ.
Chúng ta phải phân chia một công việc lớn thành nhiều việc nhỏ, đơn giản, sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên và xác định thời hạn cụ thể. Thời điểm tốt nhất để lên kế hoạch làm việc hàng ngày là vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Khi ấy, tiềm thức của chúng ta sẽ gợi ý các phương hướng thực hiện từng phần việc trong bảng danh sách đó: Đừng bao giờ bắt đầu một ngày mới khi vẫn chưa có bản kế hoạch trên giấy.
Chúng ta cần ghi nhớ nguyên tắc 10/90, tức là dành 10% thời gian để lên kế hoạch và tổ chức công việc trước khi bắt tay vào thực hiện giúp chúng ta sử dụng 90% thời gian còn lại hiệu quả hơn.
Nguyên tắc số 3: Vận dụng quy tắc Pareto 80/20
Chắc bạn còn nhớ nguyên lý này chứ? Không phải cứ cố gắng làm càng nhiều càng tốt. Quan trọng là bạn hoàn thành được bao nhiêu việc và dấu ấn của những công việc đó như thế nào. Bạn hãy vận dụng quy tắc 80/20 – bất cứ việc gì cũng đều được quyết định từ 20% việc quan trọng và 80% đa số nhưng ít quan trọng hơn. Hãy xác định những nhiệm vụ hàng đầu trọng yếu chiếm khoảng 20% nhưng quyết định đến 80% thành quả.
Bạn phải tập trung tối đa thời gian, công sức và năng lượng vào những nhiệm vụ trọng yếu này. Dù chúng có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải sẵn sàng đương đầu với chúng – giống như chúng ta sẵn sàng tinh thần để ăn con ếch vào mỗi buổi sáng vậy. Sau khó khăn sẽ luôn là những điều tốt đẹp, bạn hãy nhớ điều đó.
Nguyên tắc số 4: Tiên liệu kết quả cuối cùng
Suy nghĩ về hậu quả giúp chúng ta dự đoán, xác định được mức độ quan trọng của một hành động hay một nhiệm vụ, khiến chúng ta có thêm động lực, bởi vì không ai muốn mình thất bại cả. Khi bạn có cái nhìn dài hạn, bạn sẽ kịp thời nhận ra những gì cần điều chỉnh.
Nguyên tắc số 5: Sử dụng ma trận quản lý thời gian
Ma trận quản lý thời gian là kỹ thuật lựa chọn mục tiêu theo trình tự ưu tiên:
I – QUAN TRỌNG + KHẨN CẤP
Đây là những việc mang tính ngắn hạn, bạn không thể không làm ngay lập tức. Nếu bạn không làm ngay những việc này thì chắc chắn bạn sẽ “thất bại” toàn tập. Ví dụ như đến hạn chót của một công việc nào đó, bài thi ngày mai, hàn gắn một mối quan hệ vừa mới đổ vỡ…
II – QUAN TRỌNG + KHÔNG KHẨN CẤP
Những việc mang tính chiến lược, dài hạn và quan trọng sẽ được xếp vào nhóm II. Đó có thể là lên kế hoạch của tuần, tháng, năm… học hỏi, rèn luyện thể lực, xây dựng và củng cố mối quan hệ… Những việc này có thể không có được kết quả ngay nhưng nếu xét về lâu dài thì nó lại mang lại những lợi ích to lớn và bền vững. Hãy đầu tư phần nhiều thời gian vào nhóm công việc này.
III – KHẨN CẤP + KHÔNG QUAN TRỌNG
Những việc không quan trọng thì chắc chắn sẽ là những việc bạn không cần để tâm quá nhiều. Đó là những việc như trả lời điện thoại, mail, in nhắn… không cần thiết; sinh nhật, đám cưới của người bạn không thân thiết… Giải pháp cho bạn là hãy giao phó cho người khác và quan trọng là bạn phải giao phó cho đúng người.
IV – KHÔNG KHẨN CẤP + KHÔNG QUAN TRỌNG
Đây là những việc tối kỵ với những người thành công, những việc vô thưởng vô phạt, làm hay không làm cũng không mang lại ý nghĩa, khác biệt gì lớn. Cách tốt nhất là bạn nên gạt bỏ nó. Cụ thể hơn là những việc như chơi game, lướt facebook, xem phim… quá nhiều mà chẳng mang lại lợi ích nào. Nếu bạn làm chúng để thư giãn thì không có vấn đề gì, nhưng nếu bạn dành một giờ trở lên để làm nó và nói rằng đó là thư giãn thì bạn cần xem xét lại có phải bạn đang “thư giãn” hay là “thỏa mãn cơn nghiện” của mình!
Nguyên tắc số 6: Tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu
Tất cả mọi nghề nghiệp, công việc đều có những lĩnh vực trọng yếu. Ví dụ, công việc trọng yếu của một viên chức quản lý là lập kế hoạch, sắp xếp tổ chức nguồn nhân lực, phân công nhiệm vụ, giám sát hoạt động, đánh giá kết quả và lập báo cáo. Công việc của học sinh, sinh viên là làm bài tập, đọc sách, tham gia hoạt động của trường lớp, câu lạc bộ… Công việc của một nhân viên bán hàng gồm có: xác định khách hàng tiềm năng, tiếp cận khách hàng, xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, giới thiệu thuyết phục sản phẩm hay dịch vụ, giải đáp thắc mắc, phục vụ khách hàng…
Tự đánh giá bản thân: bạn có thể dùng sơ đồ SWOT để đánh giá bản thân và áp dụng các chiến lược đó.
Nguyên tắc số 7: Tập trung tạo hiệu quả
Bạn hãy trả lời ba câu hỏi sau:
Sau đó bạn sẽ xác lập được trình tự ưu tiên cho những công việc có giá trị nhất mà chúng ta cần tập trung vào để hoàn thành. Nên nhớ rằng: Chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm mọi việc, nhưng chúng ta luôn đủ thời gian để làm việc quan trọng nhất.
Nguyên tắc số 8: Chuẩn bị đầy đủ trước khi bắt đầu
Để vượt qua trạng thái trì hoãn để đạt hiệu quả cao, chúng ta cần phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho công việc trước khi bắt đầu. Khi đã chuẩn bị sẵn sàng, giống như súng đã lên nòng, hay cung đã giương tên, chỉ cần một lực đẩy nhỏ, chúng ta sẽ lập tức thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình.
Hãy dọn dẹp bàn làm việc, không gian phòng làm việc, chuẩn bị đầy đủ mọi “vật liệu” cho công việc của mình, ngồi vào bàn và bắt đầu cho đến khi công việc hoàn tất: Không chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại.
Nguyên tắc số 9: Luôn sẵn sàng bằng cách học hỏi và hoàn thiện kỹ năng
Nguyên nhân khiến chúng ta trì hoãn những công việc trọng yếu chính là cảm giác thiếu tự tin, không đủ năng lực để có thể hoàn thành công việc một cách xuất sắc, sợ thất bại… Vì thế chúng ta phải không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, sự hiểu biết và không ngừng rèn luyện kỹ năng. Khi học nhiều, hiểu nhiều, kỹ năng được nâng cao, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin hơn, làm việc say mê hơn và đạt được nhiều thành quả hơn.
Nguyên tắc số 10: Phát triển và tận dụng những tài năng đặc biệt
Hãy xác định đâu là lĩnh vực đặc biệt, tài năng vượt trội của bản thân. Phát triển và sử dụng những kiến thức và kỹ năng đặc biệt này vào công việc, chúng ta sẽ tạo ra những kết quả đặc biệt. Bạn hãy làm bài tập sau để tìm ra tài năng đặc biệt của mình nhé:
Chúng ta hãy tập trung năng lực đặc biệt của mình vào những việc mà chúng ta có thể làm tốt nhất: “Có hai cách để thành công: làm những gì mình yêu và làm những gì mình giỏi.”
>> Còn tiếp
Có thể bạn quan tâm: Làm chủ tuổi 20 – Kim chỉ nam thành công tuổi trẻ