3 dấu hiệu cho thấy 1 người đang dần từ bỏ chính mình: Điều đáng sợ nhất là bạn tự cắt bớt rễ để tiếp tục sống trong chậu hoa chứ không cần vươn ra mặt đất
Dù bất mãn với hiện trạng, dù phát hiện bản thân đang dần từ bỏ chính mình, người ta vẫn không đủ dũng khí để thay đổi những dấu hiệu đó.
01. Dấu hiệu đầu tiên: Không dám bước ra khỏi vùng an toàn
Gần đây, Lý Thượng Long là cái tên có tầm ảnh hưởng lớn với giới trẻ thông qua nhiều tác phẩm ý nghĩa về tuổi trẻ, hoài bão và giấc mơ, chẳng hạn như “Đại học không lạc hướng”, “Vươn lên hoặc bị đánh bại”, “Bạn chỉ tưởng là mình đang cố gắng”, “Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống”…
Anh từng viết rằng: “Ở các thành phố lớn, cách để hủy hoại một người đặc biệt đơn giản. Chỉ cần cho họ một không gian yên tĩnh và nhỏ hẹp, cung cấp một đường truyền Internet, cộng thêm một chiếc điện thoại hoặc máy tính. Xong rồi, chỉ đơn giản vậy thôi.”
Cứ tưởng đây chỉ là nghệ thuật phóng đại, nói quá trong sáng tác, nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta lại có thể kiểm chứng điều này rõ ràng thông qua rất nhiều ví dụ.
Có một anh chàng cao gầy đã tốt nghiệp đại học gần 1 năm, nhiều lần thay đổi công việc nhưng vẫn cảm thấy không thể thích nghi được với môi trường công sở chuyên nghiệp. Sau đó, cảm thấy nản lòng, anh ta dứt khoát từ chức về nhà, sống dựa vào chi phí sinh hoạt do bố mẹ gửi cho, cộng với một chút thu nhập nhờ vài việc làm bán thời gian trên mạng.
Kể từ đó, anh ta ru rú trong nhà cả ngày với điện thoại và máy tính, không ra khỏi nhà trừ khi cần thiết. Sinh hoạt ngày đêm đảo lộn, suốt ngày chơi game và sử dụng các loại đồ ăn nhanh không có dinh dưỡng từ bên ngoài.
Thời gian dài không tiếp xúc với xã hội, giao tiếp với cộng đồng, anh ta đã dần dần thay đổi từ một thành phần tri thức tốt nghiệp đại học trở thành cái bóng đờ đẫn, ánh mắt dại ra, phản ứng chậm chạp, thậm chí có chút tự ti và xa lánh với mọi người xung quanh.
Nhìn vào những trường hợp tương tự như vậy, chúng ta sẽ thực sự hiểu ra rằng: Sinh hoạt lâu dài trong một môi trường chất lượng thấp sẽ khiến tâm trí, ngoại hình và cả cuộc đời ta đều thay đổi, theo hướng tiêu cực hơn.
Con người thường thích được sinh hoạt trong một hoàn cảnh quen thuộc và an toàn. Ở đó, chúng ta sẽ vô thức thả lỏng bản thân nhiều hơn.
Do đó, khi vùng an toàn được thành lập trong một không gian chật hẹp trong 4 bức tường, bạn sẽ vô tri vô giác mà trở nên ỷ lại, dựa dẫm vào chính những bức tường đó, không còn muốn ra ngoài, sợ phải nhìn đến sự nhộn nhịp và đổi thay nhanh chóng của thế giới.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một người đang bắt đầu từ bỏ bản thân là không dám bước ra khỏi vùng thoải mái của mình.
Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là “Hiệu ứng chậu hoa”, dùng để chỉ những người đã sống trong một “chậu hoa” quá lâu thì đánh mất khát vọng được vươn ra bên ngoài, đôi khi còn tự cắt bớt gốc rễ đang phát triển của mình để tiếp tục chui rúc trong chậu hoa chật hẹp đó.
Khi bạn tự hài lòng với hiện trạng, không còn nỗ lực cải thiện bản thân nữa thì tâm trí và sự trưởng thành của bạn sẽ mãi mãi đóng khung trong một giới hạn.
Có một câu như thế này: Dấu hiệu của sự già đi không đến từ tuổi tác hay diện mạo bề ngoài của một người, mà đến từ tâm lý ngại thay đổi, không dám thử thách bản thân trong một môi trường mới.
Khi bạn ngừng học hỏi, chùn chân bó gối, tự cầm tù tâm trí trong một nhà giam chật hẹp, như vậy, bạn đang tới rất gần với giới hạn lão hóa của bản thân.
02. Dấu hiệu thứ hai: Quá tập trung vào thỏa mãn ngắn hạn
Trong thời đại nhu cầu giải trí được chú trọng và phát huy đến tận cùng như hiện nay, niềm vui và sự thỏa mãn ngắn hạn đạt được rất dễ dàng. Bạn chỉ mất vài chục giây để xem một đoạn video hài hước, mất vài chục phút để chơi game, lại mất nửa giờ để đọc xong một đoạn tin tức thú vị về minh tinh, siêu sao và bất cứ ai trên đời.
Vậy là hết ngày. Còn học hỏi và rèn luyện? Không có thời gian.
Dấu hiệu thứ hai cho thấy một người đang bắt đầu từ bỏ chính mình là đắm chìm trong niềm vui ngắn hạn và ngừng đầu tư dài hạn cho tương lai.
Chơi game, xem phim, đọc truyện… đều có thể đem tới khoái cảm có thể nhận thấy được rõ ràng chỉ trong một thời gian ngắn. Ngược lại, học tập hay rèn luyện đều yêu cầu một chu kỳ rất dài, không ngừng thực hiện liên tục để đem tới thay đổi thực tiễn. Đồng nghĩa với thời gian và sức lực bỏ ra để đạt tới kết quả đều không giống nhau, niềm vui thú cũng không thể bằng.
Đôi khi, người ta không bị hủy hoại bởi thứ mà họ căm ghét, mà lại bởi vì thứ mà họ yêu thích.
Khi để cảm xúc tiêu cực điều khiển hành động, mọi kết quả đều dẫn về phía hối hận mà thôi.
03. Dấu hiệu thứ ba: Làm nô lệ cho cảm xúc khống chế
Robert Wight từng nói: “Ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta cũng không thể trở thành nô lệ cho cảm xúc, phải là chủ thể khống chế tình cảm chứ không để tình cảm khống chế bản thân. Cho dù hoàn cảnh tồi tệ đến mấy, hãy nỗ lực điều khiển hoàn cảnh và tự cứu lấy mình.”
Khi một người mất khả năng kiểm soát cảm xúc, họ có thể trở thành thảm họa cho chính bản thân và người xung quanh.
Có người vì khắc khẩu trên bàn ăn mà cầm dao chém người, có người vì một câu chỉ trích tổn thương mà nhảy lầu tự vẫn, có người vì gặp khó khăn trong đời mà đi trả thù xã hội… Họ không lâm vào cảnh tù tội thì cũng lãng phí sinh mệnh của chính mình.
Kỳ thực, 10% đời người bị ảnh hưởng bởi những vấn đề xảy ra và 90% còn lại phụ thuộc vào phương thức mà bạn phản ứng trước những vấn đề đó.
Đó là lý do mà Phật học có câu: “Nhất niệm thành ma, nhất niệm thành Phật.” Chỉ một suy nghĩ có thể thay đổi cả số phận con người.
Một người thực sự trưởng thành phải có khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Họ dẫn dắt hành động và suy nghĩ bằng lý trí, chứ không để bản thân lâm vào cảnh hối hận vì cảm xúc nhất thời.
Nguồn: Trí thức trẻ
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh