4 lời khuyên của giáo sư đại học nổi tiếng: Công thức cho sức khỏe là vào buổi sáng, công thức để thành công là vào buổi tối
Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, nhưng chúng ta có thể chọn cách mình sống hôm nay. Hi vọng 4 lời khuyên này sẽ giúp ích cho bạn, giúp gặp được một bản thân tốt hơn.
Vương Ân Ca, hiệu trưởng thứ 26 của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đã có một vài lời khuyên cho sinh viên khi ông mới nhậm chức.
Nhiều năm trôi qua, sự hoang mang, bối rối mà giới trẻ phải đối mặt dường như chưa bao giờ thay đổi.
Nếu bạn muốn chữa khỏi những lo lắng bên trong, sẽ rất có ích khi tham khảo những lời khuyên này.
Kết giao với hai người bạn: Một là sân vận động, hai là thư viện
Một tác gia từng nói: “Trên đời này, chỉ có hai việc có thể bảo vệ giúp bạn bình an: một là đọc sách, hai là vận động.”
Khi bạn rơi xuống vực thẳm, vận động và đọc sách, là hai thứ có thể chữa lành cả cơ thể và tâm hồn của bạn một cách nhanh nhất.
Ở tuổi 30, Bạch Nham Tống đã là một MC khá nổi tiếng của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.
Nhưng đằng sau cái mác MC nổi tiếng ấy là sự kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần vì công việc quá bận rộn.
Một lần đến bệnh viện kiểm tra, anh phát hiện ra các chỉ số của cơ thể mình đều đang “bật đèn đỏ”, anh thậm chí còn được chẩn đoán là trầm cảm nhẹ.
Vì vậy, anh quyết định tạm thời nghỉ việc tại CCTV, dành trọn vẹn thời gian để phục hồi sức khỏe.
Trong thời gian đó, anh từ chối tất cả các giao tiếp xã hội, chỉ ở nhà với sách.
Những tác phẩm kinh điển xuất sắc của Trung Quốc cổ đại và hiện đại cũng như nước ngoài, anh không bỏ một quyển nào.
Thời gian rảnh rỗi còn lại, anh ra ngoài vận động.
Mỗi tối, anh đi bộ nhanh trong một giờ, và sau đó dần dần phát triển thành chạy.
Sau một thời gian, cơ thể anh đã khỏe lại, tinh thần ngày càng tốt hơn.
Hai năm sau, anh trở lại CCTV.
Với kiến thức tích lũy được từ việc đọc nhiều, anh bình tĩnh hơn khi dẫn chương trình phỏng vấn, kiến thức nền cũng phong phú hơn trước.
Anh cũng có nhiều năng lượng hơn, đủ sức khỏe để cống hiến hết mình cho công việc, tạo ra một số chương trình thời sự kinh điển.
Sự nghiệp của anh đã bước sang một trang mới, và quan trọng là với một sức khỏe tuyệt vời và một tinh thần sảng khoái.
Haruki Murakami từng nói:
“Mỗi ngày tôi đều dành ra 1 tới 2 tiếng ở một mình, không nói chuyện với ai, dù là chạy một mình, hay đọc hoặc viết bài, tôi không cảm thấy nhàm chán chút nào.”
Bởi lẽ đọc sách có thể chống lại sự tầm thường, xua đuổi sự mê muội và làm phong phú tâm hồn.
Còn tập thể dục có thể ‘định hình’ vóc dáng, giúp thoát khỏi cơn đau về thể chất và tăng cường sức khỏe.
Lật vài trang sách, thực hiện vài trăm bước đi mỗi ngày, những thói quen tưởng chừng như nhỏ nhặt, sau cùng sẽ đưa bạn đến những nơi xa hơn.
Trang bị hai thứ năng lực: một là năng lực tư duy, hai là sự quyết đoán
Chiến lược gia quân sự Napoleon từng nói:
“Có hai sức mạnh trên thế giới: trí óc và quyết đoán.”
Khi có được hai sức mạnh này, dù vấn đề phức tạp đến đâu, bạn cũng dễ dàng giải quyết được.
La Chấn Vũ, một người làm truyền thông nổi tiếng, là một người như vậy.
Dù làm việc gì thì anh cũng giữ cho mình đủ quyết tâm nhưng không mù quáng, kịp thời điều chỉnh suy nghĩ.
Hơn mười năm trước, khi còn là nhà sản xuất của CCTV (đài Truyền hình Trung Ương Trung Quốc), một chuyện như vậy đã xảy ra.
Khi đó, kênh phim tài liệu đã lên kế hoạch quay “Ba mươi năm xao động” trong bốn tháng.
Ban đầu, để phỏng vấn lần lượt 30 nhân vật chính, nhóm ghi hình chạy khắp Trung Quốc từ sáng đến tối.
Hôm nay bay đến Phúc Kiến để thăm Wang Shi, và ngày mai tới đến An Huy để gặp Nian Guangjiu.
Họ bận rộn thực hiện các cuộc phỏng vấn vào ban ngày, sắp xếp các tài liệu viết vào buổi tối và thường làm việc đến tận khuya rồi mới đi ngủ.
Nhưng dù vậy, họ cũng mới chỉ hẹn phỏng vấn được một nửa nhân vật dù thời hạn quay 4 tháng sắp hết.
Trong một thời gian, toàn đội rơi vào tuyệt vọng.
Lúc này, La Chấn Vũ mạnh dạn đề xuất:
“Tại sao cứ phải phỏng vấn các nhân vật chính?
Phỏng vấn những người ngoài cuộc cũng không hẳn là một ý tưởng tồi. “
Một lời nói khiến mọi người bừng tỉnh, và mọi người lập tức bắt tay vào công việc trở lại.
Trong hơn một tháng, họ làm việc không ngừng nghỉ và tìm ra hơn 300 người liên quan tới nhân vật chính.
Sau đó, họ mời những người đó đến Bắc Kinh để phỏng vấn chuyên sâu tập trung.
Cuối cùng, “Ba mươi năm xao động” đã được công chiếu đúng như dự kiến, rất thành công và cũng giành được nhiều giải thưởng.
La Chấn Vũ từng nói:
“Tất cả thành công trên thế giới này, hoặc là tới từ phương thức tư duy thông minh hoặc là tới từ mồ hôi và nước mắt.”
Trong cuộc sống, chúng ta vừa cần dám nghĩ dám làm vừa cần học cách thay đổi cách nghĩ, phá bỏ bức tường của lối suy nghĩ cố hữu, từ đó nhìn ra một hướng đi mới.
Người thực sự tài giỏi đều có năng lực công phá gấp mười người khác, nhưng cũng không thiếu đi những mẹo giúp công việc suôn sẻ hơn vào những lúc ngàn cân treo sợi tóc.
Lắp thêm hai “chiếc cánh”: một là lý tưởng, một là kiên trì
Tâm lý học có một khái niệm mang tên “Quy tắc 20 dặm”
Nó nói rằng một người nếu muốn thành công, anh ta cần có hai điều kiện: một là có lý tưởng, hai là sự kiên trì.
Cuộc sống không phải là đường chạy ngắn 100 mét nước rút mà là một đường chạy dài đầy thử thách.
Niềm đam mê ngắn ngủi được định sẵn sẽ không tồn tại lâu dài, chỉ có niềm tin vững chắc và sự kiên trì thực hiện từng bước từng bước một mới có thể đến được cuối cùng.
Nhà văn Tất Thục Mẫn tham gia công tác y tế trong quân đội trong những năm đầu sự nghiệp của mình.
Sau đó, cô dần phát hiện ra mình rất yêu thích viết lách và mơ ước trở thành nhà văn.
Vì vậy, ở tuổi 35, cô thi vào một trường cao đẳng chuyên dạy học vào buổi tối hoặc cuối tuần.
Mỗi ngày sau khi tan sở, cô phải đi bộ một quãng đường dài để đến lớp.
Vào một buổi tối, một cơn bão bất ngờ ập đến, bên ngoài trời nổi giông tố.
Nhưng Tất Thục Mẫn sợ lỡ tiết học nên không nghĩ ngợi gì, cô mặc áo mưa lao vào cơn bão chạy đến trường.
Mưa to gió lớn, cô dò từng bước tới trường.
Kết quả là khi cô đến trường, bác bảo vệ ở cổng nói rằng từ giáo viên đến sinh viên, ngoại trừ cô, không một ai đến.
Tất Thục Mẫn rất buồn và thất vọng, bác bảo vệ mời cô vào phòng ngồi và an ủi cô:
“Cơn bão này là một cái sàng, sau này cháu chắc chắn sẽ rất thành công.”
Sau đó, dù thời tiết có xấu như thế nào, dù giáo viên có lên lớp đúng giờ không, Tất Thục Mẫn cũng đều kiên trì tới trường, không bỏ một tiết học.
Những ngày tháng đi học này đã đặt một nền tảng văn học vững chắc cho cô.
Sau cùng, Tất Thục Mẫn trở thành một nhà văn nổi tiếng ở đất nước tỷ dân.
Tôi thực sự thích những gì một nữ phi hành gia từng nói:
“Vì yêu nên kiên trì, vì yêu nên cố chấp.”
Một người, chỉ khi sống với ước mơ trong tim và con đường dưới chân, người đó mới có thể đạt được tới độ cao mà mình mong muốn.
Ghi nhớ hai “bí quyết”: công thức cho sức khỏe là vào buổi sáng, công thức để thành công là vào buổi tối
Có cuốn sách nói rằng:
“Mỗi người có 24 giờ một ngày, 8 giờ để làm việc, 8 giờ để ngủ, 8 giờ còn lại là thời gian quyết định cuộc sống của bạn.”
Những người không kiểm soát được buổi sáng và buổi tối sẽ không thể kiểm soát được cuộc sống của chính mình.
Tác gia Lý Thượng Long từng nói về trải nghiệm của mình khi còn làm việc cho công ty giáo dục New Oriental.
Thời điểm đó, nhiều giáo viên phải đứng trên bục giảng giảng bài gần như hết ngày, đến khi tan làm, họ kiệt sức.
Vì vậy, sau khi tan làm, họ sẽ đi mua sắm và uống rượu, nằm lướt điện thoại tới gần sáng mới thôi.
Buổi sáng, họ ngủ một giấc đến gần đến giờ đi làm, rồi vội vàng bật dậy.
Nhưng Lý Thượng Long thì khác, ban ngày dù có mệt mỏi đến đâu, buổi tối anh cũng nhất định sẽ xem một bộ phim điện ảnh, đọc sách thêm nửa tiếng nữa, viết ra giấy những suy nghĩ của mình và cất cẩn thận.
Sáng nào anh cũng dậy sớm ra công viên tập thể dục.
Sau khi tập thể dục, anh về nhà tắm rửa, sau đó đi làm.
Bằng cách này, anh liên tục nạp năng lượng cho cơ thể và mở rộng tư duy vào buổi sáng và buổi tối.
Sau cùng, anh trở thành tác giả có sách bán chạy nhất trong khi các đồng nghiệp của anh thì vẫn dậm chân tại chỗ.
Một nhà văn viết:
“Cách bạn sử dụng thời gian rảnh rỗi, quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.”
Giữa một xã hội hối hả như hiện nay, đêm và sáng là những khoảng thời gian hiếm hoi của riêng chúng ta.
Một số người chọn thức khuya để chơi game, xem video và không chịu dậy sớm vào buổi sáng.
Tuy nhiên, có những người dù sớm hay muộn cũng đều có thể tận dụng thời gian để không ngừng hoàn thiện bản thân và sống một cách nhiệt huyết nhất.
Bạn phải hiểu rằng đối với những người thành công, tài năng và may mắn luôn chỉ là điểm cộng.
Những buổi sớm và tối mà bạn không nhìn thấy mới là nơi họ tích lũy sức mạnh và nới rộng khoảng cách với bạn.
Nhà văn Tam Mao từng nói như này:
“Con người và vạn vật trên đời đều có lúc đến và lúc phải đi. Chúng ta chỉ cần quản lý cho tốt bản thân và yên lặng ra đi là đủ rồi.”
Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, nhưng chúng ta có thể chọn cách mình sống hôm nay.
Hi vọng 4 lời khuyên này sẽ giúp ích cho bạn, giúp gặp được một bản thân tốt hơn.
Phạm Thanh Nga
Theo Thể Thao Văn Hóa