4 nhắc nhở cho nhà đầu tư từ William O’Neil
William O’Neil thường bắt đầu bằng câu nói của Wyckoff: “… bất cứ ai nghĩ mình biết đường tắt dẫn tới thành công mà không đổ mồ hôi sôi nước mắt thì họ đã nhầm lẫn tai hại”
Giống như Livermore, William O’Neil căm ghét cách tiếp cận thị trường lười biếng, vì nó chỉ dẫn đến việc người ta cố gắng chớp lấy bất cứ phương thức nào được cho là lối tắt để thành công trên thị trường chứng khoán. Chẳng đâu bộc lộ rõ điều này như sở thích mua cổ phiếu “rẻ”. Mọi người rất dễ rơi vào cái bẫy cổ xưa này, bởi hầu hết các nhà đầu tư non kinh nghiệm tiếp cận thị trường với tư duy lệch lạc thâm căn cố đế của những kẻ mua hàng, rằng thứ gì hôm nay bán rẻ hơn hôm qua đều là “món hời”. Điều này có lẽ vì các nhà đầu tư cá nhân đang đứng ở góc độ người tiêu dùng, trong khi thực tế là nhà đầu tư nên xem giao dịch tài chính như hoạt động mua các hàng hóa thô hoặc thành phẩm để bán với giá cao hơn. Đó là lý do O’Neil hay nhắc tới câu chuyện đầm đỏ và đầm vàng. Khi đầm vàng ế ẩm thì chủ cửa hàng sẽ giảm giá để tống khứ chúng ra khỏi “danh mục” nếu không chúng sẽ trở thành hàng tồn kho, đồng thời nhập thêm đầm đỏ đang bán chạy rồi bán ra với giá cao hơn.
William O’Neil ủng hộ trường phái mua những cổ phiếu là chiếc “đầm đỏ” bán “đắt như tôm tươi” ở mức giá cao mọi thời đại. Lý do rất đơn giản: “… cổ phiếu dẫn dắt thật sự bắt đầu sóng lớn bằng cách giao dịch ở những đỉnh giá mới, chứ không phải ở những mức đáy mới hoặc đã giảm mạnh so với đỉnh. Hơi lạ kỳ, nhưng đây là nguyên nhân khiến khái niệm mua cổ phiếu đang ở đỉnh giá mới vô cùng hiệu quả. Đơn giản là vì nó không rõ mồn một trước mắt đám đông, bởi họ sợ mua cổ phiếu tưởng chừng đang được bán với giá quá cao. O’Neil từng nói, “Những cổ phiếu mà số đông đánh giá là quá cao và rủi ro thường tăng cao hơn nữa, còn những cổ phiếu có vẻ thấp và rẻ lại tiếp tục giảm hơn nữa” (2009, 174). Phần lớn thời gian, thị trường tìm cách đánh lừa các nhà đầu tư, vì vậy nếu cổ phiếu tạo đỉnh giá mới và khiến đám đông e ngại không dám mua, thì đó chính xác là thời điểm nên mua cổ phiếu.
Cố gắng mua các cổ phiếu rẻ là lỗi mà các nhà đầu tư mới hoặc lười biếng hay bị vướng vào. Một sai lầm khác của nhà đầu tư lười biếng mà O’Neil và thế hệ các nhà giao dịch trước đó luôn né tránh là “bình quân giá xuống”. Richard Wyckoff nhận xét: “Những ai có thói quen bình quân giá xuống thường thua lỗ rất lớn hoặc ôm khoản tiền chết. Họ lập luận là nếu họ mua cổ phiếu giá 100 và nó giảm xuống 90, nghĩa là cổ phiếu rẻ hơn nhiều, và càng xuống thấp thì càng rẻ.”
Khi cần chối bỏ trách nhiệm đối với những khuyến nghị tồi, các môi giới chứng khoán thường sửa chữa quyết định mua cổ phiếu ở mức giá cao trước đó bằng cách đưa ra lời khuyên “bình quân giá xuống.” Ở mức độ nào đó, cái cớ này đã được tiến hóa thành một khái niệm hết sức tiện lợi trong giới đầu tư cá nhân: “Chiến thuật trung bình hóa chí phí đầu tư” khi mua các chứng chỉ quỹ tương hỗ mà hẳn nhiều độc giả không lạ lẫm gì. O’Neil lại cho rằng đây là nỗi hổ thẹn: “Không có gì tệ hơn việc nhà môi giới thoát khỏi trách nhiệm bằng cách khuyến nghị khách hàng ‘bình quân giá xuống’. Nếu môi giới khuyên tôi làm vậy, tôi sẽ lập tức đóng tài khoản và tìm nhà môi giới khác thông minh hơn”.
Jesse Livermore đã viết trong cuốn sách Cách Giao Dịch Chứng Khoán (How to Trade in Stocks) như sau: “Bạn phải hiểu rõ mức giá nên bán cắt lỗ nếu như thị trường chống lại bạn. Và bạn phải tuân thủ quy tắc của mình! Đừng bao giờ chấp nhận khoản lỗ lớn hơn 10% tổng vốn. Lỗ luôn đắt gấp đôi nếu bạn muốn bù lại chúng. Tôi luôn thiết lập điểm dừng lỗ cho mỗi giao dịch.” (How to Trade in Stocks [Greenville: Traders Press, 1991], 171). O’Neil khuyến nghị nên thực hiện chiến lược cắt lỗ tự động 7%- 8% cho mọi giao dịch mua cổ phiếu, và lý do chính cho điều này là giúp bản thân bạn tránh được nguy hiểm. Lỗ lớn trên thị trường dễ khiến bạn rơi vào trạng thái bị tê liệt. O’Neil xem chính sách cắt lỗ chặt chẽ là công cụ tối cần thiết để sống sót trên thị trường chứng khoán khắc nghiệt, bất kể mức cắt lỗ là 6% -7% như ông làm hay 10% như cách của Livermore. Livermore nhận xét: “Chấp nhận khoản lỗ nhỏ ban đầu là hành động sáng suốt… lãi tự bản thân nó là điều tốt đẹp nhưng lỗ thì không bao giờ như vậy” (1991, 7).
Đối với William O’Neil hay Livermore, lỗ chỉ là một phần trong quá trình giao dịch, và thà chịu nỗi đau nhẹ nhàng lúc này còn hơn sau này phải chịu cảnh “đau như đứt từng khúc ruột”. O’Neil tiết lộ: “Toàn bộ bí mật để thu được thành công lớn trên thị trường chứng khoán không phải là đúng mọi lúc, mà là thua ít nhất có thể khi sai”
Triết lý của William O’Neil về cơ bản là hệ thống theo xu hướng, nghĩa là bạn tìm cách tham gia vào thị trường khi xu hướng giá đi theo kỳ vọng, và tất nhiên, bạn sẽ muốn “bám theo xu hướng” lâu nhất có thể. Đối với O’Neil, mua được cổ phiếu chiến thắng mới chỉ là một nửa vấn đề, vì mấu chốt để kiếm được nhiều tiền nhất từ sóng tăng mạnh của các siêu cổ phiếu tiềm năng là phải biết xử lý đúng cách sau khi mua (nghĩa là cách bạn nắm giữ cổ phiếu như thế nào). Như Livermore từng nói, hiếm người nào có khả năng “ngồi yên và ôm chặt cổ phiếu khi đúng”. Vì thế, khả năng ôm chặt siêu cổ phiếu trong suốt xu hướng tăng mới là điều giúp O’Neil kiếm những khoản tiền lớn trên thị trường chứng khoán.
Điều này cũng tương tự nguyên tắc cơ bản mà Livermore ngầm nói đến khi phát biểu: “Chừng nào hành động giá của cổ phiếu còn đúng đắn và thị trường chung vẫn đang ở trong xu hướng tăng, đừng vội vàng chốt lãi”. Bạn không thể kiếm được các khoản tiền kếch xù nếu như không cho các siêu cổ phiếu thời gian và không gian để kiếm về cho bạn những khoản lợi nhuận lớn.
Trích Cách kiếm lợi nhuận 18.000% từ thị trường chứng khoán