5 cách nghĩ cho bạn cảm giác mình không bao giờ thiếu tiền
Có một thực tế kỳ lạ là cho dù có tăng lương bao nhiêu lần thì chúng ta vẫn luôn cảm thấy đồng lương của mình không bao giờ đủ tiêu, nhất là khi so sánh với những người có thu nhập cao hơn.
Lý do thì có nhiều vì mỗi nhà mỗi cảnh, hay đời sống tuỳ khu vực thành phố hay nông thôn sẽ có giá cả khác nhau vv và vv… nhưng nếu nhìn nhận một cách thực sự khách quan thì sẽ không có thước đo nào chính xác hơn là GDP trung bình. Theo đó, thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2015-2016 sẽ tương đương 1600 USD hay 36 triệu đồng mỗi năm. Giả dụ chỉ có một nửa dân số trong tuổi lao động thì có thể tạm coi rằng mỗi người đi làm sẽ mang lại thu nhập 72 triệu đồng/năm hay 6 triệu đồng/tháng. Các nguyên tắc về thống kê cho thấy thu nhập của phần lớn dân số Việt Nam sẽ phân bố xung quanh con số trên và chỉ cần ai đó có thu nhập cao hơn 6 triệu/tháng thì người đó đã thuộc nhóm trên trung bình rồi.
Tuy vậy, mọi lý thuyết đều có màu xám còn cây đời lại luôn mãi xanh tươi. Số người than phiền (một cách rất có lý) về thu nhập của mình chắc chắn sẽ luôn cao hơn 50% dân số đang đi làm. Nếu muốn thoát khỏi vòng kim cô “đau đầu vì chuyện kiếm tiền, điên đầu vì thấy thiếu tiền” thì các phương pháp dưới đây sẽ rất đáng tham khảo đấy:
Không so kè với người khác
Cách đây vài năm đài CNBC từng có buổi phỏng vấn một người trúng xổ số trị giá 10 triệu USD (sau thuế), và cô ta khẳng định chắc nịch rằng mình vẫn là người nghèo. Để so sánh thì tại thời đó, số tiền này tương đương với thu nhập của một gia đình Mỹ bậc trung trong… 200 năm liên tiếp, chỉ làm chứ không chi tiêu một đồng nào. Ấy vậy nhưng cô ấy cũng không sai chút nào khi đặt cạnh những người siêu giàu, gia tài 10 triệu USD lúc này sẽ chỉ đủ mua 1/5 căn hộ lầu cao tại trung tâm New York và thậm chí còn không đủ nửa vé cho chuyến bay du lịch ra ngoài vũ trụ. Nếu bạn muốn có tất cả thế gian, thì tất yếu là bạn sẽ luôn cảm thấy thất vọng. Nên nhớ rằng mỗi người trong chúng ta đều là một cá thể độc đáo, duy nhất với cuộc đời, trình độ, khả năng cũng như trải nghiệm… không thể nào lặp lại 100% y hệt nhau. Thế nên hãy dừng ngay việc so sánh mình với ai đó giàu có hơn, cuộc đời này quá ngắn cho những chuyện hoàn toàn vô nghĩa như vậy. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp của sai lầm thứ hai.
Không vung tay quá trán
Khả năng chi trả của những người khác nhau về thu nhập và nhu cầu sẽ hoàn toàn không giống nhau. Chạy theo mức chi tiêu cao vượt quá khả năng đáp ứng của thu nhập tự thân sẽ chỉ dẫn đến nợ nần mà thôi, duy trì lối sống này còn khiến bạn ngập trong vòng luẩn quẩn vay trả không bao giờ dứt. Trái lại, nếu nghĩ đến tương lai và tiết kiệm thì hãy giữ lối sống giản dị ngay cả khi thu nhập tăng lên. Các nghiên cứu về xã hội học cho thấy ngoại trừ số ít các trường hợp không thể tránh khỏi (rủi ro y tế, đầu tư dẫn đến nợ và trả lãi) thì phần lớn lý do của lối chi tiêu quá khả năng lại đến từ áp lực giữ thể diện khi so sánh gia đình hay bản thân mình với những nhà khác cùng trang lứa. Sống cho chính mình và nghĩ về tương lai bản thân sẽ là cách tiếp cận tỉnh táo hơn nhiều lối sống ảo nói trên.
Yêu lấy những điều tốt đẹp mà ta đang sở hữu, đừng dằn vặt mình bởi những thứ chưa có
Thực tế là sự thoả mãn khi đạt được các tham vọng về vật chất thường không kéo dài, các ước mơ nhà to hơn, xe đẹp hơn… ngay cả khi thành hiện thực cũng sẽ mất đi ý nghĩa rất nhanh chóng dù trước đó chúng có vẻ là điểm đến cuối cùng. Suy nghĩ quá nhiều về thứ mà chúng ta chưa có được sẽ chỉ đem lại cảm giác trống rỗng, nghèo túng trong khi bỏ quên những điều tốt đẹp trong đời mà tiền bạc cũng không thể mua được: sức khoẻ, gia đình, con cái thông minh ngoan ngoãn. Hãy nhớ đến bài học về cách nhìn đời qua ly nước, chỉ có nửa ly là thực tế khách quan bạn không (hay chưa) thể thay đổi ngay được, nhưng ly đó đầy hay vơi một nửa là cảm nhận chủ quan của duy nhất bản thân bạn mà thôi.
Coi cắt giảm chi tiêu như một trò chơi
Nhiều người thành công trong việc bỏ thuốc lá từng chia sẻ rằng họ coi nó như một trò chơi, mỗi ngày không hút thuốc là một chiến thắng nho nhỏ. Đây cũng là cách mà những người cổ suý cho phong trào sống tối giản đang áp dụng, lần lượt loại bỏ những thứ không phải là tối cần thiết cho tồn tại. Nếu bạn cho rằng hoá đơn truyền hình cáp hàng tháng hay bữa nhậu hàng tuần là cần thiết (cũng chả tốn kém bao nhiêu) thì hãy thử gạt bỏ chúng trong vài tuần xem sao? Bạn luôn có thể quay trở lại nếu cảm thấy không thể sống thiếu nó, nhưng nếu câu trả lời là “có thể” thì đó sẽ là minh chứng tuyệt vời cho khả năng chiến thắng chính mình của bạn, khoản tiền tiết kiệm được chỉ là giải thưởng phụ có ý nghĩa động viên mà thôi. Không phải vô cớ mà ngày càng nhiều người rất giàu có lại chọn lối sống đơn giản (thậm chí theo đuổi những môn thể thao khắc nghiệt), khi tiền bạc khiến cho tất cả các thứ có thể mua được đều trong tầm tay thì những giá trị không thể quy đổi ra tiền mới trở nên đáng quý. Bạn có định giá được ý chí của mình không?
Tìm kiếm giải pháp thay thế
Sức mạnh thương hiệu và công nghệ marketing đang chiếm tỉ trọng giá trị ngày càng lớn hơn với các sản phẩm tiêu dùng. Đó là mặt trái của nền kinh tế hiện đại và là tin vui với những người làm quảng cáo, nhưng điều gì cũng có hai mặt. Mặt tích cực là trên thị trường luôn tồn tại những lựa chọn tương đương về phẩm chất nhưng có giá tiền rẻ hơn nhiều. Khai thác tốt kênh thông tin vạn năng Internet sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều trong chi dùng hàng ngày khi sử dụng một cách thông minh các sản phẩm thay thế như vậy. Aspirin là một loại thuốc giảm đau đơn giản và đủ lâu để hết hạn bảo hộ bản quyền, điều này có nghĩa là ai cũng có thể sản xuất nó với chất lượng như nhau, vậy thì mua aspirin ngoại nhập thương hiệu mạnh với giá gấp 10 lần có phải là cách tiêu tiền khôn ngoan? Chịu khó tìm kiếm và bạn sẽ thấy không chỉ số dư sổ tiết kiệm của mình đang tăng lên, năng lực khai thác thông tin của bạn cũng sẽ sắc bén hơn hẳn đấy.
Nguồn: blog generali life
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live