5 câu chuyện để đời của Warren Buffett về ngày sinh nhật
Ngày 30/8/2020, tỉ phú Warren Buffett bước sang tuổi 90. Trong 9 thập kỉ với nhiều thăng trầm, huyền thoại đầu tư này để lại không ít câu chuyện giàu ý nghĩa cho hậu thế học hỏi.
Tỉ phú Warren Buffett – Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Berkshire Hathaway cũng đồng thời là chủ tịch và CEO tại nhiệm lâu nhất trong số các công ty thuộc chỉ số S&P 500.
Trong dịp sinh nhật lần thứ 90 năm nay, Warren Buffett có rất nhiều thành tích đáng để chúc mừng.
Được giới đầu tư kính trọng gọi với cái tên “Nhà tiên tri xứ Omaha”, Warren Buffett bắt đầu điều hành Berkshire Hathaway vào năm 1965 khi công ty này chỉ là một xưởng dệt đứng bên bờ vực phá sản.
Ngày nay, Berkshire đã trở thành một tổ hợp đa ngành với các công ty con như hãng kẹo See’s Candies, công ty bảo hiểm Geico, công ty kem Dairy Queen, hãng sản xuất pin Duracell, doanh nghiệp cho thuê máy bay NetJets, công ty năng lượng PacifiCorp, hãng sản xuất linh kiện hàng không Precision Castparts, công ty đường ray xe lửa BNSF, ….
Tổng giá trị thị trường của Berkshire Hathaway hiện lên tới 520 tỉ USD.
Theo Business Insider, ngoài các công ty con nói trên, tập đoàn của Warren Buffett còn có danh mục cổ phiếu khổng lồ với 5,7% vốn của Apple trị giá 123 tỉ USD, 12% vốn của Bank of America trị giá 27 tỉ USD và các khoản đầu tư vào Coca-Cola, JPMorgan Chase, Kraft Heinz cùng nhiều bluechip khác, tất cả đều có giá trị hàng tỉ USD.
Warren Buffett đã khơi dậy cảm hứng trong vô vàn lớp nhà đầu tư và lãnh đạo nổi tiếng, bao gồm hai nhà sáng lập Google – Sergey Brin và Larry Page, CEO Airbnb – Brian Chesky, CEO SoftBank – Masayoshi Son, Chủ tịch Virgin Galactic – Chamath Palihapitiya, và CEO quĩ đầu cơ Pershing Square – Bill Ackman.
Chủ tịch của Berkshire Hathaway còn được biết đến với các thương vụ đình đám như giải cứu Goldman Sachs, General Electric và Harley-Davidson trong khủng hoảng tài chính 2008, giúp tài trợ thương vụ Mars thâu tóm Wrigley cùng khoản thời gian này.
Từ năm 2000 đến nay, Warren Buffett đã chi hơn 46 tỉ USD để làm từ thiện nhưng hiện ông vẫn là người giàu thứ 3 thế giới với giá trị tài sản ròng 83 tỉ USD.
Thông qua một cam kết mà ông sáng lập cùng vợ chồng tỉ phú Bill và Melinda Gates năm 2010, Warren Buffett đã thuyết phục được hàng chục tỉ phú khác chi ra ít nhất một nửa gia tài của mình cho các mục đích cao đẹp.
Tuy đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, Warren Buffett vẫn có sức mạnh xoay chuyển thị trường và khiến giới đầu tư phải xôn xao. Việc Buffett bán sạch cổ phiếu hàng không hồi tháng 4 đã thu hút lời chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump. Quyết định giảm sở hữu cổ phiếu ngân hàng và đầu tư vào công ty khai thác vàng cũng khiến nhiều nhà đầu tư bàn luận sôi nổi.
Trong ngày sinh nhật lần thứ 90 của Warren Buffett, hãy cùng nhìn lại 5 câu chuyện đầu tư và quản trị của ông có liên quan đến ngày sinh nhật.
Mong đến khi trăm tuổi
Hãng bảo hiểm Geico là một trong những mảng kinh doanh lâu đời nhất và cũng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Berkshire Hathaway. Xét về doanh thu phí bảo hiểm, Geico đã vượt qua nhiều đối thủ lớn như Progressive hay Allstate.
Tuy vậy, Chủ tịch Warren Buffett vẫn muốn Geico phải vươn lên vị trí số 1 vào năm 2030.
Trong bức thư gửi cổ đông năm 2015, Buffett viết: “Vào ngày 30/8/2030 – tức sinh nhật lần thứ 100 của tôi – tôi dự định sẽ thông báo rằng Geico đã giành ngôi đầu. Hãy đánh dấu ngày này trong quyển lịch của quí vị đi”.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Warren Buffett lặp lại tham vọng chứng kiến Geico trở thành công ty bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ.
“Hi vọng rằng trong ngày sinh nhật thứ 100 của tôi, Geico sẽ thông báo với tôi rằng công ty đã vượt qua State Farm để giành ngôi đầu. Nhưng tôi cũng phải làm tốt phần việc của mình là sống được đến năm 100 tuổi”, Business Insider dẫn lời Warren Buffett nói.
Định luật Huggins
Năm 1972, Warren Buffett và người cộng sự Charlie Munger quyết định mua lại công ty sản xuất kẹo See’s Candies với giá 25 triệu USD và lập tức giao quyền điều hành cho Chuck Huggins.
Trong bức thư gửi cổ đông năm 1999, Warren Buffett đã không tiếc lời ca ngợi ông Huggins vì “phấn đấu không ngừng nghỉ để thu được cả sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ thân thiện”. Trong giai đoạn 1972 – 1999, See’s Candies đã tạo ra 857 triệu USD lợi nhuận trước thuế.
Theo bức thư của Warren Buffett, khi ông Huggins tiếp quản vị trí lãnh đạo See’s ở tuổi 46, lợi nhuận trước thuế của hãng kẹo này (tính theo triệu USD) chỉ bằng khoảng 10% tuổi của ông Huggins. Đến khi ông Huggins 74 tuổi, tỉ lệ này đã tăng lên thành 100%.
“Kể từ khi phát hiện ra qui tắc toán học này – tạm gọi là Định luật Huggins – cả tôi và Charlie luôn mừng vui khôn xiết mỗi khi đến sinh nhật của Chuck Huggins”, tỉ phú Warren Buffett nói đùa.
Món quà sinh nhật bất ngờ từ Mrs B
Năm 1983, Warren Buffett nhận được một món quà sinh nhật bất ngờ và rất có giá trị khi một bà chủ 89 tuổi có biệt danh Mrs B đồng ý bán công ty nội thất Nebraska Furniture Mart (NFM) cho Buffett.
Trong bức thư gửi cổ đông năm 2013, Buffett viết: “Tôi vẫn thường nhớ về ngày sinh nhật 30/8/1983 khi tôi tới gặp Mrs B (Rose Blumkin), mang theo tờ đề nghị mua lại NFM dài hơn một trang giấy mà tôi vừa soạn thảo”.
“Mrs B đồng ý lời đề nghị mua lại của tôi mà không thay đổi một câu một chữ nào. Và thế là chúng tôi hoàn thành thỏa thuận mà không có sự tham gia của ngân hàng hay luật sư”, Chủ tịch Berkshire Hathaway nói tiếp.
“Mặc dù báo cáo tài chính của Nebraska Furniture Mart (NFM) không được kiểm toán nhưng tôi chẳng có gì phải lo lắng. Mrs B giải thích cho tôi về các khoản mục và lời nói của bà ấy là quá đủ với tôi”.
Thương vụ thành công nhờ bữa tiệc sinh nhật
Theo Business Insider, trong bức thư gửi cổ đông năm 1996, Warren Buffett đã chia sẻ một ví dụ về “chiến lược mua lại phức tạp và được chuẩn bị cẩn thận” của Berkshire Hathaway.
Vào ngày sinh nhật lần thứ 40 của Jane Rogers – vợ của cháu họ của Buffett, nhà đầu tư tỉ phú ban đầu không muốn đến dự. Tuy nhiên sau khi biết mình được xếp ngồi cạnh ông Roy Dinsdale – bố của Jane Rogers, Warren Buffett đã đồng ý dự tiệc sinh nhật.
Trong bữa tiệc, ông Dinsdale tiết lộ rằng ông vừa mới tham dự một cuộc họp hội đồng quản trị của Kansas Bankers Surety (KBS)– một công ty bảo hiểm mà Buffett yêu thích từ lâu. Buffett nói với Dinsdale rằng nếu công ty bảo hiểm này muốn sáp nhập vào tập đoàn của ông thì hãy báo với ông một tiếng.
Vài tuần sau đó, Warren Buffett nhận được một bức thư của ông Dinsdale kèm theo các thông tin tài chính của công ty bảo hiểm KBS. Ngày hôm sau, Warren Buffett gọi cho ông Dinsdale và đề xuất trả 75 triệu USD để mua lại KBS. Hai bên nhanh chóng thống nhất thỏa thuận sáp nhập.
Warren Buffett nói đùa: “Giờ đây tôi đang tính kế để làm sao được mời đến bữa tiệc tiếp theo của Jane Rogers”.
“Nếu bạn có một công ty đáp ứng tiêu chuẩn mua lại của Berkshire nhưng tôi lại không đến dự bữa tiệc sinh nhật mà bạn có mặt thì bạn cứ mạnh dạn gọi điện cho tôi”, Buffett nói.
Giỏi trọng dụng nhân tài
Warren Buffett nổi tiếng với tài chiêu mộ và trọng dụng những nhà quản lí tài năng để điều hành các mảng kinh doanh đa dạng của Berkshire Hathaway. Nhờ vậy mà ông không phải bận tâm đến các hoạt động hàng ngày của tập đoàn và có thể tập trung vào chiến lược phân bổ nguồn vốn.
Ông minh họa thực tế này trong bức thư gửi cổ đông năm 1990 bằng một câu chuyện về lễ sinh nhật 4 tuổi của cô cháu gái Emily chỉ vài tháng trước đó.
Tại buổi sinh nhật, chú hề bảo cô bé Emily vẫy chiếc đũa thần bên trên một chiếc hộp ma thuật.
“Một chiếc khăn tay phẳng phiu được thả vào hộp nhưng sau khi Emily phẩy đũa, chiếc khen đã được buộc thắt nút lại”, Warren Buffett miêu tả. “Sau khi biểu diễn tiết mục đó 4 lần, lần sau lại kì diệu hơn lần trước, Emily đã thốt lên: ‘Ôi mình giỏi trò này thật đấy'”
“Đóng góp của tôi cho thành tích của Berkshire cũng như động tác phẩy đũa cô bé Emily, các quản lí tài năng của Berkshire mới là những ảo thuật gia thực thụ”, Warren Buffett nói và kể tên một vài siêu sao trong đội ngũ của Berkshire như gia đình Mrs B hay Chuck Huggins.
“Những siêu sao này xứng đáng được quí vị tán thưởng”.
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường