5 tay “đại bịp” trong lịch sử phố Wall
Trong những năm qua, phố Wall đã có nhiều vụ bê bối, nhiều vụ trong số đó đã để lại sự tuyệt vọng và mất mát. Chúng bao gồm tất cả mọi thứ, từ giao dịch nội gián đến những gian lận gây thiệt hại hàng triệu đô la cho các nhà đầu tư.
Để hiểu đầy đủ ảnh hưởng của những cá nhân lừa đảo này đến lịch sử tài chính, chúng ta cần tìm hiểu về họ, những gì họ đã làm và những “di sản” mà hành động sai trái của họ để lại. Mặc dù mỗi người một vẻ, nhưng tội ác của những con người này đều để lại những ảnh hưởng lâu dài, và bóng dáng của chúng vẫn còn đâu đó ở phố Wall dù nhiều năm đã trôi qua. Bài viết này sẽ đề cập đến năm tên lừa đảo nổi tiếng và dối trá nhất của phố Wall, đó là Michael de Guzman, Richard Whitney, Ivan Boesky, Michael Milken và Bernard Ebbers.
KỸ SƯ ĐỊA CHẤT NGƯỜI CANADA: MICHAEL DE GUZMAN
Michael de Guzman là người được cho là thủ phạm gây ra sự sụp đổ của công ty Bre-X nổi tiếng. De Guzman là kỹ sư địa chất cao cấp của Bre-X, và ông có quyền tiếp cận các mẫu lõi (core sample) lấy từ một mỏ ở In-đô-nê-xi-a. Khi số mỏ vàng được tìm ra ít hơn mức bình thường, De Guzman đã tiếp tay cho vụ gian lận khai thác mỏ lớn nhất trong lịch sử hiện đại bằng cách làm giả các mẫu để khiến mọi người tin rằng Bre-X đã tìm được một mỏ vàng khổng lồ. Con số ước tính lên tới 200 triệu ounce trong khi Bộ Tài chính Mỹ chỉ có khoảng 250 triệu ounce vàng dự trữ.
Vụ gian lận này được thực hiện bằng cách trộn vàng vào các mẫu để làm mọi người lầm tưởng rằng trong mỏ Indonesia có rất nhiều vàng. Kết quả là, cổ phiếu của Bre-X từ 4 xu tăng chóng mặt, lên tới mức cao như 250 US Canada (đã điều chỉnh sau quá trình chia tách). Đối với các nhà đầu tư, điều này có nghĩa là một khoản đầu tư 200 đô đã tăng vọt đến 1,25 triệu đô.
Tuy nhiên, các nhà địa chất độc lập đã nghi ngờ về mức độ giàu của mỏ vàng, và chính phủ Indonesia bắt đầu vào cuộc. De Guzman không thể chịu được áp lực và tự tử bằng cách nhảy khỏi máy bay trực thăng. Giá cổ phiếu Bre-X cũng vậy, nó đã gây thiệt hại 6 tỷ đô cho các nhà đầu tư.
TAY “CỜ BẠC” KÉM MAY: RICHARD WHITNEY
Richard Whitney vốn là chủ tịch của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) từ năm 1930 đến 1935. Ngày 24 tháng 10 năm 1929 (Thứ năm đen tối), với tư cách người được ủy thác của một nhóm các nhân viên ngân hàng, ông đã mua cổ phần trong nhiều công ty, tạo ra một sự chuyển biến đáng kể trên thị trường chứng khoán. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng, ca ngợi ông như một vị anh hùng, nhưng các cổ phiếu được đẩy giá đã không tránh khỏi việc rót giá mạnh năm ngày sau đó.
Whitney là một “con bạc” không may mắn; ông tích cực mua những cổ phiếu rẻ tiền và cổ phiếu blue-chip. Để bù lỗ của mình, ông đã vay tiền từ bạn bè, người thân và mối làm ăn quen biết. Với số tiền này, ông thậm chí càng mua vào nhiều cổ phiếu hơn và khi đó thị trường sắp sụp đổ, dẫn đến những bi kịch tồi tệ hơn.
Bất chấp sự thua lỗ của mình, ông vẫn sống một lối sống xa hoa. Khi không thể vay tiền được nữa, ông bắt đầu thụt két từ không chỉ các khách hàng của mình mà còn từ một tổ chức hỗ trợ những góa phụ và trẻ mồ côi. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi ông biển thủ tiền của Quỹ quán thưởng NYSE – quỹ có nghĩa vụ trả 20.000 USD cho bất động sản của mỗi thành viên khi họ chết.
Sau khi kiểm toán phát hiện ra vụ việc, ông đã bị buộc tội với hai tội danh tham ô và bị kết án 5 đến 10 năm tù giam. Sau vụ việc này, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), khi đó mới thành lập, đã đặt giới hạn trần cho số nợ của một công ty và tách biệt tài khoản của khách hàng khỏi các tài sản của công ty môi giới.
KẺ THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG: IVAN BOESKY
Ivan Boesky bắt đầu sự nghiệp phân tích chứng khoán ở phố Wall vào năm 1966. Năm 1975, ông thành lập công ty arbitrage của riêng mình, và vào những năm 1980, giá trị tài sản ròng của ông được ước tính đạt hàng trăm triệu đô. Boesky tìm kiếm các công ty là mục tiêu của các vụ thôn tính. Ông sẽ mua cổ phần của các công ty này với dự đoán rằng tin tức về vụ thôn tính sẽ sớm được công bố, sau đó ông sẽ bán cổ phiếu để kiếm lời.
Trong suốt những năm 80, các vụ sáp nhập và thôn tính công ty vô cùng phổ biến. Theo một bài báo trong tạp chí Time ngày 1 tháng 12 năm 1986, đã có gần 3.000 vụ sáp nhập trị giá 130 tỷ USD riêng trong năm đó. Tuy nhiên, thành công của Boesky không phải do bản năng: Trước khi các thương vụ được công bố, giá của các cổ phiếu tăng lên do ai đó đã hành động dựa trên thông tin nội gián rằng vụ thôn tính hoặc mua lại bằng vốn vay (leveraged buyout) sẽ được công bố. Đây là một dấu hiệu của giao dịch nội gián bất hợp pháp, và sự dính líu của Boesky vào hoạt động bất hợp pháp này được phát hiện vào năm 1986 khi Tập đoàn Maxxam được chào mua Pacific Lumber. Ba ngày trước khi thương vụ này được công bố, Boesky đã mua 10.000 cổ phiếu.
Với các hoạt động nội gián của mình, Boesky đã bị buộc tội thao túng cổ phiếu dựa trên thông tin nội gián vào ngày 14 tháng 11 năm 1986. Ông đồng ý nộp phạt 100 triệu USD và phải ngồi tù. Ông cũng bị cấm giao dịch chứng khoán cả đời. Ông đã hợp tác với Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), ghi âm lại cuộc nói chuyện của ông với các công ty có “trái phiếu rác” và các công ty thôn tính. Kết quả là cả ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert và giám đốc điều hành cao nhất của ngân hàng này, Michael Milken, đã bị buộc tội gian lận chứng khoán.
Sau vụ việc của Boesky, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Giao dịch nội gián năm 1988. Đạo luật này tăng mức xử phạt đối với giao dịch nội gián, và trao thưởng tiền mặt cho những ai chỉ điểm và cho phép cá nhân khởi kiện khi bị thiệt hại bởi các hành vi giao dịch nội gián.
VUA “TRÁI PHIẾU RÁC”: MICHAEL MILKEN
Trong những năm 80, Michael Milken được biết đến với cái tên “vua “trái phiếu rác”. Trái phiếu rác (còn gọi là trái phiếu lãi suất cao) không khác gì một khoản cho vay dành cho các công ty rủi ro vỡ nợ cao, nhưng các công ty này hứa hẹn tỷ suât lợi nhuận cao. Nếu bạn muốn gọi vốn thông qua loại trái phiếu này, hãy tìm đến Milken. Ông sử dụng chúng để tài trợ cho các vụ sáp nhập và mua lại (M&A) cũng như mua lại bằng vốn vay (leveraged buyout) cho công ty thu mua.
Nhưng thực chất, ông đang cố tạo ra mô hình hình tháp (pyramid scheme) phức tạp. Khi một công ty vỡ nợ, ông sẽ tái tài trợ cho một số khoản nợ của công ty đó. Cả Milken và ngân hàng Drexel Burnham Lambert sẽ tiếp tục thu phí từ hành vi này. Khoảng một nửa lợi nhuận của công ty đến từ việc làm của Milken.
Sau đó, Milken cũng bắt đầu mua cổ phiếu của những công ty mà ông biết rằng sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm. Boesky, khi bị buộc tội giao dịch nội gián vào năm 1986, đã giúp đưa ra bằng chứng buộc tội cả ngân hàng và Milken trong một số vụ bê bối giao dịch nội gián. Kết quả là, ngân hàng đã bị buộc tội hình sự và hơn 70 cáo buộc chống lại Milken. Ông đã nhận tội và bị kết án 10 năm tù giam đồng thời buộc phải trả 1 tỷ USD tiền phạt.
Người ta cho rằng cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ (savings and loan crisis) vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 xảy ra bởi vì có quá nhiều tổ chức giữ lượng trái phiếu rác của Milken. Sau khi ra khỏi nhà tù, Milken dồn toàn tầm cho quỹ của mình, giúp hỗ trợ nghiên cứu ung thư.
Kẻ gian lận báo cáo tài chính: Bernard Ebbers
Bernard “Bernie” Ebbers là CEO của một công ty viễn thông đường dài được gọi là WorldCom. Trong chưa đầy hai thập kỷ, ông đã đưa công ty lên vị trí thống trị trong ngành viễn thông, nhưng ngay sau đó, vào năm 2002, công ty này nộp đơn xin phá sản và đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Trong khoảng thời gian sáu năm, công ty đã thực hiện 63 vụ mua lại, vụ lớn nhất là MCI vào năm 1997. Tất cả các vụ mua lại đều đặt ra vấn đề cho công ty này vì rất khó để tích hợp một công ty cũ với một công ty mới. Các vụ mua lại này làm tăng các khoản nợ trên bảng cân đối kế toán của công ty. Để giữ cho thu nhập tăng trưởng, công ty đã xóa lỗ trị giá hàng triệu đô la trong quý hiện tại và sau đó chuyển những khoản lỗ nhỏ hơn cho các quý sau để ngụy tạo rằng công ty đang làm ăn tốt. Mánh khóe này đã giúp WorldCom chỉ mất khoản phí nhỏ cho lợi nhuận thu được hàng năm và san số lỗ trong nhiều thập kỷ. Âm mưu này vẫn thực hiện tốt cho đến khi Bộ Tư pháp Mỹ không chấp nhận vụ mua lại công ty Sprint trong năm 2000, vì sợ rằng các công ty sau khi kết hợp sẽ thống trị ngành viễn thông của quốc gia này. Điều này buộc WorldCom phải tận dụng các vụ sáp nhập trước đó, và có nghĩa là sớm hay muộn thì tất cả khoản lỗ do các vụ mua lại khác sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của công ty.
Khi WorldCom nộp đơn phá sản, công ty này đã thừa nhận sai phạm trong việc ghi chép các khoản lỗ từ vụ các mua lại từ năm 1999 đến 2002. Ebbers cũng xin các khoản vay cá nhân từ công ty. Ông từ chức CEO vào tháng Tư năm 2002 và sau đó bị buộc tội gian lận, âm mưu và nộp hồ sơ giấy tờ giả mạo cho Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC). Ông bị kết án 25 năm tù giam.
Vụ việc của Ebbers đã dẫn đến sự thắt chặt của các tiêu chuẩn báo cáo tài chính đồng thời sự ra đời của Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002. Ngoài ra, các khoản vay cá nhân cho cán bộ công ty cũng bị cấm và các hình phạt cho tội phạm tài chính trở nên nghiêm khắc hơn.
Lời kết
Từ những ngày đầu tiên của phố Wall, đã có những kẻ tội phạm ngụy tạo vẻ ngoài trung thực cho những ý đồ trục lợi xấu xa của mình. Nhiều người trong số này nhanh chóng “phất lên” nắm quyền hành để rồi cuối cùng phải “hạ cánh” trong sự ê chề. Ivan Boesky, Michael Milken, Bernard Ebbers và Richard Whitney chính là những trường hợp như thế. Ví dụ của họ cho thấy rằng bất chấp quy định, mọi người vẫn sẽ cố gắng tìm cách lách luật hoặc đơn giản là coi thường luật pháp vì một mục đích: thỏa mãn lòng tham bằng mọi giá.
Nguồn: Happy Live tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư