fbpx

6 bài học cơ bản về thuế bạn cần dạy cho trẻ

Việc truyền đạt một số nguyên tắc cơ bản về thuế và tài chính cá nhân không chỉ giúp con trẻ chuẩn bị tốt hơn cho tuổi trưởng thành, mà còn giúp truyền đạt ý thức chia sẻ trách nhiệm đối với các hàng hóa công cộng. Dưới đây là hướng dẫn một số bài học về thuế mà bạn nên dạy cho trẻ phù hợp với lứa tuổi của chúng.

Giai đoạn tiểu học

Trẻ em từ 5 tuổi trở lên là có thể bắt đầu học về thuế. Hãy chẻ nhỏ các khái niệm thành những thuật ngữ đơn giản nhất và sử dụng ví dụ thực tế để minh họa. Bạn có thể tham khảo những bài học sau đây:

Thuế là gì?

Lần tới khi dẫn con đi mua sắm – ở cửa hàng tạp hóa chẳng hạn – hãy thử mua một món đồ có giá tròn 10.000đ (hoặc 20.000đ, 50.000đ…, để có thể dễ dàng minh họa các tính toán).

Khi tính tiền tại quầy, hãy chỉ cho con bạn thấy dù món đồ được niêm yết với giá đó, nhưng số tiền thực tế chúng ta phải thanh toán thường cao hơn một chút. Khoản chênh lệch này chính là thuế, được trả cho chính phủ.

Một khi con bạn nhận thức được rằng hàng hóa bị đánh thuế, con sẽ thắc mắc tại sao, dẫn đến bài học cơ bản tiếp theo.

Tại sao chúng ta phải đóng thuế?

Trẻ em trong độ tuổi đi học sẽ thường xuyên tương tác với những cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng bằng tiền thuế. Bạn hãy chỉ ra các công viên, sân chơi, bưu điện, đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học và các dịch vụ hàng hóa phổ biến khác được chính phủ tài trợ mà trẻ thường xuyên nhìn thấy hay đã từng trải nghiệm. Và nói thêm rằng khi con lớn lên, khoản thuế con đóng sẽ tiếp tục được dùng chi trả cho nhiều dịch vụ khác mà con sử dụng. Không phải giải thích nhiều về kỹ thuật hay chính trị – chỉ cần giúp trẻ em hiểu được một cách cơ bản khái niệm tiền thuế sẽ đi về đâu.

Trung học cơ sở

Lên cấp 2, trẻ có khả năng hiểu về tiền bạc và xã hội ở mức phức tạp hơn và sẵn sàng cho những bài học sâu hơn về thuế. Một số bài học đáng được chia sẻ ở độ tuổi này bao gồm:

Có những loại thuế nào?

Lúc này con đã quen thuộc với thuế đánh trên hàng hóa dịch vụ (mà ở VN gọi là thuế giá trị gia tăng – VAT), nhưng các loại thuế khác, chẳng hạn như thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội, thuế tài sản vv… có thể con chưa hiểu rõ. Bạn hãy thử tìm cách cung cấp cho con khái niệm tổng quan về mỗi loại thuế này. Chẳng hạn, bạn có thể minh họa thu nhập từ việc làm thông qua ví dụ của chính mình: chỉ ra số tiền bạn phải đóng cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế thu nhập, và tóm tắt ý nghĩa của từng loại.

Tại sao tiền lương chúng ta thực nhận lại nhỏ hơn ta nghĩ?

Giải thích nội dung phiếu lương của bạn cũng là một cách hữu ích để dạy trẻ về ảnh hưởng của các loại thuế lên thu nhập của chúng ta. Từ đó nhắc con lưu ý rằng việc lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng của gia đình sẽ dựa trên tiền lương thực nhận.

Từ trung học trở lên

Học sinh cấp 3 thường đã trải nghiệm việc đóng thuế thông qua công việc bán thời gian hoặc khi mua sắm. Bây giờ là lúc chuẩn bị cho các bạn trẻ biết cách quyết toán thuế thu nhập hàng năm, cũng như các tình huống thuế phức tạp hơn ở tuổi trưởng thành.

Chuẩn bị cho việc quyết toán thuế như thế nào?

Con cần hiểu rằng việc quyết toán thuế hàng năm là trách nhiệm phải làm, ngay cả khi tiền làm thêm của chúng chưa đến ngưỡng đóng thuế. Vì vậy khi con có công việc đầu tiên, bạn hãy hướng dẫn chúng lưu trữ các giấy tờ như hợp đồng, phiếu lương hay bất kỳ tài liệu nào khác liên quan.

Tại sao tôi phải đóng thuế nhiều như vậy?

Con bạn có thắc mắc tại sao thuế lại quá cao? Nếu có, hãy khuyến khích con tìm hiểu về vai trò của chính phủ trong việc thiết lập chính sách thuế. Ví dụ như, Quốc hội phải thông qua các dự luật để có thể tăng hoặc giảm thuế. Đó là lý do tại sao con phải trở thành những công dân được thông tin, được tham gia, và cần quan tâm đến việc bầu cử và bỏ phiếu khi con tròn 18.

Mặt khác, việc giúp con hiếu tầm quan trọng của thuế trong việc tài trợ cho các dịch vụ cơ bản có thể trang bị cho con khả năng đưa ra những quyết định chính yếu khi trưởng thành.

Mặc dù vấn đề thuế má nghe có vẻ nhức đầu, ngay cả đối với nhiều người lớn, thì chủ đề này cần được nhận thức sớm từ khi chúng ta mới bắt đầu rèn luyện các thói quen tài chính lành mạnh. Giúp trẻ hiểu các khái niệm cơ bản của thuế từ bây giờ sẽ góp phần đảm bảo một tương lai tài chính tươi sáng hơn cho con sau này.

Nguồn: Wise Bread/ BeRich

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề