7 bài học từ “thầy giáo” Elon Musk: Bỏ học không có nghĩa là ngừng học
Hành trình trở thành tỷ phú của Elon Musk chứa đựng đầy những bài học giá trị và đầy ý nghĩa. Thành công với 3 công ty thuộc 3 lĩnh vực khác nhau, Elon Musk là một hình mẫu điển hình truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp thế giới.
1. Chất lượng nói lên tất cả
“Tôi nghĩ mọi người nên tập trung hơn vào sản phẩm, để khách hàng không thể cưỡng lại thành phẩm trên thị trường.” – Elon Musk chia sẻ.
Bạn có biết Tesla gần như không có ngân sách marketing?
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường xe điện, Tesla vẫn là một trong những “tấm gương” trong ngành với đợt IPO thành công vào năm 2010 và số lượng đơn đặt hàng luôn vượt quá sản lượng thực tế.
Khi được hỏi về “bí mật của Tesla”, Elon Musk chỉ có một câu trả lời: “Cố gắng không ngừng để sản xuất ra chiếc xe tốt nhất có thể.”
Phần lớn ngân sách của Tesla (và hơn 70% thời gian của Musk) được dồn vào khâu nghiên cứu và phát triển.
Dù là một gương mặt đại diện của công ty, nhưng Musk chỉ dành từ 2% đến 3% quỹ thời gian cho phỏng vấn, vị CEO ngày còn thẳng thừng giảm thời gian trả lời báo chí xuống còn 1% để tiếp tục tập trung vào nghiên cứu và phát triển.
Theo Musk, qua thời gian, chất lượng sẽ “đè bẹp” những chiến dịch marketing có cánh. Chất lượng sản phẩm không chỉ biến khách thành “fan trung thành” mà còn là một “cỗ máy quảng cáo” hiệu quả nhất thị trường.
2. Chủ động đón nhận chỉ trích
“Khi nói chuyện với khách hàng về Tesla Model S, tôi không muốn nghe những điểm tốt, tôi muốn họ chia sẻ thẳng thắn về những hạn chế của xe.” – Elon Musk trả lời trên Hubspot.
Đối với những nhà sáng lập, phản hồi từ khách hàng là một trải nghiệm không mấy thoải mái, vì hơn ai hết, họ là bên đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” từ những ngày đầu.
Chỉ cần một vài chỉ trích, “giấc mơ” có khả năng biến ngay thành “ác mộng”.
Nhưng Musk không chỉ đón nhận, Musk còn chủ động tìm kiếm chỉ trích.
Nhờ vào động thái này, từ Tesla đến SpaceX, những sản phẩm của Musk dường như đi trước các đối thủ với tính năng vượt trội, vì Musk đã tập trung dập tắt mọi chỉ trích và lấy nó làm “kim chỉ nam” cho phát triển.
3. Từ bỏ ý định “đa nhiệm”
“Tôi khuyên mọi người chỉ nên tập trung vào một việc và cống hiến càng nhiều càng tốt. Làm từ sớm tới khuya, nghĩ về nó trong lúc đi ngủ, 7 ngày một tuần, không bao giờ dừng lại. Đó chính là việc bạn phải làm nếu muốn làm chủ công ty” – Elon Musk trả lời trên Inc.com.
Nhiều nguồn tin cho hay Musk phải làm đến hơn 100 giờ mỗi tuần, ngủ tại công ty và nhiều lần “phát điên” khi mọi chuyện không theo đúng kế hoạch.
Chính vì thế, bài học mà Musk sẽ lặp đi lặp lại cho những tâm hồn đam mê khởi nghiệp là “đừng ảo tưởng quá đà”, mọi người cần tập trung toàn bộ thời gian, công sức và tài sản vào một mô hình kinh doanh duy nhất.
4. Chăm chỉ là mẹ thành công
Khi thành lập công ty đầu tiên, Musk và anh thay phiên nhau ngủ trên chiếc ghế đặt ngay trong phòng trong lúc người kia tranh thủ làm việc. Cả hai chỉ thực sự nghỉ ngơi khi qua trung tâm cộng đồng gần đó để tắm rửa.
Sau một thời gian, Musk quyết định ngồi làm việc và ngủ trực tiếp ngay tại bàn, một thực tập sinh được tuyển và giao nhiệm vụ đánh thức Musk vào mỗi sáng để ông tiếp tục làm việc.
Nghe như là “cực hình”, nhưng đó là bí quyết thành công lớn nhất của Elon Musk.
Theo Musk, nếu như không sẵn sàng đánh đổi để khởi nghiệp, thì bạn chỉ đang “cố tình” biến cuộc đời của mình thành “địa ngục”.
Nhất là khi giới trẻ ngày nay đã quá quen với việc “đi tắt, đón đầu”. Không gì có thể thay thế được nỗ lực và quyết tâm của một nhà sáng lập.
Nhưng không phải chỉ biết “nhắm mắt” mà làm, một khi thương hiệu của bạn bắt đầu đi lên, có dòng tiền ổn định … nhà sáng lập thông minh sẽ biết cách giao những công việc tốn nhiều thời gian lại cho người khác, và bắt đầu tập trung vào những việc “vĩ mô” hơn.
5. Lường trước “nước cờ tàn”
Chẳng ai muốn đầu tư toàn bộ công sức và tuổi trẻ của mình vào công ty, nhưng rốt cuộc lại chịu cảnh “chết dí” trong văn phòng 90 giờ mỗi tuần và không lúc nào ngừng stress về công việc.
Quá nhiều nhà sáng lập đã trở thành “nô lệ” cho thành công của mình.
Đó là lý do họ phải học hỏi từ Musk, người luôn có kế hoạch “đào thoát” tuyệt vời. Các thương vụ thành công nhất của Musk đều theo một kịch bản: Khám phá – Phát triển – Bán đứt.
Vào năm 1999, Musk bán công ty đầu tiên của mình (Zip2) cho Compaq với giá 307 triệu USD, sau đó đầu tư 10 triệu USD vào X.com (tiền thân của Paypal) và sau này bán toàn bộ cổ phần Paypal cho eBay với giá 1,5 tỷ USD.
6. Sẵn sàng đón nhận thất bại
“Thất bại là kết quả đương nhiên, chưa trải nghiệm thất bại đồng nghĩa bạn chưa mạnh dạn sáng tạo.” – Elon Musk chia sẻ trên Inc.com.
Tất cả thương hiệu mà Musk “nhúng mũi” vào đều đòi hỏi một trí tưởng tượng phi thường, từ Internet, thanh toán điện tử cho đến xe điện và du hành không gian, những “canh bạc” đã đem về thắng lợi hàng tỷ USD.
Đó cũng là một lý do mà Musk chủ động đầu tư hơn 100 triệu USD vào SpaceX, ông thừa biết công ty non trẻ chắc chắn sẽ đón nhận thất bại, và sự thật là thế, SpaceX phải phóng đến lần thứ 3 mới thành công.
Sau những nỗ lực của mình, Musk đã đem về cho SpaceX một hợp đồng trị giá đến 1,6 tỷ USD cho NASA.
7. Luôn hướng tới mục đích cao cả
Trong hầu hết cuộc phỏng vấn, Elon Musk không bao giờ chủ động nhắc tới tiền hay lợi nhuận.
Dù Elon Musk có đủ tiền để sống sung sướng hết đời, nhưng ông không coi đó là mục tiêu của đời mình.
Musk đưa giấc mơ của mình vào những công ty, SpaceX sẽ là nền tảng cho du hành không gian và “xâm chiếm” hệ mặt trời, Tesla sẽ giúp cả trái đất trở nên an toàn và trong lành hơn.
Cũng vì lẽ đó, các nhà đầu tư nhanh chóng tin tưởng và đổ tiền tỷ để trở thành một phần nhỏ của tương lai.
Nguồn: CafeBiz
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh