7 nguyên tắc giúp bạn có thể kết nối với bất cứ ai
“Nếu bạn muốn kết nối với tôi, tôi hy vọng bạn đã chuẩn bị sẵn sàng một ý tưởng về một vấn đề nào đó có thể giúp ích cho tôi mà không chỉ ở riêng bạn. Tôi rất muốn đón nhận và dẫn dắt nhiều bạn trẻ tiềm năng nhất có thể, chứ không phải những con người của vấn đề ‘Em gặp có vấn đề a-b-c, anh hãy giúp em đi’. Xin lỗi bạn, vì tôi chỉ có 24 giờ mỗi ngày và một khi mở lòng để bạn bước vào cuộc sống của mình, tôi đã cắt đi thì giờ dành cho những công việc quan trọng, thì giờ ở bên con cái và những người thân yêu,… Bạn có thật sự muốn bước vào cuộc đời tôi không? Thế thì hãy cho tôi biết lý do tại sao bạn quan trọng?
(*) Bài viết được trích từ sách Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng – Chiến lược làm chủ vận mệnh hoàn hảo, xem thêm thông tin sách tại đây:
Đây là tâm tình không chỉ của riêng tôi mà còn rất nhiều người mà bạn muốn kết nối trong tương lai nữa. Ở phần hướng dẫn các bước kết nối này, bạn sẽ trang bị được kiến thức và cho họ thật nhiều lý do để kết nối với bạn.
Bước 1: Tìm cách kết nối với những siêu kết nối
Có lẽ chúng ta đều biết đến ít nhất một nhân vật siêu kết nối nào đó, họ là người có mạng lưới quan hệ cực kỳ quyền năng, đến mức có thể sử dụng nó một cách chiến lược để liên hệ bất cứ ai họ mong muốn. Chuyên gia kết nối này giống như tụ điểm gắn kết những con người cùng chung những mối quan tâm hoặc thuộc một hệ sinh thái nhất định, nhờ đó họ sẽ đóng vai trò cầu nối giữa bạn với những người phù hợp khi cần.
Kết nối với siêu kết nối là một trong những cách nhanh nhất để phát triển mạng lưới nghề nghiệp của bạn, nhưng tìm thấy họ bằng cách nào? Và khi đã định vị được đối tượng siêu kết nối, làm thế nào để kết nối và xây dựng mối quan hệ với họ? Nhân vật siêu kết nối của bạn có thể đang ở rất gần mà bạn có cơ hội để tiếp cận trực tiếp, chẳng hạn như đồng nghiệp nhiều năm kinh nghiệm, người quen của người quen, các chuyên gia chia sẻ ở các buổi hội thảo, khóa học hoặc tiếp cận gián tiếp thông qua phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Youtube,…
Bước 2: Có một ý tưởng sẵn sàng trong đầu
Internet và mạng xã hội hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong việc tìm kiếm và liên hệ với người ta muốn kết nối, nhưng bạn đừng bao giờ quên điều này: không có gì đánh bại sự tiếp xúc trực tiếp. Trước khi bạn bắt đầu tham gia một sự kiện, hội thảo, hãy làm rõ các mục tiêu để có thể tối ưu hóa hành động của mình. Hãy dành thời gian suy nghĩ về lý do tại sao bạn tham dự, người bạn muốn trao đổi và kết quả bạn muốn đạt được. Nếu thiếu đi mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ không thể đo lường mình thành công hay không.
Khi đã tìm hiểu được danh sách những người tham dự, bạn có thể lưu ý các cá nhân cụ thể mà mình muốn gặp, trong trường hợp không có danh sách và cũng không có đối tượng cần kết nối chính xác, bạn có thể tạo ra hình mẫu những người bạn muốn kết nối, họ có thể là chuyên gia trong một lĩnh vực, khách hàng tiềm năng,…
Bước 3: Có những bất ngờ thú vị dành cho người mình muốn kết nối
>> Đây là phần chia sẻ rất tâm đắc của tác giả, bạn có thể xem chi tiết bài viết tại đây
Tìm điểm tương đồng bất ngờ
Lưu giữ thông tin các mối quan hệ
Tạo bất ngờ tức thời
Thể hiện lòng cảm kích và nói lời cảm ơn
Bước 4: Tạo giá trị
Nhiều người nghĩ rằng khi bạn kết nối với ai đó và đưa ra đôi chút giá trị, bạn có thể ngay lập tức nhận được giá trị từ họ bằng cách yêu cầu lợi ích, ưu ái,… Họ đã mắc sai lầm lớn!
Đừng yêu cầu những người quan trọng mà bạn vừa gặp phải ngay lập tức thực hiện một điều gì đó cho bạn với giá trị tương xứng hoặc ít hơn so với việc bạn đã làm cho họ. Hãy hình dung chất lượng của các kết nối và mối quan hệ bạn xây dựng tựa như tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Tất cả những gì bạn làm cho người khác được ví như tiền vốn ban đầu. Bạn chỉ bắt đầu rút tiền từ tài khoản dưới hình thức nhận lại giá trị dựa vào mối quan hệ sau khi đã tích lũy đủ số tiền gửi vì khoản vốn gốc tăng trưởng đáng kể.
Để kết nối một cách chiến lược, bạn phải có khả năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ của mình trước khi bạn cần tận dụng nó. Bạn phải trở nên thoải mái với việc gặp gỡ mọi người và nuôi dưỡng các mối quan hệ mà không vụ lợi.
Bước 5: Cho đi
Không có mối quan hệ bền chặt nào được thiết lập qua một đêm, thậm chí phải mất nhiều năm để tạo dựng niềm tin giữa người với người. Tôi nhận ra rằng các mối quan hệ thiết lập ngày hôm nay có thể không gặt hái được quả ngọt suốt nhiều năm liền.
Trong cuốn sách Cho và Nhận, tác giả Adam Grant cho rằng có ba kiểu người cơ bản trong một mối quan hệ: người cho (giver), người nhận (taker) và người sòng phẳng (matcher). Người cho thường tìm cách để trở nên hữu ích và chia sẻ cho người khác. Ngược lại, người nhận tập trung vào việc đạt lợi ích càng nhiều càng tốt từ người khác. Còn người sòng phẳng nhận lại một thì sẽ không cho đi hai. Qua quá trình nghiên cứu, Adam Grant phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo xuất chúng nhất thuộc tuýp người cho đi.
Một mối quan hệ tuyệt vời là đôi bên cùng có lợi. Bạn có thể bắt đầu một mối quan hệ với ý nghĩ lấy đi một cái gì đó từ đối phương, nhưng người biết cách xây dựng các mối quan hệ sẽ không chỉ nghĩ về những gì mình muốn. Bạn coi việc cho đi là cách tốt nhất để thiết lập một mối quan hệ chân thực và lâu dài. Khi đó, chúng ta đang sống trong những kết nối tuyệt vời và cũng hình thành những tình bạn tuyệt vời không ngờ đến. Tuy nhiên, bạn cũng phải cẩn trọng để tránh mắc bẫy hy sinh quá mức vì cho đi toàn bộ năng lượng mình có, dẫn đến cảm giác chán nản, kiệt sức và cuối cùng rơi xuống nhóm có cuộc sống kém trọn vẹn nhất (thấp hơn cả nhóm người luôn chỉ biết nhận).
Hãy cho đi hợp lý và tử tế một cách khôn ngoan. Đó là khi bạn cho đi và giúp đỡ người khác nhưng vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt tình và động lực làm việc bên trong, bạn tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống trong công việc của mình.
Bước 6: Luôn pinging người kết nối
Lần cuối bạn gửi cho người khác những thông tin giá trị với họ hoặc lời nhắn hỏi thăm là khi nào? Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta, do lịch làm việc bận rộn đã quên mất hoặc không tìm thấy thời gian trống để làm điều chưa gấp nhưng quan trọng đó. Một trong những bài học quý giá nhất, mà theo tôi chiếm đến 80% thành công của quá trình xây dựng mối quan hệ chính là ý tưởng “luôn hiện diện” hay giữ liên lạc. Tại sao vậy? Bởi vì nếu bạn không nằm trong nhóm người xuất hiện đầu tiên (top of mind) trong suy nghĩ của họ, khi có cơ hội giới thiệu về bạn, lời giới thiệu đó sẽ rơi vào tay người khác.
Tôi gọi hành động liên tục giữ lửa cho mạng lưới các mối quan hệ của mình là “pinging” – một thuật ngữ thường gặp trên mạng xã hội để đưa một người vào “tầm ngắm liên hệ”. Đây có thể là những lời hỏi thăm ngắn gọn, lời chúc mừng các sự kiện cá nhân đặc biệt như sinh nhật, ngày kỷ niệm hoặc những chia sẻ thông tin hữu ích. Đối với những mối quan hệ thân thiết, tôi sẽ pinging họ một cách chân tình nhất với thông điệp chung là “tôi nhớ đến bạn vì bạn là người quan trọng đối với cuộc sống của tôi”, theo đó bạn có thể tùy chỉnh cách truyền đạt thông điệp cho những đối tượng khác nhau theo hình thức khác nhau. Đối với những mối quan hệ trong làm ăn kinh doanh, tôi thường tìm một điều gì đó mang giá trị để thể hiện rằng tôi quan tâm đến họ và sẵn sàng giúp đỡ họ, chẳng hạn như những cập nhật mới trong ngành, các báo cáo nghiên cứu, lời khuyên uy tín, sách,… Bên cạnh đó, tôi cũng thường để ý và gửi lời chúc mừng mỗi khi thành viên quan trọng nào đó trong mạng lưới của tôi thăng chức, đạt thành tựu lớn trong cuộc sống, hay có tin mừng như thành hôn hoặc chào đón một thành viên mới trong gia đình,…
Càng độc đáo, cử chỉ quan tâm của bạn càng được ghi nhớ.
Bước 7: Tạo nhiều giá trị hơn lặp đi lặp lại
Người yêu bạn có thể chấp nhận “đợi chờ là hạnh phúc”, nhưng những mối quan hệ quan trọng khác trong cuộc đời bạn thì không.
Phải công nhận một điều rằng chất lượng của tương tác là rất quan trọng, nhưng tần suất các tương tác đó cũng quan trọng không kém. hực hiện một loạt các tương tác nhỏ, tăng giá trị thực ra giúp bạn xây dựng mối quan hệ hiệu quả hơn so với hai tương tác lớn nhưng thời gian cách xa nhau. Nếu để ý, bạn sẽ thấy thời các ngôi sao “đóng cửa tu luyện” vài năm để cho ra lò album chính thức có số lượng nhạc phẩm lớn (khoảng 10 ca khúc) đã lạc vào dĩ vãng. hay vào đó là những đợt ra mắt single album chỉ sau mỗi vài tháng để khán giả liên tục nhớ đến mình. Bạn có tin không nào?
Nói cho tôi biết những tài sản lớn mà bạn có hiện tại là gì? Là tuổi trẻ, là nhuệ khí, là bộ óc khao khát tìm tòi hay kiến thức chuyên môn,… Bạn có thể kiến tạo được những gì từ khối tài sản đó? Bạn có thể đóng góp những giá trị nào cho mạng lưới các mối quan hệ của mình?
Hãy suy nghĩ về 5 người quan trọng nhất và chọn ra 5 người quan trọng tiếp theo trong danh sách 50 người thuộc chiến lược kết nối 5+50+100 của bạn, rồi đánh giá mức độ quan tâm thường xuyên của mình đối với họ, liệu chúng có nhất quán và tạo ra giá trị liên tục không?
– Thái Phạm –
Bài viết trích từ sách:
THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG XÂY DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG