8 kiểu người thường gặp vấn đề với tiền bạc, bạn có tìm thấy mình trong số đó?
Có rất nhiều yếu tố quyết định bạn có thành công với việc quản lý tiền bạc hay không, trong đó, thói quen và đặc điểm tính cách của bạn có lẽ là một trong những yếu tố lớn nhất. Nếu bạn xem qua danh sách các kiểu người trong bài viết dưới đây và thấy mình trong đó thì đây là thời điểm để bạn thay đổi, càng sớm càng tốt.
Đây là những kiểu người sẽ thường gặp vấn đề với tiền bạc.
1. Người trì hoãn
Đây là những người thường trì hoãn đến ngày mai (ngày không bao giờ đến) các quyết định tài chính quan trọng nhất. Ví dụ như sẽ rất khó khăn để khiến họ ngồi lại thiết lập một kế hoạch ngân sách và tuân thủ nó. Một người trì hoãn sẽ luôn tìm ra lý do tại sao họ không nên thực hiện các việc đó ngay lập tức.
Trên thực tế thì ai trong chúng ta cũng cần xây dựng cho mình một kế hoạch ngân sách, cho dù bạn là sinh viên mới ra trường hay đang trong giai đoạn chuẩn bị nghỉ hưu. Nói về nghỉ hưu thì những người trì hoãn cũng sẽ chần chừ chậm dành dụm tích lũy cho việc này. Trong khi đó, thời gian tích góp càng lâu thì sức mạnh lãi kép càng phát huy tác dụng mang lại nhiều lợi ích cho bạn hơn. Thế là, danh sách những việc cần thực hiện cứ ngày càng kéo dài thêm, từ tài khoản tiết kiệm, quỹ giáo dục cho con cái đến thanh toán nợ nần và đầu tư tích lũy. Những người này luôn có vẻ còn rất nhiều thời gian.
Đừng để mình tiếp tục là người trì hoãn nữa. Hãy bắt đầu đặt ra những mục tiêu của bạn ngay từ ngày hôm nay và theo dõi kiểm tra chúng, thiết lập kế hoạch ngân sách, mở tài khoản tiết kiệm, đầu tư cho bản thân… Rồi đây bạn sẽ cảm thấy yên vui vì những gì mình đã thực hiện
2. Người chối bỏ
Tuýp người này thường đi đôi với người trì hoãn, dù trong đa số trường hợp là thậm chí còn tệ hơn. Họ thường lẩn tránh và từ chối thừa nhận mình lo âu về vấn đề tài chính. Nợ thẻ tín dụng ư? Không sao cả, dù sao đó cũng là tiền miễn phí mà. Không đủ tiền để chi trả các hóa đơn? Tôi sẽ kiếm tiền nhiều hơn một xíu vào tháng tới. Không có quỹ khẩn cấp? Sẽ có một thứ gì đó hoặc ai đó xuất hiện để giúp đỡ thôi. Và cứ thế tiếp tục.
Có thể bạn cũng quen một vài người như vậy. Ngay cả khi bạn chia sẻ góp ý một cách thật tinh tế cho họ, họ cũng không chịu chấp nhận chúng. Thật đáng buồn, có thể phải đến khi xảy ra một biến cố lớn trong đời, chẳng hạn như bị sa thải hay tai nạn bệnh tật, thì họ mới chấp nhận nhìn thẳng vào sự thật.
Và nếu bạn nhận thấy một số dấu hiệu này ở bản thân mình thì đã đến lúc phải hành động. Vì chúng ta không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào cho đến khi chấp nhận mình đang có vấn đề.
3. Người hay nhờ vả
Những người này chỉ đạt được lợi ích ngắn hạn. Về lâu dài thì cuối cùng họ cũng sẽ bị phát cáu bởi người mà họ hay nhờ vả.
Những người này không có kế hoạch để tạo ra thu nhập bền vững cho mình.
Vấn đề khó xử với tuýp người này là họ có thể là những người thân thiết với bạn, là bạn bè tốt hay người ruột thịt trong gia đình.
Nếu bạn đang có một người như vậy bên cạnh cách tốt nhất là hãy giúp họ dừng việc này lại. Hãy cho họ biết rằng không thể sống phụ thuộc như vậy mãi được, bạn sẽ cố gắng giúp đỡ họ bằng những cách khác bền vững hơn.
Còn nếu bạn đọc đến đây và trong đầu chợt suy nghĩ: “Chà có vẻ cũng hơi giống mình” thì bạn đã tiến một bước rồi. Hãy tìm một số lời khuyên về nghề nghiệp để từng bước tự tạo dựng cho mình nguồn thu nhập ổn định.
4. Người phô trương
Những người này bị ám ảnh bởi cảm giác vượt trội về tài chính. Họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để trông giàu có hơn và có uy hơn. Tất nhiên tất cả chỉ là vẻ bề ngoài. Họ sử dụng iPhone mới nhất, đeo đồng hồ vàng phiên bản giới hạn và cứ 2 năm đổi xe mới một lần, nhưng người ngoài nhìn vào không biết rằng họ cũng đang bị chìm ngập trong đống nợ nần chồng chất.
Họ không chỉ luôn muốn mình bằng bạn bằng bè mà còn phải nổi trội hơn nữa. Ngay cả khi họ đang có một sự nghiệp tuyệt vời và mức lương khủng, chi tiêu vẫn vượt xa hơn thu nhập. Cuối cùng, họ bị chôn vùi bởi chính sự phù phiếm mà mình tạo nên.
Việc thay đổi tính cách này sẽ cực kỳ khó khăn một khi đã thành thói quen lối sống. Hãy nhắc họ đừng quên rằng những thứ tài sản xa xỉ bên ngoài không quan trọng bằng chính bản thân con người họ.
5. Người bao bọc
Những người này rất khó khiển trách bởi vì suy cho cùng thì họ hành động với ý định tốt. Chắc là bạn đã hiểu khá rõ về tuýp người này: đó có thể là người mẹ dành dụm từng đồng cho cậu con trai nhưng anh ta lại phung phí vào cờ bạc rượu chè, đó có thể là người chú đã rút hết số tiền trong quỹ hưu trí của mình để giúp một người bạn đang gặp vấn đề tài chính…
Là những người cố gắng giúp đỡ giải quyết vấn đề tài chính của mọi người xung quanh đến nỗi không còn đủ cho những nhu cầu chi tiêu của bản thân mình, nhóm người này thường hy sinh tài chính của mình để mang lại hạnh phúc cho người khác.
Nhóm người này cần hiểu rằng họ không thể lúc nào cũng giúp đỡ được cho người khác. Tất nhiên họ vẫn có thể giúp đỡ khi thật sự cần thiết, nhưng họ phải chăm sóc bản thân và lo cho tình hình tài chính của mình ổn thỏa trước rồi mới tính đến chuyện giúp đỡ người khác.
6. Người bi quan
Người bi quan thường thua trước cả khi bắt đầu vì họ nghĩ rằng sẽ không có điều tốt đẹp gì đến với mình. Họ không đầu tư bởi vì sợ không kiếm được tiền. Họ không chấp nhận mạo hiểm dưới bất kỳ hình thức nào vì sợ bị thua lỗ hết. Những suy nghĩ bi quan này là một lực cản thật sự và khó có thể thúc đẩy họ tiến lên.
Giống như nhiều người từng trải đã nói rằng nếu bạn không gieo bất kỳ hạt giống nào thì bạn sẽ không có gì để thu hoạch cả. Hãy để người bi quan thấy rằng những kết quả tốt đẹp vẫn có thể xảy ra, bằng cách chia sẻ với họ kinh nghiệm đầu tư tích lũy phù hợp.
Nếu bạn tin rằng không có gì tốt sẽ xảy ra thì hãy tự hỏi bản thân mình vì sao lại thế? Bạn đang bị tách biệt với thế giới chăng? Hay đó chỉ là một sự thay đổi cần thiết trong cách nhìn nhận của bạn?
7. Người thiếu thông tin
Người ta thường nói ít kiến thức là một điều nguy hiểm. Điều này cũng đúng trong những vấn đề liên quan đến tài chính.
Những người này không biết cách thị trường hoạt động thế nào, sự khác biệt giữa cổ phiếu và trái phiếu là gì… Họ cảm thấy mơ hồ khi nói đến lãi suất và những điều cần làm để cải thiện điểm tín dụng (mà thật ra điểm tín dụng là gì, họ cũng chẳng rõ). Đến cuối cùng, sự thiếu hiểu biết này dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội để kiếm tiền.
Người thiếu thông tin thường là do bướng bỉnh hoặc lười học. Nhưng có một điều may mắn là không bao giờ quá muộn để bắt đầu tìm hiểu về kiến thức quản lý tài chính cá nhân. Nếu trong mối quan hệ của bạn có một vài thành viên thuộc nhóm người này, hãy giúp giới thiệu một vài nguồn thông tin để họ có thể tìm hiểu thêm.
Hiện nay, có rất nhiều trang web và diễn đàn về tài chính cá nhân mà mọi người có thể học và ứng dụng các phương pháp một cách dễ dàng. Và tại ngân hàng, những chuyên viên tư vấn cũng có thể đưa ra lời khuyên cho người mới bắt đầu.
8. Người tích trữ
Có 2 điều khiến người tích trữ sẽ không bao giờ chiến thắng trong chuyện tiền bạc. Một là họ sẽ chi tiêu hết tất cả số tiền mình có, mua cái này cái kia rồi tích trữ mà chẳng bao giờ sử dụng. Phòng những người này chất đầy sản phẩm họ đã mua, thậm chí nhiều thứ vẫn còn nguyên mác. Các chồng sách và giấy tờ, nhiều thứ lộn xộn khác khiến họ không có thời gian và không gian để làm bất cứ điều gì, kể cả việc sắp xếp lại tình hình tài chính của bản thân.
Còn nếu có tiền dành dụm, họ cũng sẽ xem nó như một thứ để tích trữ. Không mang đi đầu tư tiết kiệm mà cất giấu đâu đó trong nhà, dưới một chiếc nệm cũ… để phòng cho những lúc khó khăn.
Dù trong trường hợp nào, người tích trữ cũng đang tự làm khó mình. Nhóm người này cần sự giúp đỡ về tâm lý, và nếu họ có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, rất có thể họ sẽ tìm thấy một hướng đi cải thiện tình hình tài chính tốt hơn.
Nguồn: Paul Michael, BeRich
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live