8 kỹ năng bạn cần sở hữu, nếu muốn thành công!
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao có rất nhiều người đạt được điều bạn mong muốn trong khi bạn thì không? Và những câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại khi có thêm một người thành công xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Thay vì cứ ngồi đó và suy nghĩ, đã đến lúc phải đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi của bạn.
Hôm nay, Happy Live xin giới thiệu đến bạn 8 kỹ năng mà bất kỳ người thành công nào cũng đều sở hữu. Và nếu rèn luyện, thực hành thường xuyên thì thành công sẽ sớm tìm đến với bạn.
1. Lãnh đạo bản thân
Có một câu chuyện kể rằng, một bà mẹ dẫn cậu con trai của mình, cậu bé mắc chứng ăn đường vô độ, đến gặp thánh Gandhi và thỉnh cầu ngài giúp khuyên cậu bé để cậu bé không ăn đường nữa. Thánh Gandhi cười và nói với bà mẹ rằng: “Hai tuần sau bà dẫn cháu đến gặp lại tôi”.
Nghe lời Gandhi bà mẹ dẫn cậu bé về và hai tuần sau quay lại. Lần này, Gandhi chân thành: “Xin lỗi bà, tôi vẫn chưa thể giúp cháu được, một tuần sau bà dẫn cháu đến gặp tôi”.
Bà mẹ lại dẫn con về và một tuần sau lại mang con đến gặp Gandhi. Thật kỳ lạ, Gandhi chỉ gặp cậu bé trong vòng năm phút mà sau đó cậu bé giảm ăn đường hẳn.
(*) Bài viết được trích từ sách Làm chủ tuổi 20 – Kim chỉ nam thành công tuổi trẻ, xem thêm thông tin sách tại đây:
Ít lâu sau, gặp lại Gandhi, bà mẹ chân thành cám ơn và không khỏi tò mò hỏi thánh Gandhi: “Vì sao chỉ mất có năm phút khuyên nhủ cháu mà ngài bắt mẹ con tôi phải chờ ba tuần liền và mất công đi lại thêm hai lần như vậy?”.
Gandhi nhìn bà mẹ cười thành thật: “Trước khi gặp mẹ con bà, tôi cũng là người ăn đường rất nhiều”.
Chính vì trước đây Gandhi cũng là người ăn đường rất nhiều nên ông cần tự lãnh đạo mình, chữa mình trước, rồi mới khuyên cậu bé. Đó cũng là lý do vì sao phải mất ba tuần sau Gandhi mới gặp hai mẹ con cậu. Nhà lãnh đạo tài ba Gandhi luôn thấm nhuần: “Muốn lãnh đạo được người khác trước tiên phải lãnh đạo chính mình một cách chuẩn xác”. Lãnh đạo là tạo gương. Tự lãnh đạo bản thân – Đỉnh cao của lãnh đạo.
2. Khả năng ra quyết định chính xác
Mọi việc đã và đang xảy ra với cuộc sống của bạn đều bắt đầu từ việc ra quyết định. Tại sao ra quyết định lại là một kỹ năng? Bởi vì nó ảnh hưởng đến gần như toàn bộ cuộc đời bạn. Có một câu nói rất hợp lý của Tony Robbins: “Tại thời điểm bạn đưa ra quyết định, SỐ PHẬN của bạn sẽ hình thành.”
Đưa ra quyết định chín chắn sẽ giúp định hướng cuộc đời bạn, khiến bạn xác định được mục tiêu và nhanh chóng đạt được điều mình muốn. Nhiều người hay nói rằng: “Tôi có lựa chọn để trở nên nghèo đâu!”. Có thể bạn không muốn trở nên nghèo khó, nhưng bạn đã lựa chọn KHÔNG HÀNH ĐỘNG để trở nên giàu có.
Hãy cẩn thận với quyết định của bạn. Trong cuộc sống, bạn cần phải tham khảo, lắng nghe ý kiến của những người xung quanh, trong quá trình suy nghĩ và cân nhắc.
Tuy nhiên, khi ra quyết định, hãy thật dứt khoát. Suy cho cùng thì chính bạn mới là người quan trọng nhất, trực tiếp chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
3. Thích nghi trong mọi hoàn cảnh
Kỹ năng tiếp theo bạn cần có là kỹ năng thích nghi nhanh. Đây là một kỹ năng hết sức quan trọng và là một trong những chìa khóa thành công nếu bạn biết áp dụng nó vào việc kết giao bằng hữu hoặc xử lý những thay đổi bất thình lình trong cuộc sống. Người thành công luôn có phản xạ tích cực với những biến chuyển kinh tế xã hội và thành công nhờ việc nắm bắt những cơ hội trong một bối cảnh hoàn toàn mới. Môi trường là môi trường chung cho tất cả mọi người, việc thích nghi nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào mỗi chúng ta.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cần phải làm chủ chính mình và thích nghi với điều đó. Ngày nào cũng có những sự thay đổi đến với cuộc sống của bạn. Rèn luyện khả năng thích nghi nhanh sẽ giúp bạn làm chủ tối đa được cuộc sống của mình. Vì nó còn ảnh hưởng đến EQ (chỉ số cảm xúc) và AQ (chỉ số vượt khó), đây là hai chỉ số quyết định đến 90% thành công của bạn.
4. Khả năng bán hàng
Điều này có thể mới mẻ đối với rất nhiều người. Đây là một kỹ năng gần như không được dạy ở trường học nhưng lại là một trong những kỹ năng quan trọng nhất để làm nên thành công. Trong chương trình Làm chủ sự giàu có được chia sẻ bởi tỷ phú Robert Kiyosaki cùng những triệu phú trên khắp thế giới, có một điểm chung mà những bậc thầy này đều chia sẻ đó là: Kỹ năng quan trọng nhất của mọi doanh nhân là BÁN HÀNG.
Bán hàng = Thu nhập. Hầu hết mọi người đều cho rằng bán hàng là cầm một túi đồ chạy đi gõ cửa từng nhà để chào hàng. Đó chỉ là một góc rất rất nhỏ trong khái niệm bán hàng mà thôi.
Thực ra công việc mà chúng ta đang làm mỗi ngày đều là bán hàng. Giáo viên “bán” kiến thức, bác sĩ “bán” khả năng chữa bệnh, công nhân “bán” sức lao động và thời gian, vv…Dù bạn là ai, bạn làm trong bất kỳ lĩnh vực nào, để thành công, bạn cần phải trở thành một người bán hàng xuất sắc.
5. Kỹ năng chia sẻ và đào tạo
Bạn có biết chia sẻ với ai đó kiến thức của bạn sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn, học được nhiều hơn? Bạn cho đi điều gì, bạn sẽ nhận lại điều đó. Hãy đặt ra câu hỏi cho bản thân mình rằng ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ những gì tốt đẹp cho những người xung quanh.
Hầu hết những người có khả năng chia sẻ, đào tạo là những người có khả năng lãnh đạo. Dù bạn là ai, bạn đều có giá trị của mình và bạn cần chia sẻ nó với những người xung quanh bạn bởi khi chia sẻ bạn sẽ nhận lại được rất nhiều, hơn cả những thứ bạn đã cho đi trước đó.
Ngoài ra, khi bạn chia sẻ những kiến thức của bạn cho một ai đó bản thân bạn sẽ phải nghiên cứu để nắm chắc vấn đề hơn, từ đó hiểu sâu bài hơn và nhớ lâu hơn. Việc truyền đạt lại cho người khác cũng giúp bạn “xào đi xào lại” kiến thức một cách chủ động hơn. Thêm nữa, khi dạy người khác, bạn sẽ cần tìm hiểu thêm những cách học mới, cách tiếp cận mới hiệu quả hơn để người học dễ tiếp thu.
6. Kỹ năng đặt câu hỏi
Có thể nói kỹ năng Đặt câu hỏi rất quan trọng, mặc dù nó không được chú ý đến. Nếu bạn có kỹ năng đặt câu hỏi tốt, biết thấu hiểu người khác, bạn sẽ có được sự yêu quý và học được rất nhiều từ họ. Khi đặt câu hỏi, bạn sẽ thu hút được sự tham gia của họ, dẫn dắt được cuộc hội thoại, tìm kiếm được sự đồng cảm của người tham gia và tạo được môi trường thân thiện trong giao tiếp.
Bạn phải luôn luôn chú ý: “Bạn đang hỏi cái gì? Bạn nên hỏi cái gì?”. Hãy lấy những câu bắt buộc phải hỏi làm trọng tâm, sau đó là những câu cần hỏi, nếu còn thời gian mới đến những câu mang tính chất tìm hiểu thêm. Các câu hỏi nên xoay quanh các từ khóa như: Nếu, ai, tại sao, cái gì, khi nào, cách nào… Hãy tập liên tục đặt câu hỏi, trong trường hợp bạn hết câu hỏi thì đưa ra câu: “Còn cách nào tốt hơn không?”.
Bản thân bạn cũng phải tập thói quen kiên trì lắng nghe. Vì khi người khác trả lời câu hỏi, họ cũng xem xét thái độ người nghe với câu trả lời của họ như thế nào. Hãy tập hỏi những câu hỏi ngắn gọn, cụ thể vào vấn đề, tốt nhất mỗi vấn đề là một câu hỏi. Bởi vì, không ai muốn lãng phí thời gian vì những câu hỏi lan man, dài dòng cả.
Bạn hãy tập cho mình tư duy làm chủ để dẫn dắt vấn đề và để biết được điều mình muốn – đương nhiên để làm được điều này thì phải cần nhiều thời gian.
7. Học cách làm việc độc lập
Có một mảnh ghép rất khó để nắm bắt, đó chính là Làm việc độc lập. Có thể bạn cho rằng đó là điều đơn giản, bình thường bạn vẫn làm việc một mình mà. Bạn sai rồi, nếu bạn hiểu làm việc độc lập mà không có sự tương tác thì sự tiến bộ của bạn sẽ rất chậm, thậm chí đi sai hướng. Hoặc cũng có thể bạn cho rằng làm việc đội nhóm mới quan trọng. Làm việc nhóm tất nhiên là quan trọng, nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng có thể làm việc nhóm, không phải lúc nào cũng có những người hỗ trợ và giúp bạn làm tất cả mọi việc. Có rất nhiều việc đòi hỏi bạn phải tự mình hoàn thành tốt công việc đó.
“Sẽ chẳng có một đội nhóm nào bền vững nếu mỗi người không tự làm tốt việc của mình.” Đương nhiên, có nhiều người thích làm việc một mình, nhưng cũng có những người chỉ thích làm việc theo nhóm. Và bạn cần có sự kết hợp của cả hai kỹ năng này để có thể xử lý tốt công việc của mình.
8. Biết thêm một ngoại ngữ
Khi nhắc tới tiếng Anh, người ta nghĩ ngay đó là ngôn ngữ toàn cầu: là ngôn ngữ chính thức của hơn 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, và là ngôn ngữ thứ 3 được nhiều người sử dụng nhất chỉ sau tiếng Trung Quốc và Tây Ban Nha.
Các sự kiện quốc tế, các tổ chức toàn cầu… cũng mặc định coi tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp. Hãy nhớ rằng: “Sử dụng được tiếng Anh không giúp bạn thành công trên trường quốc tế, nhưng những người thành công trên thế giới đều không thể không sử dụng được tiếng Anh.”
Một câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để tìm được một phương pháp học tiếng Anh chuẩn, giúp chúng ta tiến bộ nhanh? Tại sao các bạn học sinh, sinh viên học 5 năm, thậm chí là 10 năm tiếng Anh nhưng khi ra trường thì đa số lại không giao tiếp được bằng ngôn ngữ này?
Ở ngoài kia có rất nhiều trung tâm tiếng Anh, phải thừa nhận rằng hầu như mọi phương pháp của các trung tâm này đều rất tốt. Nhưng nó chỉ có hiệu quả khi mỗi chúng ta áp dụng nó nghiêm túc. Và quan trọng hơn nữa là tinh thần tự học, không có phương pháp nào giúp bạn giỏi ngoại ngữ nếu như bạn không có tinh thần tự học.
Tạm kết
Bạn thấy đấy, người thành công không sinh ra là đã thành công, họ cần học hỏi và rèn luyện kỹ năng cần thiết để có được điều mình muốn. Bạn cũng thế, bạn cũng có thể trở thành họ nếu biết rèn luyện các kỹ năng mà Happy Live vừa giới thiệu qua. Ngoài ra, để tìm hiểu thêm nhiều bài học thành công khác, bạn có thể tìm đọc Sách Làm chủ tuổi 20 – quyển sách được xem là kim chỉ nam dành cho bạn trẻ từ 16 – 30 tuổi, đã được Happy Live xuất bản và phát hành trên toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm: Làm chủ tuổi 20 – Kim chỉ nam thành công tuổi trẻ