9 giải pháp để kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm 2024
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện…
Chia sẻ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023 vào chiều ngày 5/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết hôm nay Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện…
Tuy vậy, “người đứng đầu” Chính phủ đồng thời cũng lưu ý tới những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần được khắc phục, tháo gỡ thời gian tới. Đó là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới nước ta; thị trường quốc tế bị thu hẹp, sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng khó khăn; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; và an ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn diễn biến phức tạp…
Do vậy, theo Thủ tướng, để năm 2024 bứt phá trong bối cảnh tình hình có thể khó khăn hơn năm 2023, các cấp, các ngành, địa phương cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” với tinh thần “quyết tâm cao nhất nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lên 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024.
Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nổi như: liên kết vùng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh….
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược như cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, phấn đấu năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam…
Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Thứ tư, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hội đồng điều phối vùng; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế – xã hội.
Thứ năm, phát triển mạnh các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận của Bộ Chính trị. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1.000.000 căn hộ nhà ở xã hội; trong đó phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn.
Thứ sáu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ bảy, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động có biện pháp kịp thời về quốc phòng, an ninh; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa các cam kết, thỏa thuận quốc tế, các FTA đã ký kết. Nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò công tác ngoại giao kinh tế; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, làm tốt công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân.
Thứ chín, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách tạo đồng thuận xã hội. Phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân; Nâng cao hiệu quả công tác dân vận; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, ngay từ đầu năm, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh..
Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 là rất nặng nề, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025.
Tiến Phát