fbpx

9 lời khuyên vàng của các CEO nổi tiếng thế giới dành cho sinh viên mới ra trường

Sinh viên mới ra trường là sẽ được trải nghiệm với những điều hoàn toàn mới. Công việc đầu tiên, lần đầu phỏng vấn…luôn luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của mỗi người. Biết được 9 lời khuyên vàng từ các CEO nổi tiếng dưới đây là nắm chắc trong tài chìa khóa vàng để ứng tuyển thành công.

Stephanie Vozza, sống tại bang Michigan, Mỹ, là nhà văn, CEO của The Organized Parent, trang web cung cấp sản phẩm dành riêng cho các bà mẹ. Từng phỏng vấn các doanh nhân thành công về công việc đầu tiên, cô chia sẻ 9 lời khuyên vàng dành cho sinh viên mới ra trường.

1. Sinh viên mới ra trường cần nắm lấy cơ hội

Khi Kanuj Malhotra, Chủ tịch Công ty giải pháp kỹ thuật số cho sinh viên Barnes & Noble Education, bắt đầu sự nghiệp, anh ước rằng đã sẵn sàng nắm lấy cơ hội và phạm sai lầm. “Trong việc phát triển sản phẩm, những thất bại nhanh chóng luôn tốt hơn duy trì hoạt động trì trệ, ứ đọng”, anh nhận xét.

Trong hành trình kinh doanh, Kanuj nhận ra tầm quan trọng của việc học hỏi từ thất bại. Nó cho anh cơ hội kiểm tra lại sản phẩm, cải thiện những khâu đã bỏ qua. Những bài học này giúp chúng ta trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý, người phát triển sản phẩm dày dặn kinh nghiệm, có năng lực cao và là tài sản quý báu của công ty.

2. Sinh viên mới ra trường cần giữ niềm tin vào bản thân

Dani Reiss, CEO của công ty thời trang Canada Goose, cho rằng sinh viên mới ra trường nên xây dựng tính hướng ngoại, sự can đảm, từ đó sẽ gặt hái thành công. Dani kể lần đầu nói về ý tưởng của mình, anh cảm thấy rất áp lực, không thể phát huy khả năng như những nhà kinh doanh giỏi diễn thuyết khác. Dani quyết định không nói những lời hoa mỹ, cố gắng truyền đạt chân thực, chính xác về suy nghĩ và ý tưởng của mình.

Không ngờ một người bạn của Dani đã khen ngợi: “Bạn là diễn giả tuyệt vời khi nói theo phong cách riêng của mình”. Giữ niềm tin vào ý tưởng của bản thân và không ngần ngại thể hiện nó sẽ giúp người trẻ gặt hái thành công đầu tiên.

3. Sinh viên mới ra trường cần tận dụng mạng lưới quan hệ

“Nếu bạn có cơ hội gặp gỡ những người giỏi hơn, hãy nắm lấy nó”, Laszlo Bock, CEO của công ty phần mềm nhân sự Humu, chia sẻ.

Laszlo tự nhận xét mình hướng nội, ngại giao tiếp hay mở rộng mối quan hệ. Ở trường, ông không bao giờ tiếp cận giáo viên để xin tư vấn hoặc hỏi bài tập. Trong công việc, ông không cảm thấy thoải mái khi trò chuyện hay liên lạc với đối tác. Vì vậy, dù thông minh, có tiềm năng, Laszlo vẫn thua kém những người có trình độ thấp hơn nhưng có mối quan hệ rộng rãi.

4. Sinh viên mới ra trường cần sự kiên nhẫn

Ron Rudzin, CEO của công ty nội thất gia đình Saatva, luôn nhắc nhở nhân viên: “Đừng để yếu tố ngoại cảnh khiến bạn mất bình tĩnh, đặt ưu tiên về tốc độ làm việc lên trước chất lượng công việc”.

Người trẻ có thể làm việc nhanh, hào hứng với sự phát triển hoặc thăng tiến trong công việc, nhưng điều này dễ khiến các bạn mất phương hướng. Mọi công việc, từ đơn giản đến khó khăn đều cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ để tránh sai sót và để trau dồi kinh nghiệm không ngừng. Bạn đừng vội khao khát khẳng định bản thân hay hy vọng thành người có ích nhất, hãy trở thành người đáng tin cậy nhất.

5. Sinh viên mới ra trường cần tích lũy kinh nghiệm làm việc toàn cầu

Trong thời đại công nghệ hiện nay, khi con người có thể liên lạc và làm việc trên phạm vi toàn cầu, việc giới hạn làm ở một công ty, một thành phố hay một quốc gia là đáng tiếc. Karen Fichuk, Giám đốc Công ty giải pháp lao động và nhân sự Randstad Bắc Mỹ, ước rằng đã trau dồi kinh nghiệm làm việc tại nhiều nơi.

Công việc đầu tiên của Karen là kế toán tại một chi nhánh của công ty làm đẹp Fortune 500. Phần lớn nhân viên là phụ nữ địa phương, nhiều người làm việc tại đó từ khi còn trẻ đến khi sắp về hưu. Sau ba năm, Karen quyết định nghỉ việc vì không có cơ hội phát triển. “Nhiều công ty lớn cho cơ hội phát triển bản thân, làm việc trong những môi trường khác nhau, nhưng tôi đã giới hạn bản thân, giới hạn cơ hội bằng vị trí địa lý”, cô tiếc nuối chia sẻ.

6. Ba cách để phát triển sự nghiệp cho sinh viên mới ra trường

Victor Cho, CEO của nền tảng Evite, người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Microsoft, chia sẻ ba đòn bẩy giúp thúc đẩy sự nghiệp. Đây là những điều ông được truyền thụ lại từ những nhân viên lâu năm của Microsoft.

Đầu tiên, người trẻ hãy trở thành nhân viên xuất sắc, tức là hăng say làm việc, cố gắng đạt thành tích cao nhất trong mọi cuộc thi của công ty. Điều này sẽ giúp bạn nhận được sự khen ngợi, đánh giá cao nhưng chưa đủ.

Tiếp đó, hãy tìm và làm việc dưới trướng của nhà quản lý xuất sắc, những người sẽ mang bạn theo trong quá trình phát triển sự nghiệp của họ. Hơn hết, bạn sẽ xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy và có cơ hội trau dồi khả năng của bản thân.

Cuối cùng, hãy làm việc cho doanh nghiệp xuất sắc. Tại đây, bạn sẽ được làm việc với những người giỏi giang, có cơ hội tham gia những dự án lớn và thúc đẩy tiềm năng của mình.

7. Sinh viên mới ra trường cần trở thành người giỏi lắng nghe

Khi được hỏi muốn là người như thế nào khi mới ra trường, Ian Siegel, CEO của công ty việc làm ZipRecruiter, lựa chọn là người giỏi lắng nghe. Anh tin rằng lắng nghe là kỹ thuật tốt nhất để trở thành nhân viên được nhiều người yêu quý, muốn làm việc cùng.

Ian giới thiệu “quy tắc 2 giây”. Theo đó, trong khi trò chuyện, sau khi đối phương nói xong, bạn hãy dành 2 giây suy nghĩ, sắp xếp lại mọi ý tưởng trong đầu trước khi trả lời. Nó sẽ giúp bạn đưa ra thông tin cụ thể, chính xác hơn, thể hiện với mọi người rằng bạn thực sự quan tâm và chú ý vào cuộc trò chuyện.

8. Sinh viên mới ra trường cần thể hiện niềm đam mê

Niềm đam mê thể hiện thái độ của bạn đối với công việc và cũng là thước đo để mọi người xung quanh đánh giá về khả năng làm việc của bạn. Công việc đầu tiên của Bill Peña, CEO của công ty bảo hiểm kỹ thuật Simply Business US, là người thiết kế sản phẩm trực tuyến tại công ty học tập.

Anh bình tĩnh, dốc hết sức lực vào công việc, hoà nhã với đồng nghiệp và tự tin mình sẽ gây ấn tượng tốt trong công việc đầu tiên. Ngược lại, mọi người đánh giá Bill hời hợt, không quan tâm đến công việc chỉ vì anh ít khi chia sẻ hay nói chuyện công việc với đồng nghiệp. Giao tiếp là một phần rất quan trọng, đặc biệt là với đồng nghiệp, điều quyết định con người và cơ hội việc làm của bạn.

9. Sinh viên mới ra trường đừng quá lo lắng về sự cạnh tranh

Jason Fried, CEO của nền tảng quản lý dự án Basecamp, đã nói lẽ ra khi mới ra trường, anh không nên bận tâm quá mức đến những vấn đề ngoài tầm với. Sự cạnh tranh là một phần tất yếu của công việc. Vì vậy, người trẻ nên chấp nhận nó và đừng lo sợ mọi người xung quanh hay những điều ngoài tầm kiểm soát. Thay vào đó, hãy tập trung toàn bộ sự chú ý và sức lực cho công việc để bạn có thể tiến bộ hơn bạn của ngày hôm qua.

Nguồn: doanhnhandatviet

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Thay thói quen – Đổi vận mệnh

Bộ sách Thay thói quen - Đổi vận mệnh
                        ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề