9x chia sẻ bí quyết tiết kiệm 50% thu nhập đều đều mỗi tháng
Thu nhập gia tăng quá nhanh ở tuổi 25 không khiến cô gái chi tiêu phung phí. Thay vào đó, cô có bí quyết riêng của mình để luôn tiết kiệm 50% thu nhập mỗi tháng một cách đều đặn.
Tiết kiệm 50% thu nhập mỗi tháng
Brittany Broski là một người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Năm 2019, cô từ bỏ công việc ổn định tại ngân hàng để chuyển sang phát triển kênh TikTok của riêng mình. Nhờ cách nói chuyện hóm hỉnh, nội dung mới mẻ, cô đã thu hút được hơn 7 triệu người theo dõi.
Cùng với sự nổi tiếng, Brittany Broski có được một nguồn thu nhập cao ngất ngưởng dưới dạng nội dung có thương hiệu. Chia sẻ với CNBC, cô cho biết, sự gia tăng thu nhập quá nhanh ở tuổi 25 khiến cô choáng ngợp.
Brittany Broski. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, thay vì hưởng thụ cuộc sống xa hoa, dư dả về vật chất thì Brittany Broski chọn cho mình lối sống tiết kiệm. Cô cho biết, mình có thể để dành khoảng 50% thu nhập mỗi tháng một cách đều đặn mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Chia sẻ về bí quyết này, cô nói: “Mọi khoản thu nhập vừa xuất hiện trong tài khoản của tôi sẽ lập tức được trích ra 50% để chuyển vào quỹ tiết kiệm. Hành động này được diễn ra ngay và luôn. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo tôi sẽ không đụng tới nó.”
“Chúng ta đều biết rõ rằng, nếu trong tay có một khoản tiền rảnh rỗi, rất khó để nó chịu ‘nằm yên’ một chỗ”, cô nhận định.
Đồng thời, Brittany Broski cũng cho biết, động lực giúp cô duy trì thói quen tiết kiệm 50% thu nhập đều đặn mỗi tháng chính là những người bạn xung quanh.
“Tôi có những người bạn cũng đang làm trong ngành này. Điều đáng sợ là hầu hết họ đều đang chật vật vì nợ nần”, Brittany Broski tiết lộ mình hoàn toàn không muốn rơi vào tình trạng đó.
Trong suốt 3 năm sự nghiệp thăng hạng và nổi tiếng, Brittany Broski chỉ thực hiện một khoản chi lớn duy nhất vào cuối năm ngoái. Đó là khi chiếc xe cũ được mua từ năm 2005 xảy ra trục trặc, cô buộc phải mua một chiếc Lincoln Aviator để thay thế.
“Có những thời điểm tiền bạc đến với chúng ta một cách quá dễ dàng, nhưng không một ai dạy chúng ta cách quản lý chúng. Đó là một điều hết sức nguy hiểm”, Broski cho biết. “Do đó, nếu có thể, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm càng sớm càng tốt.”
Những bí quyết để tiết kiệm hiệu quả hơn
Bên cạnh những chia sẻ của Broski, có những bí quyết để tiết kiệm hiệu quả hơn mà mọi người có thể tham khảo sau đây.
Đừng bao giờ để nhiều tiền trong ví
Một khi trong ví bạn càng nhiều tiền thì ham muốn mua sắm của bạn sẽ càng lớn. Bạn có thể dễ dàng mở ví, rút tiền và chi tiêu ngay khi suy nghĩ mua sắm xuất hiện. Điều này hoàn toàn không tốt cho “sức khỏe tài chính”.
Nếu không để sẵn nhiều tiền trong ví, bạn sẽ có thêm vài giây, hoặc vài phút để chần chừ cân nhắc thêm về quyết định mua đồ của mình.
Duy trì hạn mức tiết kiệm tiền linh hoạt
Bạn không nên đặt ra mục tiêu rằng mình sẽ tiết kiệm một khoản cố định mỗi tháng, chẳng hạn là 5 triệu đồng. Thay vào đó, nên điều chỉnh linh hoạt thành tỷ lệ, chẳng hạn như 30% hoặc thậm chí 50% tùy vào mức chi tiêu cá nhân.
Điều này sẽ giúp việc tiết kiệm trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. Trong những tháng ngày thu nhập biến động lớn, khi tăng khi giảm, bạn sẽ dễ dàng cân đối các quỹ chi tiêu.
Ví dụ, nếu như thu nhập giảm thấp chỉ còn 10 triệu đồng, việc tiết kiệm 5 triệu sẽ khiến bạn chỉ còn 5 triệu để vừa đóng tiền nhà, tiền điện nước, vừa sinh hoạt cá nhân… Khoản tiền này khá eo hẹp, có thể khiến bạn nảy sinh suy nghĩ không muốn tiết kiệm nữa.
Ngược lại, nếu thu nhập tăng lên 20 triệu đồng, việc tiết kiệm 5 triệu quá dễ dàng và bạn còn lại 15 triệu để chi tiêu. Bạn sẽ đưa ra những quyết định mua sắm nhiều hơn. Điều này có thể trở thành thói quen, ảnh hưởng tới tư duy quản lý tài chính sau này.
Đặt tên cho quỹ tiết kiệm để tạo động lực
Nếu bạn muốn tiết kiệm để đi du lịch Đà Lạt, hãy đặt tên cho quỹ tiết kiệm là “Đà Lạt mộng mơ”. Cách làm này khá đơn giản nhưng đem tới nguồn động lực khá lớn.
Hạn chế dạo phố
Phụ nữ thường thích dạo phố dù không có nhu cầu cần thiết gì. Tuy nhiên, trong quá trình này, họ hoàn toàn có thể bắt gặp một số món đồ yêu thích. Vào thời điểm này, không phải ai cũng có khả năng kiềm chế ham muốn mua sắm của mình. Như vậy, khi dạo phố càng nhiều, số tiền bạn tiêu cũng ngày càng tăng.
Ngay từ đầu, nên mua sắm một lượng lớn các mặt hàng, đáp ứng đủ nhu cầu của mình trong 1 lần để hạn chế việc phải dạo phố. Đó chính là một cách “chặn đứng” việc tiêu tiền ngay từ đầu.
Đồng thời, khi mua sắm, bạn có thể khảo giá các nơi khác nhau để chọn cho mình địa chỉ vừa rẻ mà đảm bảo chất lượng.
Thay đổi nơi gặp gỡ bạn bè
Thay vì tụ tập ngoài hàng quán sang trọng, với chi phí mỗi lần không hề nhỏ thì sao bạn dần dần cắt giảm các khoản này. Từ nhà hàng sang trọng, hãy chuyển địa điểm sang những cửa hàng có giá cả phải chăng hơn, miễn là đảm bảo tinh thần cuộc vui. Thỉnh thoảng, hãy mời bạn bè đến nhà hoặc rủ nhau đi cắm trại, tự chuẩn bị đồ ăn, thức uống để tiết kiệm chi phí.
Nguồn: Trí thức trẻ
Có thể bạn quan tâm