Tín hiệu suy thoái kinh tế Mỹ từ thị trường trái phiếu?
Thị trường trái phiếu đang phát đi một tín hiệu cảnh báo về nền kinh tế Mỹ. Đó là “đường cong lãi suất đảo ngược” (inverted yield curve) – hiện tượng được xem là chỉ báo đáng tin cậy cho những lần suy thoái trước đây của chứng khoán Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/3), một phần của đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã rơi vào trạng thái đảo ngược. Diễn biến này tuy chưa đảm bảo chắc chắn là suy thoái sẽ xảy ra, một số chuyên gia kinh tế vẫn xem đây là một dấu hiệu cảnh báo.
ĐƯỜNG CONG LỢI SUẤT ĐẢO NGƯỢC LÀ GÌ?
Trong điều kiện bình thường, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn dài hơn thường cao hơn lợi suất của trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn. Chẳng hạn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thường cao hơn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 1 năm.
Đó là bởi nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi tức cao hơn khi dùng tiền của họ để cho vay trong một thời gian dài hơn. Khi đó, đường cong phản ánh chênh lệch lợi suất giữa hai trái phiếu với hai kỳ hạn dài-ngắn sẽ là một đường dốc đi lên.
Khi đường cong lợi suất này đảo ngược, trái phiếu ngắn hạn hơn mang lại lợi suất cao hơn so với trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Trong trường hợp đó, thị trường trái phiếu bị bóp méo.
“Nhìn chung, câu chuyện phải ngược lại mới là đúng”, chuyên gia kinh tế trưởng về quản lý gia sản toàn cầu của JPMorgan Chase, bà Stephanie Roth, phát biểu trên CNBC.
VÌ SAO ĐƯỜNG CONG LỢI SUẤT ĐẢO NGƯỢC LẠI LÀ DẤU HIỆU CẢNH BÁO?
Đường cong lợi suất đảo ngược không châm ngòi cho suy thoái kinh tế và cũng không đảm bảo chắc chắn suy thoái sẽ xảy ra. Thay vào đó, hiện tượng này cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại về triển vọng kinh tế trong dài hạn – bà Roth nhấn mạnh.
Được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất là chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và kỳ hạn 10 năm. Ở thời điểm hiện tại, đường cong lợi suất giữa hai kỳ hạn này chưa phát đi một tín hiệu cảnh báo nào.
Tuy nhiên, đường cong lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 30 năm đã đảo ngược trong phiên giao dịch ngày 28/2. Đây là lần đầu tiên đường cong này đảo ngược kể từ năm 2006 – thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Đường cong lợi suất đảo ngược không có nghĩa là sắp có suy thoái, mà chỉ phản ánh những mối lo về tương lai của nền kinh tế”, bà Roth nói.
Theo vị chuyên gia này, 7 lần suy thoái kinh tế Mỹ từ năm 1970 đến nay đều được báo hiệu trước bởi sự đảo ngược đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm.
Tuy nhiên, các dữ liệu cũng cho thấy suy thoái kinh tế Mỹ thường không xảy ra ngay sau khi đường cong lợi suất đảo ngược. Tính bình quân, phải mất 17 tháng sau khi xuất hiện hiện tượng đảo ngược này, nền kinh tế mới bắt đầu suy thoái – theo bà Roth.
Vị chuyên gia nói thêm rằng đã có một số lần sự đảo ngược đường cong lợi suất cảnh báo sai về nền kinh tế. Chẳng hạn, sau khi đường cong này đảo ngược vào năm 1998, đã không có đợt suy thoái kinh tế Mỹ nào xảy ra. Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đảo ngược trước đại dịch Covid-19, nhưng bà Roth cho rằng đó không phải là một tín hiệu cảnh báo chuẩn xác, vì nhà đầu tư trái phiếu không thể dự báo được đại dịch toàn cầu.
“Cảnh báo từ đường cong lợi suất đảo ngược không phải lúc nào cũng đúng, nhưng có một tỷ lệ cao xảy ra suy thoái kinh tế sau mỗi lần đường cong đó đảo ngược”, ông Brian Luke, trưởng bộ phận trái phiếu Mỹ thuộc S&P Dow Jones Indices, phát biểu.
LÃI SUẤT VÀ TRÁI PHIẾU
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tức ngân hàng trung ương nước này, có ảnh hưởng lớn đến lợi suất trái phiếu. Chính sách của Fed, cụ thể là lãi suất tham chiếu (fed fund rates) thường có tác động lớn hơn và trực tiếp hơn đến lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn ngắn, nếu so với các trái phiếu kỳ hạn dài – theo ông Luke.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài không nhất thiết biến động cùng nhịp với lãi suất Fed. Thay vào đó, nhà đầu tư kỳ vọng chính sách tương lai của Fed có ảnh hưởng lớn hơn đến các trái phiếu kỳ hạn dài hơn, ông Luke nhấn mạnh.
Tháng 3 vừa qua, Fed đã nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất 40 năm. Theo dự kiến, Fed sẽ có thêm 5-6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay. Việc Fed nâng lãi suất đã đẩy lợi suất các trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn hơn tăng lên. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn dài cũng tăng, nhưng không tăng nhiều.
Trong phiên ngày 28/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cao hơn khoảng 0,13 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm. Chênh lệch này lớn hơn nhiều, lên tới 0,8%, vào đầu năm 2022. Nếu chênh lệch tiếp tục rút ngắn, đường cong lợi suất giữa trái phiếu hai kỳ hạn này có thể sẽ đảo ngược.
Giới đầu tư đang lo ngại về một sự “hạ cánh cứng” của nền kinh tế. Đó là khi Fed nâng lãi suất quá mạnh nhằm mục đích chống lạm phát, vô tình gây ra suy thoái kinh tế. Trong các cuộc suy thoái kinh tế, Fed thường cắt giảm lãi suất tham chiếu để kích thích tăng trưởng.
Bởi vậy, đường cong lợi suất đảo ngược phản ánh dự báo của nhà đầu tư về một cuộc suy thoái trong tương lai, thể hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong dài hạn.
“Thị trường trái phiếu đang cố gắng để hiểu về đường đi lãi suất trong tương lai”, chuyên gia kinh tế trưởng Preston Caldwell của Morningstar phát biểu.
Trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là một tài sản an toàn, vì khả năng vỡ nợ của Chính phủ Mỹ là thấp. Nhu cầu tìm kiếm “vịnh tránh bão” của nhà đầu tư thời gian gần đây đã thúc đẩy nhu cầu đối với các trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài, khiến lợi suất của trái phiếu các kỳ hạn dài khó tăng – theo ông Luke.
SUY THOÁI CÓ SẮP XẢY RA HAY KHÔNG?
Đây là một câu hỏi mà không vị chuyên gia nào có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn.
Có thể Fed sẽ cân bằng được chính sách tiền tệ và đạt mục tiêu tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế – vừa giảm được lạm phát mà không gây suy thoái. Nhưng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang khiến cho câu chuyện trở nên phức tạp vì khiến giá hàng hoá cơ bản như dầu thô và lương thực tăng chóng mặt – một vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed.
“Đường cong lợi suất đảo ngược không có gì là huyền bí cả”, ông Caldwell phát biểu, và nói thêm rằng sự đảo ngược đó không có nghĩa là nền kinh tế sắp suy thoái. “Đó không phải là cái công tắc đã được bật”.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đã điều chỉnh dự báo. JPMorgan Chase đặt khả năng kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái ở mức 30-35%, cao hơn mức trung bình lịch sử 15% – bà Roth cho hay.
Nguồn: vneconomy.vn
Có thể bạn quan tâm