Cú đổi đời của ông chủ Phúc Long, nắm trong tay khối tài sản 4.000 tỷ đồng nhờ nên duyên với Masan
Nhờ đứng trên vai người khổng lồ, Phúc Long đã có nguồn lực để thực sự lớn lên, tăng tốc trong đua với những đối thủ như Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 9/2, Masan đã công bố chi tiết kết quả kinh doanh năm 2021 cũng như các hoạt động nổi bật của từng lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là việc tập đoàn này tiếp tục mua thêm 31% cổ phần của chuỗi trà & và cà phê Phúc Long trong tháng 1, qua đó nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 51%.
Masan đã chi 110 triệu USD cho 31% cổ phần mua thêm, tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD, P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022.
Trước đó, hồi tháng 5/2021, Masan xác nhận The Sherpa – một thành viên của Masan đã chi 15 triệu USD để mua lại 20% cổ phần Phúc Long Heritage. Thời điểm đó, Phúc Long mới được định giá 75 triệu USD. Như vậy, định giá của chuỗi trà & cà phê này đã tăng gần 5 lần chỉ sau chưa đầy 1 năm chính thức bắt tay với ông lớn Masan.
Thương hiệu trà & cà phê Phúc Long ra đời từ năm 1968 bởi ông Lâm Bội Minh. Thời điểm đó, công ty có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, ông Lâm Bội Minh sở hữu 94,5% vốn ban đầu và giữ chức tổng giám đốc.
Hiện tại, cả ông Lâm Bội Minh và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cùng là đại diện pháp luật của công ty.
Ra đời từ hơn 50 năm trước, Phúc Long xuất thân là một công ty gia đình, trong đó ông Lâm Bội Minh nắm vị trí chủ chốt. Hoạt động kinh doanh ban đầu chỉ đơn thuần là bán và giới thiệu trà, cà phê, sau đó thương hiệu này bắt đầu mở cửa hàng tại Tp.HCM. Theo thời gian, thương hiệu này trở thành điểm đến được đông đảo tín đồ trà, cà phê yêu thích. Tuy nhiên, tốc độ mở rộng của chuỗi F&B này khá chậm. Đến tận năm 2019, Phúc Long mới tiến ra thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, trước khi bắt tay với Masan, Phúc Long là thương hiệu trà & cà phê đình đám nhưng thực tế lãi khá mỏng so với các anh em trên thị trường. Năm 2019, chuỗi ghi nhận doanh thu khoảng 779 tỷ đồng, tăng 65% so với 2018 và gấp gần 3 lần so với kết quả năm 2016. Điều này giúp Phúc Long trở thành người dẫn đầu về doanh thu, vượt trội hơn hẳn các đối thủ khác trong ngành trà sữa như Tocotoco, Gong Cha, Koi Cafe, Bobapop hay Dingtea, Sharetea.
Highlands Coffee đứng số 1 trong ngành với với doanh thu khoảng 1.628 tỷ đồng vào năm 2018 và 2.200 tỷ đồng vào năm 2019.
Xét về biên lợi nhuận, trong khi các chuỗi khác như Highlands Coffee đạt biên lợi nhuận gộp (gross margin) khoảng 68%, The Coffee House khoảng 70%, thì Phúc Long chỉ khoảng 35%, nhỉnh hơn Starbucks (19%). Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này chưa đến 50 tỷ đồng.
Do đó, không ngoa nếu nói cả thương hiệu Phúc Long cũng như nhà sáng lập Lâm Bội Minh đã “đổi đời” khi nên duyên với tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Với việc bán 51% cổ phần công ty cho Masan, giả định ông Lâm Bội Minh và gia đình hiện vẫn nắm trong tay 49% cổ phần công ty, tương đương khối tài sản giá trị gần 174 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng). Đây cũng có thể coi là “trái ngọt” mà ông Minh nhận được sau hơn 50 năm miệt mài xây dựng thương hiệu Phúc Long.
Bài toán nâng cao tỷ suất lợi nhuận hay áp lực chi phí mặt bằng cao dường như đang được Masan giải quyết khá tốt nhờ chiến lược triển khai kiosk tại các điểm bán Winmart+. Cũng vì thế mà thời gian gần đây, hàng loạt điểm bán mới được mở tại các tỉnh như Bắc Ninh, Nghệ An,… Tính đến 31/12/2021, Phúc Long đã đánh dấu cột mốc hơn 600 cửa hàng Phúc Long Kiosk & 90 cửa hàng Phúc Long truyền thống chính thức hoạt động tại 18 tỉnh thành khắp cả nước.
Masan dự kiến, trong năm 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong Wincommerce cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.
Nguồn: Cafebiz
Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH ĐỈNH CAO MARKETING, BÁN HÀNG, KẾT NỐI THỜI ĐẠI SỐ