fbpx

Tín hiệu khả quan sau động thái tăng lãi suất của Fed

Sau động thái nâng lãi suất ngày 27/7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giới đầu tư dường như trở nên an tâm hơn về các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á.

Những phản ứng ban đầu cho thấy nhà đầu tư đặt cược rằng Fed có thể kiểm soát lạm phát mà không gây ra những cuộc tháo chạy của dòng vốn khỏi khu vực này như trong các chu kỳ thắt chặt trước đây.

Thị trường tài chính Mỹ cũng có phản ứng lạc quan ban đầu, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo không nên “mừng vội”.

Bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm mà Fed áp dụng lần này không nằm ngoài dự báo của thị trường, nhưng lãi suất quỹ liên bang (Fed Funds Rate) đã tăng thêm tổng cộng 1,5 điểm phần trăm trong hai lần nâng tháng 6 và tháng 7, mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980, lên khoảng 2,25-2,5%.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định cam kết chống lạm phát và không cho rằng kinh tế Mỹ đang suy thoái. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng hoạt động tiêu dùng và sản xuất trong nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc. Điều này được giới đầu tư và các nhà phân tích xem như một tín hiệu cho thấy sẽ đến lúc Fed giãn tiến độ tăng lãi suất, hoặc một sự xác nhận ngầm rằng lãi suất cơ bản của Fed đã gần đỉnh, đồng nghĩa với mức đỉnh cho tỷ giá đồng USD và mức đáy cho sự bi quan trên thị trường tài chính.

SỰ LẠC QUAN CỦA CHÂU Á

Tuy thị trường tài chính châu Á không ghi nhận một sự bùng nổ trong phiên ngày 28/7, nhưng sự vững vàng của tỷ giá các đồng tiền, của giá trái phiếu và cổ phiếu nói lên một điều rằng nhà đầu tư có thể đã tạm ngừng việc thoái vốn khỏi khu vực. Một vài đồng tiền mất giá mạnh thời gian qua như Won Hàn Quốc và Ringgit Malaysia đã tăng giá đáng kể trong phiên này, thị trường chứng khoán và trái phiếu ở Seoul, Kuala Lumpur, Jakarta và Manila đều có phản ứng tích cực với lần tăng lãi suất mới nhất này của Fed.

 “Những ngày gần đây, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đã bị bán quá nhiều, nhất là các đồng tiền ở khu vực châu Á”, chiến lược gia trưởng về tiền tệ Masafumi Yamamoto thuộc Mizuho Securities nhận định. “Sự tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày 27/7 và những phát biểu bớt phần cứng rắn của ông Powell đã trở thành những nhân tố hỗ trợ cho tỷ giá các đồng tiền ở khu vực châu Á. Sự phục hồi của các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục”.

Hàn Quốc và Indonesia, hai thị trường được xem là “hàn thử biểu” về triển vọng của các thị trường mới nổi, đang phát đi những tín hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua đi. Thay vì sụt giảm mạnh, giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Indonesia duy trì khá vững, cho dù chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu này với trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm trong năm nay.

Hàn Quốc và Indonesia, hai thị trường được xem là “hàn thử biểu” về triển vọng của các thị trường mới nổi, đang phát đi những tín hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua đi.

Đồng Won Hàn Quốc – đồng tiền vốn mất giá nghiêm trọng gần đây do dòng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán nước này khi nhà đầu tư cho rằng nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào công nghiệp nặng và công nghệ cao của Hàn Quốc sẽ gặp khó khi các điều kiện tài chính thắt lại – cũng tạm cắt xu hướng giảm. Sau khi mất giá gần 9% từ đầu năm so với đồng USD, đồng Won có phiên tăng giá mạnh nhất trong gần một tháng vào ngày 27/7, đạt mức cao hơn khoảng 3% so với mức đáy của 13 năm thiết lập hồi trung tuần tháng 7.

“Trong 6-12 tháng tới đây, khi lạm phát dịu đi trên toàn cầu và Fed giãn tiến độ thắt chặt, đồng Won sẽ hưởng lợi”, chiến lược gia Moh Siong Sim của Ngân hàng Bank of Singapore nhận định.

Sau 3 lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed trong chu kỳ thắt chặt này, các thị trường mới nổi cho thấy sự vững vàng hơn nhiều so với ở giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt trước của Fed vào năm 2013. Khi đó, Ấn Độ và Indonesia bị xếp vào nhóm 5 nền kinh tế mới nổi có mức độ dễ tổn thương cao, với các loại tài sản của các quốc gia này dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng lãi suất ở Mỹ.

Thị trường chứng khoán Indonesia đang tiến tới hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4. Đồng Rupiah của Indonesia mới chỉ mất giá 5% từ đầu năm đến nay so với đồng USD, cho dù chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng khoảng 11%.

Ngược lại, vào năm 2013, đồng Rupiah mất giá 21%, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này tăng 3,3 điểm cơ bản, và thị trường chứng khoán Indonesia gần như đi ngang cho dù thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.

NỖI LO “HẠ CÁNH CỨNG” Ở MỸ

“Điều khiến cho chúng tôi ngạc nhiên một cách dễ chịu tính đến thời điểm này là sau đợt nâng lãi suất mới nhất của Fed, các thị trường ở khu vực châu Á đã đứng khá vững, nếu xét tới sức ép mà khu vực đang phải đương đầu”, bà Thu Ha Chow – Trưởng bộ phận trái phiếu châu Á thuộc Công ty quản lý tài sản Hà Lan Robeco – phát biểu.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng rủi ro vẫn còn, nhất là khi một số ngân hàng trung ương, như của Thái Lan và Indonesia, đang dần phải ngả theo áp lực tăng lãi suất theo Fed. Hiện cả Thái Lan và Indonesia đều chưa tăng lãi suất cơ bản từ mức đáy trong đại dịch Covid-19, và đây được xem là nguyên nhân chính khiến đồng tiền của hai nước này chịu sức ép giảm và có thể dẫn tới sự thoái vốn ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường dự báo rằng hai nước sẽ sớm nâng lãi suất.

Ông Howe Chung Wan, Trưởng bộ phận trái phiếu châu Á của Principle Global Investors ở Singapore, nói rằng trong năm nay lạm phát ở Indonesia có thể vượt mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương nước này (BI) đề ra. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng nếu nhà đầu tư tin rằng lạm phát toàn cầu được khống chế, nhà đầu tư sẽ tìm thấy niềm tin vào thị trường Indonesia.

Một cuộc hạ cánh mềm có vẻ là một việc khá khó lần này. Chính sách của Fed không thể tác động trực tiếp lên giá lương thực – thực phẩm hay giá năng lượng. Việc tăng lãi suất đến nay chỉ tác động rất ít đến các thành phần của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi.

Chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principle Global Investors

Đối với các thị trường mới nổi là vậy, còn đối với giới đầu tư ở Mỹ, điều mong mỏi lớn nhất là Fed khống chế được lạm phát mà không gây ra suy thoái. Sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ sau khi Fed nâng lãi suất ngày 27/7 cho thấy nhà đầu tư có vẻ tin rằng Fed sẽ làm được điều này.

Tuy nhiên, trong 11 chu kỳ thắt chặt gần đây nhất của Fed, kinh tế Mỹ chỉ tránh suy thoái được 3 lần. Trong những lần thắt chặt đó, lạm phát ở Mỹ đều thấp hơn mức hiện nay. Việc nhìn lại lịch sử khiến một số nhà phân tích và nhà đầu tư không tránh được sự lo lắng.

“Một cuộc hạ cánh mềm có vẻ là một việc khá khó lần này”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principle Global Investors phát biểu. “Chính sách của Fed không thể tác động trực tiếp lên giá lương thực-thực phẩm hay giá năng lượng. Việc tăng lãi suất đến nay chỉ tác động rất ít đến các thành phần của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, những nhóm mặt hàng vốn có phản ứng rất nhạy với chính sách tiền tệ”.

Trên thực tế, báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 0,9% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 1,6% trong quý 1. Hai quý suy giảm GDP liên tiếp đáp ứng một cuộc suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ chỉ được coi là chính thức suy thoái nếu điều này được công bố bởi Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER), mà cơ quan này còn xét đến một số thước đo khác thay vì chỉ biến động GDP.

Với quan điểm thận trọng, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Mỹ của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, ông Mike Wilson, cho rằng nhà đầu tư không nên “vội mừng” về sự tăng điểm của các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall sau khi Fed nâng lãi suất hôm 27/7. Ông Wilson nhận định sự hào hứng của giới đầu tư khi cho rằng Fed sẽ sớm giãn tiến độ tăng lãi suất là “có vấn đề” và quá sớm.

“Thị trường thường tăng điểm trong khoảng thời gian từ khi Fed dừng tăng lãi suất cho tới khi suy thoái kinh tế bắt đầu. Nhưng lần này, có lẽ sẽ không có nhiều thời gian giữa lúc Fed ngừng tăng lãi suất với khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái”, ông Wilson nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

Hoài An

Vneconomy

 

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề