William O’Neil: Chúng ta không sai, P/E sai
Nhiều nhà phân tích Phố Wall đưa một cổ phiếu vào danh sách “khuyến nghị mua” vì nó đang giao dịch ở mức P/E thấp nhất trong lịch sử biến động của chỉ số này. Họ cũng đưa ra khuyến nghị mua nhiều hơn khi giá cổ phiếu bắt đầu giảm, vì điều này làm giảm chỉ số P/E và khiến nó trông có vẻ như là một món hời lớn.
Vào năm 1998, Gillete và Coca-Cola trông có vẻ là “cơ hội mua tuyệt vời” vì giá cổ phiếu giảm vài điểm và khiến cho P/E trông “hấp dẫn hơn”.Thực sự, lợi nhuận của hai công ty này đang giảm mạnh mới là nguyên nhân chính khiến cho mức định giá trở nên “rẻ hơn”.
Những người tin vào tỷ lệ P/E thường lờ đi xu hướng của thị trường chung. Ví dụ, khi thị trường chung đã đạt đỉnh, nghĩa là tất cả các cổ phiếu đều đang quay đầu đi xuống. Việc kết luận một công ty bị định giá thấp vì nó đã từng giao dịch tại mức P/E 22 lần và nay chỉ còn 15 lần là cực kỳ lố bịch và ngây thơ.
Cách William O’Neil áp dụng P/E
Cách duy nhất ông sử dụng chỉ số P/E là dùng để ước tính mục tiêu giá tiềm năng của một cổ phiếu tăng trưởng trong 6-18 tháng tới dựa trên EPS dự kiến. Ông lấy EPS dự kiến trong hai năm tới, nhân với chỉ số P/E của cổ phiếu đó tại thời điểm xuất hiện nền giá đầu tiên, và tiếp tục nhân 2 hoặc 3 (hoặc con số khác cao hơn nữa). Lý do ông phải nhân 2 hoặc nhân 3 vì đây là sự mở rộng P/E phổ biến của các cổ phiếu trong giai đoạn tăng giá.
Cách sai lầm khi phân tích các công ty sử dụng P/E
Một cách sai lầm để sử dụng chỉ số P/E (cả nhà giao dịch nghiệp dư và chuyên nghiệp đều mắc phải) là đánh giá các cổ phiếu trong ngành và tập trung vào cổ phiếu nào đang được giao dịch với mức P/E thấp nhất (vì họ xem đây là cổ phiếu bị định giá thấp và do đó khuyến nghị mua cổ phiếu này). Thực tế là, mức P/E thấp thường thuộc về công ty có kết quả lợi nhuận tồi tệ nhất.
Một sự thật đơn giản mà bạn cần phải nhớ là, tại bất cứ thời điểm nào, các cổ phiếu luôn luôn được giao dịch ở gần giá trị nội tại của chúng. Một cổ phiếu đang được giao dịch tại mức P/E 20 lần là vì nó có những lý do riêng để xứng đáng với mức định giá ấy. Một cổ phiếu chỉ giao dịch tại mức P/E 7 lần đơn giản vì khả năng sinh lợi kém hơn so với cổ phiếu có P/E cao hơn.
William O’Neil đã ví von trường hợp này như việc bạn không thể mua một chiếc xe Mercedes với giá của một chiếc Chevrolet, và bạn cũng không thể mua một biệt thự tuyệt đẹp hướng ra biển với giá của một ngôi nhà nằm sâu hàng dặm trong đất liền.
Những ví dụ cho thấy P/E cao là một món hời lớn
• Xeror, ngay sau khi vừa mới tung ra sản phẩm máy photocopy khô đầu tiên vào năm 1959, cổ phiếu này đang được giao dịch với P/E 100 lần vào năm 1960, trước khi giá cổ phiếu tăng vọt 3,300% (tương ứng với giá $5 (sau khi chia tách) lên $170).
• Syntex, công ty đầu tiên được cấp bằng sáng chế về thuốc tránh thai, được giao dịch ở mức P/E 45 lần vào tháng 7/1964, trước kchi giá cổ phiếu tăng vọt 400%.
• Genentech, nhà tiên phong về sử dụng các thông tin về gen để phát triển các loại thuốc mới và là công ty công nghệ sinh học đầu tiên được IPO, ban đầu được giao dịch ở mức P/E 200 lần vào tháng 11/1985. Năm tháng sau, giá cổ phiếu tăng 300%.
• American Online, là công ty phần mềm cho phép hàng triệu người tham gia vào một thế giới công nghệ của Internet, đã giao dịch ở mức P/E 100 lần vào tháng 11/1994, tại mức giá $115. Sau đó, giá cổ phiếu tăng lên mức đỉnh $475 vào đầu tháng 1/2006.
Thực sự, các nhà đầu tư quá định kiến với P/E cao sẽ bỏ lỡ hầu hết các cơ hội đầu tư sinh lời nhất trong lịch sử. Trong các thị trường tăng giá, định kiến này sẽ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội làm giàu.
Nguồn: Trích sách Làm giàu từ chứng khoán
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm giàu từ chứng khoán (phiên bản mới) + Hướng dẫn thực hành CANSLIM cho người mới bắt đầu
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)