Mức kháng cự (Resistance Level) là gì? Ví dụ và hạn chế
Mức kháng cự (tiếng Anh: Resistance Level) là điểm giá tại đó giá chứng khoán không thể tăng cao hơn nữa trong một khoảng thời gian do có một số lượng lớn người bán muốn bán chứng khoán đó.
Định nghĩa
Mức kháng cự (Resistance Level)
Khái niệm
Mức kháng cự (hoặc ngưỡng kháng cự) trong tiếng Anh là Resistance hoặc Resistance Level.
Mức kháng cự là mức giá cao nhất của một chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định và tại đó có một số lượng lớn người bán muốn bán chứng khoán này.
Mức kháng cự có thể được giữ trong một khoảng thời gian ngắn hoặc dài hơn tùy thuộc vào các thông tin mới và tâm lí thị trường.
Trong phân tích kĩ thuật, mức kháng cự được biểu diễn trên biểu đồ giá bằng cách vẽ một đường thẳng nối các đỉnh giá trong khoảng thời gian được xem xét. Tùy thuộc vào hành động giá, đường kháng cự có thể thẳng hoặc nghiêng.
Nhà đầu tư có thể xác định mức kháng cự nâng cao bằng cách kết hợp các dải, các đường xu hướng và đường trung bình trượt.
Đặc điểm Mức kháng cự (Resistance Level)
Mức kháng cự và mức hỗ trợ là hai trong những khái niệm quan trọng nhất trong phân tích kĩ thuật giá cổ phiếu.
Phân tích kĩ thuật là một phương pháp phân tích các cổ phiếu, các nhà giao dịch kĩ thuật cố gắng phân tích hướng di chuyển của cổ phiếu trên trong ngắn hạn bằng cách đánh giá hành vi của thị trường chứng khoán trong các tình huống tương tự trong quá khứ.
Các nhà giao dịch kĩ thuật xác định mức kháng cự và mức hỗ trợ để có thể tính thời gian mua hay bán một cổ phiếu thích hợp để tận dụng mọi thời điểm đột phá (tại đó giá chứng khoán có hiện tượng gia tăng và vượt khỏi vùng đỉnh) hay thời điểm đảo chiều xu hướng thị trường.
Ngoài việc xác định các điểm vào lệnh và điểm thoát lệnh, mức kháng cự có thể được sử dụng như một công cụ quản lí rủi ro. Các nhà giao dịch có thể đặt lệnh dừng lỗ để giao dịch theo mức kháng cự hoặc kích thích giao dịch bằng cách phá mức kháng cự (hay chọc thủng mức kháng cự).
Hầu hết các nền tảng giao dịch cung cấp chức năng trực quan hóa mức kháng cự được cập nhật một cách liên tục và mức kháng cự mới được biểu diễn khi có dữ liệu giá mới.
Một số chỉ báo kĩ thuật có thể thay thế cho mức kháng cự. Ví dụ, đường trung bình trượt giản đơn (SMA) có thể được sử dụng thay thế mức kháng cự khi hành động giá nằm dưới đường SMA hay thị trường có xu hướng giảm.
Ví dụ về mức kháng cự
Giả sử một nhà đầu tư đang nghiên cứu lịch sử giá của cổ phiếu công ty Montreal Trucking, kí hiệu là MTC, và muốn xác định thời điểm nào là tối ưu nhất để bán một vị thế bán.
Trong mười hai tháng qua, cổ phiếu giao dịch trong khoảng giá từ 7 đến 15$ trên mỗi cổ phiếu.
Vào tháng thứ hai, giá cổ phiếu tăng lên 15$ và đến tháng thứ 4, nó đã giảm xuống còn 7$. Đến tháng thứ 7, nó lại tăng lên 15$ trước khi giảm xuống còn 10$ vào tháng thứ 9. Tháng thứ 11 giá ở phiếu ở mức 15$ và cuối cùng trong tháng thứ 12, giá giảm xuống còn 13$ trước khi tăng trở lại 15$.
Tại thời điểm này, có thể xác định được mức kháng cự là 15$.
Nếu nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu không có tiềm năng đột phá cao hơn dải giá đã giao dịch trong 12 tháng vừa qua, thì nhà đầu tư nên bán vị thế bán do lượng cung mới xuất hiện trên thị trường sẽ ngăn không cho giá cổ phiếu tăng hơn nữa khi nó đạt 15$.
Tuy nhiên, đôi khi mức kháng cự cũng có thể bị phá (hay còn gọi là bị thủng kháng cự) nếu có sự thay đổi đáng kể trong điều kiện thị trường (nền kinh tế đang bùng nổ tăng trưởng hay mô hình kinh doanh mới của công ty đem lại hiệu quả ngoài mong đợi).
Mức kháng cự và Mức hỗ trợ
Mức hỗ trợ và mức kháng cự là hai khái niệm bổ sung cho nhau.
Mức kháng cự thiết lập giá trần hay đỉnh giá còn mức hỗ trợ thiết lập giá sàn cho một cổ phiếu, một hàng hóa hoặc một loại tiền tệ.
Thời điểm mức hỗ trợ hoặc mức kháng cự bị phá được các nhà đầu tư coi là cơ hội để giao dịch mua hoặc bán.
(Theo Investopedia)
Nguồn: vietnambiz.vn
Các bạn có thể tham khảo thêm về các thuật ngữ khác tại đây
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật
Những góc nhìn độc nhất về sức khỏe thị trường và những tín hiệu đảo chiều sớm