13 thói quen sai lầm đang âm thầm bào mòn túi tiền, đặc biệt là chi tiêu theo cảm xúc
Không lập danh sách trước khi mua hàng, mua hàng theo cảm tính, thích tự thưởng cho bản thân những thứ đắt tiền,… là những thói quen xấu kinh điển đang khiến số tiền trong tay mỗi người không cánh mà bay.
Ngày ngày, vẫn có bao người xung quanh ta đang than phiền về tình hình tài chính của bản thân, mà không biết rằng có những thói quen họ đang ngấm ngầm duy trì là những con sâu đục khoét chiếc ví của họ đến cùng kiệt. Hãy cùng điểm qua những thói quen tiền bạc độc hại mà mọi người cần sớm tỉnh táo để nhận ra và tránh né ngay hôm nay.
1. Mua hàng mà không lên danh sách từ trước
Hầu hết mọi người đều biết mua sắm mà không lập danh sách là một thói quen nguy hiểm, nhưng không để ý rằng mình vẫn làm điều đó mọi lúc. Hãy luôn cố gắng hết sức để luôn lập một danh sách và buộc bản thân phải tuân theo nó. Nếu có vượt ra ngoài danh sách, hãy giới hạn tối đa chỉ 2 mục.
2. Mua hàng theo cảm xúc
Đi vào một cửa hàng trong khi đói là một ví dụ của việc mua theo cảm xúc.
Việc mua theo kiểu bốc đồng diễn ra thường xuyên nhất trên thị trường trực tuyến, vì vậy hãy thử hủy đăng ký nhận các email bán hàng hoặc xóa thông tin thẻ tín dụng đã lưu sẵn trên các trang mua sắm trực tuyến.
3. So sánh với người khác
Những ngôi nhà lớn và những khoản mua sắm mới lớn chỉ cho ta thấy cách một số người tiêu tiền chứ không phải số tiền họ thực sự có. Trên thực tế, rất có thể họ đang phải ngấm ngầm vật lộn với khoản nợ thẻ tín dụng và vay thế chấp.
Và nếu ta cố gắng chạy theo thói quen chi tiêu tài chính của những người xung quanh, ta có thể tự dẫn mình đến thảm họa.
So sánh dẫn đến FOMO, và FOMO dẫn đến ông có tiền.
4. Không chú ý đến số dư tài khoản
Ngày nay, việc kiểm tra số dư tài khoản ở bất kỳ đâu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng có lẽ chính việc xem dễ dàng đã khiến ta phớt lờ nó. Và đây cũng là một thói quen xấu.
Né tránh không xem số dư tài khoản có bao nhiêu tiền giống như việc tránh gặp nha sĩ dù biết rằng mình đang bị sâu răng. Ta có thể tránh được cảm giác khó chịu khi phải đối diện, nhưng những hậu quả vẫn tiếp diễn và không được khắc phục sớm, triệt để. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra để biết tình hình tài chính của bản thân đang đi về đâu và có định hướng điều chỉnh kịp thời.
5. Chi tiêu vì nghĩ điều gì đó là một món hời
Mọi người thích biện minh cho những thứ lớn nhỏ họ mua bằng cách khoe khoang rằng thứ đó tuyệt vời như thế nào. Trong thực tế, nếu đó không phải là thứ ta cần, ta có tiết kiệm được bao nhiêu tiền cũng không quan trọng. Suy cho cùng, ta vẫn vừa mất tiền.
6. Chi tiêu “vì bạn xứng đáng”
Mình xứng đáng với chiếc điện thoại mới nhất. Mình xứng đáng có đôi giày mới vì đã nhận được một công việc mới. Mình xứng đáng để tự đãi bản thân một bữa vì đã đến ngày lĩnh lương…
Chính kiểu suy nghĩ này là nguồn cơn dẫn đến những khoản vung tiền tốn kém.
Những gì ta thực sự xứng đáng là ít nợ hơn, quỹ khẩn cấp có nhiều tiền hơn và giấc ngủ ngon hơn nhờ tất cả những điều đó. Ta xứng đáng có được sự an toàn về tài chính và tiền bạc trong tương lai, nhưng chỉ khi ta biết bỏ đi suy nghĩ “vì bạn xứng đáng” kia.
7. Cho rằng cuộc sống sẽ diễn ra êm ả
Nhiều người luôn thích suy nghĩ rằng cuộc sống đang ổn, không có gì phải lo lắng hay tiêu cực. Nhưng thực tế, luôn có những bất định và những trường hợp khẩn cấp bất ngờ xảy đến.
Có tới 38% người Mỹ có khoản nợ thẻ tín dụng lớn hơn hoặc bằng số tiền tiết kiệm trong quỹ khẩn cấp của họ, và chỉ 44% người Mỹ có đủ khả năng để xử lí một khoản chi phí bất ngờ cỡ 1.000 USD – đó là lời cảnh tỉnh cho những ai còn bình chân như vại và tin tưởng rằng cuộc sống luôn màu hồng.
Hãy tỉnh táo, hãy thực tế, và bắt tay chuẩn bị trước khi quá muộn.
8. Không cân nhắc sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Khi cần đi từ A đến Z, ta thường chỉ cân nhắc lái xe hay đặt Grab. Nhưng có rất nhiều cách khác để di chuyển với giá rẻ.
Ta có thể đi bộ, đi xe đạp, đi xe buýt hoặc thậm chí đi tàu hỏa nếu có thể. Trên thực tế, mỗi lần sử dụng phương tiện công cộng, ta đã tiết kiệm được một khoản đáng kể chi phí đi lại.
9. Không bàn luận về tiền bạc với bạn đời
Tiền là nguyên nhân thứ ba dẫn đến ly hôn, chỉ sau sự không chung thủy. Do đó, điều quan trọng thực sự là cả hai vợ chồng cùng thẳng thắn và tìm giải pháp cho các vấn đề tài chính.
Hãy mạnh dạn chia sẻ với bạn đời về chuyện tiền bạc. Điều đó tốt cho cái ví của hai người và cũng tốt cho cả mối quan hệ chung.
10. Giữ các mục tiêu tiền bạc cá nhân trong lòng
Khoa học cho rằng một người sẽ có thể có tới 100% khả năng đạt được mục tiêu của mình nếu chia sẻ, thảo luận chúng với người khác. Việc đó giúp người đó trở nên có trách nhiệm và luôn cố gắng để giữ mục tiêu trong tầm tay. Do đó, đừng ngại chia sẻ những hoài bão tài chính với những người mà ta tin cậy.
11. Trung thành với một thương hiệu
Việc luôn chạy theo một thương hiệu sẽ tiêu tốn không ít tiền của. Đôi khi, giá trị thương hiệu còn đắt hơn giá trị thực của sản phẩm đó.
Có rất nhiều cách để mua hàng bình thường, không phải hàng hiệu và giúp tiết kiệm tiền. Do đó, hãy thử áp dụng và bạn sẽ ngạc nhiên trước số tiền mà bản thân có thể tiết kiệm được.
12. Chi cho bản thân sau cùng
Bài học đầu tiên mà nhiều người nhận ra trên hành trình tài chính là: Hãy trả tiền cho chính mình trước.
Nhiều người giữ thói quen thanh toán mọi thứ và chi tiêu cho người khác trước, và hy vọng sẽ còn dư gì đó để có thể tiết kiệm cho mình, nhưng thường họ sẽ chẳng còn gì sau vô số các khoản chi kia.
Nếu có thời gian, hãy thử đọc Cha giàu cha nghèo hoặc Người giàu có nhất thành Babylon để tìm hiểu thêm về chủ đề này. Những cuốn sách đó giúp thay đổi cuộc chơi và ta sẽ học được nhiều điều từ đó.
13. Giày vò bản thân vì những sai lầm trong quá khứ
Điều quan trọng là tập trung vào việc học hỏi từ các sai lầm trước đó hơn là chỉ tự trách bản thân. Tự trừng phạt bản thân về mặt tinh thần không có hiệu quả.
Vì thế, hãy làm điều gì đó. Hãy lên kế hoạch. Đề ra các mục tiêu. Và hãy tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ. Từng bước cải thiện thói quen chi tiêu hàng ngày để từng bước cải thiện cuộc sống tương lai.
Hà An
Nguồn: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z